TTCT - LTS: Khi biên tập viên Chris Heller của tờ The Atlantic - một tạp chí văn hóa uy tín của Mỹ với hơn 150 năm lịch sử - tìm kiếm trên mạng rao vặt Craigslist hôm 9-8 vừa qua, ông đã có một phát hiện bất ngờ. Mạng Craigslist chuyên đăng tải miễn phí các rao vặt tìm việc, tìm người, mua bán…, nhưng ở mục “Missed connection” (Mất liên lạc) dành cho khu vực Brooklyn, biên tập viên này phải sửng sốt khi đọc được một mẩu rao vặt mã số ID: 3985247459 đăng trước đó ba hôm. Phóng to Minh họa: Mặc tuân Người viết vô danh nào đó đã biến lời rao tìm người của mình trở thành một bi kịch lãng mạn. Một chuyện tình buồn và đẹp ở một nơi ít chờ đợi nó xuất hiện nhất. Chris Heller liền đưa ngay toàn văn lên website của tạp chí The Atlantic và giới thiệu như “một truyện ngắn đáng yêu nhất thời nay”. Có thể đó là một lời khẩn nài tha thiết của một mối tình đã mất. Có thể đó là một thoáng bất ngờ của một trò lừa gạt đã quá quen thuộc trên Internet. Có thể đó chỉ là niềm hứng khởi của một mẩu chuyện hư cấu. Dù là gì đi nữa, Mất liên lạc (tựa đề của TTCT) vẫn để lại trong lòng người đọc một cảm xúc đặc biệt. ID: 3985247459 Tôi đã gặp em trên chuyến tàu Brooklyn Q đi Manhattan. Lúc đó tôi mặc áo thun sọc xanh và quần tây màu nâu sẫm. Còn em mặc một chiếc váy đỏ kiểu xưa và chiếc áo trắng trang nhã. Cả hai chúng ta đều đeo kính. Em lên tàu ở ga DeKalb rồi ngồi đối diện tôi và chúng ta đã thoáng nhìn nhau. Tôi thấy mình có hơi thích em, theo cái kiểu ngốc nghếch mà người ta thường thêu dệt thành hẳn một câu chuyện hư cấu về ai đó mà ta nhìn ngắm rồi đem lòng si mê luôn. Nhưng tôi vẫn nghĩ là chuyện này cũng có đó. Nhiều lần chúng ta nhìn nhau rồi quay mặt đi. Tôi cố nghĩ ra điều gì để nói với em - có thể là tôi giả vờ không biết mình sẽ đi về đâu và nhờ em chỉ dẫn hoặc nói điều gì hay ho về đôi bông tai hình chiếc giày của em, hoặc chỉ nói “Trời nóng quá”. Nói kiểu nào cũng thấy ngu. Có một lúc, tôi bắt gặp em nhìn tôi chăm chú và em lập tức hướng ánh mắt sang chỗ khác. Em lôi trong giỏ xách ra một cuốn sách rồi bắt đầu đọc - một cuốn tiểu sử tổng thống Lyndon Johnson - nhưng tôi để ý thấy em không hề lật sang trang một lần nào. Ga dừng của tôi là Union Square, nhưng tới Union tôi quyết định nán lại, viện lẽ rằng tôi có thể dễ dàng đổi tàu ở ga số 7 đường 42, nhưng rồi tôi cũng không xuống tàu ở đường 42 luôn. Hẳn là em cũng đã lỡ ga xuống tàu, bởi vì khi chúng ta đi đến tận cuối tuyến đường ở Ditmars, cả hai vẫn cứ ngồi yên trong toa, chờ đợi. Tôi hất đầu về phía em với vẻ dò hỏi. Em nhún vai và đưa cuốn sách lên như thể đó là lý do. Vậy mà tôi không nói gì cả. Chúng ta theo chuyến tàu đi ngược lại cả tuyến đường - xuống tới Astoria, băng qua sông East River, len lỏi qua khu trung tâm, từ Times Square tới Herald Square tới Union Square, xuống dưới khu SoHo và Phố Tàu, rồi lên cầu quay lại Brooklyn, vượt qua Barclays và Prospect Park, vượt qua Flatbush và Midwood và Sheepshead Bay, đi về tận đảo Coney Island. Và khi chúng ta tới Coney Island, tôi biết tôi phải nói điều gì đó. Vậy mà tôi không nói gì cả. Và thế là chúng ta đi ngược lại. Cứ ngược xuôi tuyến đường Q, cứ lặp đi lặp lại. Chúng ta đã bắt kịp những đám đông giờ tan sở và rồi nhìn những đám đông ấy tan biến như trước. Chúng ta đã ngắm mặt trời lặn trên Manhattan khi chúng ta vượt sông East River. Tôi tự ra cho mình thời hạn chót: mình sẽ nói chuyện với cô ấy trước khi tới Newkirk; mình sẽ nói chuyện với cô ấy trước khi tới Canal. Vậy mà tôi vẫn im lặng. Suốt nhiều tháng trời, chúng ta ngồi trên tàu không hề nói gì với nhau. Chúng ta sống sót bằng những gói kẹo mà lũ nhóc con rao bán để quyên tiền cho đội bóng rổ của chúng. Chúng ta hẳn đã phải nghe một triệu nhóm nhạc Mexico hát rong trên tàu, mặt chúng ta hẳn đã suýt lãnh đủ những cú đá của một trăm ngàn vũ công break dance. Tôi đã cho tiền những người ăn xin cho đến khi cạn sạch những đồng xu lẻ. Khi đoàn tàu đi trên mặt đất, tôi đã nhận biết bao tin nhắn và thư thoại (Anh ở đâu? Chuyện gì đã xảy ra? Anh vẫn ổn chứ?) cho đến khi điện thoại của tôi cạn hết pin. Mình sẽ nói chuyện với cô ấy trước lúc bình minh; mình sẽ nói chuyện với cô ấy trước ngày thứ ba. Tôi càng chờ đợi lâu thì càng khó mở lời. Bây giờ tôi còn có thể nói gì với em khi chúng ta đã băng qua cũng cùng cái nhà ga ấy đến cả trăm lần? Giá như tôi có thể quay ngược lại lần đầu tiên khi tuyến tàu Q bị đổi sang tuyến tàu R nội thành vào ngày cuối tuần, tôi có thể đã nói “Chà, thật là bất tiện”, nhưng bây giờ thì nói điều đó có nghĩa lý gì nữa đâu? Tôi đã tự trách mình suốt nhiều ngày liền mỗi lần em hắt hơi - tại sao mình không nói “Bị cảm à?”. Cái cử chỉ nhỏ nhặt ấy lẽ ra cũng đủ để cuốn chúng ta vào một cuộc chuyện trò, nhưng chúng ta vẫn cứ ngồi đấy trong sự im lặng ngu xuẩn. Có nhiều đêm khi chúng ta là hai linh hồn duy nhất trong toa tàu, thậm chí có lẽ là của cả đoàn tàu, và ngay cả những lúc đó tôi cũng tự ý thức về chuyện quấy rầy em. Cô ấy đang đọc sách, tôi nghĩ thầm, cô ấy không muốn nói chuyện với mình. Dù vậy vẫn có những lúc tôi cảm nhận được sự liên lạc. Có ai đó sẽ lớn tiếng nói những chuyện điên rồ về Giêxu và chúng ta sẽ lập tức nhìn nhau để ghi nhận cảm xúc của nhau. Một cặp thiếu niên sẽ xuống tàu, tay trong tay, và cả hai chúng ta đều nghĩ thầm: Tình thơ dại. Suốt sáu mươi năm, chúng ta ngồi trong toa tàu đó, chỉ toàn giả vờ không để ý nhau. Tôi đã biết em quá rõ, dù chỉ là bề ngoài. Tôi thuộc lòng những nếp nhăn trên người em, đường nét của gương mặt em, nhịp thở của em. Tôi đã nhìn thấy em khóc một lần sau khi em liếc qua tờ báo của người ngồi cạnh. Tôi không biết em đã khóc vì chuyện gì cụ thể, hay chỉ vì chuyện thường tình của bước tiến thời gian, hết sức âm thầm cho đến lúc ta bất chợt nhận ra. Tôi đã muốn an ủi em, quàng đôi tay tôi quanh em, bảo đảm với em rằng tôi biết mọi chuyện rồi sẽ an lành, nhưng rồi cảm thấy ý tưởng đó quá quen thuộc, tôi cứ ngồi dính cứng trên ghế. Rồi một hôm, ngay giữa trưa, em đứng dậy khi tàu dừng ở ga Queensboro Plaza. Ngay cái việc đơn giản là đứng dậy cũng khó khăn đối với em, đã sáu mươi năm em chưa hề làm điều đó. Bám lấy thanh vịn, em cố gắng buộc mình phải đi ra cửa. Em do dự một thoáng ở đó, có lẽ đợi chờ tôi nói điều gì, cho tôi một cơ hội cuối cùng để ngăn em lại, nhưng thay vì tuôn ra một cuộc chuyện trò gần như đã bị đè nén suốt cả cuộc đời, tôi không nói gì, và tôi nhìn em trôi tuột ra ngoài giữa hai cánh cửa trượt đang khép lại. Phải thêm mấy trạm nữa tôi mới nhận ra em thật sự đã ra đi. Tôi cứ đợi chờ em bước vào toa tàu điện trở lại, ngồi xuống cạnh bên tôi, tựa đầu trên vai tôi. Sẽ không nói gì cả. Sẽ không có gì cần phải nói. Khi tàu quay lại Queensboro Plaza, tôi rướn cổ nhìn trên đường vào nhà ga. Có lẽ em đã ở đó, trên sân ga, vẫn đang đợi. Có lẽ tôi sẽ thấy em, tươi cười và rạng rỡ, mái tóc xám dài rập rờn trong luồng gió phát ra từ đoàn tàu đang đi tới. Nhưng không, em đã đi rồi. Và tôi nhận ra rằng rất có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại em. Và tôi nghĩ đến một điều hết sức kinh ngạc là ta có thể biết ai đó suốt sáu mươi năm, thế mà vẫn thật sự không biết gì cả về con người ấy. Tôi ở lại trên tàu cho đến khi tới Union Square, ở đó tôi xuống ga và đổi tàu đi theo tuyến L. Tags: Mất liên lạcBiên tập viênChris HellerThe Atlantic
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.