TTCT - Khi hình thành ý tưởng thực hiện tủ sách Tinh hoa văn học (Phương Nam Books) thì dịch giả trẻ Hoàng Long là một gương mặt được chọn để đảm trách mảng văn chương Nhật Bản. Sau khi chuyển ngữ tiểu thuyết Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, Hoàng Long tiếp tục với hai tác phẩm Tà dương và Nữ sinh cũng của Dazai Osamu... TTCT trò chuyện với dịch giả nhân Tà dương được phát hành. Nhà văn, dịch giả Hoàng Long - Ảnh nhân vật cung cấp* Ðiểm qua những đầu sách dịch của anh có lẽ ai cũng thắc mắc: lý do nào để anh chọn Dazai Osamu?- Theo tôi, Dazai là một nhà văn đặc biệt của Nhật Bản, không phải chỉ trong đời sống riêng tư (với năm lần tự sát, qua đời ở tuổi 39 - PV) mà còn về tác phẩm. Như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, truyện của Dazai không mang phong vị của "hương trời xa xứ lạ" như tác phẩm của Kawabata hay Tanizaki mà rất gần gũi, phổ quát với thân phận con người nói chung cho dù ở quốc gia nào đi nữa.Có thể nói tác phẩm của Dazai mang tính "hậu hiện đại" đến mức ngạc nhiên. Cái bi kịch của Yozo trong Thất lạc cõi người, cuộc vượt thoát của Kazuko trong Tà dương có khác gì mỗi con người chúng ta trên đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống đâu? Một điều nữa khiến tác phẩm của Dazai phổ cập là ngôn từ và văn phong. Thứ tiếng Nhật trong sáng, hiện đại mà Dazai dùng trong những tác phẩm viết cách đây 70 năm bây giờ vẫn còn gây kinh ngạc cho nhiều nhà văn khác.* Như vậy là suốt mấy năm ròng anh hầu như chỉ đọc và dịch Dazai. Hình như anh đã bị Dazai... bỏ bùa?Hoàng Long tốt nghiệp khoa Ðông Phương học Ðại học KHXH&NV TP.HCM, hiện đang sống và làm việc tại Nagoya, Nhật Bản. Một số dịch phẩm gần đây: Con đường kiếm thuật của Musashi Miyamoto (2007), 69 của Murakami Ryu (2009), Thất lạc cõi người (2011) và Tà dương của Dazai Osamu, Nxb Hội Nhà Văn và Công ty sách Phương Nam phát hành 1-7-2012.- Thật lòng là không chỉ riêng Dazai mà tôi luôn dành cho văn học và đất nước Nhật Bản một tình yêu mê đắm. Có thể nói đất nước này đã sản sinh ra những văn tài của cùng cực. Kawabata tuyệt đỉnh tinh tế, Tanizaki đỉnh điểm của sùng bái cái đẹp cao sang, Mishima ái quốc cực đoan tàn nhẫn, Abe Kobo khắc khoải không ngừng, Dazai tự hủy vô phương... Nhưng cũng phải thú nhận rằng trong số những nhà văn cận hiện đại Nhật Bản chưa một ai gây ám ảnh như Dazai.Chính vì vậy mà Dazai ngày càng được giới trẻ Nhật Bản yêu thích, ngay cả những tác phẩm điện ảnh và truyện tranh chuyển thể từ tác phẩm của Dazai cũng được tái bản liên tục nhiều lần. Nếu được lập danh sách các nhà văn Nhật gây ám ảnh và trăn trở nhất thì theo thiển ý của tôi đứng đầu là Dazai, sau đó đến Akutagawa Ryunosuke, Abe Kobo, Oe Kenzaburo, Tanizaki Junichiro và Mishima Yukio.* Tiểu thuyết Tà dương, cũng như Thất lạc cõi người, về mặt câu chuyện và cấu trúc không có gì quá khác lạ. Nhưng theo anh, vì sao Tà dương vẫn khiến người đọc bị ám ảnh, sức mê hoặc của Dazai là từ đâu?- Để hiểu được điều này, ta cần đặt mình vào tâm cảm của Dazai. Một cuộc đời 39 năm ngắn ngủi mà tự sát đến năm lần. "Thiên cổ gian nan duy nhất tử", vậy mà một kẻ khinh thường cuộc sống, chết không được nên khinh thường cả cái chết, sống lay lắt ngày này qua tháng khác thì tâm trạng sẽ như thế nào đây? Hẳn nhiên là nỗi thống cảm cùng cực. Những trải nghiệm tận cùng ấy lại được viết ra một cách chân thành và thản nhiên đến kỳ lạ, thậm chí còn được lấy ra để mà cười đùa nữa thì đúng là không thể nào chịu đựng nổi.Khi đọc xong Thất lạc cõi người tôi bải hoải rã rời, vừa muốn buông bỏ vừa cứ bị níu bám theo. Thế là tự nhủ thôi đọc thử Tà dương, lại bị ám ảnh nên lại đọc Nữ sinh. Cuối cùng quyết định phải dịch trọn vẹn ba tác phẩm trọng yếu nhất này của Dazai. Việc này không những để giới thiệu cho độc giả Việt Nam một tác gia đặc sắc của Nhật Bản mà đối với bản thân tôi còn là một lần dứt quyết với Dazai để tiếp tục dịch những tác gia quan trọng khác.* Trong Tà dương, những bức thư mà thiếu phụ Kazuko gửi cho nhà văn Uehara phải nói là khá dụng công, có thể xem đây là một sáng tạo độc đáo góp phần làm nên thành công của Tà dương?- Thật ra thì truyền thống văn học Nhật Bản từ xưa coi trọng các thể loại nhật ký, các bức thư không gửi. Trong Nỗi lòng của Natsume (tiểu thuyết đã giới thiệu ở VN - PV), nhân vật tiên sinh cũng dùng thư tuyệt mệnh gửi lại. Thành ra tôi nghĩ đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật bình thường của văn học Nhật Bản. Tuy nhiên việc dùng riêng mỗi bức thư của Kazuko để tạo thành một chương trong tiểu thuyết thì thật thú vị, tôi mới thấy lần đầu trong các tác phẩm văn học đã được đọc.* Xin cảm ơn anh. Tags: Văn học nước ngoàiDịch giảHoàng LongDazai Osamu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.