Lại một năm tin giả thêm tinh vi

TRÚC ANH 29/12/2019 19:12 GMT+7

Tin tức giả ngày nay muôn hình vạn trạng. Ảnh: parents.com
Tin tức giả ngày nay muôn hình vạn trạng. Ảnh: parents.com

TTCT - Từ fake news (tin tức giả) phổ biến từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Năm 2019 đã gần kết thúc và giờ đây, khi nước Mỹ đang tiến đến một cuộc bầu cử tổng thống nữa, fake news đã trở thành vấn nạn toàn cầu, tồn tại với muôn hình vạn trạng.

Khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter tăng cường cuộc chiến chống tin tức giả, tin tức xuyên tạc và sai lệch đã có ngay “định dạng” mới: meme (hình ảnh viral, tức lan truyền nhanh trên mạng). Meme được đánh giá là “tương lai của tin tức sai lệch và tin tức giả” và có thể trở thành “công cụ truyền tải tin giả” còn nguy hiểm hơn các bài viết fake news trên Facebook.

Điều này không khó để giải thích: người ta dễ ấn tượng với một bức ảnh kèm thông điệp hơn là dành thì giờ đọc một đoạn văn bản dài (có cài cắm fake news). Việc Instagram bắt đầu có chức năng cảnh báo các bức ảnh đưa lên nền tảng này có thể chứa thông tin sai lệch từ tháng 10 cho thấy mạng xã hội “cùng nhà” với Facebook đã thực sự trở thành mặt trận mới của fake news.

Năm 2019 chứng kiến nhiều nỗ lực chống tin giả của Facebook, Google và Twitter thông qua việc “tìm và diệt” các tài khoản xấu, cung cấp công cụ kiểm tra tính xác thực của thông tin và tăng cường cảnh báo nội dung nghi là fake news cho người dùng.

Thế nhưng cuộc chiến giữa tin giả và công cụ chống tin giả cũng như cuộc đấu của kẻ viết virút và phần mềm chống virút hay giữa tin tặc và chuyên viên bảo mật: bên này ra công cụ chống hay phòng thủ mới thì bên kia lại nghĩ ra cách mới để tấn công. Một trong những công cụ mới đó là deepfake, công nghệ tạo video giả, “nhét chữ vào mồm” nhân vật.

Dù xuất hiện từ năm 2017, deepfake được nhắc nhiều trong năm 2019 bởi một lẽ tự nhiên: hai năm là quá đủ để công nghệ này cải thiện, tạo ra các video “giả như thật” và vì thế khiến nó trở thành một thứ vũ khí fake news thực sự nguy hiểm.

Chẳng thế mà hồi giữa tháng 12, Facebook trí tuệ nhân tạo (AI), đơn vị nghiên cứu AI của Facebook, chính thức phát động Deepfake Detection Challenge, cuộc thi tạo ra công cụ tự động phát hiện video deepfake. Facebook treo thưởng 10 triệu USD cho các công trình thắng cuộc và dự án còn có sự đồng hành của Amazon, Microsoft, Tổ chức Partnership on AI và học giả từ 8 trường đại học lớn (Cornell Tech, MIT, Oxford).

Một nét đáng chú ý khác về bức tranh fake news trong năm 2019 là một số chính phủ đã hình sự hóa việc truyền bá thông tin sai sự thật trên không gian ảo. Có thể lấy ví dụ POFMA, đạo luật chống thao túng và thông tin sai lệch trực tuyến chính thức có hiệu lực từ tháng 10 ở Singapore, hay việc Trung Quốc từ tháng 11 đã xem việc phát tán tin tức giả và video deepfake là tội hình sự.

Và chẳng nhìn đâu xa, trong năm qua cũng có hàng loạt trường hợp người Việt Nam bị phạt hành chính vì tung tin thất thiệt, từ chuyện dịch tả lợn hay virút ăn thịt người đến bắt cóc trẻ em trên Facebook.

Nếu những xôn xao về fake news ở Mỹ đều hướng về cuộc bầu cử 2020 thì đừng quên tin giả đâu chỉ có chuyện chính trị mà còn y tế, môi trường, đời sống. Một nghiên cứu mới do Đại học Kingston (Anh) thực hiện cho thấy hơn 60% tin tức giả về sức khỏe trên mạng được người đọc xem là “đáng tin cậy”. Để không mắc bẫy fake news, không có cách nào khác là tỉnh táo, vận dụng mọi kỹ năng kiểm tra thông tin trước khi tin vào một cái gì đó.

Hãy “luyện” cho “cảm biến” phát hiện fake news của ta ngày một nhạy hơn: nếu gặp một thông tin quá tốt hay quá tệ để có thể tin được, đừng vội tương tác (bình luận, chia sẻ) ngay mà hãy chậm lại, nhìn kỹ hơn và thử tìm một số nguồn khả tín (báo chính thống, tài khoản mạng xã hội, trang web của đơn vị có liên quan) có thể xác thực thông tin.

Cũng cần có thêm kỹ năng kiểm tra đường link chia sẻ trên mạng; nếu là bài báo, cần để ý xem thời gian xuất bản gốc là khi nào, vì có nhiều trường hợp đăng lại bài báo cũ và làm như thể chuyện mới xảy ra.

Những gợi ý này không bao giờ thừa, do lẽ ta đang sống trong thời đại chân, giả lẫn lộn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận