Lắng nghe người già

MINH PHÚC 09/12/2018 23:12 GMT+7

TTCT - ​Bữa đứng lớ ngớ trước khoa nội chờ tới giờ khám bệnh, bà già ấy chìa cho chiếc ghế nhựa xếp: “Nè con ngồi đây đi, rồi lát sau tau vào khám thì lại ngồi lên ghế chỗ tau. Đi tới đây phải đem ghế xếp vậy nè, chớ không chờ rã cẳng đó con”.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Chuyện cái ghế xếp hay là sự kết nối giữa bệnh nhân với bệnh nhân có lẽ cũng thường tình, nhưng cái đáng để kể lại là cử chỉ và lời dặn dò tôi không quên được của bà già sáu mươi tám tuổi đó. Bà đã vỗ vai tôi nhẹ nhẹ để như an ủi, rồi trước lúc đứng bật dậy để vào phòng khám còn kịp nháy mắt với tôi: “Nhớ phải luôn lạc quan nhen con. Và nhớ phải yêu nữa, nó là thứ cho ta nhiều động lực để tiếp tục”.

Điều gì khiến bà giữ vững “thần thái” đó ở tuổi U70: lạc quan, bình thản và hóm hỉnh? Lại nhắc nhở một đứa đi qua hơn nửa đời tuổi như tôi chữ “yêu” một cách ý nhị nhường ấy? Tình yêu ở bà có hơi hớm ấm áp, như bà có hé lộ chút ít về bóng dáng một cụ ông ở bên cạnh nâng đỡ. Đủ ấm áp để dỗ dành một đứa bỗng tự dưng cảm thấy nhỏ bé như tôi, ở cái nơi mà những cuộc gặp gỡ chóng vánh giữa bệnh nhân với nhau ngoài hành lang phòng khám ít nhiều còn kín kẽ những tâm sự riêng tây. Rót thêm cho ai đó chút yên tâm và hi vọng hẳn là một lẽ trong đời mà tôi cần phải học. Thêm tử tế với ai đó lúc cần là sự chia sẻ không gì đo đếm được. Lúc bạn không còn hi vọng, không còn can đảm để đối phó bỗng nhìn thấy một nụ cười điềm đạm, một ánh mắt trìu mến, bạn hẳn sẽ thấy mình vẫn sẵn sàng đón lấy những gươm báu cuộc đời. Những gươm báu chặt đứt phiền não.

Đôi khi ta ít để ý tới người già. Ta lướt qua họ, sống cuộc đời của ta. Ta sợ đối diện với họ, bởi họ sẽ nhắc mãi ta về một điều gì đó quá cũ, rót vào ta mãi một câu chuyện ta đã nghe, chỉnh sửa ta những điều hết sức lạc hậu. Ta im lặng hoặc phản kháng, ta có áy náy, nhưng rồi vẫn không đủ kiên nhẫn lắng nghe. Nhớ lại những ứng xử với ba má mình, khi họ đã già đi, hẳn nhiều lần bạn cũng chảy nước mắt ân hận. Nhưng điều gì để ta ngày càng thu mình lại, ước ao không gian riêng biệt chỉ có ta? Ta bỏ qua lý lẽ người già.

Điều gì làm tôi thay đổi, nghĩ về người già là má mình ở nhà nhiều hơn? Có phải là những lời hỏi thăm của những người già dành cho má khi bắt gặp tôi trong thang máy chung cư hay dưới khoảng sân hẹp: “Má về quê hả con?”. Từng ngày, tôi lướt qua chính cuộc sống của mình, qua những người xung quanh, bình thản với hàng xóm và cũng không muốn ai khuấy động đến mình hay ngược lại. Nhưng nhờ má mà tôi được nhiều người cởi mở, và tôi cũng giật mình bỏ đi bản tính đăm chiêu.

Đi làm từ sáng tới tối, bỏ má ở quê lên chơi thui thủi, hóa ra lên chơi với con còn cô đơn hơn ở nhà quê một mình. May mà má còn chịu kết nối với những người già cùng cảnh xung quanh. Má tiếp nhận được nhiều câu chuyện, nhiều giọng nói, nhiều xứ sở, thấy bà vui hẳn lên. Nhờ có má, tôi biết được nhiều chuyện cảm động và tử tế khác của những bà cụ ông cụ xứ xa ghé qua thành phố ở cùng con cháu. Họ ghé qua và để lại một phần tuổi già trong nỗi nhớ quê nhà. Và họ cần kể lại với nhau miền quê xứ sở của mình biết mấy.

Từ những chuyện của người già, tôi chợt nhận ra rằng nào giờ mình nghĩ thế giới của mình thật rộng bởi mình có thể đi khắp nơi (cả trong thế giới Internet). Nhưng hóa ra không phải vậy, mình từ lâu ít muốn chia sẻ đời thực với xung quanh. Những cánh cửa khép từ sáng đến tối cũng nhốt luôn lòng mình lâu lắm rồi.

Đến lúc lòng quặn thắt nhìn thời gian trôi, hay nhìn người già (nhiều khi cũng hơi buồn cười - vì người càng già lại càng trẻ thơ) trước mặt, nghĩ đã tới lúc mình phải sửa mình, sống chậm lại, cởi mở tấc lòng hơn. Từ chối lắng nghe người già thì cũng là tự đón lấy nỗi quạnh hiu mai kia, khi chiều đã xuống.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận