TTCT - Từ các miền quê nghèo, những gia đình 2-3 thế hệ đến Sài Gòn làm thợ rày đây mai đó, lang bạt hết công trình này đến công trình khác. Những chiếc lán tạm bợ là nhà và từ đó những đứa trẻ đã lớn lên. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhiễn (quê Kiên Giang) “du mục” theo công trình ở Sài Gòn đã 6 năm - Ảnh: YẾN TRINH Mới 5 tuổi, Nguyễn Quốc Kiệt (quê Hậu Giang) đã có “thâm niên” bốn năm theo cha là anh Nguyễn Quốc Toàn (23 tuổi) đi khắp các công trình xây dựng. Sáng sớm, Kiệt chạy chơi quanh quẩn bên chiếc lán dựng lên sáu tháng nay của nhóm công nhân xây dựng bờ kè sông Soài Rạp (Q.7, TP.HCM). Phía xa, anh Toàn mím môi mím lợi bê từng bao cát đắp bờ kè, thi thoảng lại đưa mắt ngó chừng con trai. Những đứa trẻ công trình Khi mấy người trong nhóm thợ nghỉ trưa, anh Toàn giở nồi cơm bới cho con trai tô cơm ăn với bắp cải xào và mớ tép bắt được lúc sáng sớm ở con rạch gần đó. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt xương xẩu già trước tuổi, anh cũng bới một tô. Hai cha con vừa ăn vừa nói bâng quơ. Hỏi về những ngày cơ cực nhất, anh Toàn nhớ lại: “Có đợt Kiệt bị bịnh tay chân miệng, tui phải nghỉ làm đưa đi khoa nhi Bệnh viện Cần Thơ chữa hết cả tuần. Nhưng cũng không cực bằng lúc nhỏ xíu, nó thiếu sữa khóc suốt, lại hay bịnh”. Mẹ bỏ đi khi Kiệt mới 6 tháng tuổi, cậu bé được gửi cho bà nội chăm nom. Anh Toàn làm thợ hồ, sáng nào 5g cũng nhờ xe từ Hậu Giang lên Cần Thơ đi làm, tối mịt mới về nhà. Anh kể: “Đi mần như vậy sốt ruột lắm, bà nội cũng bịnh tật, lớn tuổi mà còn phải trông thằng Kiệt. Nhiều lần nó đau bịnh, tui phải đón xe từ Cần Thơ ngược về để đưa đi bệnh viện”. Khi Kiệt lên 4 tuổi, ở quê thất nghiệp triền miên, anh Toàn dắt con lên Bình Dương đi theo một công trình xây dựng. Công trình xây xong, anh lại lên Sài Gòn rồi nhập nhóm công nhân bờ kè hai tháng nay. Bữa ăn trong lán trại dựng tạm với mớ tép tự bắt của những công nhân đang thi công bờ kè sông Soài Rạp - Ảnh: MẬU TRƯỜNG Trong chiếc võng đong đưa liên tục để tránh muỗi, con trai 7 tháng tuổi của chị Nguyễn Bích Ngọc (23 tuổi) ngủ ngon lành. Hai vợ chồng sau thời gian trầy trật vì ở Hậu Giang ít công trình nên dắt nhau lên Sài Gòn. Chị Ngọc mang thai, vỏn vẹn sáu tháng nghỉ sinh là hai vợ chồng về Hậu Giang bồng bế con lên Sài Gòn ở đến nay. “Lúc mới tới đây xung quanh rậm rạp lắm, suốt ngày thằng nhỏ bị con này con nọ cắn sưng vù. Nhiều đêm nó khóc suốt không ngủ. Chồng tui với mấy người nữa cầm rựa đi phát cây lùm cho quang đãng, giờ mới đỡ đó”. Còn cha con ông Đặng Văn Sơn (49 tuổi, quê An Giang) dắt díu lên Sài Gòn một năm nay. Gà trống nuôi con trai Đặng Văn Phấn (hiện 20 tuổi) và con gái Đặng Thị Ngọc (8 tuổi) từ khi Ngọc mới được 10 tháng tuổi. Đối với ông Sơn, Ngọc là tất cả niềm hi vọng của ông. Cô bé có mái tóc dài xoăn nhẹ, gương mặt bầu bĩnh. “Thiệt không thể kể hết khổ cực khi nuôi con. Thằng Phấn 13 tuổi thấy cha cực quá thì nghỉ học, đi bán vé số phụ nuôi em, rồi một mình nó lên Sài Gòn đi phụ hồ. Tui mới lên theo nó mấy tháng nay vì dưới quê không có ai mướn” - ông nói. Hầu hết những gia đình “du mục” theo công trình đều phải mang theo con nhỏ để tiện chăm sóc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG Ngủ nhà... lầu, ở lán tạm bợ Nắng rát mặt, anh Lê Tăng Điều (31 tuổi) xây nốt mảng tường còn lại của căn nhà ở đường Bờ Kinh Cây Khô (H.Nhà Bè). Kế bên, chị Nguyễn Thị Nhiễn, vợ anh (30 tuổi, cùng quê Kiên Giang), gồng mình trộn ximăng và cát để tiếp cho chồng. Chừng 10g, chị Nhiễn tranh thủ chạy xuống cái lán của hai vợ chồng để nấu cơm trưa. Lán được làm từ mớ cây ván thừa của chủ công trình, mái tôn nóng hừng hực, nền đất nhão nhoẹt. Một dây treo quần áo vắt vẻo trên tấm vách thể hiện rõ cuộc sống tạm bợ của hai vợ chồng. Chị Nhiễn mở cái tủ gỗ nhỏ lấy ra đĩa khổ qua xào trứng và tô canh rau muống, nói: “Ở đây chuột dữ lắm nên anh Điều phải xin gỗ đóng cái tủ bỏ đồ ăn vô. Sáng ảnh dậy sớm đi chợ nhỏ gần đây mua đồ ăn. Hai vợ chồng nấu cơm ăn sáng luôn cho đỡ tốn”. Sau khi hâm nóng thức ăn, nấu nồi cơm, chị Nhiễn lật đật chạy ra chỗ chồng tiếp tục công việc. Lên Sài Gòn được sáu năm, vợ chồng chị Nhiễn bắt đầu làm phụ hồ cho một công trình ở khu Phú Mỹ Hưng (Q.7). Đây được coi là những tháng ngày “rực rỡ” của hai vợ chồng bởi vừa mới lên Sài Gòn lại nhận được công trình lớn, “không sợ đói”, theo lời chị Nhiễn. Chị tâm sự: “Nghề này nhà người ta chưa ở thì mình đã vô ở trước rồi. Đó là lúc mấy tầng xây xong, mình mắc võng ngủ trưa, hoặc tối ngủ luôn ở trỏng. Tự dưng được ở nhà lầu. Sướng”. Người phụ nữ được dân thợ gọi tên “Lùn” bởi thân hình thấp bé, đen nhẻm này kể tiếp: “Sáu tháng sau ảnh lên thợ chính, tiền công cỡ 300.000 đồng/ngày. Tui thợ phụ thì lương 220.000 đồng/ngày. Xong ở Q.7, hai vợ chồng qua Q.12, rồi Q.Thủ Đức, đủ hết”. Chiếc lán kế bên là của vợ chồng anh Lê Văn Trọng (37 tuổi) và chị Trương Thị Thu (35 tuổi, quê Thanh Hóa). Khi cao su xuống giá, anh chị rời nông trường cao su ở Tây Ninh xuống làm thợ hồ công trình ở Nhà Bè. Vừa nặng nhọc di chuyển vì đang mang thai bốn tháng chị Thu vừa nói: “Ngày nào tôi cũng phải làm việc vì thai còn nhỏ, trời cũng thương nên không nghén gì nhiều. Chủ thấy bụng mang dạ chửa nên thông cảm, không phải làm vất vả như lúc trước”. Chị tính chừng hai tháng nữa sẽ về quê lo việc sinh đẻ, đến khi con chừng một tuổi thì vào lại Sài Gòn tiếp tục công việc. Chiều tối, cảnh sinh hoạt của những thợ hồ “du mục” hệt như trong một khu xóm ngụ cư. Chị Nhiễn và chị Thu rủ nhau qua chỗ che bạt khuất sau căn nhà đang xây để tắm, giặt quần áo. “Lúc mới sống như vầy cũng ngại, nhưng phải quen thôi. Ở đây sợ nhất là mấy ngày mưa phải nghỉ, ngồi không trong lán rầu thúi ruột” - chị Nhiễn nói. 7g tối, cơm nước xong, chị Nhiễn lấy điện thoại mở loa lên gọi về cho ông bà nội. Vậy là vợ chồng trên này, ông bà và hai con gái của anh chị dưới quê cứ tranh nhau chuyện trò, xong vợ chồng lăn ra ngủ. Mấy chiếc lán chìm trong màn đêm, xung quanh phố xá rực rỡ ánh đèn. 4 thế hệ theo công trình Những gia đình buộc phải rời bỏ quê hương để “du mục” theo công trình nơi Sài Gòn này đều nói rằng đó là những ngày tháng buồn nhiều, vui ít. Nhóm thợ ở công trình sông Soài Rạp (Q.7) có 16 người, ở hai cái lán thì trong đó hơn phân nửa là họ hàng. Bà Huỳnh Ngọc Thanh (48 tuổi, quê Cần Thơ) cho biết: “Tôi theo chồng đi công trình mấy chục năm nay rồi. Rồi đẻ thêm con gái nữa. 20 tuổi nó cũng lên đây theo tui đi làm hồ, thằng rể cũng chung nghề”. Mẹ của bà Thanh - bà Trần Thị Dư (66 tuổi) cũng theo lên để bà tiện trông nom. Bà Dư ngồi tuốt cọng dừa nước bán cho người ta làm chổi, đôi mắt đã lòa hẳn do bệnh tiểu đường lâu năm. Gia đình bà Thanh đã bốn thế hệ theo công trình, hai cháu ngoại đang tuổi mẫu giáo cũng ở tại lán này. Mục tiêu lớn nhất của những thân phận “du mục” theo công trình là có tiền để duy trì cuộc sống và gửi về quê lo cho cha mẹ, con cái. Chị Nhiễn cho biết: “Tuần nào vợ chồng tui cũng gửi về quê ít nhất 1 triệu đồng để nuôi hai con gái và ba mẹ chồng bệnh ngặt nghèo”. Thể trạng ốm yếu nhưng cứ ráng sức nên vừa rồi chị bị suy nhược phải đi viện. Bù lại, chị nói con gái học rất giỏi, năm nào cũng có phần thưởng. Chị quyết tâm: “Vợ chồng cực khổ đủ rồi, hai đứa nó phải học ít nhất tới đại học để mà đổi đời. Tối nào gọi về mà con khoe được điểm 10 là mừng vô cùng, người cảm thấy khỏe hẳn ra”. Mảnh đất ân tình Cuộc sống rày đây mai đó tạo cho những người thợ hồ những mối quan hệ nghĩa tình giữa Sài Gòn xa lạ. Chị Nhiễn và chị Thu coi nhau như chị em trong nhà. Vừa rồi thấy chị Thu mang thai mà giấu chủ vì sợ chủ cho nghỉ, chị Nhiễn lựa lời trình bày với chủ. May sao chủ thương tình cho chị Thu làm việc nhẹ và vẫn trả công bình thường. Còn ông Chế Quốc Thắng (51 tuổi) nói cách đây 15 năm, khi con trai lớn bị tai biến, con giữa bị tai nạn liệt hai chân, chỉ còn người con út theo ông đi công trình. Rời quê Cần Thơ, vợ ông cùng hai đứa con bệnh tật thuê trọ ở Bình Dương, bà đi bán vé số nuôi hai đứa, còn ông dạt lên Sài Gòn làm thợ hồ đến giờ. Ông kể: “Tôi bị sạn thận lâu năm, đợt đó đang xây công ty cho người ta thì lên cơn đau. Ông chủ tốt bụng, kêu xe đưa đi bệnh viện rồi cho 7-8 triệu đồng để tôi mổ. Trong cả tuần đó ông vẫn tính công cho tôi. Mấy anh thợ khác lúc tôi mổ về còn tận tình lo cơm nước mỗi ngày”. Tags: Sài GònNgười Sài GònNgười nghèo khổ
Học sinh bỏ quê đi làm thuê sau 'án' kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm CHÍ HẠNH 29/11/2024 Gần 2 tháng nhận ‘mức án’ kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm, em L.N.D. (13 tuổi) rời quê Vĩnh Long đến Vũng Tàu cùng cha mẹ làm thuê, bươn chải kiếm tiền.
Thêm quán ăn treo biển không thanh toán hộ, nhiều người lăn tăn về quy định 'lạ' LÊ MINH 29/11/2024 Một quán ăn ở TP Hà Tĩnh vừa khai trương đã gây chú ý với người dân địa phương khi treo biển 'không thanh toán hộ'.
'Ô sin' dùng quái chiêu lừa chủ nhà gần 36 tỉ đồng DANH TRỌNG 29/11/2024 Vũ Thị Thanh bị cáo buộc xin làm giúp việc trong một gia đình có điều kiện kinh tế, sau đó dùng quái chiêu thao túng tâm lý nữ gia chủ, dụ dỗ đầu tư mua các căn hộ giá rẻ rồi lừa chiếm đoạt gần 36 tỉ đồng.
Công ty Xổ số Đà Nẵng từng trả thưởng vé số trúng giải đặc biệt bị rách ĐOÀN CƯỜNG 29/11/2024 Công ty Xổ số kiến thiết Đà Nẵng đã từng chi trả vé trúng thưởng giải đặc biệt cho một khách hàng dù vé này đã bị rách rời.