Một câu chuyện khác về xã hội hóa cấp nước sạch

QUANG KHẢI 29/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Trong khi các dự án xây dựng các nhà máy nước đều ăn nên làm ra, khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm, lĩnh vực đầu tư mạng lưới, phân phối và chống thất thoát nước tại TP.HCM lại rất ì ạch trong nhiều năm qua, nhiều dự án lỗ, đối diện nguy cơ “chết đứng”.

Công nhân Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lắp đặt đường ống cung cấp nước sạch cho người dân huyện Củ Chi. Ảnh: QUANG KHẢI
Công nhân Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lắp đặt đường ống cung cấp nước sạch cho người dân huyện Củ Chi. Ảnh: QUANG KHẢI

Mỗi năm lỗ 140 tỉ đồng

Sau khi TP.HCM có chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư mạng lưới, phân phối, từ năm 2015, Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) đã đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước, phân phối cho toàn bộ người dân trên địa bàn huyện Củ Chi.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - tổng giám đốc Saigon Water, đến nay doanh nghiệp này đã bỏ ra hơn 2.000 tỉ đồng đầu tư hàng ngàn kilômet đường ống, gắn hơn 85.000 đồng hồ nước.

Do địa bàn huyện Củ Chi rộng nên chi phí đầu tư đường ống lớn. Vấn đề là khoảng 30% người dân dẫu vẫn lắp đặt đồng hồ nhưng không sử dụng nước sinh hoạt, không ít hộ chỉ dùng một lượng nước rất thấp, ít hơn 4m3/tháng...

Vì vậy theo ông Thành, đơn vị này đang lỗ hơn 10 tỉ đồng/tháng. “Mấy năm nay, mỗi năm chúng tôi lỗ khoảng 140 tỉ đồng. Nếu không có các chính sách hỗ trợ, chúng tôi không biết có thể duy trì việc cấp nước sạch cho người dân sau năm 2021 hay không” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, Saigon Water đã kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ bằng cách “chuyển giao việc cấp nước” cho 4 khu công nghiệp lớn trên địa bàn Củ Chi sang công ty ông, gồm: Khu công nghiệp Tây Bắc, Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Hòa Phú.

Nhưng các đơn vị trên vẫn đang sử dụng nước giếng do họ tự xử lý hoặc được các đơn vị khác cấp nước mà không phải là Saigon Water.

“Nếu không được chuyển giao lại việc cấp nước cho các khu công nghiệp trên, có khả năng Saigon Water không duy trì được hoạt động cấp nước cho khu vực Củ Chi và sẽ đề nghị chuyển giao lại toàn bộ hệ thống cho ngành nước TP tiếp nhận, quản lý” - ông Thành nói.

Một dự án xã hội hóa cấp nước khác đang trong tình trạng “sống dở chết dở” là dự án Nhà máy xử lý nước lợ ở huyện Cần Giờ của Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn. Công trình này có giấy chứng nhận đầu tư 20 năm (từ 2007 - 2027), vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng, công suất 5.300m3/ngày (giai đoạn 1), hoàn thành và cấp nước năm 2008 theo chủ trương xã hội hóa của TP.HCM.

Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành khoảng 1 năm thì TP.HCM triển khai dự án đưa đường ống cấp nước sạch vượt sông cung cấp cho toàn bộ khu vực Cần Giờ. Dự án xã hội hóa này chết dần bởi cả hai nguyên nhân: trục trặc trong khâu xử lý, chất lượng nước và động tác đầu tư đường ống, phát triển mạng lưới sớm hơn kế hoạch của TP.HCM.

Nhà máy nước sạch này hiện đã ngưng hoạt động, chủ đầu tư đã đề xuất TP.HCM “mua lại”, xem như cách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên đến nay, việc mua lại nhà máy nước này vẫn chưa ngã ngũ.

Chống thất thoát nước sạch: không doanh nghiệp nào ham

Giai đoạn 2008 - 2009, tỉ lệ thất thoát nước trên địa bàn TP.HCM ở mức rất cao: 42%. Nghĩa là cứ 1 triệu mét khối nước sạch phát ra, chỉ có khoảng 600.000 khối đến được người sử dụng, số còn lại “rơi rớt” dọc đường, Nhà nước không thể thu được tiền. Sau khi triển khai nhiều giải pháp, gồm cả sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, giám sát nước online... việc chống thất thoát nước có hiệu quả hơn.

Có thể ví dụ với dự án Chống thất thoát, thất thu nước khu vực 1 của TP.HCM vay Ngân hàng Thế giới 44 triệu USD (kết thúc tháng 6-2013), Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giảm được 90.000m3/bị thất thoát mỗi ngày đêm (mục tiêu là giảm 125.000m3/thất thoát ngày đêm).

Thời điểm tỉ lệ thất thoát nước ở mức cao, có nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cơ chế rõ ràng, việc kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, không ít đơn vị xem đây là lĩnh vực “xương xẩu”. Việc đầu tư nguồn nước và bán giá sỉ qua Sawaco, vẫn được coi là “dễ ăn” hơn.

Sau khi các công ty con của Sawaco được cổ phần hóa, Sawaco đã bán nước sạch cho các công ty con qua đồng hồ tổng. Vì vậy, chuyện chống thất thoát nước sạch không còn là việc của công ty mẹ mà là “chuyện sống còn” của các công ty cổ phần.

Bởi thời điểm này, Sawaco chỉ chịu trách nhiệm phần nước thất thoát đến đồng hồ tổng, việc thất thoát nước sau đó (trên hệ thống ống phân phối) do các công ty cổ phần chịu trách nhiệm.

Vì vậy, các công ty cổ phần cấp nước phải tính cách giảm lượng nước thất thoát, điều này đã làm tỉ lệ thất thoát nước nói chung trên toàn hệ thống giảm đáng kể. Các vụ xì bể trên đường ống phân phối được xử lý tức thời chứ không “ầu ơ” như trước.

Lộ trình giảm thất thoát nước giai đoạn 2015 - 2020 mà UBND TP phê duyệt đã yêu cầu: tỉ lệ thất thoát nước đến năm 2020 giảm còn 23%, đến năm 2025 còn 20%. Đến nay, tỉ lệ thất thoát nước sạch trên toàn hệ thống còn khoảng 21 - 22%.

Nếu lấy công suất phát nước thực tế hiện nay là 1,9 triệu m3/ngày đêm, việc giảm thất thoát nước sạch từ 42% còn 21%, tương ứng mỗi ngày đêm có gần 400.000m3 nước sạch không bị mất. ■

Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt

Sở Tài chính TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM về điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP lộ trình 2019 - 2022. Theo đó, giá nước năm 2019 sẽ tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 đối với hộ dân cư, riêng hộ nghèo và cận nghèo vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3.

Sang năm 2020, giá nước sạch bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2021 là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Năm 2022 là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Giá này chưa bao gồm thuế VAT và áp dụng cho định mức sử dụng đến 4m3/người/tháng. Đối với định mức từ 4-6m3/người/tháng và trên 6m3/người/tháng sẽ có mức giá cao hơn.

Trong đề án, Sở Tài chính vừa trình TP cho biết với việc quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác, thẩm quyền thuộc Sawaco. Đơn vị này sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019 - 2022 đã được UBND TP phê duyệt.

Hiện giá nước kinh doanh - dịch vụ là 16.900 đồng/m3, chưa bao gồm thuế VAT.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận