Mùa xuân Ả Rập: Ký sứ Đất khổ

THANH GƯƠNG (CHUYỂN NGỮ) 11/09/2016 15:09 GMT+7

TTCT- Lần đầu Laila Soueif xuống đường biểu tình là năm 1972, lúc mới 16 tuổi. Bà đi biểu tình để đòi hỏi những gì mà thông thường những học sinh sinh viên vẫn hay mơ ước: một thế giới công bằng và cởi mở hơn.

"Mùa xuân Ả Rập" (ở Ai Cập) Reuters

Tuy nhiên, lần đó những người biểu tình còn đưa ra một yêu sách đặc biệt dành riêng cho thế giới Ả Rập: họ muốn tổng thống Ai Cập, lúc đó là Anwar Sadat, mở một cuộc chiến tranh để giành lại bán đảo Sinai vốn đã bị Israel chiếm mất trong cuộc “chiến tranh sáu ngày” hồi năm 1967.

Kể từ lần đó, Laila đã nhanh chóng nhận thức được sức mạnh của đấu tranh phản kháng nhân dân, bởi vì một năm sau đó Sadat đã xua quân tấn công Israel.

Nhưng điều mà bà không dự đoán trước là sự nổi giận của bố mẹ: chỉ hai giờ sau khi bà tham gia vào đoàn biểu tình tại quảng trường Tahrir ở Cairo, bố mẹ Laila đã truy tìm được cô con gái vị thành niên và lôi cô về nhà. “Kể từ đó tôi nhận ra rằng thách thức nhà nước còn dễ hơn là thách thức bố mẹ” - bà nói.

Bà Laila Soueif
Bà Laila Soueif

 Nhà độc tài kiểu mới

Laila lớn lên trong một gia đình thượng lưu trí thức với tư tưởng phóng khoáng tự do. Bố mẹ bà là giáo sư đại học và người chị, Ahdaf Soueif, là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Ai Cập. Bà được giáo dục từ bé trong một môi trường cánh tả.

Trong khi theo học phân khoa toán ở Đại học Cairo vào giữa thập niên 1970, bà gặp người chồng tương lai Ahmed Seif, lúc ấy đã là lãnh đạo của một tổ chức “cách mạng sinh viên” hoạt động bí mật.

Ở vào thời điểm ấy, Ai Cập được xem như thủ đô chính trị của Trung Đông, nơi khai sinh những tư duy và phong trào cách mạng. Thành quả nói trên phần lớn là nhờ một lãnh đạo chính trị nổi tiếng: Gamal Abdel Nasser.

Cho đến khoảng đầu thập niên 1940, Ai Cập, cũng như phần lớn khu vực Trung Đông, chưa phải là mối bận tâm của các cường quốc trên thế giới, tất cả đều còn nằm trong tầm kiểm soát của các thế lực châu Âu vốn đã, đang “làm mưa làm gió” trong khu vực từ cả mấy thập niên trước đó.

Nhưng tất cả bắt đầu thay đổi vào những năm cuối của Đệ nhị thế chiến, một phần do việc khám phá một số mỏ dầu hỏa ngay trong khu vực, và một phần cũng do sự suy sụp của các thuộc địa Anh và Pháp.

Và quá trình thay đổi bắt đầu tăng tốc kể từ khi “Phong trào các sĩ quan tự do” (Free Officers Movement) đảo chính và hạ bệ nhà vua Ai Cập Farouk I thân phương Tây hồi năm 1952. Gamal Abdel Nasser là một sĩ quan lãnh đạo trong phong trào kể trên, lên nắm quyền bính và chủ trương tranh đấu cho một nền “Xã hội chủ nghĩa Ả Rập” (Arab socialism) và cho sự đoàn kết “Liên - Ả Rập” (Pan-Arab).

Không bao lâu sau Nasser trở thành hình ảnh biểu tượng cho cả thế giới Ả Rập, tiếng nói đại diện của một dân tộc đã bị ngoại bang đô hộ và bị những thành phần thượng lưu được phương Tây đào tạo áp bức.

Điểm then chốt để nhà độc tài Nasser nổi danh trong quần chúng chính là những mục tiêu chống đối mà ông ta đề ra: chủ nghĩa thực dân, đế quốc, sự can thiệp của phương Tây vào khu vực mà điển hình là sự ra đời của Nhà nước Israel.

Thiên tài của Nasser là ông ta đã khéo léo vượt qua những chia rẽ, bất đồng bằng cách vừa đề cao niềm tự hào dân tộc của Ai Cập vừa đánh động tinh thần chống đối phương Tây của đa số người Ả Rập, vốn là “di sản” từ hơn bảy thập niên của chính quyền thuộc địa Anh.

Nhờ thế mà dù các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng hơi thấy “gai mắt” trước những chính sách ít nhiều “chiếu cố” đến các lực lượng cánh tả thế tục, nhưng đa số của những người Hồi giáo bảo thủ này vẫn xem Nasser là một vị anh hùng dân tộc, nhất là sau khi Nasser quyết định quốc hữu hóa các tập đoàn kinh tế của phương Tây trên đất Ai Cập, và nhất là trong cuộc khủng hoảng kênh Suez hồi năm 1956, Nasser đã chế ngự được các cường quốc như Anh, Pháp và cả Israel.

Ngay đến cả những thành phần trí thức thành thị có khuynh hướng tự do chủ nghĩa, như gia đình Soueif, dù rằng vẫn phê phán các luật lệ gắt gao của chính phủ Nasser nhưng họ vẫn ủng hộ vị thế lãnh tụ của Nasser...

Sau nhiều năm cùng đấu tranh trong lực lượng cánh tả suốt thời kỳ theo học ở Đại học Cairo, Laila và Ahmed kết hôn năm 1978.

Ngay trong năm đó, toàn cảnh chính trị Ai Cập đã bị đảo lộn tận gốc rễ: tháng 9-1978, với sự trung gian của Mỹ, tổng thống Ai Cập Sadat đã đồng ý ký vào “Hiệp định Camp David”, một hiệp ước hòa bình với Israel.

Và quyết định “trở mặt” này đã khiến Ai Cập bị thế giới Ả Rập kết án như là “quốc gia chư hầu” của Mỹ và cùng lúc các quốc gia Ả Rập khác đã cô lập Ai Cập ngay lập tức. Đối với Sadat, điều trầm trọng hơn nữa là đa số người dân Ai Cập lại xem như là một hành động bội phản và là một điều sỉ nhục cho đất nước.

Laila và Ahmed cũng suy nghĩ như thế. Để chống lại “Hiệp định Camp David”, một số thành viên tổ chức hoạt động bí mật của Ahmed bắt đầu tìm mua vũ khí chợ đen để chuẩn bị một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính phủ Sadat.

Nhưng kế hoạch đấu tranh vũ trang không bao giờ được thực hiện, vì đến tháng 10-1981, trong một cuộc diễu binh ở Cairo, một nhóm sĩ quan có khuynh hướng Hồi giáo đã nổ súng ám sát Sadat.

Một tháng sau đó Laila hạ sinh đứa con đầu lòng và đặt tên là Alaa. Cuộc sống của họ lần lần mang không khí của một gia đình phi chính trị cho đến năm 1983, Laila, 28 tuổi, phải “đầu tắt mặt tối” giữa nhiệm vụ làm mẹ và trách nhiệm mới trong vị trí giáo sư toán học của Đại học Cairo.

Cuộc sống bình thường của gia đình họ bị phá vỡ khi người kế nhiệm của Sadat là Hosni Mubarak đã ra lệnh đàn áp an ninh đại trà. Trong những cuộc đàn áp này, Ahmed và các đồng chí của anh trong tổ chức bí mật bị sa lưới. Ahmed bị tra tấn nặng nề đến độ phải ký tên vào bản thú tội, và sau đó, năm 1984, anh bị kết án 5 năm tù.

Thời điểm ấy, Laila đang ở Pháp vì nhận được học bổng tu nghiệp. Được tin chồng, Laila vội vã bồng con trở về Cairo. May mắn là nhờ một kẽ hở trong luật pháp Ai Cập, theo đó những kết án về tội vi phạm an ninh, như trường hợp của Ahmed, cần phải được tổng thống phê chuẩn, thông thường quá trình này mất nhiều tháng, và trong lúc đó tội nhân được hưởng quyền tại ngoại sau khi đóng tiền ký quỹ.

Điều này đặt vợ chồng Laila trước ngã ba đường. Bây giờ ở tuổi 60, Laila nhớ lại: “Sau cùng chúng tôi quyết định trốn”. Suốt nhiều tháng trời, hai vợ chồng phải sống đời chui nhủi với đứa con 3 tuổi, nhưng sau cùng cả hai đều nhận thấy là hoàn toàn vô ích.

Laila kể: “Bởi vì anh ấy không muốn rời bỏ Ai Cập, và chúng tôi cũng không thể nào sống trốn tránh chui nhủi suốt cả cuộc đời. Sau cùng anh ấy nghĩ tốt hơn là chấp nhận ở tù 5 năm, thế là anh ấy ra trình diện”.

Với Laila, mọi chuyện không đơn giản như thế. Bà lại mang bầu, và khi Ahmed ở tù, Laila một mình cáng đáng thêm đứa con thứ hai, một bé gái được đặt tên Mona.

Thuong_dan_chay_loan_o_Basra-Iraq_03-2003-Paolo Pellegrin Magnum
Thường dân chạy loạn ở Basra (Iraq) tháng 3- 2003. Paolo Pellegrin Magnum

Đảo lộn và thích ứng

Trong tù, Ahmed đã trải nghiệm một điều gần như một thứ phép hiển linh. Số là sau khi lên cầm quyền, Mubarak vẫn phải tiếp tục đeo đuổi chính sách thỏa hiệp với Mỹ và với Israel mà Sadat đã ký kết. Điều này đã khiến Mubarak mang vào người nỗi ô nhục đầu hàng ngoại bang trước cặp mắt của những người Ai Cập.

Vì thế, Mubarak không thể tiếp tục sử dụng lá bài “kẻ thù ngoại bang” như một thứ keo sơn để tạo ra sự gắn kết giữa các lực lượng chính trị, bởi dưới cặp mắt công luận, chính ông ta đang “đồng sàng” với những “kẻ thù ngoại bang”.

Trong tình hình đó, Mubarak đã đẻ ra một chính sách rất xảo quyệt dựa trên những bất đồng giữa những người thuộc cánh tả thế tục với những người Hồi giáo quá khích, và trong tù, Ahmed tận mắt chứng kiến chính sách xảo quyệt ấy tác động lên những nhân quyền cơ bản nhất.

Đó là một chính sách lợi dụng mâu thuẫn, khiến những người cánh tả thờ ơ nếu những người Hồi giáo cực đoan bị tra tấn, hoặc những người Hồi giáo cực đoan thì lại chỉ muốn thấy người cánh tả bị tra tấn.

Nó khiến anh quyết định phải đấu tranh để cải tổ ngành tư pháp, và anh dồn sức lực vào việc nghiên cứu và học luật ngay khi đang ở tù. Chỉ một tháng sau khi mãn hạn tù năm 1989, Ahmed được chấp nhận vào đoàn luật sư Ai Cập.

Tất cả những sự kiện kể trên đúng ra có thể đưa vợ chồng Laila đến một hoàn cảnh sống mới: Laila là giáo sư Đại học Cairo và Ahmed là một luật sư, họ có điều kiện để có thể có một cuộc sống thoải mái trong giới thượng lưu trí thức ở Cairo.

Nhưng ngược lại, với cái giá rất đắt cho chính sự an ninh của mình, cả hai càng lúc càng bị lôi cuốn sâu vào tình thế hỗn loạn của Ai Cập trong khi họ đang tìm cách vượt qua những chia rẽ mà trong một thời gian dài nó đã trở thành điều kiện tất yếu cho sự sống còn của chính phủ.■

Kỳ tiếp: Khulood al-Zaidi (Iraq) "Nhân chứng và ngã rẽ cuộc đời"

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận