Kịch bản nào cho hồ tiêu Việt Nam?

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 27/08/2014 02:08 GMT+7

TTCT - 13 năm liên tục ở “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới”, hạt tiêu Việt Nam đang ở thời kỳ huy hoàng nhất. Quy hoạch phát triển cho ngành này vừa được ban hành cuối tháng 6, nay đã bộc lộ tính thiếu thực tế...

Tiêu xuất khẩu được giá, nông dân phấn khởi tăng diện tích trồng, chuyên gia cảnh báo coi chừng “bội thực” - Ảnh: T.B.D.

Các nhà hoạch định chiến lược hoàn toàn có lý khi khẳng định quy hoạch phát triển phải dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững... Nhưng, dường như các nhà hoạch định lại đang tự mâu thuẫn với chính mình trong mục tiêu phát triển và định hướng quy hoạch.

Giữ kỷ luật hay giả làm ngơ?

Hồ tiêu của Việt Nam là cây trồng có sức cạnh tranh đặc biệt lớn, thị trường thế giới lại rất hút hàng, giá hồ tiêu xuất khẩu đang cao kỷ lục khiến nông dân trồng tiêu lãi to. Cho nên không chỉ nông dân, mà có lẽ ngay cả các cơ quan quản lý địa phương cũng đang làm ngơ trước mệnh lệnh xóa bỏ hơn 20% diện tích hồ tiêu nằm ngoài quy hoạch.

Trước hết, nếu diện tích trồng hồ tiêu năm 2013 tăng theo diện tích cho thu hoạch như đã được công bố thì tổng diện tích đã đạt hơn 62.000ha, tức là tăng khoảng 12.000ha (23,8%) trong vòng bốn năm gần đây. So với quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích hồ tiêu duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, thì con số tăng nói trên phải xử sao đây?

Tại sao diện tích hồ tiêu lại tăng nóng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng do giá hồ tiêu xuất khẩu những năm gần đây đã hai lần tăng đột biến. Nếu như giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2006 chỉ đạt 1.632 USD/tấn thì năm 2007 tăng gấp đôi lên 3.269 USD/tấn, nửa đầu năm nay đã là 7.156 USD/tấn. Đây chính là nguồn động lực cực lớn thúc đẩy nông dân dồn sức phát triển cây tiêu.

Doanh thu từ hồ tiêu cao hơn bất kỳ loại cây công nghiệp lâu năm nào khác, mỗi hecta hồ tiêu đạt hơn 14.200 USD, cao gấp 5,2 lần so với cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè và điều. Rõ ràng với doanh thu như vậy, chắc chắn “phán quyết” giảm mạnh diện tích đang lãi “khủng” hiện nay để chuyển sang các loại cây cho doanh thu thấp hơn là điều quá khó để nông dân chấp nhận, nếu không muốn nói là không thể.

Giá có thể tăng mãi được không?

Giá hồ tiêu tăng nóng như vậy có phải nhờ ngành hồ tiêu nước ta đã điều tiết được giá thế giới, trong đó công đầu thuộc về nông dân, như nhiều ý kiến đã khẳng định? Các số liệu thống kê hoàn toàn đủ để cho phép khẳng định rằng đây chỉ là điều kiện đủ, khi điều kiện cần đã xuất hiện.

Trước hết, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), diện tích hồ tiêu thế giới năm 2012 đã giảm xuống 540.000ha (từ 640.000ha năm 2006), tức là đã giảm tới 15,7%. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2012 chỉ đạt 461.000 tấn, vẫn giảm 5.000 tấn so với kỷ lục 466.000 tấn trước đó sáu năm, do năng suất trong cùng kỳ tăng khá.

Theo ước tính của IPC, sản lượng hồ tiêu thế giới năm nay lại giảm do mất mùa và gần như sẽ trở lại như mức đã đạt được năm 2006. Như vậy, sản lượng hồ tiêu thế giới bảy năm gần đây hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nghĩa là nguồn cung khan hiếm làm giá liên tục sốt nóng.

Trong điều kiện cán cân cung - cầu nghiêng về phía các quốc gia xuất khẩu như vậy, với tỉ trọng thị phần xấp xỉ 39% trong những năm gần đây, việc nông dân trồng hồ tiêu nước ta không ồ ạt bán ra ở những thời điểm nhất định, họ đã tận dụng được cơ hội mà thị trường mang lại.

Bởi lẽ, nếu như diện tích và sản lượng hồ tiêu thế giới tăng mạnh như những năm trước đây, giá hồ tiêu liên tục đứng ở mức thấp thì cho dù điều tiết được lượng xuất khẩu, chắc chắn họ cũng không có phép mầu nào để đẩy giá xuất khẩu nhúc nhích.

Theo quy luật thị trường hàng hóa thế giới, sau một thời gian tăng nóng đủ dài, giá cả sẽ thúc đẩy sản xuất tăng mạnh, dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ giảm mạnh cũng trong một thời gian đủ dài, một chu kỳ gồm hai pha nóng, lạnh tương tự sẽ được lặp lại. Điều đó đã được chứng minh trong ba thập kỷ gần đây. Thị trường hồ tiêu đã trải qua hai chu kỳ sốt nóng - lạnh 1985-1993 và 1994-2005, từ năm 2006 đến nay là giai đoạn sốt nóng.

Trong khi đó, với tổng sản lượng ổn định ở mức 140.000 tấn theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỉ USD, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta ít nhất phải đạt khoảng 8.600-9.300 USD/tấn, tức là sẽ tăng khoảng 30-40% so với năm 2013.

Cho dù mục tiêu này còn được hỗ trợ bởi việc nâng cao chất lượng và tái cơ cấu, nhưng sau pha sốt nóng đã bước sang năm thứ tám hiện nay, không ai dám đoán chắc giá hồ tiêu thế giới sẽ còn liên tục tăng mạnh như hiện nay. Và nếu giá tiếp tục tăng nóng như vậy, chắc chắn nông dân nước ta sẽ còn dồn sức hơn nữa để phát triển hồ tiêu, cho nên mục tiêu giảm diện tích sẽ càng xa vời hơn nữa.

Hướng đi nào?

Như đã nói ở trên, cho dù giá hồ tiêu năm nay đã bước sang năm thứ tám sốt nóng, mà theo quy luật sau “nóng” sẽ là “lạnh”. Nhưng cũng lại có những dự đoán rằng nhiều khả năng chu kỳ “nóng” còn kéo dài khoảng ba bốn năm nữa và sẽ đạt kỷ lục về thời gian sốt nóng kể từ thập niên 1960 trở lại đây.

Lý do chủ yếu để suy đoán như vậy là do châu Á chiếm gần 90% diện tích và 84% sản lượng hồ tiêu thế giới đang đối mặt với nguy cơ El Nino, cho nên rất khó để khôi phục nhanh diện tích trong ngắn hạn.

Trong đó, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong khi diện tích hồ tiêu của “người khổng lồ” Ấn Độ đạt kỷ lục hơn 260.000ha năm 2006, chiếm 40,7% tổng diện tích thế giới, nhưng năm 2012 vẫn ở sát mức đáy 185.000ha.

Bên cạnh đó, một “đại gia” khác về diện tích hồ tiêu là Indonesia với gần 179.000ha (năm 2012) cũng chỉ có năng suất khiêm tốn ở mức 58% năng suất bình quân của thế giới, cho nên khả năng nhanh chóng phục hồi diện tích bị giảm rất lớn cũng không hề dễ dàng.

Trong điều kiện như vậy, với ưu thế vượt trội gấp 2,34 lần năng suất bình quân của thế giới và gấp 4 lần của Indonesia, thậm chí gấp 6,9 lần của Ấn Độ..., rõ ràng sức cạnh tranh của hồ tiêu nước ta là đặc biệt lớn.

Thực tế đó có lẽ cho phép khẳng định rằng việc nông dân nước ta tăng rất mạnh diện tích hồ tiêu kể từ cuối thập niên 1990, thậm chí tăng ồ ạt ngay cả trong những năm sốt lạnh giá hồ tiêu thế giới đầu thế kỷ này và giành luôn “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới” để hưởng lợi giá hồ tiêu thế giới sốt nóng từ năm 2006 đến nay là lựa chọn đúng.

Trong bối cảnh như vậy, ép nông dân giảm mạnh diện tích là một việc khó. Chấp nhận diện tích hiện có, hay thậm chí tăng thêm, làm tăng vọt năng suất lên gấp rưỡi như mục tiêu đã đề ra cần phải dựa trên cơ sở tính toán và năng lực dự báo thị trường giỏi của đội ngũ chuyên môn có nghiệp vụ vững vàng.

Giảm diện tích và sản lượng trong lúc sốt nóng giá cả thế giới vẫn còn ở phía trước là một quyết định không dễ dàng. Nhưng rõ ràng, trong tư thế dẫn đầu hiện nay, một nỗ lực cần làm tốt bên cạnh năng suất và tái cơ cấu mặt hàng là việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho “tiêu Việt Nam”, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Vỡ quy hoạch

Giá hồ tiêu thực tế tại vườn ở Gia Lai dao động ở mức 190.000-200.000 đồng/kg đang tiếp tục kéo dài cơn sốt hồ tiêu nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước này. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000ha nhưng chỉ mới đến giữa năm nay đã vượt lên 10.000ha.

Chia sẻ về thực trạng này, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Lê Văn Lịnh nói: “Còn năm năm nữa mới tới thời điểm chốt của quy hoạch hồ tiêu toàn tỉnh nhưng đến giờ đã có tới gần 10.000ha hồ tiêu rồi. Chúng tôi cố gắng khống chế, khuyến cáo người dân nhưng không thể kiểm soát được”.

Ông Lịnh cũng nói hiện nay tỉnh Gia Lai chưa có một nhà máy chế biến hồ tiêu tập trung nào, đầu ra cho sản phẩm lẫn các công tác hỗ trợ khuyến nông đi kèm (bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh, tìm kiếm thị trường...) chưa thật sự mạnh nên việc hồ tiêu vỡ quy hoạch đang tạo ra những nguy cơ trước mắt: được mùa rớt giá, mất mùa được giá.

Gia Lai có vùng chuyên canh hồ tiêu nổi tiếng, đã tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Ở địa phương này, cây tiêu đã giúp nông dân đổi đời, nhiều hộ gia đình thu nhập tiền tỉ từ các vườn hồ tiêu. Ông Hồ Phước Bính - đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (huyện Chư Sê) - cho biết hiện diện tích hồ tiêu của riêng Chư Sê đã lên tới gần 2.500ha.

Theo tính toán của người dân ở đây, trung bình 1ha tiêu thụ được từ 700-800 triệu đồng, trừ chi phí nắm chắc trong tay 400-500 triệu đồng. Hấp lực này khiến rất nhiều hộ nông dân tại các huyện Chư Sê, Chư Prông, Đắk Đoa, Đức Cơ... của tỉnh Gia Lai đã chặt bỏ các vườn cây khác chuyển qua trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ dân nếm trái đắng từ việc chuyển qua trồng loại cây này. Ông Lê Đình Hân, nông dân ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, cho biết trước đây trồng 900 trụ tiêu, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đến năm 2009, gia đình tăng thêm gần 1,5ha trồng hồ tiêu. Nhưng rồi “quả đắng” hồ tiêu bắt đầu ập đến. “Gần 900 trụ tiêu của tôi đã bị nhiễm bệnh chết, bao nhiêu tiền của, công sức ra đi” - ông Hân nói.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai cho thấy năm 2012 và 2013 toàn tỉnh có gần 500ha tiêu bị chết do nhiễm bệnh nấm, chỉ riêng năm 2014 diện tích tiêu chết đã lên trên 600ha và đang có xu hướng tăng.

THÁI BÁ DŨNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận