Nếu không còn 'cánh chim báo bão'

TỊNH ANH 04/04/2025 07:18 GMT+7

TTCT - Nếu một ngày "cánh chim báo bão" NOAA (Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ) không còn hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả như trước, hậu quả sẽ không chỉ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ mà còn là cơn ác mộng toàn cầu.

Khí tượng - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc tại Trung tâm bão quốc gia thuộc NOAA. Ảnh: Shutterstock

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sa thải 880 nhân viên NOAA vào ngày 27-2, và được cho là có kế hoạch cắt giảm thêm 1.000 nhân sự nữa, truyền thông Mỹ đưa tin từ giữa tháng 3. Cơ quan này cũng áp dụng quy định mới, yêu cầu các nhà khoa học hạn chế trao đổi với học giả nước ngoài.

Với vai trò cung cấp dữ liệu thời tiết, cảnh báo thiên tai và nghiên cứu khí hậu không chỉ cho nước Mỹ, việc cắt giảm nhân sự và hạn chế hợp tác quốc tế ở NOAA có thể sẽ khiến cả nước Mỹ lẫn thế giới trả giá đắt.

Vai trò to lớn

"NOAA đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống hạ tầng toàn cầu, dù vai trò của nó thường không được chú ý" - Space.com ngày 14-3 nhận định. Các nhân viên NOAA thường xuyên thu thập dữ liệu thời tiết phục vụ dự báo hằng ngày, theo dõi bão, hỗ trợ kiểm soát không lưu, vận hành tàu biển, tăng cường công tác cứu hộ cháy rừng và đảm bảo độ chính xác của các ứng dụng thời tiết trên điện thoại di động. Các dữ liệu này cũng được chia sẻ miễn phí với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nơi dễ bị tổn thương bởi thiên tai.

Theo The New York Times, số nhân sự bị cắt giảm (và tự xin nghỉ) của NOAA có thể sẽ chiếm gần 20% trong tổng số khoảng 13.000 nhân viên của cơ quan này. Daniel Swain, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học California, Los Angeles, cho rằng có "lý do tin cậy" để tin rằng sẽ còn thêm nhiều đợt cắt giảm mạnh tay hơn nữa - con số cuối cùng có thể lên tới 50%. Nếu điều đó xảy ra, hậu quả đối với NOAA sẽ rất thảm khốc, bởi nó "tương đương với việc giảm 90-100% khả năng hoạt động" của cơ quan này.

Trong số những người đã bị sa thải, có nhiều nhà khí tượng học tại Cơ quan Khí tượng quốc gia thuộc NOAA. Họ là những người đã cung cấp các dự báo thời tiết mang tính sống còn trong các tình huống thảm họa, không chỉ cho công chúng mà còn cho các sở cứu hỏa và các cơ quan giao thông vận tải.

Một số tác động tiêu cực đã diễn ra lập tức. Ngày 27-2, khi NOAA bắt đầu đợt sa thải đầu tiên, hoạt động thả bóng thám không - quy trình thu thập dữ liệu thô để cải thiện mô hình dự báo thời tiết - đã bị đình chỉ vô thời hạn tại Alaska do thiếu nhân sự, tiếp sau đó là ở New York và Maine. 

Việc đóng cửa các trạm thả bóng thám không đồng nghĩa với việc mất đi nhiều dữ liệu địa phương, và những khoảng trống này sẽ có thể làm giảm độ chính xác tổng thể của dự báo thời tiết. 

Do nhân sự bị cắt giảm, các cuộc họp báo hằng tháng, trong đó các nhà khoa học cung cấp thông tin về tình hình khí hậu toàn cầu trong tháng trước cho giới truyền thông, đã bị đình chỉ vô thời hạn.

Khí tượng - Ảnh 2.

Nhân viên NOAA biểu tình vì sa thải hàng loạt. Ảnh: Reuters

Các đợt sa thải ở NOAA diễn ra ngay trước mùa thời tiết cực đoan, khiến các nhà khoa học lo sợ rằng số lượng nhân viên giàu kinh nghiệm bị giảm sút sẽ ảnh hưởng đến khả năng cải tiến các mô hình khí hậu và thời tiết. Điều này có thể làm suy giảm hiệu quả cảnh báo sớm về bão, cháy rừng và các thảm họa khác vốn đang trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Theo Tạp chí Science Focus, Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ cũng cảnh báo các đợt sa thải hàng loạt và thay đổi nhân sự tại NOAA có thể khiến các dự báo thời tiết của nước này kém chính xác hơn và "hậu quả đối với người dân Mỹ sẽ rất lớn và trên diện rộng, bao gồm việc gia tăng nguy cơ trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm". 

Về lâu dài, nó có thể làm giảm độ chính xác của các bản tin thời tiết nói chung, vì ngay cả các ứng dụng thời tiết thương mại cũng dựa vào dữ liệu và mô hình dự báo từ NOAA.

Tác động ngoài nước Mỹ

Trước đợt sa thải tháng 2 ở NOAA, Swain cùng hơn 2.500 chuyên gia khoa học khác đã ký vào một bức thư ngỏ gửi Quốc hội, nhấn mạnh nếu không còn một NOAA hoạt động mạnh mẽ, "thế giới sẽ đối mặt với những hiểm họa ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu mà không có sự chuẩn bị". Cái giá có thể là mạng người, những người sẽ thiệt mạng vì các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa liên quan lẽ ra tránh được nếu NOAA được phép hoạt động như cũ.

Dự báo thời tiết chính xác phụ thuộc vào luồng dữ liệu liên tục về các điều kiện thời gian thực trên toàn cầu, được thu thập từ các phao đại dương, vệ tinh, radar và các cảm biến khác. Dữ liệu này sau đó được đưa vào các mô hình thời tiết toàn cầu, làm nền tảng cho cả dự báo của các cơ quan công lập lẫn tư nhân. 

Phần lớn dữ liệu và mô hình dự báo của thế giới hiện nay do NOAA cung cấp. Việc cắt giảm nhân sự ở cơ quan này vì vậy có thể ảnh hưởng đến những hoạt động thu thập dữ liệu quan trọng này, khiến chất lượng dự báo suy giảm.

Chẳng hạn, ít nhất 8 người - tức 1/4 tổng nhân sự của Trung tâm Mô hình hóa môi trường thuộc NOAA - đã bị sa thải. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình nghiên cứu nhằm cải thiện các mô hình thời tiết toàn cầu hiện tại, Science Focus dẫn lời Andy Hazelton, chuyên gia cải thiện dự báo bão của trung tâm vừa bị sa thải, cho biết.

Ngoài ra, theo The Guardian ngày 17-3, việc cắt giảm nhân sự và đình chỉ hợp tác quốc tế tại NOAA - một trong những cơ quan khoa học hàng đầu của Mỹ - có thể "làm suy giảm nghiêm trọng" khả năng dự báo thời tiết chính xác của Úc vì dữ liệu khí quyển từ vệ tinh của NOAA đóng vai trò quan trọng trong các dự báo thời tiết của Cục Khí tượng nước này (BoM).

Mặc dù BoM cũng sử dụng dữ liệu vệ tinh từ Nhật Bản và châu Âu, nhưng theo tiến sĩ Helen Beggs, một nhà khoa học cấp cao vừa nghỉ hưu, các vệ tinh của NOAA vẫn cung cấp dữ liệu nhiệt độ bề mặt biển (SST) chính xác nhất và có độ chi tiết không gian cao nhất mà cơ quan này sử dụng trong các hoạt động dự báo hằng ngày. 

Giáo sư Andy Hogg, giám đốc Hệ thống mô phỏng khí hậu của Úc, gọi Mỹ là "đầu tàu" trong lĩnh vực mô phỏng khí hậu, và nếu họ suy giảm năng lực, "sẽ là tổn thất chung cho cả thế giới".

Tương tự, Ấn Độ là một trong các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các quan sát đại dương do NOAA tài trợ và duy trì. Các nhà khoa học Ấn Độ kết hợp dữ liệu từ NOAA với hệ thống quan trắc của riêng họ để dự báo các thảm họa liên quan đến gió mùa.

Roxy Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng nhiệt đới Ấn Độ, cho biết nếu hệ thống giám sát đại dương của NOAA bị gián đoạn, các dự báo thời tiết của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn đánh giá sai cường độ của một cơn bão hoặc dự đoán sai hướng đi của nó - cả hai đều có thể gây hậu quả thảm khốc đối với các khu vực ven biển đông dân cư của Ấn Độ.

Và khi dữ liệu chất lượng không khí bị "ém"

Đầu tháng 3, Chính phủ Mỹ tuyên bố dừng truyền dữ liệu trong chương trình giám sát chất lượng không khí từ các đại sứ quán và lãnh sự quán đến ứng dụng AirNow của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và các nền tảng khác, vốn là nguồn theo dõi và phân tích chất lượng không khí tại các thành phố trên thế giới của người dân và nhà khoa học trên toàn cầu.

Các thiết bị giám sát chất lượng không khí của Mỹ đo nồng độ bụi mịn PM2.5, có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Dữ liệu này có độ tin cậy cao, giúp theo dõi chất lượng không khí trên toàn cầu và là động lực thúc đẩy các chính phủ hành động để cải thiện môi trường, vì thế thông tin ngừng chia sẻ - mà Mỹ nói là "do hạn chế về ngân sách" - khiến giới khoa học bất bình.

Bhargav Krishna, chuyên gia về ô nhiễm không khí tại tổ chức Sustainable Futures Collaborative (New Delhi, Ấn Độ), gọi việc mất dữ liệu này là "một cú giáng mạnh" đối với nghiên cứu về chất lượng không khí. "Hệ thống giám sát của Mỹ nằm trong số ít cảm biến có mặt tại nhiều quốc gia đang phát triển và đóng vai trò tham chiếu để hiểu rõ chất lượng không khí. Chúng cũng được xem là nguồn dữ liệu có hiệu chuẩn tốt và khách quan, giúp đối chiếu với dữ liệu địa phương trong trường hợp có nghi ngờ về độ chính xác" - Krishna nói với AP.

Khalid Khan, một chuyên gia môi trường và nhà hoạt động tại Pakistan, lưu ý rằng những người dễ bị tổn thương nhất ở Pakistan và trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vì họ ít có khả năng tiếp cận các nguồn dữ liệu đáng tin cậy khác. Tại châu Phi, chương trình này từng cung cấp dữ liệu chất lượng không khí cho hơn một chục quốc gia, bao gồm Senegal, Nigeria, Chad và Madagascar. Một số quốc gia này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống giám sát của Mỹ để theo dõi chất lượng không khí.

Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng sẽ bị ảnh hưởng do chương trình của Mỹ bị đình chỉ. Nhiều quốc gia nghèo không có hệ thống theo dõi không khí vì chi phí lắp đặt và vận hành trạm quan trắc quá cao, khiến họ hoàn toàn dựa vào dữ liệu từ các đại sứ quán Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận