TTCT - Trong khi báo chí Nga thận trọng nói về một “cuộc khủng hoảng năng lượng”, thì các tờ báo phương Tây, như Telegraph đã gọi tên một cuộc “chiến tranh khí đốt”. Điều gì đang xảy ra trên thị trường năng lượng thế giới? Giá khí đốt ở châu Âu bắt đầu tăng vào tháng 4 năm nay và kể từ đó đã tăng gấp 8 lần: giá khí đốt giao sau tại Trung tâm TTF ở Hà Lan đạt mức 1.969,2 USD/1.000m3. Để so sánh: vào đầu năm, hợp đồng kỳ hạn được giao dịch ở mức 265 USD/1.000m3.Các loại giá khí đốt tiêu chuẩn đều tăng mạnh trong khoảng nửa năm qua. Ảnh: Global LNG Hub Nguyên do khủng hoảngCác chuyên gia đã nêu ra một loạt nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao. Theo phân tích của kinh tế gia Arthur Safiulin trên trang Realnoe Vremya, có một số nguyên nhân như sau:(1) Mức cầu tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch. Khi kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nhu cầu năng lượng tăng 5,6% - mức kỷ lục trong 80 năm. Trong khi đó, các nhà sản xuất khí đốt đã giảm khai thác và sản xuất khí hóa lỏng (LNG). Sản lượng khí đốt tự nhiên riêng ở châu Âu giảm 24%, tương đương 12,5 tỉ m3, so với cùng kỳ năm 2019 - 2020. (2) Nhu cầu tăng theo mùa: Do thời tiết lạnh giá bất thường vào mùa đông năm ngoái, nhu cầu sử dụng khí đốt tăng mạnh ở châu Âu. Việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo giảm cũng khiến khí đốt tăng giá: ở Biển Bắc không có gió mạnh để tải các tuabin gió. Mùa hè vừa rồi, nhu cầu khí đốt tiếp tục tăng do nắng nóng bất thường và mức tiêu thụ điện cao hơn, trong khi hạn hán ở Bắc và Nam bán cầu đã làm giảm sản lượng của các nhà máy thủy điện. Nhu cầu LNG ở châu Á thì tăng mạnh và giá cả ở thị trường này luôn cao hơn châu Âu, nên vào mùa xuân và mùa hè, các nhà cung cấp đã bơm khí đốt sang châu Á, giảm nguồn cung sang châu Âu. Điều đó khiến tỉ lệ lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu vào cuối tháng 4 chỉ là 30%, đến cuối mùa hè con số này tăng nhưng cũng chỉ tới 68%, trong khi mức được cho là không đe dọa khủng hoảng phải là 85 - 90%.Để so sánh: năm 2020, tỉ lệ lấp đầy các kho chứa của châu Âu vào tháng 9 là 94%. Tổng cộng, 14 tỉ m3 khí đốt đã không được cung cấp cho châu Âu. Với tổng lượng khí tiêu thụ 550 tỉ m3 mỗi năm, con số cung không đủ cầu 4 - 5% là đủ khiến thị trường chao đảo, do khí đốt là mặt hàng rất thiết yếu với những xứ lạnh như châu Âu.(3) Vấn đề nhập khẩu: Liên bang Nga, theo truyền thống, là một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu - khoảng 22% tổng lượng tiêu thụ, tức 115 - 120 tỉ m3 mỗi năm. Từ tháng 1 đến tháng 8-2021, xuất khẩu của Nga đạt 99 tỉ m3, ít hơn 19,3 tỉ so với cùng kỳ năm ngoái.Nguyên nhân, theo Arthur Safiulin, không phải do Gazprom không cung cấp số lượng cần thiết: toàn bộ vấn đề nằm ở việc EU muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đã mua ít hơn trước. Dựa vào các nguồn năng lượng khác, chẳng hạn như LNG, năng lượng tái tạo, EU đã quyết định sử dụng thị trường giao ngay, theo nguyên tắc “tại đây và ngay bây giờ”, thay vì ký kết các hợp đồng dài hạn cũng với Gazprom. Moldova có thể phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì thiếu khí đốt. Ảnh: euneighbourseast.eu (4) Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Gần đây, các nước EU bắt đầu từ bỏ việc sử dụng than làm nhiên liệu cho các nhà máy điện nhằm giảm lượng khí thải vào khí quyển. Giải pháp thay thế là chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo - năng lượng mặt trời, gió. Ngoài ra, ngành điện hạt nhân gần như đóng cửa hoàn toàn sau sự cố Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.Tính già hóa nonMột trong những hậu quả rõ ràng nhất của việc tăng giá khí đốt sẽ là việc tăng chi phí với người dân và các ngành sản xuất. Lợi nhuận của hoạt động sản xuất đang bị ăn mòn bởi chi phí gia tăng, các công ty buộc phải tăng giá bán. Điều đáng lo là đến nay không có khả năng giảm giá trên thị trường giao ngay. Các nhà sản xuất lớn khác như Qatar, Úc hay Nigeria vẫn chỉ tập trung cho thị trường châu Á, nơi giá cao hơn, như đã nói. Vì thế, từ chối hợp đồng dài hạn với Gazprom, theo kinh tế gia Arthur Safiulin, các quốc gia châu Âu đã “tự bắn vào chân mình”.Igor Zakharov, người sáng lập hệ sinh thái kỹ thuật số DBX, phân tích: Trước đó, Gazprom xuất khẩu chủ yếu theo các hợp đồng bao tiêu dài hạn. Công ty có nghĩa vụ cung cấp khí tối đa đúng hạn như trong hợp đồng. Người mua phải trả tiền, không quan trọng là đã sử dụng bao nhiêu, giống như một hợp đồng đăng ký thuê bao Internet. Mỗi tháng một người trả khoản tiền cố định cho đơn vị cung cấp dịch vụ Internet để có một dung lượng truy cập tối đa. Ngay cả khi lưu lượng truy cập là bằng không thì vẫn trả số tiền đó.Theo Igor Zakharov, “các hợp đồng dài hạn mang lại độ tin cậy và ổn định. Công thức giá có tính đến sự thay đổi trong 6 đến 9 tháng trước. Tuy nhiên, châu Âu không ủng hộ phương thức này, nên họ không gia hạn hợp đồng mà chuyển sang phương thức giao hàng ngay - bạn mua bao nhiêu tùy thích, theo giá thị trường hiện giờ”.Nhưng EU đã “tính già hóa non”. Đơn cử là trường hợp Moldova, nơi đang tính toán ban bố tình trạng khẩn cấp do khan hiếm khí đốt. Nếu có thể gia hạn hợp đồng theo các điều khoản mà Moldova và Nga đã thống nhất vào tháng 9-2019, Moldova sẽ nhận được khí đốt vào quý 4-2021 với mức giá không quá 250 USD/1.000m3.Tuy nhiên, các cuộc thương lượng về hợp đồng đã không xảy ra, sau khi Đảng PAS thân châu Âu lên nắm quyền ở nước này và có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại. Kết quả, Moldova đang phải đối mặt mức giá thị trường dao động trong khoảng 800 - 900 USD/1.000m3. Để so sánh: Hungary đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên có thời hạn 15 năm với Gazprom, nên giá ở giai đoạn hiện nay là khoảng 350 USD/1.000m3, bất chấp giá giao ngay ngoài thị trường tự do đang gấp gần 6 lần.Đáng nói hơn, việc từ chối các hợp đồng dài hạn với Gazprom là một quyết định mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế.Ai được lợi?Bản thân Gazprom, trong bối cảnh giá cả tăng cao vào cuối năm 2021, sẽ kiếm được khoảng 45 tỉ USD vượt kế hoạch, điều này đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn tăng lên. Ngoài ra, các công ty Nga sản xuất các sản phẩm xuất khẩu (ví dụ như phân bón) nhận được khí đốt với giá 5.000 rúp/1.000m3 (khoảng 68 - 70 USD) sẽ có lợi thế lớn về chi phí. Trong cuộc khủng hoảng này, Nga nhìn chung đang ở một vị thế tốt. Trong bối cảnh đại dịch, thu nhập của dân chúng bình thường hầu hết các nơi đã giảm, trong khi lạm phát lại tăng nhanh thì hiệu ứng sóng lan có thể khiến tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu.Tuy nhiên ngoài Nga, nước thực sự nhận được siêu lợi nhuận trong đợt tăng giá hiện nay chính là... Trung Quốc. Theo J.P. Morgan, trong quý 3-2021 chi phí trung bình của việc cung cấp khí đốt qua hệ thống “Sức mạnh Siberia” của Nga cho Trung Quốc là 140 USD/1.000m3, thấp hơn 8,4 lần so với giá giao ngay và 4,2 lần so với thị trường LNG. Trong khi đó, ngày 12-10, giá gas giao ngay tại Trung Quốc lên tới khoảng 1.173,4 USD/1.000m3.Gazprom không nhận được đồng nào trong khoản chênh lệch đó, mà là Công ty nhà nước PetroChina của Trung Quốc, vốn bán khí đốt của Nga trên thị trường nội địa đắt gấp 1,5 lần so với mua từ Gazprom. Vài tháng qua, Trung Quốc đã tối đa hóa việc khai thác khí đốt thông qua Sức mạnh Siberia. Nửa đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm ngoái, Gazprom đã tăng nguồn cung qua đường ống dẫn khí này gấp 2,9 lần. Báo Độc Lập Nga đưa tin này, khẳng định: Trung Quốc đang mua khí đốt của Nga với giá rẻ nhất thế giới!Trong những tháng gần đây, giá khí đốt giao sau ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Trong khi vào tháng 8, giá hầu như không vượt quá 500 USD. Ngày 6-10, giá đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.937 USD/1.000m3, sau đó là một đợt giảm giá nhưng vẫn trên mốc 1.000 USD. Tình hình đỡ căng thẳng là nhờ tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khí đốt ở Trung Quốc chậm lại. Tháng 8-2021, mức tăng tiêu thụ khí đốt nước này là 12% (so với 20% vào tháng 8-2020). Áp lực lên thị trường châu Âu có thể giảm bớt do nguồn cung từ khu vực châu Á chuyển hướng. Ngoài ra, giá khí đốt và LNG cao đang buộc các nhà nhập khẩu châu Á sử dụng nhiều than và dầu hơn để sản xuất điện. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán mức giá hiện tại sẽ duy trì ít nhất cho đến cuối quý 1-2022. Tags: NgaEUKhí đốtCuộc chiến khí đốtKhủng hoảng năng lượng
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc THÀNH CHUNG 11/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là ngôi sao của ASEAN QUỲNH TRUNG 11/10/2024 Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11-10 tại Lào. Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo một số nước dự hội nghị ASEAN.
Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024 NGỌC HIỂN 11/10/2024 Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu" năm 2024 vào tối 11-10.
Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, người dùng điện phải trả thêm bao nhiêu? NGỌC AN 11/10/2024 Việc tăng giá điện tác động thế nào đến các hộ tiêu dùng điện, khách hàng nào phải trả tăng tiền điện nhiều nhất?