TTCT - xe điện có xanh thật không, trồng rừng nhiều hơn có thật sự giảm CO2 không, ăn chay có thật là sẽ giảm nóng cho địa cầu không… và một với một có bằng hai không? Máy bay cũng là một phương tiện thử bệnh rất hữu hiệu. Thậm chí lúc cơ thể chưa có triệu chứng gì. Trong lúc phi cơ hạ độ cao, nếu bạn thấy tai đau thì khả năng là bạn đang bệnh. Nếu xuống đất rồi mà tai như bị bít lại, đau như bị ép vào, thì chóng chầy gì bạn cũng bệnh. Chả là trong tai có một cái ống nối sang mũi để điều hòa áp suất. Khi người bị yếu hay hệ hô hấp có vấn đề, cái ống này bị chập cheng. Trên trời áp suất thấp, dưới đất áp suất cao. Khi xuống đất, đáng ra để điều áp, nó phải dần dần mở. Nhưng do bệnh, nó khư khư đóng. Và tai mình bị đau.Khi bệnh hơi nặng, cái đau này làm người ta không nghe được gì cả. Dĩ nhiên, trong một thời gian ngắn. Khi cảm thấy mình bị kém nghe tạm thời, sau khi kiss landing (*) xuống Tân Sơn Nhất hôm kia, tôi biết mình lành ít dữ nhiều. Và tôi đã bệnh. Sốt siêu vi bốn chục độ.Do thời tiết thay đổi, bác sĩ nói. Tôi hiểu. Nhưng tôi lại biết một lý do khác nữa. Chất lượng không khí ở Sài Gòn cả tháng nay."Ta không tin cả nắng giữa trời này..."Trước đây, tôi hay kể về một vòng tròn xám xịt. Nó là khí thải của đô thị, bao quanh thành phố, chắc nịch chẳng rời. Đến khi có mưa hay thời tiết dịu đi thì nó mới tan biến. Một năm làn sương này đến ôm Sài Gòn vài ba lần. Và mỗi lần đó, chất lượng không khí mà thị dân ở đây hít vào không khác gì khí độc là mấy.Giãi bày bằng vài chữ vậy, chứ tôi biết không ai làm được gì cả. Cái cảnh kinh kỳ bụi quá, xuân không đến này sẽ từ vậy đến tệ hơn thôi. Với lại, vấn đề môi trường nhạy cảm này không đơn giản như một với một là hai. Nó vô cùng phức tạp. Có nhiều điều cái mình không thể thấy hết để phán xét trái phải cong thẳng. Một vài ví dụ.Ví dụ một. Dù có cảm tình với nước Nhật nhưng cũng có vài điểm làm tôi phật ý. Điểm lớn nhất là việc trong siêu thị, họ thường gói từng trái chuối trong ni lông. Là dân xứ nhiệt đới chính cống, chuối nhìn cả nải quen rồi, nên ban đầu tôi thấy rất gai mắt. Dần dần thì tôi cũng hiểu, rằng Nhật ôn đới, không trồng được chuối mà phải đi nhập, cho nên trái chuối người ta quý. Hiểu là hiểu vậy nhưng cố mấy tôi cũng không tài nào chấp nhận được cái việc người ta lấy nguyên một cái bao ni lông bọc từng trái chuối lại. Không phải loại bao tự hủy mà là một loại rất bền, chắc ngàn năm sau mới phân hủy được.Muốn chê bôi phẫn nộ chi thì cũng phải nhìn được góc của phía kia. Bạn tôi nói như vậy. Cả thời sinh viên du học, anh làm việc trong siêu thị. Anh nói người ta gói trái chuối như vậy để bảo vệ nó không bị bầm giập khi khách sờ vào nhấc lên đặt xuống chọn lựa. MInh họa: Dave Simonds/The EconomistTrong ngành còn có cả một thuật ngữ cho điều này - "shelf time", thời gian trên kệ. Càng gói kỹ thì shelf time của trái cây càng lâu. Trái cây lâu bị hư thì không phí nguồn năng lượng đã trồng ra nó. Người ta tính rồi, thiệt hại của việc tạo ra một gói nhựa không bằng thiệt hại của việc phí phạm năng lượng. Hao chẳng bõ hơn.Nghe cũng có lý đó ha, tôi gật gù chiêm nghiệm. Và anh bạn tôi hì hì, đó là sếp trong siêu thị tao nói vậy chứ tao cũng không chắc.Ví dụ hai. Một bài báo (tôi cho là uy tín) đưa vấn đề như vầy: giữa một người đạp xe đi làm và một người đi xe hơi đi làm, ai là người phát thải ít hơn. Chắc chắn là xe đạp rồi. Dễ ẹc. Một với một bằng hai.Nếu vấn đề đơn giản trên mà dễ ẹc, thì hẳn thế giới này đã hòa bình. Thấy dễ, là do mình chưa xét đến nhiều yếu tố xung quanh. Người đi xe đạp về nhà, bỏ bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi vào giặt. Bột giặt bột xả có hại cho môi trường không? Người đi xe đạp về nhà, khát quá mệt quá, mở tủ lạnh ra lấy chai sữa tu ừng ực. Nếu bạn hỏi điều đó liên quan gì đến môi trường, thì xin nhắc nhẹ, công nghiệp nuôi bò vắt sữa là ông nội của xả thải, chưa kể đến việc nó đọa đày thân xác của các bé bò.Còn vài ví dụ nữa, như xe điện có xanh thật không, trồng rừng nhiều hơn có thật sự giảm CO2 không, ăn chay có thật là sẽ giảm nóng cho địa cầu không… Nhưng tôi e gõ hết ra đây, không những tôi mà cả con siêu vi đang hành tôi nó sẽ chẳng còn biết thứ gì là thật trên cuộc đời này nữa. Tỉ như trong một chuyến thám hiểm mà người ta cần theo hướng Tây để về đích. Theo thường thức, ta biết chắc rằng cứ lần theo bóng mặt trời về chiều là sẽ tới. Nhưng la bàn thì chỉ Bắc, còn bạn đồng hành thì chỉ Nam, nên ta không biết tin vào đâu nữa. Như nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân viết, Ta không tin cả nắng dưới trời này.Nên thôi. Chỉ muốn kể với bạn rằng vấn đề môi trường này làm cho tôi thấy mình giống con cua. Con cua thì càng to càng nhỏ, còn tôi thì càng (tưởng) biết, càng lẫn.Một với một có bằng hai?Đúng là trong cuộc sống luôn có những thế lưỡng nan hỏa mù như vậy làm người ta nghi ngại kể cả chính mình. Tuy vậy cũng có những điều mà tôi - với ý thức là mình ngày càng cua - chắc chắn chứ.Tôi chắc là hệ miễn dịch của tôi bị khí nóng ô nhiễm của Sài Gòn kéo cho sập. Sài Gòn nhiều đường phố bê tông, nhiều cao ốc bọc kính, nhiều người nhiều xe như nước đã đành. Giờ lâu lâu lại chặt một hàng cây, tựa hồ cây xanh là kẻ thù bất cộng đới thiên của phát triển kinh tế.Nhắc đến chặt cây, tôi lại nhớ đến tâm sự thầm kín của Minh, bạn tôi. Minh làm kiến trúc đô thị ở Úc, lâu lâu về Sài Gòn chơi thăm nhà. Một bữa anh kể với tôi chuyện này. (Chắc gọi là thổ lộ thì đúng hơn, vì cái này không có gì đáng vỗ ngực). Rằng đàn ông đàn ang, ai có mau nước mắt bao giờ. Vậy mà ngày kia, Minh khóc đến hai lần.Một ngày hè 2018, Minh về thăm Sài Gòn. Về chơi, bạn tôi hay chạy xe trên những con đường kỷ niệm thời học sinh. Sáng đó anh rẽ qua Nguyễn Văn Cừ, chỗ trường cấp III cũ, mong được đi lại dưới những tán xanh như ngày xưa. Nhưng gã trai đi xa lâu ngày mới về, bị một cơn xây xẩm. Hai hàng cây xanh mát ôm ấp ba năm trung học của anh đã bốc hơi. Không còn tăm dạng dấu vết, dù là cái gốc cây. Cảnh vật bên đường làm anh hình dung ra một thằng bé ốm đói bị lột trần, trơ hai mạn sườn xương xẩu. Một bên là mái trường cũ, bên kia là khu mua sắm, khách sạn năm sao, công trường... Nghĩ đến những ngọn cây kỷ niệm bị đốn chặt, Minh có cảm giác như tuổi hoa niên của mình cũng bị đốn chặt. Minh bật khóc.Cầu Ba SonViệt kiều về thăm quê hương xốc lại tinh thần, rồ ga chạy đến chốn kỷ niệm thứ hai. Không sao, anh tự nhủ, chỗ này thì chắc chắn vẫn còn. Chỗ này của anh gần với Viện Trao đổi văn hóa với Pháp - ngày đó, lũ học sinh chúng tôi hay tới đây xem phim, xem kịch, đọc sách. Đó là một đại lộ nhưng xanh um và mát rượi như một cánh rừng. Hai bên đường là hai hàng cổ thụ có đến trăm tuổi. Mỗi hàng có gần trăm cây xà cừ, lim, me, bàng; cây nào cây nấy thân to ba bốn người ôm. To mà còn cao nữa, thân cây cao nên tán che khuất hết mọi công trình nhiều tầng xung quanh. Ớn bê tông cốt thép nhựa đường, đến đây chỉ cần ngửa cổ lên là mất dấu thành phố. Những cây là cây.Nhưng rồi khi xe chạy hết Lý Tự Trọng đâm vào đại lộ Tôn Đức Thắng, Minh bật khóc. Lần thứ hai trong ngày. Rừng xưa đã khép. Cánh rừng giữa lòng phố trong ký ức giờ trọc lóc. Thế chỗ vào đó là một công trình bề thế. Một cây cầu rất lớn sẽ trổ ra từ đây. Siêu cầu này sẽ nối với bán đảo bên kia sông. Nó sẽ khuếch đại Sài phố thành một đô thị thậm chí còn to hơn, giàu hơn nữa. Kỳ vọng đẹp đẽ như vậy, hàng cây bách niên phải nhường chỗ, có chi là đáng bàn.Khung trời kỷ niệm không còn, Minh thấy trong lòng có gì đó đứt gãy. Cái gì đó, sau một hớp bia và cái nhìn xa xăm, anh bạn tôi tìm được hình tượng. Nó giống như sợi dây nối quá khứ của anh với cái quê hương bản quán này, giờ đã đứt rồi.Nhưng sự xúc động còn đến vì từ góc nhìn nghề nghiệp. Minh nói với tôi không phải tự nhiên mà Sài Gòn ban ngày không thở nổi nữa đâu. Có lý do hết, ông kiến trúc sư giải thích. Trong nghề của anh có một chỉ số gọi là chỉ số phủ xanh.Người ta ước tính được số lượng cây xanh trong thành phố, từ đó tính ra được diện tích mảng xanh rồi đem chia cho tổng dân. Kết quả là một con số, số này để đánh giá cái sự xanh sạch, đáng sống của một thành phố. Ở nhiều đô thị trên thế giới, người ta đo ra, ít là 20m2, nhiều là 40m2 mảng xanh trên mỗi dân.Sài Gòn năm đó, dân chuyên môn nhẩm tính thì chưa được 1m2 đầu người. 1m2 nghĩa là cỡ năm phần trăm nhà người ta. Lúc đó, nghe thì sao mà nó còm cõi, khiêm tốn quá. Nghe là thấy ngợp thở rồi. Nhưng mà bây giờ chưa chắc được như vậy nữa. Nhắm mắt đếm sơ sơ thôi. Từ đó đến giờ, Sài Gòn đã có thêm cầu Ba Son, bến Bạch Đằng mới, phố đi bộ, tàu điện ngầm. Chưa tính một tá chung cư đua nở. Chừng đó công trình xây lên thì bao nhiêu cỏ cây hạ xuống.Một thước vuông xanh đầu người ít ỏi năm đó, giờ chắc cũng sứt mẻ ít nhiều. Vậy thì Sài thành dần biến thành cái hỏa lò thì có gì đâu mà phải bàn.Vừa nóng vừa bụi, đi giữa những con đường không cây, tôi chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe. Năm nay lại là năm El Niño, chu kỳ nóng của địa cầu, nên ta sẽ cần thêm lạc quan nữa. Rồi mưa tới. Mưa mang bụi đi. Đi ra biển. Thứ mưa ấy làm cho biển trở thành một môi trường acid chết chóc. Cá sẽ bơi trong đó, ta sẽ vớt chúng lên ăn. Mà thôi, cái này chắc bàn sau. Chắc gì một với một đã bằng hai. Tags: Suy nghĩPhiếm đàmVăn hóaMôi trườngCây xanhTrồng câyChặt câyKhí hậu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.