TTCT - Ngày 25-6, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda từ chối thỏa hiệp về các vấn đề quá cảnh hàng hóa tới Kaliningrad. Ông khẳng định Litva sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga vì chiến tranh Ukraine, mặc dù Brussels mới đây đã kêu gọi Litva nhân nhượng trong “vấn đề Kaliningrad”. Cuộc khủng hoảng Kaliningrad bắt đầu từ ngày 18-6, khi Litva tuyên bố ngưng cho phép quá cảnh đường sắt qua nước này đến vùng Kaliningrad của Nga với một danh sách lớn hàng hóa Nga, bao gồm sản phẩm sắt, thép và các kim loại khác, phân bón, gỗ, ximăng, các thiết bị nén khí hóa lỏng khí tự nhiên... Litva giải thích họ tuân thủ các lệnh trừng phạt của châu Âu có hiệu lực từ ngày 17-6. Cao ủy châu Âu đặc trách đối ngoại Josep Borrell ngày 22-6 cũng xác nhận Litva “không liên quan gì trong vụ này”, mà chỉ “thực hiện các lệnh trừng phạt của EU”. Hành lang Suwalki được coi là "nơi nguy hiểm nhất thế giới". Ảnh: euroativHành lang Suwalki: “Nơi nguy hiểm nhất”Kremlin coi các biện pháp này là bất hợp pháp. Bởi theo lý giải của thống đốc vùng Kaliningrad, Anton Alikhanov, EU cần tách biệt rạch ròi hai khái niệm: (1) chuyển hàng hóa của Nga sang châu Âu qua Kaliningrad; và (2) quá cảnh hàng hóa từ Nga sang Nga để tiêu thụ trong lãnh thổ Nga (tức Kaliningrad, vốn là vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở châu Âu). Ngày 21-6, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập đại sứ EU Markus Ederer để phản đối, và được ông Ederer đảm bảo rằng “không có chuyện Kaliningrad bị phong tỏa”. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết Matxcơva đang tiến hành các biện pháp đáp trả “các hành động thù địch”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova chỉ ra rằng phản ứng với việc hạn chế quá cảnh sẽ “không nằm ở khía cạnh ngoại giao, mà là ở bình diện thực tế”.Trong lúc Matxcơva vẫn chưa tuyên bố các phản ứng cụ thể, thì truyền thông Nga đã tích cực “tiến cử” các giải pháp. Chẳng hạn tờ Vzglyad nói Nga có thể trả đũa Litva bằng cách từ chối không cho quá cảnh hàng hóa Nga qua cảng Klaipeda của Litva và ngắt kết nối Litva với Brell (hệ thống điện đồng bộ của các nước Belarus, Nga, Estonia, Latvia và Litva). Brell cho phép cân bằng được mức tiêu thụ điện tăng đột biến hằng ngày. Các nước trong hệ thống cho nhau “mượn tạm” sản lượng điện trong ngày tùy theo nhu cầu, hiện là miễn phí. Nga cũng có thể buộc Litva phải trả tiền cho việc sử dụng hệ thống này.Sở dĩ Litva mạnh tay là vì trong ba nước Baltic, nền kinh tế của họ hiện ít tương thuộc với Nga nhất. Họ không sử dụng Brell như một hệ thống thường trực và không còn mua khí đốt từ Nga. Việc quá cảnh khí đốt Nga qua Litva đã gần như chấm dứt từ đầu những năm 2000. Năm ngoái, quá cảnh Belarus cũng chấm dứt. Ivan Lizan, người đứng đầu văn phòng phân tích Sonar-2050, nhận định trên tờ Vzglyad vì những lý do trên mà “Litva đang hành xử táo bạo, khiêu khích Nga vì lợi ích của Mỹ”.Tất nhiên, lá bài luôn được Nga viện tới là khí đốt. Theo truyền thông Nga, trên lý thuyết, Matxcơva có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt không phải với Litva mà ở quy mô toàn châu Âu về khí đốt. Hiện châu Âu không có nguồn thay thế nào so được với Nga. Việc giảm sản lượng từ Nga được dự báo sẽ khiến giá nhiên liệu xanh này tăng lên vài nghìn đôla/nghìn mét khối. Nguy cơ là toàn bộ ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất của EU sẽ ngay lập tức đình trệ và kinh tế EU sẽ rơi vào suy thoái, lạm phát có thể tăng lên 20% và các hạn chế với cung cấp điện cho hộ gia đình có thể phải được ban bố, theo Igor Yushkov, chuyên gia Quỹ an ninh năng lượng quốc gia Nga.Một giải pháp nữa cũng được nói tới là... quân sự. Trong lúc Matxcơva vừa biệt phái Thư ký Hội đồng An ninh Patrushev đến Kaliningrad thị sát tình hình, các nhà hoạch định quân sự phương Tây đã đề cập đến nguy cơ Nga dùng vũ lực để mở lối vào Kaliningrad trên đất liền từ biên giới Belarus, mà họ gọi là “hành lang Suwalki”. Đó là dải lãnh thổ chiến lược hẹp ở biên giới đông nam Litva, dài khoảng 100km bám theo biên giới Litva - Ba Lan, giữa Belarus ở phía đông và Kaliningrad ở phía tây. Họ cảnh báo khu vực này có thể là một trong những mục tiêu đầu tiên mà tổng thống Nga “chọn để leo thang chiến tranh ở Ukraine, thành động lực đối đầu với NATO”. Tờ Politico còn gọi hành lang Suwalki là “nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất”. Tên lửa Iskander của Nga được triển khai ở Kaliningrad. Ảnh: TassEU đổi giọngTrong hai ngày từ 22-6, Matxcơva liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov gọi quyết định của Litva là “chưa từng có tiền lệ”. Thượng nghị sĩ Andrey Klimov thậm chí coi việc phong tỏa Kaliningrad là “một hành động xâm lược trực tiếp chống lại Nga, buộc nước này phải dùng đến biện pháp tự vệ”.Mặt khác, Kaliningrad chuẩn bị thích nghi với tình hình mới: vận chuyển hàng hóa từ Nga sang bằng đường biển. Thống đốc Alikhanov cho biết với nền kinh tế Kaliningrad, tình hình này “khó chịu, nhưng có thể giải quyết được”. “Trong vòng một tuần, các tàu hàng mới sẽ vào Kaliningrad theo tuyến phà Ust-Luga-Baltiysk”, ông Alikhanov nói, và các cảng của các nước Baltic thuộc EU sẽ không thể hoạt động bình thường nếu không có đường sắt trung chuyển từ Nga. Việc áp đặt hạn chế với việc vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad của Litva do đó gây tổn hại cho nền kinh tế của chính EU.Trong lúc Nga vẫn còn chuẩn bị các biện pháp đáp trả, đến 24-6, ông Borrell lại tuyên bố các lệnh trừng phạt sẽ được sửa đổi. Cụ thể, “EU sẽ xem lại các chỉ dẫn trừng phạt để thể hiện rõ rằng chúng tôi sẽ không chặn hoặc ngăn cản lưu thông hàng hóa từ Nga tới Kaliningrad”. Hành động này được Nga nhận định là một bước thỏa hiệp của Brussels. Tuy nhiên, ngược với tuyên bố của EU, ngày 25-6, ông Nauseda quyết định không nhượng bộ. Ông kêu gọi Chính phủ Litva đàm phán khẩn cấp với Brussels, “sao cho việc thực hiện các trừng phạt của EU không ảnh hưởng tới lợi ích của Litva nhưng vẫn gây tổn hại cho Nga”.Nhà phân tích chính trị Pavel Shipilin tin rằng Litva đi vào xung đột chỉ vì cho rằng có thể chống lại Nga nếu tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ. “Người Mỹ ngày nay cần những điểm nổ như vậy, tốt nhất là ở khắp châu Âu hoặc ít nhất là ở phía đông để giải quyết vấn đề của họ”, ông Shipilin lập luận. Ông cho rằng nếu Nga quyết định lập hành lang Suwalki, họ sẽ làm lợi cho người Mỹ, “bởi nó sẽ tạo ra căng thẳng ở Đông Âu. Người châu Âu sẽ buộc phải phản ứng. Họ hiểu rất rõ điều này và đang thuyết phục Litva rút lui”.Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã nhắc đến điều 5 của hiến chương NATO khi trả lời câu hỏi của báo giới: “Liệu Mỹ có hỗ trợ Litva nếu Nga thực hiện các biện pháp quân sự?”. Ông Price khẳng định sẽ thực hiện nghĩa vụ với đồng minh nều cần thiết. Litva còn có thể dựa vào nước láng giềng Ba Lan, khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói về “mối đe dọa Nga tấn công trên hành lang Suwalki”, rằng sự hiện diện quân sự của Ba Lan và NATO ở gần “hành lang Suwalki” là “đầy đủ và mạnh mẽ”.Có thể thấy dù EU đã đổi giọng, nhưng Vilnius nhất quyết tiếp tục chính sách trừng phạt khi được NATO “bật đèn xanh”. Căng thẳng vì thế vẫn chưa hoàn toàn hạ nhiệt. Ngày 25-6, trong cuộc gặp với người đồng cấp Lukashenko, ông Putin nói rằng Liên bang Nga và Belarus có nghĩa vụ quan tâm đến an ninh của liên minh. Trong những tháng tới, Nga sẽ bàn giao hệ thống tên lửa Iskander-M cho Belarus. Ngoài ra, ông Putin còn đề xuất trang bị bổ sung cho các máy bay cường kích Su-25 của Belarus. Về phần mình, ông A. Lukashenko so sánh hành động cô lập Kaliningrad của Litva với việc tuyên chiến, lưu ý rằng ông “khó chịu” trước chính sách hiếu chiến của Litva và Ba Lan.■Kaliningrad nằm ở Trung Âu, là vùng cực tây của Nga, phía nam giáp với Ba Lan, phía bắc và đông giáp Litva. Phía tây là biển Baltic. Kaliningrad không có biên giới trên bộ với khối lãnh thổ Nga chính, và nếu bị Litva phong tỏa thì chỉ có thể tới Nga bằng đường biển. Trong lịch sử, Kaliningrad từng là thành Twangste thuộc Phổ (trước năm 1255), rồi Königsberg của Đức (từ 1255-1945, có gián đoạn), thái ấp Królewiec thuộc Ba Lan (1466-1657), và lãnh thổ Nga từ 1945 theo Hội nghị Postdam. Năm 1946, nó được đổi tên thành Kaliningrad để vinh danh nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Kalinin.Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Kaliningrad trở thành lãnh thổ tách rời của Nga. Sự cô lập này càng rõ ràng về mặt chính trị khi Ba Lan và Litva trở thành thành viên NATO, rồi EU. Tất cả các liên kết quân sự và dân sự trên bộ giữa Kaliningrad và phần còn lại của Nga đều phải thông qua các thành viên của NATO và EU. Tags: NgaLitvaKaliningradChiến tranh Nga UkraineSuwalki
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...