Khủng hoảng đại học: Xung quanh một chữ "tiền"

HỒ QUỐC TUẤN 27/08/2024 05:32 GMT+7

TTCT - "Thời hoàng kim của đại học Anh quốc có thể đã hết", "các trường đại học Mỹ đang trong khủng hoảng". Đây là những tiêu đề báo hàng đầu có thể tìm thấy dễ dàng trên báo chí Anh và Mỹ năm nay và năm ngoái.

Khủng hoảng đại học: Xung quanh một chữ "tiền" - Ảnh 1.

Anrh: ft.com

Nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng, khi hai nền giáo dục thu hút nhiều du học sinh này luôn được chú ý. Ít được chú ý hơn là các đại học tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đối mặt rất nhiều thách thức.

Người học ít đi, học phí tăng lên

Bài toán chung của những nước này là số người đi học đại học không còn nhiều như trước, do chi phí ngày một cao. 

Với sinh viên Anh và Mỹ, tuy có thể vay để học, nhưng khoản nợ học phí sau khi ra trường thường rất lớn với nhiều sinh viên, tới mức một số tin rằng cả đời họ cũng không trả nổi. Đây có thể là hơi thậm xưng, nhưng cũng phản ánh phần nào một thực tế nhức nhối

Vấn đề chung quy lại vẫn nằm ở chữ "tiền". Lấy nước Anh nơi tôi sống làm ví dụ. Với các thế hệ trước 1990, sinh viên học đại học ra dễ kiếm được việc làm tốt, trong khi học phí chỉ khoảng 1.500 - 3.000 bảng Anh/năm, và giá nhà chưa cao không tưởng như bây giờ. 

Học đại học xong, kiếm một việc làm tương đối làm tốt, sau vài năm đi làm, chịu khó chút là đủ tiền đóng đợt đầu để đóng mua nhà trả góp dần. Nay thì điều đó khó thành hiện thực ngay cả với người tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm ở trung tâm tài chính London hay một công ty công nghệ. 

Trong khi đó, nợ học phí và chi phí sinh hoạt ở đại học ngày một tăng. Học phí do nhà nước quy định chẳng hạn, cũng đã tăng lên hơn 9.000 bảng Anh/năm.

Điều đáng nói là ngay cả với mức hơn 9.000 bảng Anh này thì các đại học vẫn đang phải… bù lỗ. 

Chi phí đào tạo tăng cao, trong khi học phí đứng yên 10 năm, và chính phủ thì cắt giảm nhiều khoản tài trợ khác, nên tính chi phí ra cho đúng thì sinh viên Anh đi học vẫn đang được trợ cấp. 

Một giải pháp lập tức với các đại học là tăng học phí sinh viên quốc tế để bù vào, đặc biệt là với các khóa học thạc sĩ. Có những khóa học thạc sĩ ở Anh học phí đã lên tới hơn 50.000 bảng (65.000 đô la). 

Nghĩa là "mô hình tài trợ" của nhiều đại học Anh chủ yếu là lấy tiền của sinh viên quốc tế bù cho sinh viên quốc nội. Một số trường ít tên tuổi hơn, khó thu hút sinh viên quốc tế thì đã giật gấu vá vai từ mấy năm nay, cắt giảm chi phí và đóng cửa một số khoa đào tạo (và tất nhiên là sa thải nhân viên, bao gồm đội ngũ giảng dạy). 

Nhưng đa số các trường khác vẫn tồn tại được theo cách đó, và còn tăng đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút sinh viên quốc tế nữa.

Mô hình đó vận hành ổn ở cả Anh, Úc và Mỹ - lấy tiền sinh viên quốc tế làm phần thu quan trọng.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Với xu thế dân số già, số người trong độ tuổi học đại học từ nhiều nước giảm, trong khi làn sóng chống người nhập cư dẫn đến điều kiện visa ở lại làm việc và chính sách nhập cư siết chặt, sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Phi đều đã chùn chân.

Khủng hoảng đại học: Xung quanh một chữ "tiền" - Ảnh 2.

Ảnh: The Nation

Dữ liệu thị thực mới nhất của Bộ Nội vụ Anh cho thấy đã có 156.800 đơn xin thị thực du học được tài trợ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7-2024, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023. Với Mỹ thì số visa sinh viên Ấn Độ, nước có sinh viên quốc tế đến Mỹ đông nhất, giảm 15% trong nửa đầu năm 2024.

Đây chỉ là những con số nửa đầu năm và đỉnh cao của giai đoạn nộp visa từ tháng 7 trở đi chưa có số liệu, nên chưa thể kết luận gì. Dù vậy, số đại học gặp khó khăn của Anh và Mỹ đã dần lộ rõ với một số cái tên đã được báo chí nhắc đến.

Nhiều trường đóng cửa

Trong trường hợp của Mỹ, đã có 30 trường phải đóng cửa trong năm 2023, và số trường đóng cửa tiếp tục tăng lên trong năm nay. 

Tuy đó chủ yếu là các trường tư, nhưng vào tháng 5 vừa rồi, Paul Basken viết trên Times Higher Education rằng "ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy những người ra quyết sách ở cấp tiểu bang - vốn từ lâu muốn cắt giảm ngân sách cho các trường đại học nhưng không thực sự muốn đóng cửa - có thể đang xem xét lại lập trường". Nghĩa là bây giờ trường đại học công của Mỹ cũng có thể bị đóng cửa.

Ở Anh, bà Jacqui Smith, người được Thủ tướng Keir Starmer bổ nhiệm làm bộ trưởng Giáo dục đại học trong nội các mới, khi bị báo chí truy hỏi liệu có trường đại học phải đóng cửa vì thiếu tiền hay không, đã không trả lời dứt khoát. "Tôi hy vọng điều đó không xảy ra", bà Smith nói nước đôi.

Trong khi đó, báo cáo từ công ty kiểm toán PwC và Office for Students (OfS), cơ quan giám sát giáo dục đại học ở Anh, dự báo 40% đại học Anh sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt (tức thua lỗ) trong năm nay. 

Báo cáo nói nhiều trường lâm vào khó khăn tài chính do "sự suy giảm giá trị thực của học phí, sự phụ thuộc quá mức của một số tổ chức vào sinh viên quốc tế và sự lạc quan sai lầm và phi thực tế về thu hút sinh viên".

Chính tôi từng nghĩ về cơ bản, một năm thua lỗ của 40% trường đại học, và số visa sinh viên nước ngoài, dù có sụt giảm hơn 20% đi nữa (mức cao kỷ lục) thì vẫn không phải là nỗi lo của những trường tốp đầu nước Anh. Nhưng chuyến đi Mỹ hồi đầu tháng 8 gần đây đã làm tôi thay đổi quan điểm.

Khủng hoảng đại học: Xung quanh một chữ "tiền" - Ảnh 3.

Ảnh: Getty

Không chỉ thua lỗ mới khó khăn

Trường không lỗ, nhưng nhiều biện pháp bên trong trường để tiết kiệm chi phí, dự phòng rủi ro sẽ diễn ra (giống như một ngân hàng đổ vỡ sẽ dẫn đến các ngân hàng khác phòng thủ). 

Điều này đang diễn ra ở những đại học giàu có và vẫn đang tuyển dụng với mức lương hai trăm nghìn đô la Mỹ hoặc hơn nữa cho vị trí giảng viên (assistant professor), thường do tiến sĩ mới ra trường đảm nhận. 

Nhưng cắt giảm chi phí chỉ là bề nổi. Ở phần chìm, áp lực làm việc, tăng xuất bản bài báo khoa học chất lượng cao ngày một lớn, và cơ hội được biên chế vĩnh viễn (gọi là tenured) ở các trường tốt tại Mỹ giờ trở nên cực kỳ khó khăn.

Nói cách khác, ngay cả với những trường tưởng là an toàn, sinh viên không sụt giảm hoặc chỉ giảm nhẹ thì áp lực công việc và nhiều thứ cũng sẽ tăng lên, do những trường khác áp dụng nhiều loại "sáng kiến" giảm chi phí, thì tất yếu cả ngành sẽ bị ảnh hưởng theo ít nhiều.

Nói chung, vấn đề của các đại học Anh và Mỹ được chỉ ra rõ ràng: thiếu tiền. Câu chuyện có khác đi với Mỹ khi các trường tư có nguồn tài trợ lớn của mạnh thường quân. Do đó vấn đề sẽ đến khi các trường này mất đi nguồn tài trợ này trong khi nguồn thu học phí suy giảm. 

Kinh tế tăng trưởng chậm góp phần hạn chế nguồn tài trợ. Trong trường hợp của Anh là do sinh viên quốc tế suy giảm (do chính sách về visa ngặt nghèo hơn), trong khi nguồn tài trợ từ chính phủ thì đứng yên trong nhiều năm, còn chi phí thì tăng nhanh. 

Một số trường Nhật Bản và Hàn Quốc thì tương tự Anh ở khía cạnh chi của chính phủ cho đại học không tăng, nhưng chi phí thì tăng. Vừa rồi khi Đại học Tokyo đề xuất tăng học phí, họ cũng đã vấp phải phản đối dữ dội.

Trong trường hợp của Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc, một giải pháp được đưa ra là nâng mức học phí cho sinh viên đại học vốn bị chính phủ kềm hãm 10 năm qua. Nhưng quyết định này lại "gây ra tranh luận về tính bền vững và khả năng tiếp cận giáo dục đại học trước những thách thức về nhân khẩu học và kinh tế".

Tóm lại là không cho tăng học phí, nhưng kêu gọi chính phủ tăng tài trợ cho đại học thì chính phủ lại tuyên bố đại học là "tự chủ" và do đó không nên kỳ vọng vào hỗ trợ từ người nộp thuế để lấp lỗ hổng tài chính như trong trường hợp của Anh.

Quay qua quay lại thì nói chung vẫn là câu hỏi "tiền đâu". Các đại học muốn thu hút sinh viên thì phải đầu tư ngày càng nhiều vào cơ sở vật chất, hay các hoạt động marketing rất tốn kém, cũng như thuê nhiều người làm công việc không liên quan đến giảng dạy (và cả trả lương cao cho lãnh đạo). Giờ sinh viên không tăng như dự kiến (chứ chưa nói là giảm) thì đã thâm hụt rồi.

Còn chính phủ thì đòi chất lượng nhân lực cao, nhưng tăng đầu tư cho giáo dục đại học thì "không có tiền", "các anh tự chủ nên tự lo đi".■

Thiếu luôn cả trường dạy thợ

Một câu chuyện bên lề nữa cũng thú vị. Ở một góc độ nào đó, "khủng hoảng giáo dục đại học" như cách gọi của một số phương tiện truyền thông, là câu chuyện đương nhiên xảy ra.

Như Derwyn Kennedy của Đại học London South Bank từng nhận xét: nếu bạn hỏi một lớp học điển hình ở đây 10 năm trước có bao nhiêu người muốn vào đại học, hầu hết tất cả đều giơ tay. Nhưng bây giờ thì chỉ có khoảng 5 người muốn vào đại học; đa số đang tìm kiếm việc học nghề".

Con số 5/10 người muốn vào đại học này có thể là cảm tính, nhưng nó phản ánh nhu cầu vào đại học đã sụt giảm. Tờ Wall Street Journal cũng có bài viết "Gen Z đang trở thành thế hệ học nghề như thế nào?", ghi nhận ở Mỹ số lượng tuyển sinh vào các chương trình đào tạo nghề đang tăng lên, trong khi tổng số tuyển sinh vào trường cao đẳng cộng đồng và đại học 4 năm đã giảm.

Vấn đề là số trường dạy nghề đủ tiêu chuẩn không có nhiều. Derwyn Kennedy, sau khi chỉ ra rằng nhu cầu học đại học giảm ở Anh, cũng thừa nhận "có một khoảng cách lớn giữa nguồn cung về đào tạo nghề và nhu cầu học nghề."

Mặt khác, các trường đào tạo nghề truyền thống lại đang không đáp ứng được nhu cầu đổi mới nền kinh tế của Anh, khi những khu vực thiếu nhân lực trầm trọng như khoa học sự sống, công nghệ sinh học và công nghệ xanh không có đào tạo nghề tương ứng.

Các trường nghề không thể biến thợ sửa ống nước thành người lắp bơm nhiệt trong những căn nhà mới xây theo tiêu chuẩn môi trường mới. Những kỹ năng cần thiết thật ra không quá khác nhau và cần khoảng 6-8 tuần đào tạo thêm, nhưng không có nguồn tiền để các trường dạy nghề đổi mới.

Đổi từ dạy thầy sang dạy thợ thích ứng với thời cuộc thì cũng cần tiền. Mà với đa số quốc gia, với tỉ lệ nợ công ngày một cao, kiếm ra tiền đầu tư cho giáo dục là một thách thức.

Còn muốn để tư nhân tự đáp ứng yêu cầu thì lại sợ học phí quá cao, dẫn đến không đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững. Với những quốc gia đang phát triển trước nguy cơ già trước khi giàu thì đó càng là một thách thức lớn trong 10 năm tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận