Mỹ: Sẽ có một cuộc đại suy thoái văn hóa

DU LÊ 14/01/2021 22:01 GMT+7

TTCT - Theo Forbes, bất kể COVID-19, ngành công nghệ, tài chính, thương mại điện tử, vận tải và kho vận vẫn hoạt động như thường, nhưng theo Patricia Cohen trên The New York Times thì một cuộc “đại khủng hoảng văn hóa” đang chực chờ với những nghệ sĩ thất nghiệp và khốn đốn, những nhà hát và không gian biểu diễn đóng cửa.

Nhưng sự thể cuộc khủng hoảng ra sao?

Hàng triệu người mất việc, hàng vạn cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa. Những mất mát của ngành nghệ thuật biểu diễn và các khối ngành liên quan không hề dễ đo đếm - nhất là ở một quốc gia có truyền thống thưởng thức và sáng tạo lâu đời như Mỹ. 

Khối nghệ thuật và văn hóa - trong đó bao gồm Hollywood và ngành xuất bản - cấu thành một ngành kinh doanh trị giá 878 tỉ đôla, tức lớn hơn cả thể thao, vận tải, xây dựng hay nông nghiệp, mang lại công ăn việc làm cho 5,1 triệu người thuộc đủ mọi ngành nghề, từ quản lý, trang điểm, làm tóc, thợ may, vệ sinh, kỹ thuật sân khấu, thợ điện, kỹ sư âm thanh cho tới quay phim, quản lý, thi công sân khấu, thiết kế, sáng tác kịch bản, giám đốc nhà hát, và nhiều nghề khác, theo Cục Phân tích kinh tế Mỹ.

Jennifer Koh nay chơi vĩ cầm từ trong phòng khách nhà mình. Ảnh: arcocollaborative.org

Hình dung phổ biến của công chúng về nghệ sĩ vẫn là các sao hạng A, những người nổi tiếng nhất và thường có một cuộc đời vương giả, nhưng tuyệt đại đa số những người hoạt động nghệ thuật và sống dựa vào lĩnh vực này chưa từng xuất hiện trên thảm đỏ hay các mặt báo giải trí. 

Đại bộ phận này, kể cả trong thời buổi huy hoàng nhất, cũng không hề nhận được khoản thù lao kếch sù hay hỗ trợ tài chính từ bất kỳ tổ chức nào. Họ lao động theo mùa, theo các ngày cuối tuần hay theo từng ngày, từ buổi diễn này đến buổi diễn khác.

Cầm hơi

Nghệ sĩ vĩ cầm ngôi sao Jennifer Koh, thuộc tốp đầu của giới cổ điển hàn lâm, đã kinh qua một sự nghiệp mà bất kỳ sinh viên trường nhạc danh giá Juilliard nào cũng phải thèm thuồng: tham gia biểu diễn với những dàn nhạc hàng đầu, ghi âm và trình diễn trên những sân khấu uy tín hàng đầu thế giới. 

Nhưng kể từ đại dịch, và sau khi lịch diễn suốt một năm qua hoàn toàn bốc hơi, hiện Koh chỉ trình diễn trên nền tảng Zoom ngay tại phòng khách và cũng như mọi người đang sống lắt lay bằng chế độ tem phiếu, theo bài viết.

Tính tới cuối tháng 9-2020, khi tỉ lệ thất nghiệp chung ở Mỹ vào khoảng 8,5%, đã có tới 52% diễn viên, 55% vũ công và 27% nghệ sĩ trình diễn mất việc, theo số liệu từ Quỹ Hỗ trợ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ (so với tỉ lệ 27% hầu bàn, 19% đầu bếp và 13% nhân viên kinh doanh bán lẻ trong cùng kỳ). 

Ở nhiều nơi, các không gian trình diễn nghệ thuật, từ nhà hát, phòng trà, câu lạc bộ, các buổi nhạc hội... đều là những cơ sở đầu tiên đóng cửa, và gần như chắc chắn cũng là những nơi cuối cùng mở cửa trở lại.

Chủ tịch Adam Krauthamer của Local 802, chi nhánh Liên hiệp Nghệ sĩ biểu diễn Mỹ ở New York, e rằng “chúng tôi không chỉ mất việc, mà còn mất cả sự nghiệp”. Theo ông, 95% trong 7.000 thành viên của chi nhánh hiện không biểu diễn định kỳ bởi lệnh phong tỏa bắt buộc. “Điều này sẽ tạo ra một cơn đại khủng hoảng về văn hóa”, ông kết luận.

Gói hỗ trợ trị giá 15 tỉ USD được Quốc hội Mỹ phê duyệt cho các địa điểm biểu diễn và viện văn hóa vừa qua chỉ là muối bỏ biển và chắc chắn không thể một sớm một chiều chấm dứt cơn đại hồng thủy thất nghiệp với giới nghệ sĩ.

Kể cả trước dịch, giới này - trái với quan niệm phổ biến của công chúng - vốn đã chẳng khá giả gì. Thu nhập trung bình hàng năm của nghệ sĩ và ca sĩ là 42.800 USD, diễn viên là 40.500 USD, vũ công và biên đạo thì chỉ 36.500 USD (GDP đầu người ở Hoa Kỳ là 62.000 USD, theo số liệu năm 2018), theo phân tích từ Quỹ Hỗ trợ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ.

Nhiều nghệ sĩ phải làm thêm việc khác để có thu nhập, thường cũng là ở nhà hàng, trong ngành bán lẻ hoặc khách sạn. Họ chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong các nền kinh tế và cộng đồng địa phương ở mọi ngóc ngách thành thị, ngoại ô lẫn nông thôn nước Mỹ. Giờ thì sinh kế lẫn công việc của họ bất thình lình tan biến.

Linda Kean Stokley, nghệ sĩ vĩ cầm thuộc nhóm hai người Local Honeys đến từ Kentucky, cho biết: “Chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ và vẫn chưa quen với việc mất đi thù lao định kỳ”. Từ tháng 3, họ đã chẳng kiếm được xu nào từ chơi đàn, thậm chí “có người nợ chúng tôi 75 đôla rồi... xù luôn”.

Tim Wu - 31 tuổi, DJ, ca sĩ và nhà sản xuất - hàng năm có thể diễn trên 100 sô tại trường học, nhạc hội và hộp đêm với nghệ danh Elephante. Khi New York phong tỏa giữa tháng 3, toàn bộ hợp đồng biểu diễn của anh bị hủy và phần lớp thu nhập cũng mất theo.

Như hàng trăm ngàn nghệ sĩ tự do khác, Steph Simon - 33 tuổi, nhạc sĩ hiphop ở Tulsa - vừa được mời diễn tại Liên hoan âm nhạc và công nghệ SXSW (South by Southwest) thì virus tấn công và khoắng sạch mọi buổi diễn của anh cho tới hết năm. 2020 lại là năm đầu tiên Steph có thể chính thức trở thành nghệ sĩ hiphop toàn thời gian, sau một thập niên phải làm thêm những công việc có đồng lương cơ bản nhằm duy trì đam mê, từ dọn thảm đến trả lời điện thoại. 

Steph ra mắt đĩa Fire in Little Africa để tưởng niệm vụ thảm sát người da đen năm 1921 tại Tulsa. Đó hiện là dự án lớn nhất và mang lại nhiều thu nhập nhất của anh trong năm. Hằng tháng, thu nhập của Steph, đang sống cùng bạn gái và hai cô con gái, chỉ là 2.500 USD. Ngay sau khi SXSW bị hủy, anh trở về với công việc trực tổng đài tại nhà 40 tiếng một tuần và làm việc bán thời gian ở một nhà hàng thức ăn nhanh vào cuối tuần.

Nhiều nghệ sĩ biểu diễn đành và đang trông cậy vào lòng hảo tâm. Quỹ Diễn viên đã huy động và phân phát 18 triệu USD cho 14.500 nghệ sĩ thiếu thốn các chi tiêu cơ bản. CEO Barbara S. Davis của quỹ này, người gắn bó suốt 36 năm qua, cho biết: “Không lần nào có thể so sánh với lần này, kể cả khủng bố 11-9 [2001], bão Katrina [2005] và khủng hoảng kinh tế 2008”.

Xoay xở

Nhiều nghệ sĩ diễn trực tiếp tìm thấy những cách theo đuổi nghệ thuật mới qua video, stream và các nền tảng mạng xã hội. Khi tour diễn múa và biểu diễn nhạc truyền thống vùng núi Appalachia và vở opera dân ca Cornbread and Tortillas do Carla Gover sáng tác bị hủy, cô đã “trải qua những đêm tuyệt vọng tự vấn mình phải xoay trở ra sao”. 

Người mẹ ba con bắt đầu viết mail hàng tuần tới mọi người, chia sẻ video, mở lớp online dạy nhảy chân bè và nhảy guốc dân gian. Phản hồi rất tích cực. “Tôi học được cách sử dụng hashtag và giờ đã có một hình thức kiếm thu nhập mới”, Gover chia sẻ.

Dù công nghệ cho phép giới nghệ sĩ chia sẻ tác phẩm dễ dàng hơn, nó không đồng nghĩa thu nhập cao hơn hay thậm chí là có thu nhập. Chẳng hạn, dự án Alone Together do Koh khởi xướng để giới thiệu nghệ sĩ và tác phẩm mới, nhận đóng góp tự nguyện từ khán giả quyết định tác phẩm sau đó sẽ trình diễn qua Instagram, đã khép lại mà không thu về được khoản thu nhập nào đáng kể dù được đón nhận rộng rãi.

“Tôi vẫn may mắn”, Koh khẳng định. Cô vẫn có thể dựa vào bảo hiểm y tế nhờ chân giảng dạy tại New School, đồng thời được hoãn thanh toán tiền thế chấp mua nhà, qua đó thoát cảnh phải dọn ra khỏi nhà và mất bảo hiểm y tế, thu nhập lẫn mọi công việc đang có, như nhiều đồng nghiệp và bạn bè. “Nhìn vào tương lai, tôi hết sức lo âu”, cô nói.

Ở quy mô rộng lớn hơn, Quỹ Hành động người Mỹ ủng hộ nghệ thuật đang vận động chính quyền của Tổng thống tân cử Joe Biden thông qua kế hoạch “Để người làm nghề sáng tạo có việc”. Nina Ozlu Tunceli, giám đốc điều hành quỹ, giải thích: “Đâu là cách hữu hiệu nhất để mang nghệ thuật vào mọi khía cạnh của chính quyền liên bang và khối tư nhân? Chúng tôi đề nghị ngay trong Nhà Trắng sẽ có một cố vấn văn hóa, báo cáo trực tiếp cho tổng thống, là người cân nhắc cách thức đưa nghệ thuật vào mọi chính sách được ban hành”. Hiện trong chính quyền không có nhân vật phụ trách riêng nào cho mảng nghệ thuật và văn hóa.

Điểm khác biệt quan trọng, theo lời bà Tunceli, là đưa lực lượng lao động sáng tạo - nghệ thuật tham gia vào dự án và hạ tầng cụ thể của chính quyền lẫn khối tư nhân. Một ví dụ là Tập đoàn Nokia, qua phân nhánh nghiên cứu Bell Labs đặt tại Murray Hill, New Jersey. 

Domhnaill Hernon, trưởng bộ phận thể nghiệm nghệ thuật và công nghệ ở Nokia Bell Labs, cho biết: “Tổ chức mà tôi lãnh đạo có 100% nhân viên có nền tảng về nghệ thuật. Tôi gọi họ là những chuyên gia công nghệ sáng tạo. Họ có bằng thạc sĩ nhân văn hoặc nghệ thuật, sau đó học viết mã lập trình và ngành chế tạo, hoặc ngược lại, học cao học về khoa học và có thực hành nghệ thuật. Đây là một bộ kỹ năng cực kỳ giá trị”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận