Mozart chết vì thiếu nắng?

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 20/09/2011 20:09 GMT+7

TTCT - Wolfgang Amadeus Mozart qua đời năm 35 tuổi sau một thời gian mắc nhiều bệnh. Nguyên nhân cái chết của thiên tài âm nhạc này được giới y khoa nghiên cứu suốt 100 năm qua.

Phóng to

Chỉ cần vài phút phơi nắng đã có thể bổ sung nguồn vitamin D quan trọng cho cơ thể - Ảnh: google.com

Xem qua hồ sơ y tế, người ta thấy Mozart có nhiều vấn đề về sức khỏe: bệnh đậu mùa, viêm amiđan, viêm phổi, thương hàn và cả thấp khớp. Sổ sách chính thức ghi rằng nguyên nhân tử vong là “sốt nặng”, nhưng đây chỉ là triệu chứng chứ không hẳn là bệnh.

Thiếu vitamin D, nguy cơ tử vong gấp 1,5 lần

Ở các nước ôn đới, số người thiếu vitamin D có thể lên đến 80%. Ở Việt Nam, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khoảng 50% nữ và 20% nam thiếu vitamin D. Ở các tỉnh miền Bắc, có 70% số người thiếu vitamin D và tỉ lệ này cao hơn vào mùa đông.

Năm 2009, một nhóm nhà khoa học Anh, Áo và Hà Lan thực hiện một nghiên cứu dịch tễ học về nguyên nhân tử vong của Mozart. Họ kết luận rằng rất có thể Mozart chết vì nhiễm khuẩn streptococcus dẫn đến viêm thận cấp tính. Tuy nhiên, mới đây một phân tích khác đưa ra giả thuyết thiếu vitamin D có thể là một trong những yếu tố dẫn đến cái chết của Mozart.

Vitamin D là một hormone (kích thích tố) được sản sinh chủ yếu qua ánh nắng mặt trời. Khi phơi nắng, da chúng ta tiếp xúc với tia tử ngoại, một lượng cholecalciferol được sản sinh dưới da, qua hai quá trình chuyển hóa trong gan và thận để thành vitamin D.

Vitamin D được biết đến như một hoạt chất có ảnh hưởng đến sự phát triển và duy trì xương. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện nhiều mối liên hệ quan trọng. Thiếu vitamin D không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư mà cả bệnh loãng xương, tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, vảy nến, viêm đường ruột, viêm khớp, nhiễm trùng…

Người thiếu vitamin D thường bị đau nhức cơ bắp, hay bị té ngã và dễ gãy xương. Những người có hàm lượng vitamin D thấp có nguy cơ tử vong tăng khoảng 30% so với những người có hàm lượng bình thường. Nghiên cứu của chúng tôi ở Việt Nam công bố năm ngoái cho thấy thiếu vitamin D cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh lao. Người thiếu vitamin D có nguy cơ tử vong cao hơn gấp 1,5 lần so với người không thiếu vitamin D.

Chỉ cần vài phút phơi nắng mỗi ngày

Giả thuyết về mối liên hệ giữa vitamin D và cái chết của Mozart có logic và cơ sở sinh học. Dựa vào suy luận về thời khóa biểu làm việc của Mozart, người ta thấy ông thường soạn nhạc vào ban đêm, do đó ông ngủ suốt ngày. Vienna nằm ở vĩ độ 48º bắc nên trong điều kiện địa lý đó, cơ thể chỉ có thể hấp thu vitamin D từ ánh nắng mặt trời khoảng sáu tháng một năm.

Mozart ngã bệnh và qua đời vào tháng 12-1791, tức ngay giữa mùa đông. Ông mắc nhiều bệnh nhiễm như viêm chảy (catarrh), sốt và viêm khớp xương, đau cổ họng, cảm lạnh, ói mửa vào tháng 10 đến giữa tháng 5 năm từ năm 1762-1783.

Thời gian bán hủy của vitamin D trong cơ thể là 4-6 tuần nên nồng độ vitamin D trong máu của Mozart lúc mắc bệnh chắc phải rất thấp. Thêm vào đó, nguyên nhân tử vong vào thời đó ở Vienna là những bệnh nhiễm như lao, ung thư, tiểu đường, suy tim, tai biến, viêm phổi. Do đó có thể thiếu vitamin D chính là một nguyên nhân dẫn đến bệnh nhiễm và cướp đi mạng sống của thiên tài âm nhạc này.

Vitamin D thường được xem là vitamin trời cho. 90-95% hàm lượng vitamin D được sản sinh qua phơi nắng. Liều lượng vitamin D cơ thể con người cần là 3.000-5.000 IU/ngày (IU là đơn vị quốc tế đánh giá liều lượng vitamin D), nhưng liều lượng tiếp thu từ thức ăn hằng ngày chỉ bằng 10% nhu cầu. Có nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa hè chỉ cần phơi nắng trong vòng vài phút (10-20 phút), lúc đó cơ thể chúng ta đã sản xuất được trung bình 20.000 IU vitamin D (nhưng ở một số người mức độ có thể dao động 10.000-50.000 IU).

Do đó, bài học từ giả thuyết về cái chết của Mozart là: mỗi ngày chúng ta cần bỏ ra vài phút phơi nắng để nạp đầy đủ vitamin D và cũng là một cách phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận