TTCT - Trong số những người sẽ trực tiếp hay gián tiếp chịu tác động thuận lợi hay bất lợi từ những kết quả/hậu quả của cuộc gặp Kim Jong Un - Donald Trump lần thứ nhì, nhất định có 51 triệu người dân Hàn Quốc cùng 126 triệu người dân Nhật Bản. Thế cho nên, dư luận hai nước này là tối quan trọng. Nhiều kỳ vọng được đặt vào cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ hai. Ảnh: gmfus.org Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA), trong một vị trí hoàn toàn khác, chứng giám mọi diễn biến tình hình, cũng đã nêu ý kiến. Tất nhiên, lạc quan nhiều vẫn là người dân Hàn Quốc. Tờ Korea Times hôm thứ hai (11-2), đăng lại một bản tin của Thông tấn xã Yonhap công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận với một mẫu dân số gồm 501 người lớn trên toàn quốc do Realmeter thực hiện tuần trước cho biết 62,5% số người được hỏi nói họ lạc quan về việc giải quyết vấn đề hạt nhân qua cuộc gặp Trump - Kim lần thứ nhì vào cuối tháng này. Trong khi chỉ 35,1% ý kiến bi quan cho rằng cuộc gặp sẽ chỉ làm suy giảm liên minh giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ chớ chẳng đem lại bất cứ kết quả cụ thể nào về vấn đề phi hạt nhân (2,4% không trả lời hoặc không có ý kiến). Theo Realmeter, những người theo các đảng tự do hoặc dung hòa tỏ ra lạc quan hơn, trong khi người ở tuổi 60 hoặc hơn thì ngược lại. Đến đây, cần nhìn lại dư luận Hàn Quốc từ một năm qua. Cuộc thăm dò vào trung tuần tháng 3-2018 của Hãng Realmeter cho thấy vẫn còn 64,1% ý kiến bày tỏ không tin tưởng miền bắc thành thật trong việc giải trừ hạt nhân và đối thoại. Tức là trong gần một năm qua, dư luận Hàn Quốc từ chỗ hoài nghi (64,1%, tháng 3-2018) đã chuyển thành lạc quan (62,5%, tháng 2-2019). Đánh giá của HĐBA Trong đánh giá hằng tháng của HĐBA công bố hôm 31-1 vừa qua, cũng đã có vài nhận xét thuận chiều trên một nền tảng dè dặt. Báo cáo ghi nhận: “Những nỗ lực ngoại giao trong năm 2018 đã dẫn đến một số đột phá đáng kể trên bán đảo Triều Tiên, dẫn đến sự giảm căng thẳng nói chung và việc ngừng hoạt động thử nghiệm tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh và đưa ra các cam kết hướng tới cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Vào tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - CHDCND Triều Tiên đầu tiên và ký tuyên bố chung cam kết sẽ xây dựng quan hệ mới, phấn đấu đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. (Tuy nhiên), bên cạnh một số động thái mang tính biểu tượng, CHDCND Triều Tiên vẫn chưa có những bước đi cụ thể hướng tới việc phi hạt nhân hóa”. Rõ ràng, vấn đề phi hạt nhân hóa vẫn còn là một băn khoăn với HĐBA, và cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Báo cáo của HĐBA nhận xét: “Trong bài phát biểu hằng năm vào tháng 1 với truyền thông, ông Moon kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực hiện các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa để biện minh cho các biện pháp giảm trừng phạt... Trong phát biểu toàn quốc năm mới của mình, ông Kim lưu ý rằng đất nước ông đã ngừng thử nghiệm và sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các hành động phi hạt nhân hóa tiếp theo sẽ phụ thuộc vào sự sẵn lòng của Hoa Kỳ trong việc tháo gỡ bớt trừng phạt”. Có thể thấy cái vòng luẩn quẩn vẫn còn ở giai đoạn quan niệm điều kiện nào trước, “phi hạt nhân hóa đổi lấy tháo gỡ trừng phạt” (theo ý ông Moon) hay “tháo gỡ trừng phạt đổi lấy phi hạt nhân hóa” (theo ý ông Kim), song rõ ràng là phải có những biện pháp tương ứng. Éo le ở chỗ, trong nội bộ HĐBA cũng đang không thống nhất về vấn đề này. Báo cáo của HĐBA có đoạn tự nhận xét khá trung thực về những động lực khác nhau trong HĐBA: “Trong phần sau của năm 2018, hội đồng đã trở nên tích cực hơn trong việc cố gắng giải quyết việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Điều này đã dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa các thành viên thường trực HĐBA, và đặc biệt đã phơi bày rạn nứt giữa Mỹ và Nga. Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên bằng cách tham gia buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm dầu mỏ thông qua giao vận hàng bằng tàu. Căng thẳng càng trở nên trầm trọng hơn trong báo cáo giữa kỳ của Hội đồng chuyên gia. Mỹ đã ngăn chặn đăng tải báo cáo giữa kỳ vào tháng 9-2018, khiếu nại rằng Nga đã can thiệp vào công việc của hội đồng, gây áp lực để sửa đổi báo cáo nhằm che giấu việc vi phạm lệnh trừng phạt của Nga”. Báo cáo còn ghi nhận một sự chưa thống nhất khác trong HĐBA: “Trong khi hầu hết các thành viên hội đồng vẫn thận trọng trong sự lạc quan của họ về việc phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên, chỉ vài thành viên mong muốn thông qua một tuyên bố chúc mừng thành công tương đối của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều Tiên trong năm 2018”. Nôm na mà nói, có lẽ một số không ít thành viên HĐBA vẫn còn chưa lạc quan về kết quả của các cuộc gặp thượng đỉnh. Tất nhiên, vẫn luôn có một động lực nghiêng về phía Triều Tiên, mà báo cáo mô tả: “Một số thành viên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, đang ngày càng quan tâm đến việc xem xét một số hình thức giảm trừng phạt với CHDCND Triều Tiên. Nga tiếp tục kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt như một phần thưởng cho các hành động tích cực của CHDCND Triều Tiên. Nga cũng nhấn mạnh rằng thắt chặt trừng phạt hơn nữa sẽ có hậu quả tiêu cực với tình hình nhân đạo và các lĩnh vực khác không liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa. Một số thành viên sẵn sàng tìm hiểu các phương án miễn trừ hoàn toàn các lệnh trừng phạt với một số dự án chung liên Triều”. Nhật Bản cẩn trọng Từ báo cáo đắn đo của HĐBA, không lấy làm lạ tại sao Nhật Bản lại “bắn tiếng” trên báo chí của nước này bằng các bài viết của các chuyên gia hàng đầu nước ngoài. Tỉ như bài “Vị thế của Nhật Bản trong các cuộc nói chuyện của Trump và Kim” của Mercy A. Kuo, chủ tịch Hội đồng quan hệ với Trung Quốc của bang Washington (WSCRC), đồng thời là tác giả mục bình luận hằng tuần về chính sách Mỹ với châu Á trên tờ The Diplomat. Tác giả Kuo thử “giải thích những tính toán chiến lược của Tokyo trong các đàm phám Mỹ - Triều”: “Nhật Bản có hai mục tiêu chính sách liên quan đến Triều Tiên. Một là giải quyết mối đe dọa hạt nhân và tên lửa mà Triều Tiên đặt ra cho Nhật Bản, và hai là giải quyết tranh chấp song phương về các công dân Nhật Bản bị các đặc vụ Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Vấn đề thứ hai có khía cạnh cảm xúc sâu sắc ở Nhật Bản, và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần gọi đó là chính sách ưu tiên”. Theo tác giả, “tiến bộ về vấn đề bắt cóc khó thể đạt được nếu không có tiến bộ về vấn đề hạt nhân và tên lửa. Điều này là bởi đòn bẩy lớn nhất của Nhật Bản đối với Triều Tiên là khả năng hợp tác kinh tế. Thế nhưng, thực tế mà nói, hợp tác kinh tế lớn chỉ có thể đến sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ, điều sẽ không diễn ra cho đến khi đã có tiến bộ trên lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Mặt khác, Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên năm 2002 rằng sự hợp tác như vậy sẽ diễn ra sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, có nghĩa là sau khi cả hai vấn đề được giải quyết. Và Nhật Bản coi tuyên bố 2002 vẫn còn hiệu lực”. Theo tác giả, vấn đề Triều Tiên đối với Nhật Bản có tầm quan trọng đặc biệt vì một cảm giác bị đe dọa rõ rệt: “Đối với Nhật Bản, Triều Tiên là mối đe dọa ngay trước mắt. Triều Tiên đã bắn thử rất nhiều tên lửa đạn đạo, một số trong đó đã bay qua Nhật Bản. Nhật Bản cho rằng Triều Tiên có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để phù hợp với các tên lửa đạn đạo. Nhật Bản đã sống dưới mối đe dọa này trong một thời gian và đang nỗ lực phòng thủ để chống lại”. Khúc mắc ở đây là lợi ích của Nhật Bản cùng đồng minh số 1 của họ, Hoa Kỳ, lại không phải là một. Điều tốt cho Mỹ, chưa chắc đã tốt cho Nhật: “Nếu Hoa Kỳ ưu tiên việc dỡ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên so với các yếu tố khác vì những tên lửa đó đe dọa trực tiếp đến lục địa Hoa Kỳ, thì đó sẽ là vấn đề đối với Nhật Bản, do các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên sẽ tiếp tục đe dọa Nhật Bản”. Nói theo người Pháp, nỗi bất hạnh của người này lại là hạnh phúc đối với người khác. Bởi vậy, những kỳ vọng ở cuộc họp thượng đỉnh, không phải ai cũng giống ai.■ Trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump lần thứ nhất ở Singapore, ông Kim Jong Un đã sử dụng một chiếc máy bay thuê của Hãng Air China. Việc ông sẽ tới Hà Nội ra sao cho cuộc thượng đỉnh thứ hai vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, nhiều người nói ông có khả năng sẽ sử dụng máy bay của Triều Tiên, tên gọi Chammae-1, vì khoảng cách bay, khoảng 2.670km từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội, chỉ bằng hơn một nửa quãng đường 4.700km tới Singapore tháng 6-2018, và chiếc máy bay thời Liên Xô của ông Kim, dù đã cũ, có thể đi được quãng đường đó. Nhưng cũng có các nguồn khác nói ông vẫn sẽ sử dụng máy bay Trung Quốc vì lý do an toàn. Phương án ông đi xe lửa xuyên Trung Quốc tới cuộc gặp cũng được nêu ra, khi Yonhap cho biết đường sắt Triều Tiên có cùng các đặc điểm kỹ thuật với Việt Nam. Ông nội ông Kim Jong Un và người sáng lập đất nước Triều Tiên, cố chủ tịch Kim Nhật Thành, từng đi xe lửa tới thăm Việt Nam hai lần hồi thập niên 1950 và 1960, theo Yonhap. Tags: Kim Jong UnDonald TrumpThượng đỉnh Mỹ Triều
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.