Một lát cắt vào nền hành chính kiên cố của nước Đức

LÊ QUANG 09/08/2022 06:38 GMT+7

TTCT - Chẳng cứ mỗi chuyện người Đức soi xét cái hộ chiếu của Việt Nam đâu.

Kiôt vỉa hè bán bia chai nhưng bị cấm đưa khách đồ mở nắp chai vì luật quy định bán đồ uống có chỗ ngồi thì phải có nhà vệ sinh, cửa sổ quay ra đường phải sơn đúng màu trong quy hoạch mã màu thuộc hương ước làng, xe cấp cứu chuyên dụng của bệnh viện bị đánh trượt kiểm định kỹ thuật thường niên vì thiếu hộp bông băng sơ cứu… 

Chào mừng bạn đến Đức, xứ sở của nhiều điều kỳ diệu, kể cả ở cơ quan hành chính công lẫn trong lĩnh vực tư nhân.

Một lát cắt vào nền hành chính kiên cố của nước Đức - Ảnh 1.

NÓI ĐI…

Không hiểu từ bao giờ thuật ngữ "quan liêu" mang một màu tiêu cực xấu xí? 

"Bureaucratie" khởi thủy là một từ Pháp, bắt nguồn từ "bureau" nghĩa là văn phòng, nói rộng ra là một cơ quan hành chính của nhà nước. Nó mô tả cách thức tiến hành các quá trình quan trọng trong nhà nước. 

Trong hệ thống quan liêu, mọi động thái đều được quy định chính xác và sắp xếp nghiêm ngặt, ai cũng có nhiệm vụ được xác định rõ ràng. Các quy định mô tả chính xác cách thức hành động. Không nhân viên nào của cơ quan quản lý sẽ làm điều mà anh ta không có thẩm quyền hay trách nhiệm. Các tiến trình công vụ được tuân thủ nghiêm túc, mọi hoạt động đều được ghi lại chính xác và đầy đủ.

Vậy thì, dù được tiếng là hào hoa và phóng túng, người Pháp đã đúc ra một khái niệm vô cùng quan trọng và tích cực cho bộ máy hành chính nghiêm túc. Có thể hiểu đó là một luật chơi ắt phải có, bất kể bạn chơi tam cúc hay tú lơ khơ, vì không có luật thì mỗi người sẽ chơi một phách, huống hồ đây là một bộ máy hành chính của làng, thành phố, và quốc gia.

Việc tuân thủ luật chơi buộc người tham gia phải tạo ra các cấu trúc không có chỗ cho diễn giải tùy tiện hoặc ứng biến được chăng hay chớ, rẽ ngang rẽ tắt. Do đó, tất cả mọi người đều có thể hiểu được các quy trình nội bộ. Luật chơi đảm bảo các quy trình suôn sẻ, có mục tiêu và mang tính ràng buộc.

Và sau cùng, sự khó chịu ban đầu của việc thực thi các yêu cầu hành chính làm cho công việc và cuộc sống nhẹ nhàng đi: Mọi người đều biết những gì cần thiết khi nào, như thế nào và ở đâu để đạt được kết quả mong muốn.

Điều mà một số người coi là khó chịu và không cần thiết, thực ra thể hiện một cơ sở mạnh mẽ cho lòng tin. Cụ thể là sự tin tưởng rằng mọi người phải hành động theo các quy tắc và điều kiện giống nhau - điều này áp dụng cho cả nội bộ lẫn bên ngoài. Bạn sẽ rùng mình đến mức nào nếu, chẳng hạn, thủ tục phê duyệt cho một loại thuốc tiêm chủng mới được thực hiện theo cảm tính thay vì theo các bước thẩm định rõ ràng?

Nhưng vấn đề là khi nhà nước tạo ra một bộ máy quan liêu, dẫu với thiện chí bất khả nghi như đã kể trên, người ta đã không lường trước được một thực tế là bộ máy ấy - nhất là khi nó được ưu ái và cũng phải được ưu ái để hoạt động tốt - ngày càng trở nên cồng kềnh và rối rắm. 

Nó nghĩ ra đủ mọi cách để biện minh cho sự tồn tại và củng cố cái địa vị khiến nó được hưởng một số đặc quyền đặc lợi mặc định. Nó được đẻ ra và điều hành bởi những con người sống nhờ vào nó, dễ hiểu là cũng mang đầy tham, sân, si - những gì mà một cơ quan công quyền không được phép có.

Một lát cắt vào nền hành chính kiên cố của nước Đức - Ảnh 2.

…CŨNG PHẢI NÓI LẠI

Người Pháp đẻ ra khái niệm "quan liêu" song chính người Đức mới được coi là kỷ luật và cứng nhắc. Xin trích lại ở đây lý giải trong công hàm của Đại sứ quán Đức về chuyện không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam: "Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được. Trong khi kiểm tra ở Đức (khi nhập cảnh, xuất cảnh, khi kiểm tra trong nước) sẽ phải luôn đối chiếu bằng thủ công với danh sách. Không thể cho rằng mỗi người làm nhiệm vụ kiểm tra đều có danh sách này".

Trước đây mấy tháng, một tin đăng báo khiến người Đức cười ra nước mắt: một chiếc xe cấp cứu hiện đại với trang bị cấp cứu và hồi sức tân tiến, khi đi khám kỹ thuật định kỳ đã bị đánh trượt vì… thiếu hộp bông băng sơ cứu!

Hành chính công thì như vậy, thế lĩnh vực tư nhân thì sao? Cũng thế.

Lấy một ví dụ: có nhiều nhà giàu Đức khi về già có số tiền đọng lại trong ngân hàng là vài chục triệu euro. Một số không nhỏ trong đó muốn cho một quỹ bất vụ lợi nào đó thừa kế số tiền này, để nghiên cứu thuốc chữa ung thư chẳng hạn, hay chăm sóc mèo hoang, ủng hộ các gia đình có con tự kỷ, cứu đói ở châu Phi… Nhưng đừng tưởng định tặng tiền đi mà dễ!

Trước tiên, nhà hảo tâm này phải thuê một luật sư chuyên ngành thuế để khai báo toàn bộ thu nhập trong ít nhất 5 năm cuối, sau đó chứng minh là không nợ thuế ở sở tài chính. Ngân hàng của người đó phải báo cho cảnh sát hình sự để thẩm định xem số tiền đó có phải là tiền bẩn không và đương sự đã có lần nào quyên tiền cho Bin Laden chưa. 

Chưa xong, quỹ nào muốn nhận tiền phải thuê chuyên gia đi tìm nơi nhận tiền xứng đáng, rồi cũng phải chăm sóc họ và định kỳ giải trình này nọ. Tóm lại, muốn làm việc thiện ở Đức không dễ.

Felix Oldenburg, một chuyên gia kinh tế từng đứng đầu Hiệp hội Các quỹ Đức trong 4 năm, biết tất cả những trở ngại về quan liêu và tài chính cần phải vượt qua để quyên góp số tiền lớn cho một mục đích tốt. 

Theo Oldenburg, toàn bộ hệ thống quan liêu Đức phức tạp và tốn kém đến mức trong mấy năm gần đây, khoảng 30 tỉ euro tiền đã không được tư nhân trao cho các quỹ, chỉ vì các thủ tục và chi phí quá lằng nhằng và tốn kém. Nói cách khác, ai không định quyên chục triệu, mà chỉ định làm phúc với vài ngàn euro thì sẽ dẹp luôn ý đồ tốt đẹp đó.

Vì quá oải với điều đó, năm nay Oldenburg khởi nghiệp với dự án bcause (bcause.com) cùng Lukas Bosch, cố gắng để "làm cho việc đầu tư vào các quỹ dễ dàng như việc mua chứng khoán ngày nay - tất cả điều này chỉ với một vài cú nhấp chuột".

Một tính toán về các chi phí do bộ máy quan liêu liên bang gây ra cho nền kinh tế Đức, do Cục Thống kê liên bang thực hiện, cho thấy thiệt hại cho năm 2015 là gần 43 tỉ euro, bằng cả GDP của Venezuela. Elon Musk, ông vua ôtô điện, khi đặt móng xây Nhà máy ôtô Tesla khổng lồ ở Đức với đầu ra nửa triệu xe/năm, chắc đã hối hận: ông không ngờ là năm 2022 rồi mà mỗi tờ đơn đều phải in ra rồi đưa bưu tá đi xin chữ ký tươi!

ĐANG RỐI TỈ CHUYỆN, NƯỚC ĐỨC CHƯA RẢNH ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Giải quyết vấn đề thì ai cũng biết, huống hồ người Đức: không phải triệt hạ, mà tinh giản hệ thống quan liêu. Ai cũng ngại sức ì của lĩnh vực này, nhưng con người đẻ ra quy định thì cũng phải tìm được cách sửa đổi quy định nào cản trở tiến bộ. Lý do ở đây là quyết tâm chính trị.

Không hiếm chuyên gia cho rằng đó là di sản của 16 năm triều đình Angela Merkel. Bên cạnh những thành tích lớn và không thể chối cãi, người đàn bà thép đã bất lực đầu hàng trước quán tính khủng khiếp của bộ máy hành chính.

Peter Altmaier, bộ trưởng kinh tế của bà Merkel, từng hứa trong chiến dịch bầu cử năm 2017 rằng Đức sẽ có chính quyền thân thiện với công dân nhất ở châu Âu: hiệu quả, kỹ thuật số hiện đại và an toàn về mặt pháp lý: "Một quốc gia nghiêm túc theo đuổi mục đích đó sẽ không thể để công chức của mình ngồi đánh máy tờ giấy khai sinh hoặc khai tử như thời của hoàng đế Wilhelm (1859-1941)".

Nhưng 5 năm sau, Đức vẫn còn cách xa vạn dặm với một quốc gia phi quan liêu mơ ước như thế. Đại dịch Covid đã không ngừng bộc lộ những điểm yếu của nhà nước: các nhà chức trách đôi khi thông báo số người nhiễm bệnh đến Berlin bằng máy fax! Chiến sự Ukraine bồi thêm một đòn với đường ống dẫn gas và xăng tắc nghẽn. Mấy ai còn rảnh đầu óc nghĩ đến cải cách hành chính?

Ở đây phải xét thêm yếu tố lịch sử: ngó lại dĩ vãng đen tối thời Quốc xã toàn trị, cả các cường quốc Đồng minh sau Thế chiến II lẫn chính quyền Đức sau này đều cố gắng củng cố sức mạnh của chính quyền địa phương, không để tất cả quyền lực dồn hết vào tay trung ương.

Thể chế liên bang có vẻ như khởi đầu rất ngoạn mục thời hậu chiến, thúc đẩy các sáng kiến lập pháp và kinh tế của các cấp cơ sở. Nhưng khi sóng gió lắng xuống thì sự "kèn cựa" về thẩm quyền giữa trung ương và địa phương bắt đầu gây ra vấn đề. Mỗi bang một chính phủ với liên minh nhiều đảng và một nghị viện với cũng chừng ấy nhóm dân biểu và thẩm quyền sâu rộng. 

Đơn cử ví dụ đầu năm 2020, một chính trị gia của Đảng Dân chủ tự do Đức Thomas Kemmerich đã bất ngờ được bầu hoàn toàn hợp lệ lên ghế thủ hiến bang Thüringen với sự giúp đỡ của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Đảng cực hữu AfD. 

Thủ tướng Merkel, người đang đi công tác vào thời điểm đó, đã phát biểu sau cơn sốc bởi kết quả bầu cử: "Một ngày tồi tệ cho nền dân chủ". Phát biểu bồng bột của chính trị gia lão luyện Merkel đã khiến bà bị kiện lên tận Tòa Hiến pháp liên bang, cấp tối cao của hệ thống tư pháp. Đảng AfD thắng kiện ngoạn mục.

Vai trò của các đảng đối lập là một minh chứng cho nền dân chủ mạnh mẽ. Trớ trêu thay, sau 15 năm cầm quyền, Đảng CDU của bà Merkel lần này lại rơi vào vị trí đảng đối lập. Điều đó không hứa hẹn một không khí hợp tác trong nhiệm kỳ này, nhất là khi châu Âu đang nóng lên vì súng đạn và phong tỏa kinh tế. Cuộc cách mạng nhằm tinh giản bộ máy quan liêu lại một lần nữa bị đưa vào mục "thứ yếu". 

 Việc thuyết phục người Đức đối xử với hộ chiếu Việt Nam khác đi, vì thế, có lẽ cũng sẽ không đơn giản.■

Con người ưa càm ràm, âu cũng là chuyện thường

Tuy nhiên, các chuẩn mực hành chính được quy định rõ ràng mang lại nhiều lợi thế hơn, dẫu ta không chịu thừa nhận, bởi nó mang lại sự an toàn, đảm bảo công lý, tạo ra hiệu quả. Và tội vạ không thể đổ lên hết các thủ tục, bởi trong hệ thống này, yếu tố con người vẫn là khó trị nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận