Một vở diễn, đâu khác được!?

NGUYỄN PHI HÙNG 27/10/2017 02:10 GMT+7

TTCT - Hoạt động của ngành giáo dục từ Nam ra Bắc, từ miền núi xuống đồng bằng đều “diễn cùng một vở”. Vì sao không thể làm khác đi, sáng tạo hơn?

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Giáo viên và những nhà quản lý giáo viên, ngay từ trong tư duy và cách làm của mình đã bị áp đặt, không dám làm khác thì làm sao dạy cho học sinh phóng khoáng trong sáng tạo, đột phá trong suy nghĩ?

Từ bệnh “không dám làm trái”

Khung thời gian năm học được UBND mỗi tỉnh ra quyết định. Nghĩa là khai giảng ngày nào, nghỉ tết ngày nào, bế giảng ngày nào. Kể cũng tốt khi định ra lịch năm học như vậy, chỉ là người thực hiện quá khuôn phép, quá sợ cấp trên.

Nếu năm nào thời tiết thuận lợi thì năm học gần như kết thúc trước nửa tháng, nhưng đố hiệu trưởng nào dám làm lễ bế giảng sớm.

Năm học 2016-2017 tỉnh Phú Yên lên lịch kết thúc năm học trong các ngày từ 29 đến 31-5-2017, vậy là đến hơn nửa tháng trời học sinh mỗi sáng mỗi chiều đều đến trường nhưng chương trình đã học xong, bèn rủ nhau tắm sông lội suối... Những hoạt động bên ngoài nhà trường của các em thật khó kiểm soát. Cũng năm đó, có 4 học sinh chết đuối ở hạ lưu sông Ba khi nước từ thủy điện đổ ra sông như thác lũ.

Những chuyện như trong lễ khai giảng không được báo cáo thành tích, không diễn văn dông dài, sáo rỗng... cũng phải đợi cấp trên ra công văn chỉ đạo.

Đã có chỉ đạo thì răm rắp làm theo, vậy là từ “thái cực” bắt học trò chịu nắng vì sự ê a của lãnh đạo sang “thái cực” mới nửa tiếng đồng hồ đã xong lễ khai giảng. Vì ngoài đọc thư gửi ngành giáo dục của chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh và hiệu trưởng đánh hồi trống... thì không còn gì hơn.

Sau mấy tháng nghỉ hè, gặp bạn cũ, học sinh nào cũng có nhu cầu tâm sự, chưa tính đến những học sinh chưa chuẩn bị kịp sách vở. Nhưng đã có chỉ đạo khai giảng xong là vào lớp học ngay, không ai dám trái lệnh. Thầy cô trực tiếp lên lớp thấy mình như phũ phàng cướp lấy niềm vui tuổi thơ của học trò trong buổi tựu trường.

Phòng giáo dục của quận huyện, sở giáo dục của tỉnh thành phố với đầy đủ khả năng chuyên môn, khả năng quản lý và tràn đầy trách nhiệm nhưng lại rất bị động trong công tác nhân sự. Đọc bài viết trên báo Tuổi Trẻ “Ba đời chủ tịch huyện, huyện thừa 600 giáo viên”, chuyện ở Đắk Lắk nhưng không riêng Đắk Lắk, chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Đến cầm tay chỉ việc... vặt

Giáo viên chỉ cần nắm chương trình môn học là đủ, sách giáo khoa (SGK) chỉ để tham khảo. Danh nghĩa thế nhưng SGK đã trở thành “pháp lệnh” bởi lối đánh giá dạy và học áp đặt từ ý chí người soạn SGK mà người dạy không có sự lựa chọn cái thứ hai, thứ ba.

Bộ GD-ĐT còn cho soạn thêm sách chuẩn kiến thức kỹ năng, sách giáo viên, sách soạn giảng, sách bài tập... được coi là “vệ tinh phục vụ” cho SGK kia. Tóm lại là trang bị “tận răng” cho giáo viên, vô tình như cầm tay chỉ việc, tạo ra cái khuôn “đúc sẵn”.

Ngành giáo dục tuyển sinh viên sư phạm thế nào, đào tạo ra sao để đến khi họ đứng lớp thì gần như không tin tưởng được vào giáo viên nữa? Hai người bạn không tin nhau đã khó sống, ngành giáo dục không tin đội ngũ giáo viên do chính mình đào tạo, quả thật, là thảm họa.

Bằng chứng mỗi sự thay đổi nhỏ nhặt, vụn vặt cũng huy động giáo viên cả nước tập huấn, bồi dưỡng. Ví dụ như trước khi ra đề kiểm tra giáo viên phải lập ma trận đề, thế là Bộ GD-ĐT “chia” đất nước thành mấy khu vực, sắp xếp cho các vị tiến sĩ giáo sư đi khắp các tỉnh thành tập huấn cho giáo viên làm ma trận đề (!). Đương nhiên, các vị đến tỉnh tập huấn phải được chăm sóc chu đáo... tận chân cho đến lúc về.

Hô hào thay đổi phương pháp giảng dạy đủ kiểu, chê bai dạy học “đọc - chép” thế nọ thế kia nhưng cách đánh giá năng lực, rồi thi cử, lại luôn ủng hộ phương pháp truyền thống.

Trường tôi có cô giáo dạy văn nhưng viết truyện, viết bài cho các báo từ địa phương tới trung ương. Hỏi học văn để làm gì, ngoài để sử dụng được chữ nghĩa?

Có cô giáo viết văn, viết báo, làm thơ, tuyệt quá đi chứ, trò rất thích học giờ văn của cô, vậy mà cô chưa bao giờ được dạy lớp cuối cấp. Lớp cuối cấp phải đi thi, cô ấy dạy, học trò không chép được gì vào vở thì lấy gì thi?

Các thông tư quy định thể thức văn bản cũng được ngành giáo dục triển khai. Từ nay giáo viên báo cáo gì, đơn gì gửi lên cấp trên phải tuân theo.

Sai thể thức không duyệt, không xét. Có người bị mất chiến sĩ thi đua vì chủ tịch công đoàn báo lên cấp trên bằng văn bản sai thể thức.

Đơn cử một quy định văn bản: không được gạch chân bằng lệnh “Underline” mà phải bằng “AutoShapesline”, chỗ này phải thụt vô, chỗ kia cỡ chữ phải đúng “cỡ 12”... Hình thức đến mức ngớ ngẩn. Vậy là giáo viên phải được “tập huấn” thể thức văn bản, hỡi ôi!

Nói nhiều, cũng chỉ nêu phần nhỏ của hiện tượng “diễn cùng một vở” chứ không có giải pháp. Sự việc nó phải thế, không làm khác được, như nhiều người cảm thán. Chỉ mong người trọng trách tác động chứ đừng can thiệp.

Ví dụ việc tuyển dụng giáo viên, UBND huyện, tỉnh đừng can thiệp quá sâu. Xin bớt công văn, bớt thông tư, chỉ thị vì dễ làm những ông bà cấp dưới quá mẫn cán và yếu bóng vía hoang mang, dẫn đến rập khuôn thực hiện.■

Tài chính cho hoạt động của nhà trường được tính sít sao, tức là đếm được từng hoạt động theo lịch năm học. Cấp trên thanh tra kiểm tra tài chính định kỳ. Hiệu trưởng cứ đến hẹn triển khai: hội nghị công chức viên chức, tọa đàm 20-11, kỷ niệm 8-3, hội khỏe 26-3...

Nếu hiệu trưởng muốn làm khác đi, muốn tạo ra sinh hoạt khác, anh chẳng có kinh phí để làm. Hiệu trưởng thông minh sáng láng cũng không hơn gì hiệu trưởng chỉ mỗi ưu điểm chỉn chu công việc.

Hiệu trưởng tất bật chẳng qua anh tự vẽ việc cho mình thôi, không ai mượn, không chừng nếu thiếu bản lĩnh sẽ dễ dàng sai phạm. Ít việc, và nếu sẵn chút máu nghệ sĩ, hiệu trưởng có thể làm thơ, nhậu và galăng cánh chị em.

Rất nhiều hiệu trưởng năm nào cũng có sáng kiến kinh nghiệm để đạt chiến sĩ thi đua nhưng chả thấy có sáng kiến gì dùng được để toàn ngành biết tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận