Mọi thứ thật sự đáng giá bao nhiêu?

TRÚC ANH 12/04/2022 21:00 GMT+7

TTCT - “Nói thiệt đó, giá đúng đó, không nói thách đâu”. Ngay cả khi người bán không hề gian dối khi nói câu này, và mức giá được đưa hợp lý đến đâu, thì con số đó vẫn chưa... thật, theo định nghĩa của một tổ chức phi lợi nhuận đã dành 10 năm theo đuổi ý tưởng “giá thật” (true price).

Số tiền mà người tiêu dùng phải trả cho một túi khoai tây ở siêu thị, một cốc cà phê hay một gói bánh ở cửa hàng tiện lợi chỉ mới là “giá đúng”. “Giá thật” của các sản phẩm này sẽ cao hơn, vì phải cộng thêm các chi phí để khắc phục tất cả ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội và môi trường của chúng.

Chẳng hạn, tại cửa hàng True Price ở Haarlemmerdijk, phố mua sắm trứ danh ở Amsterdam, một chiếc áo thun có “giá thường” là 15 euro, và “giá đúng” là 23 euro. Tương tự, tại cửa hàng bách hóa De Aanzet, cũng ở thủ đô Hà Lan, khách hàng được chọn mua cà chua với 2 mức giá, 3,75 euro hoặc 3,97 euro/kg. Từ tháng 2 năm nay, nhân viên và khách hàng ghé qua quầy cà phê tại tòa nhà The Edge, trụ sở của Deloitte Amsterdam, sẽ được hỏi có muốn trả “giá thật”, chênh lệch vài xu đến gần 1 euro, cho mỗi thức uống không.

 
 Cửa hàng True Price ở Haarlemmerdijk (Amsterdam, Hà Lan). -Ảnh: True Price

Cả 3 địa chỉ hiện thực hóa ý tưởng “giá thật” nói trên là thành quả của một thập niên cố gắng của Michel Scholte và Adrian de Groot Ruiz, 2 nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận True Price (Hà Lan), với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hướng tới sự bền vững của doanh nghiệp.

Bộ đôi này cho rằng nếu các công ty và người tiêu dùng tránh được “ảo tưởng” về giá thực sự của mọi thứ, họ có thể thay đổi cách sản xuất, phân phối và chi tiêu. Ảo tưởng đó là giá của một món hàng rẻ không phải vì nó rẻ thật, mà là vì giá bán đã phớt lờ những chi phí khác, cái mà các nhà kinh tế gọi là ngoại tác (externality), tức các chi phí về mặt môi trường và xã hội không được trả tiền hay bù đắp thông qua giao dịch mua bán. Trước khi có thuế môi trường, ô nhiễm không khí từ động cơ xe là một ví dụ phổ biến về ngoại tác: tác động môi trường của sản phẩm không được đưa vào giá bán.

Với sáng kiến “giá thật”, chỗ chênh lệch 0,22 euro cho mỗi ký cà chua ở De Aanzet là để khắc phục chi phí ngầm - bao gồm phát thải carbon, sử dụng tài nguyên, và trả lương lao động thấp - trong việc trồng và vận chuyển chúng. Mức giá thật của các món uống ở The Edge tính đến 8 ngoại tác tiêu cực, trong đó có biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí/nguồn nước, dùng nguyên liệu khan hiếm, mất đa dạng sinh học, sử dụng lao động trẻ em...

Với người tiêu dùng như chúng ta, điều đó có nghĩa là gì? Hệ thống “2 giá” cho người tiêu dùng thông tin. Nếu 1 thương hiệu táo có mức chênh lệch giữa giá thường và giá thật là 0,05 euro, và 1 thương hiệu khác là 0,5 euro, người dùng sẽ biết nhà cung cấp đầu tiên có trách nhiệm với nông dân và môi trường hơn (chi phí cần bù đắp thấp hơn). Việc mua “giá thật” là hành động tự nguyện, và bằng cách chi nhiều hơn cho “giá thật”, người tiêu dùng sẽ đóng góp vào mục đích chung, hướng đến sự bền vững. Nhưng họ có sẵn sàng làm điều đó? Ít nhất là ở De Aanzet, tình hình khá lạc quan: doanh số đã tăng khoảng 5% từ khi tham gia “giá thật”. “Khách hàng không có công cụ để giảm tác động lên xã hội và môi trường của mình, nhưng họ luôn sẵn sàng làm điều đó” - chủ cửa hàng Maarten Rijninks nói với New Yorker.

Với doanh nghiệp, biết được chênh lệch giữa “giá thường” và “giá thật” sẽ giúp họ đặt ra chiến lược thu hẹp khoảng cách, dĩ nhiên là nếu họ muốn thế. Năm 2013, Hãng sôcôla Tony’s Chocolonely (Hà Lan) đã nhờ Scholte và đồng nghiệp tính toán giá thật của cacao nhập từ Ghana và Bờ Biển Ngà. Khi biết giá thật phải gánh nhiều ngoại tác xã hội, hãng đã nỗ lực cải thiện tình hình, trả giá mua cao hơn và tăng lương, phúc lợi cho người trực tiếp trồng cacao. Kết quả? Theo True Price, các hợp tác xã cung cấp cacao cho Tony’s Chocolonely thu nhập tốt hơn, an toàn hơn và ít có trường hợp dùng lao động trẻ em hơn so với mặt bằng chung của ngành. Với đà này, chênh lệch giá thật của Tony’s Chocolonely có thể về 0, nghĩa là sản phẩm thực sự bền vững với môi trường và xã hội.

Ý tưởng “giá thật” cũng đã lan sang ngành thịt. Một nhóm nghiên cứu ở Ý ước tính giá bán 1kg thịt bò cần phải cộng thêm 19 euro để khắc phục các tác động lên sức khỏe con người và môi trường. Các công trình tương tự cũng được thực hiện ở Anh và Mỹ.

Sẽ cần thêm nghiên cứu để xét hiệu quả của việc khắc phục hậu quả về môi trường và xã hội thông qua việc bán và mua sản phẩm với “giá thật”. Điều chắc chắn có thể rút ra từ True Price và các nỗ lực tương tự là việc loại trừ các chi phí ẩn về tác động xã hội và môi trường ra khỏi giá hàng hóa sẽ khiến người tiêu dùng, chính phủ và các doanh nghiệp có thông tin sai lệch về thế giới. New Yorker gọi đó là “một hình thức nói dối”, và lúc này ta mới hiểu hết chữ “thật” trong giá thật. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận