Lược sử về các bộ lịch: Nhức não chuyện tính tháng kể ngày

MAI HƯƠNG 25/02/2020 18:02 GMT+7

TTCT - Thường mỗi dịp cuối năm, nhà nhà người người lại phải tính tới chuyện thay tờ lịch hay cuốn lịch treo trong nhà. Và đầu năm, mỗi lần xé lịch là một lần thích ứng với bảng biểu thời gian đổi khác của năm mới. Hãy thử tưởng tượng một bộ lịch ổn định dùng được cho mọi năm.

Bản sao một bộ lịch Ai Cập cổ đại. Ảnh: Amazon.com
Bản sao một bộ lịch Ai Cập cổ đại. Ảnh: Amazon.com

Các loại lịch về cơ bản là... rất rối! 

Trong nhiều cách phân chia thời gian mà chúng ta đang dùng, không có cách nào được tính toán chính xác và nhất quán theo chuyển động của trái đất, mặt trăng, các hành tinh, và các ngôi sao. Thời gian một ngày của chúng ta khá gần với thời gian thực tế mà trái đất cần để quay đủ một vòng quanh chính nó, nhưng thời gian này cũng thường biến động vài giây, tùy theo vị trí của nó trên quỹ đạo.

Tuần thì hoàn toàn không liên quan đến bất cứ thứ gì. Tháng là một đơn vị thời gian không ổn định, lúc thì 30 ngày, lúc lại 31 ngày, đó là chưa kể tháng 2 có khi 28 ngày, có khi 29 ngày. Còn theo âm lịch thì tháng nào cũng chỉ có 30 ngày.

Sự phức tạp của những bộ lịch

Thế giới có rất nhiều bộ lịch và bộ đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là lịch Gregorian, được Giáo hoàng Gregory XIII đề xuất vào năm 1582. Đó là lịch mặt trời với độ dài một năm được tính từ ngày xuân phân này (ngày đầu tiên của mùa xuân) đến ngày xuân phân kế tiếp. Độ dài đó là 365,2425 ngày và cái số vô nghĩa sau dấu phẩy kia là lý do tại sao chúng ta có năm nhuận, với số lượng giây nhuận không bao giờ ổn định.

Năm nhuận theo lịch này cũng hết sức rắc rối: Bốn năm chúng ta có một ngày nhuận - ngày 29 tháng 2 - nhưng các năm chia hết cho 100 (nghiễm nhiên chia hết cho 4) thì chưa chắc đã nhuận! Ví dụ, năm 1896 là năm nhuận, còn năm 1900 thì không nhuận, nhưng năm 2000 lại là năm nhuận! Đến là phát điên lên được.

Lịch mặt trăng nguyên bản, như lịch Hồi giáo, thì một năm có 12 tháng, mỗi tháng dài 29-30 ngày, tính từ đợt trăng rằm này đến đợt trăng rằm kế tiếp. Nhẩm nhanh cũng thấy một năm của lịch này ngắn hơn một năm của lịch mặt trời, nên các tháng theo lịch Hồi giáo không tương ứng các tháng của lịch mặt trời. Vì thế mà tháng chay Ramadan - tháng thứ chín trên lịch Hồi giáo - có khi rơi vào tháng 4, có khi lại rơi vào tháng 11 trên lịch mặt trời.

Rồi lại có sự kết hợp giữa lịch mặt trời và mặt trăng thành các bộ lịch kiểu... trời trăng: “lunisolar” (luni nghĩa là mặt trăng và solar nghĩa là mặt trời). Chẳng hạn như lịch Hebrew thay đổi số tháng trong một năm để giữ được các mùa ở cùng một vị trí trên lịch, nhưng vì vậy có năm lịch này dài đến 384 ngày.

Vào các năm nhuận, lịch Hebrew có nguyên một tháng nhuận được thêm vào trước tháng 6. Ở Mỹ, chính phủ có một lịch tài chính riêng bắt đầu từ ngày 1-10. Lịch này chủ yếu để các quan chức vừa được bầu có thời gian lập ngân sách mới, không phải hoạt động trong năm đầu theo ngân sách được lập theo ý người khác. Nhiều doanh nghiệp làm ăn với chính phủ cũng phải hoạt động theo lịch tài chính này.

Một bộ lịch dương có kèm
Một bộ lịch dương có kèm "lịch mặt trăng" cho năm 2020. Ảnh: Wikimedia.com

Những tác động lớn ít người thấy

Lịch Gregorian có rất nhiều vấn đề vì tháng 2 lúc thì 28, lúc thì 29 ngày, các tháng khác lúc thì 30, lúc lại 31 ngày. Tổng cộng có đến bốn độ dài tháng khác nhau mà các tháng lại không hề tương ứng với các chu kỳ mặt trăng. Một trục trặc cơ bản nữa là tuần, tháng, năm không chia hết cho nhau, nên ngày 25-12-2018 rơi vào thứ ba, ngày 25-12-2019 rơi vào thứ tư, nhưng ngày 25-12-2020 lại là thứ sáu, vì năm nay nhuận. Thế nên mỗi năm lại phải có một cuốn lịch mới, điều mà chỉ có dân bán lịch hồ hởi.

Richard Henry, nhà vật lý thiên văn của Đại học Johns Hopkins, thấy lịch Gregorian thật phiền toái, vì mỗi năm ông phải lập một giáo án và thời khóa biểu mới, còn các lớp học mỗi năm lại khai giảng vào những ngày khác nhau.

Ông cũng nhận thấy những ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế từ sự lộn xộn này. Ví dụ: Một số trái phiếu trả lãi theo tháng, quy ước là 30 ngày, nhưng thường tính là từ ngày đầu đến cuối tháng. Nên đầu tư vào tháng 2 thì có lợi, vì sau 28-29 ngày là được trả lãi rồi. Nhưng đầu tư vào tháng 7 thì thiệt, vì phải sau 31 ngày mới được trả lãi, và tháng 8 liền sau đó cũng có 31 ngày, nên đầu tư trong hai tháng này sẽ bị thiệt đến hai ngày lãi. Với một khoản đầu tư lớn thì hai ngày lãi sẽ là con số không hề nhỏ.

Quý trong năm cũng ngắn dài khác nhau. Quý 1 có khoảng 90-91 ngày, tùy năm đó có nhuận hay không. Quý 2 có 91 ngày, còn quý 3 và 4 thì 92 ngày. Hệ quả là lợi nhuận một quý có thể ít hơn hay nhiều hơn chỉ vì quý đó có ít hay nhiều ngày hơn.

Chuyên gia kinh tế Steve Hanke của Trường Johns Hopkins cho biết: “Bạn có thể có báo cáo doanh thu và lợi nhuận thay đổi lớn, mà nguyên nhân chỉ là do lịch Gregorian. Các nhà phân tích không phải lúc nào cũng biết điều này. Có những lúc giá cổ phiếu biến động lớn chỉ là do số ngày (trong quý)”.

Giấc mơ về một bộ lịch bất biến

Vì những phiền toái trên, vài thập niên qua có nhiều đề xuất điều chỉnh lịch Gregorian cho ổn định hơn. Một số người đưa ra bộ lịch 10 tháng, số khác lại gợi ý bộ lịch 13 tháng, hay có sự kết hợp giữa lịch 12 và 13 tháng. Hầu hết đều hướng đến việc làm cho các quý có độ dài bằng nhau và các lễ hội, dịp kỷ niệm, hay sự kiện xuất hiện cùng vị trí từ năm này qua năm khác. Chẳng hạn như Giáng sinh và năm mới sẽ luôn rơi vào thứ hai.

Richard Henry và Steve Hanke đã tạo ra lịch Hanke-Henry có năm vẫn dài 12 tháng và tuần vẫn dài bảy ngày. Cái khác là số ngày trong tháng: Mỗi quý sẽ có hai tháng đầu dài 30 ngày và tháng cuối dài 31 ngày. Như vậy là sẽ không có ngày 31-1, nhưng có ngày 30-2. Tổng cộng là 364 ngày, nhưng trái đất vẫn mất 365 ngày 5 giờ 49 phút 12 giây để đi hết quỹ đạo, nên vẫn luôn có năm nhuận mà các tác giả đề xuất là mỗi 5-6 năm sẽ thêm vào giữa tháng 12 và tháng 1 nguyên một tuần nhuận gọi là tuần “X-tra”. Điều này khiến cho quý đầu dài thêm đến 7 ngày vào năm nhuận và những người sinh ra trong tuần X-tra sẽ không được tổ chức sinh nhật đúng ngày vào các năm không nhuận. Nhưng hầu hết các yếu tố khác thì vẫn ổn định hơn lịch Gregorian.

Ưu việt hơn cả là lịch World Calendar do nhà sáng lập tổ chức World Calendar Association (WCA - Hiệp hội Lịch thế giới), bà Elisabeth Achelis (1880 - 1973), đưa ra vào năm 1930. Lịch có tháng đầu quý dài 31 ngày và hai tháng sau dài 30 ngày. Ngày thứ 365 sẽ được gọi là “Worldsday” (ngày thế giới) bố trí vào giữa ngày 30-12 năm trước và ngày 1-1 năm sau. Các năm nhuận sẽ có một ngày “Leap year day” (ngày năm nhuận) thêm vào giữa ngày 30-6 và ngày 1-7. Worldsday và Leap year day chỉ được gọi tên, chứ không được đánh số và là ngày nghỉ toàn thế giới.

WCA đang kêu gọi thay đổi lịch này vào các năm có ngày 1-1 trùng vào ngày chủ nhật, và năm gần nhất có thể chuyển sang lịch mới là 2023.

Những rào cản ngàn năm

Có cấu trúc đơn giản và ổn định hơn, những bộ lịch như World Calendar và Hanke-Henry có thể được vẽ trên tường để dùng mãi, tiết kiệm cho hành tinh chúng ta một lượng lớn tài nguyên dùng cho việc sản xuất lịch in mỗi năm. Đã có lúc dự án này nhận được sự ủng hộ của League of Nations (Hội Quốc Liên), tiền thân của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng việc đưa vào sử dụng những bộ lịch ưu việt hơn này gặp khó khăn suốt nhiều thập niên chủ yếu vì lý do tôn giáo. Chẳng hạn Do Thái giáo đi lễ vào thứ bảy - Shabbat, còn Thiên Chúa giáo thì đi lễ vào chủ nhật, trong khi Hồi giáo có lễ Jumu’ah vào thứ sáu. Khi áp dụng lịch World Calendar vào năm 2023 chẳng hạn, sẽ không có biến động gì nghiêm trọng cho đến ngày cuối cùng của năm, khi ngày thứ 365 lẽ ra là chủ nhật thì biến thành ngày Worldsday không thuộc về một thứ nào, còn ngày tiếp sau đó, ngày 1-1-2024, lẽ ra là thứ hai thì lại thành chủ nhật và rồi từ đó các ngày thứ sáu và thứ bảy theo lịch cũ sẽ trở thành thứ năm và thứ sáu theo lịch mới. Đó là lúc các ngày làm lễ của người theo Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, hay Hồi giáo bị rối loạn.

Trong khi các nhà khoa học nói rằng lịch mới có thể triển khai được hay không chỉ là vấn đề về thay đổi nhận thức và thói quen, tương tự như việc Canada chuyển từ hệ đo lường kiểu Anh sang hệ đo lường bách phân bằng mét, nhưng rối loạn về ngày hành lễ của các tôn giáo chính là lý do mà vào năm 1955, Chính phủ Mỹ đã đề nghị LHQ không khuyến khích nghiên cứu triển khai thêm bộ lịch này.

Và vì thế chúng ta vẫn sẽ có những ngày lễ tình nhân Valentine lúc thì rơi vào thứ hai, khi thì thứ năm, rất khó cho việc hẹn hò và tặng sôcôla!■

Con người đã biết rằng một năm thực ra dài hơn 365 ngày từ thời Ai Cập cổ đại, nhưng ngày bổ sung của năm nhuận chỉ được đưa vào theo lịch Giáo hoàng Gregory những năm 1500, khi ông chỉnh lý lịch Julius Caesar. Năm nhuận luôn trùng với Thế vận hội mùa hè và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, như năm 2020 này chẳng hạn.

Ở quần đảo Anh có một tập tục thú vị: phụ nữ trở thành người cầu hôn thay vì nam giới trong ngày 29-2 của năm nhuận. Lời giải thích cho tập tục này là vào thời trước, khi phụ nữ chưa thể chủ động chuyện hôn nhân, nhiều cô phàn nàn họ phải đợi lời cầu hôn quá lâu từ người yêu, nên nhà chức trách quyết định để phụ nữ cầu hôn vào ngày 29-2 mỗi bốn năm. Còn thời nam nữ bình quyền này thì tất nhiên là không cần đợi tới năm nhuận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận