Làm việc nhà: Tính công làm sao với nhau?

PHẠM PHONG 02/04/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Phải làm sao nếu không còn sự thương yêu để mà tự giác đỡ đần? Một lời khuyên: “Hãy tưởng tượng đây là vợ của thủ trưởng!”.

 
 "Em có thể nhận lấy cái vinh hạnh được nhận thêm trách nhiệm, trong khi đời anh về cơ bản là không thay đổi được không?" -(Cartoon của The New Yorker)

 

Khi còn yêu nhau và sắp sửa lấy nhau về, một trong những câu chuyện đáng yêu nhất chính là bàn về phân công công việc trong cái tổ chim cu sau này. “Em” lo phần nấu cơm, rửa bát, giặt ủi đồ, đi chợ, cho con ăn, cho con tắm. “Anh” lo sửa nhà cửa, sửa điện nước, lau nhà, chở con đi học, chở “em” đi công chuyện…

SỰ NHÀM CHÁN CỦA VIỆC NHÀ

Mô hình màu hồng được thông qua nhanh chóng, nhất trí cao ngày ấy sau vài năm “phu phụ” đa phần là biến tướng và hỏng bét. Người phụ nữ thong thả ngày nào giờ quay cuồng mãi trong bếp, nơi sàn nước.

Theo tờ Independent, trong hai năm 2010 và 2011, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 8.500 cặp vợ chồng. Họ phát hiện ra phụ nữ có gia đình trung bình làm việc nhà 16 tiếng, còn đàn ông làm chưa tới 6 tiếng. 

Đội nghiên cứu lại chia tiếp các đối tượng thành nhiều nhóm: ông kiếm nhiều tiền hơn bà, bà kiếm nhiều tiền hơn ông, ông bà kiếm tiền bằng nhau,… nhưng kết quả dù có cao thấp thế nào thì tựu trung phụ nữ vẫn làm việc nhà nhiều hơn nam giới.

Rõ ràng phải có một sự không hài lòng trong đám phụ nữ, cho rằng cái thỏa thuận ngày ấy quá là “ngây thơ”, không lường được hết gánh nặng của sự nhàm chán và tủn mủn của việc nhà. 

Một bài viết trên The Guardian cho rằng việc nhà “đáng ghét” ở chỗ không bao giờ kết thúc, ta sẽ chẳng bao giờ có thể xoa tay vui mừng vì “dứt điểm”: rửa bát đĩa cho sạch để rồi ngày mai lại bẩn tiếp, moi đồ chơi của con trong gầm ra để rồi tí nữa nó lại ném vào… 

Trong khi đó, phần việc của đàn ông là sửa nhà, sửa điện nước thì có khi cả năm không phải làm, hoặc nếu có thì cũng chỉ là gọi thợ. Cái cảm giác mình bận đến không còn thời gian còn “nó” thì thong dong lắm khi dâng đến uất nghẹn tới mức nhiều phụ nữ tự ví mình là “người ở”, là “làm không công” và đấu tranh nếu không phải để được “bình đẳng” thì ít ra cũng được bù đắp, được “tính công”.

TÍNH BAO NHIÊU THÌ VỪA?

Hồi tháng 2-2021, tòa án Bắc Kinh xử một vụ ly hôn “lạ lùng”. Cô Vương lấy anh Trần năm 2015, sau 5 năm họ có chung một cậu con trai, rồi họ ra tòa. Tại tòa, cô Vương nói rằng cô phải chăm sóc đứa bé, thu xếp việc vặt trong nhà, trong lúc chồng cô chỉ biết đi làm, không màng tới chuyện cùng tham gia việc nhà với vợ.

Tòa quyết rằng anh Trần phải đền bù cho vợ 50.000 tệ, tương đương 7.700 USD, tức khoảng 4 USD một ngày cho “lao động trong gia đình”. 

Phán quyết này dựa trên một điều luật 1088 mới ra hồi tháng 1-2021 trong bộ Luật dân sự của Trung Quốc, theo đó nếu một người phối ngẫu phải gánh thêm trách nhiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc người già hoặc trợ giúp người kia trong công việc thì sẽ có quyền đòi bên kia bù đắp khi ly dị.

Con số 4 USD này căn cứ trên số giờ trung bình mà phụ nữ Trung Quốc bỏ ra để làm việc nhà là 4 tiếng mỗi ngày (đàn ông bỏ ra 1,5 tiếng mỗi ngày). So với Ấn Độ, con số này có “bình đẳng” hơn: phụ nữ Ấn bỏ ra trung bình 5 tiếng mỗi ngày, đàn ông chỉ bỏ nửa tiếng.

Đòi hỏi của cô Vương cũng như phán quyết của tòa Bắc Kinh trở thành đề tài nóng sốt cho bao nhiêu bài báo và tranh luận trên các diễn đàn. Nhiều người tán thưởng, coi đó là một bước tiến tích cực (“Có thế chứ! Cũng phải nhìn nhận chứ!”); nhiều người coi đó là vô lý, thậm chí bần tiện, vì nhà sạch thì cô Vương cũng hưởng, cơm ngon thì cô cũng ăn và con ngoan thì cô ấy cũng vui - nào phải là làm không công cho nhà ai xa lạ.

Con số 1 USD/giờ hay 4 USD/ngày ấy cũng là một con số cào bằng, vì có người vợ vụng cũng như có người vợ đảm, chất lượng rất khác. Anh Trần chồng cô hoàn toàn có thể thuê luật sư cãi lại, rằng chính anh cũng phải được bù đắp, rằng áo cô giặt không sạch, cô không biết chăm con, cô lại hầm hầm trong lúc làm việc nhà khiến anh ăn cơm mà “bát cơm chan đầy nước mắt”… 

Tóm lại là “dịch vụ” của cô không đáng đồng tiền bát gạo. Thật chẳng ai thẩm định được những việc thế này, nhưng có lẽ anh Trần quá chán chỉ muốn phủi đi cho rồi, cho nên ta không nghe nói anh ấy cãi lại gì sau đó.

Minh họa

 NẾU CẦN THAY ĐỔI THÌ ĐỔI THẾ NÀO?

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, rõ ràng mọi việc đã rất khác xưa. Phụ nữ cũng thích ra ngoài làm và muốn nam giới cũng phải chia việc nhà cùng với mình. 

Quay lại nghiên cứu mà tờ Independent nói, kết luận của nhóm nghiên cứu rằng (ngay cả) ở Anh vẫn chưa có bình đẳng trong phân chia công việc, rằng chuẩn mực thông thường về giới vẫn mạnh lắm, rằng muốn thay đổi sự bất bình đẳng này thì cách duy nhất là thay đổi thái độ đối với chuẩn mực “cổ lỗ” ấy.

Nhưng bình đẳng làm sao được khi mà nam và nữ mang thái độ đối với việc nhà khác hẳn nhau. Bài viết trên The Guardian nêu ra vài “căn bệnh” của phụ nữ khiến việc nhà thành gánh nặng.

Thứ nhất là bệnh “vơ giá trị vào mình”. Phụ nữ gán độ “nữ tính” của mình vào việc cơm ngon, nhà sạch. Đến thăm người quen, thấy nhà bừa bộn thì y như rằng thầm kết luận phụ nữ nhà này không ra gì. 

Quan điểm “truyền thống” ấy quả đúng như bài báo tóm tắt: “Một người đàn ông chú trọng giữ cho nhà cửa sạch chỉ là một người đàn ông thích ở sạch; một người phụ nữ không giữ cho nhà được sạch là một phụ nữ tồi”.

Thứ hai là bệnh không tin người khác làm đúng chuẩn. Khi giao việc nhà cho chồng, thường trong đầu người vợ đã đoán sẵn “thể nào cũng không ra gì?”. Trong một cuộc khảo sát ở Mỹ, một số phụ nữ bảo họ thà giao việc cho con còn hơn cho chồng. Phụ nữ giành rửa bát vì nghĩ chồng không rửa sạch bằng mình; giành lau nhà vì chồng lau lần nào cũng ẩu… 

Trong khi đó, người bênh vực cho rằng không phải đàn ông cố tình làm ẩu mà chỉ vì họ không quan tâm lắm đến việc nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ như phụ nữ. Họ không có cái thôi thúc phải dọn cho gọn nhà tắm, sạch bàn ăn. Họ cũng không coi giá trị của họ nằm ở những việc đó. Họ không quan tâm nên không có một tiêu chuẩn cụ thể thế nào là sạch là gọn để mà khi làm sẽ bám theo tiêu chuẩn ấy, cũng hệt như phụ nữ khi ngồi lên xe thì chỉ cần là xe đi được và không có một tiêu chuẩn cụ thể thế nào là “chạy ngon”.

Nhà báo Jonathan Chait từng viết rằng ta chỉ có thể nói bất bình đẳng trong phân công việc nhà là một hiện tượng đàn ông bóc lột công sức của phụ nữ chừng nào cánh đàn ông cũng hưởng niềm vui sướng khi thấy nhà gọn nhà sạch như phụ nữ. Nhưng như đã nói, đàn ông không quan tâm lắm tới việc đó.

Chait kể: “Tôi thích vứt bừa các tạp chí trên bàn cà phê. Vợ tôi thì không. Tôi sẽ không phản đối nếu cô ấy xếp gọn lại vào đâu đó. Nhưng khi vợ tôi làm thế, tôi cũng không coi là cô ấy đang làm việc nhà đâu!”.

Khác nhau căn bản vậy, nên để thay đổi, có người đề xuất là tất cả hãy bớt làm việc nhà lại: “Việc nhà có lẽ là vấn đề tranh cãi duy nhất mà giải pháp hữu hiệu chính là làm càng ít và quan tâm càng ít… Cứ để cầu thang bừa bộn đi. Đừng vội sửa cánh cửa làm gì. Tường nhà chưa sơn, cứ để đấy. Giường ngủ dậy chẳng việc gì phải dọn”. 

Nếu một bên đã không thấy đó là vấn đề mà bên kia vẫn cứ lồng lộn muốn làm thì đó phải gọi là “tự nguyện”, là khác biệt về tiêu chuẩn sống và đó lại là một câu chuyện khác, phụ nữ hoàn toàn có thể tự quyết mình có dọn dẹp cho… bản thân thấy sung sướng không!

 
 "Không khéo thì một ngày nào đó tất cả chỗ này sẽ thuộc về con". Tranh: cartoonstock.com

 MỖI NGƯỜI MỘT VIỆC

Thế thì phân công việc nhà thế nào cho bình đẳng? Có lẽ phụ nữ cứ làm ở đúng mức mà bản năng phụ nữ mình còn thấy thích và xin hãy yên tâm rằng nếu nhà có bớt sạch một chút, tủ có bớt gọn một chút thì cũng không ai để ý đâu, các chị cứ thong thả để đến một ngày sau hẵng dọn. Cũng như nếu lúc nào đó không thích nấu thì có thể mua ở ngoài về… 

Cũng đừng so kè với nam giới trong nhà. Rồi thể nào cũng sẽ có những việc lớn các chị cần đến họ, như sửa nhà, sửa điện, dạy con; mà đó là những việc bắt buộc, nặng nề, do gắn với “giá trị thằng đàn ông”, không thể “thích thì làm” như nhiều việc mà các chị đang làm đây.

Nhưng nói thế không phải là để chấp nhận một người đàn ông ngồi xem phim, uống bia trong lúc vợ mình vừa phải bế con vừa phải lau nhà. “Đỡ đần” là từ phản ảnh chính xác nhất niềm mong mỏi của phụ nữ, rằng nếu nấu cơm, dọn nhà là thú vui và nghĩa vụ (nhiều phần là tự quàng vào) của phụ nữ thì cánh đàn ông đừng khiến cho cái thú vui ấy, nghĩa vụ ấy thành nặng nề bằng những hạch sách về ăn uống, bằng sự dửng dưng chỉ giương mắt nhìn.

Qua thời gian, qua những trận cãi vã, việc đàn ông trở nên dửng dưng trước cảnh vợ mình nội trợ vất vả là chuyện rất phổ biến, đặc biệt là khi người đàn ông ấy là nguồn kiếm tiền chính của gia đình. Phải làm sao nếu không còn sự thương yêu để mà tự giác đỡ đần? 

Một lời khuyên: “Hãy tưởng tượng đây là vợ của thủ trưởng!”. Ta có dám để “bà ấy” làm đồng thời nhiều việc bở hơi tai mà không giúp một tay không? Câu trả lời chắc chắn là “không”.■

(*) tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận