TTCT - Tháng 9, tháng 10 Sài Gòn hay có những trận mưa đêm, thường từ khoảng nửa khuya về sáng. Có đêm mưa rả rích, rả rích kéo dài. Có đêm mưa rầm rập đến rồi rầm rập đi, từng chập, từng chập. Có đêm mưa ầm ào tưởng như cả khối nước khổng lồ từ trên trời đổ thẳng xuống đất, những giọt mưa to, nặng cứ thế giội xuống thẳng đứng. Phóng to Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần Mưa đêm làm khí trời mát mẻ, giúp con người dễ trôi vào giấc ngủ. Nhưng cũng có khi mưa làm ta lỡ giấc, trằn trọc, gọi ký ức về. Nhớ thời tuổi nhỏ ở quê, ngủ trong căn nhà lợp tranh. Mưa đến, suốt đêm nằm nghe từng giọt tranh tí tách, hai câu thơ Huy Cận dội về “Tai nương nước giọt mái nhà - Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn”. Lớn lên chút nữa, về thành phố vừa đi học vừa kiếm việc làm thêm. Có thời ngủ trên căn gác gỗ áp mái tôn, trong khu lao động nghèo. Những đêm mưa trời mát, nhưng tiếng mưa đổ trên mái tôn căn gác thuê và mái tôn những nhà bên cạnh khiến không còn nghe được âm thanh gì khác. Trong xóm lao động nghèo, những con hẻm nhỏ sũng nước, ánh đèn đường hiu hắt dưới mưa. Đó là lúc vẩn vơ nghĩ về những cảnh đời, những phận người mà nhiều ca khúc thời đó đã khắc họa rất tài tình, với tất cả tấm lòng thương cảm của người nhạc sĩ dành cho họ. Sài Gòn lúc ấy là vậy. Sài Gòn không chỉ biết có “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ - Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” của Trịnh Công Sơn hay “Mưa soi dấu chân em qua cầu - Theo những cánh rong trôi trên niềm đau” của Từ Công Phụng, hay xa hơn là giọt mưa thu thánh thót của Đặng Thế Phong. Rất lãng mạn, rất tư riêng. Trong âm nhạc, mưa Sài Gòn còn có những cảnh đời nhọc nhằn, lam lũ, những phận người long đong, hèn mọn “Đường về canh thâu - Đêm khuya ngõ sâu như không màu - Qua phên vênh có bao mái đầu - Hắt hiu vàng ánh điện câu - Đường dài không bóng - Xa nghe tiếng ai ru mơ mộng - Mưa rơi rơi xóa lối - đi mòn - Có đôi lòng vững chờ mong” (Xóm đêm - Phạm Đình Chương). Hay “Mưa yêu thương ai nghèo - Mưa cho lúa ngô nhiều - Mưa cho hết tiêu điều - Mưa cho những ai nghèo - Mưa cho thắm bữa cơm ban chiều” (Mưa - Văn Phụng). Những giai điệu ấy, những ca từ ấy nói lên rằng con người vẫn sống có tình, sống tử tế với nhau, và người nghệ sĩ vẫn biết nghĩ đến những phận nghèo “lầy lội qua muôn lối quanh, gập ghềnh đường đê tối tăm” nơi đô thị phồn hoa, đến người nông phu mong “mưa cho lúa ngô nhiều, mưa cho hết tiêu điều”, dù ngoài kia bom rơi đạn nổ. Sài Gòn bây giờ dù không còn nhiều mái nhà lợp tôn phát ra tiếng rào rào dưới mưa át mọi thứ âm thanh khác, mỗi lần không ngủ được nằm nghe mưa đêm tôi vẫn thường nhớ lại những giai điệu ấy, những ca từ mộc mạc, bình dị và gần gũi ấy, và cùng với nó là vô số những cảnh đời hẩm hiu, khó nhọc đã lướt qua đời mình. Họ bây giờ ở đâu? Họ đã đi đâu? Về đâu? Và nữa, không chỉ nhớ người xưa, những người tàn tật lê lết ăn xin bên lề đường mới gặp sáng nay hay người bán vé số dạo chiều qua, họ trú thân ở đâu dưới cơn mưa tối nay? Có một nghịch lý là dường như bây giờ, trong thời bình, con người lại ít tử tế với nhau hơn, tình người khó nhận biết. Những ca khúc bây giờ dường như cũng mất đi cái xúc cảm về phận người, cái nhìn xã hội trong khi mải tìm tòi những điệu thức tân kỳ hay ngược lại, rơi vào những ngôn từ ngô nghê. Hiếm hoi lắm ta mới được nghe cái gì đó vừa mới mẻ vừa gần gũi với cuộc sống hôm nay như trong À í a của Lê Minh Sơn: “Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi - Chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa - Bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào - Ngực cau nhu nhú đã vội đi xa...”. Đêm nay mưa lại rơi. Nặng hạt, không dứt. Và một câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu óc tôi: cuộc sống bon chen dữ dội hôm nay đã làm khô cạn xúc cảm về phận người trong âm nhạc hay chính âm nhạc đã bỏ quên đời sống, bỏ quên những phận người? Tags: Phiếm đàm
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Tổng Bí thư: Có chính sách đãi ngộ đặc biệt thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước THÀNH CHUNG 06/07/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Việt Nam xuất khẩu cá tra, ba sa và rô phi sang Brazil, hướng tới thương hiệu cà phê chung DUY LINH 06/07/2025 Việc xuất khẩu gạo sang Brazil giúp nước này đảm bảo an ninh lương thực. Hai bên cũng thúc đẩy liên minh cà phê, xây dựng thương hiệu chung.
Vì sao đường phố Đà Nẵng ngập chìm trong nước giữa mùa hè? ĐOÀN CƯỜNG 06/07/2025 Trận mưa như trút nước chiều tối 5-7 khiến nhiều người bất ngờ khi chứng kiến nhiều tuyến phố của Đà Nẵng chìm trong nước. Tiến sĩ Lê Hùng - Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có những chia sẻ về nguyên nhân và đề xuất, hiến kế các giải pháp.
Những bí mật bên trong 'sòng bạc' 2.600 tỉ tại King Club THÂN HOÀNG 06/07/2025 Trong vụ án đường dây đánh bạc 107 triệu USD, 136 bị can tham gia sát phạt tại "sòng bạc" King Club có đủ nghề nghiệp, địa vị khác nhau.