Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song

THÁI LỘC 26/01/2025 02:27 GMT+7

TTCT - 5 món đồ đồng này là một phần trong bộ sưu tập văn hóa Đông Sơn đồ sộ của kỹ sư Nguyễn Văn Kính (Hà Nội). Ông Kính cũng là tư nhân đầu tiên sở hữu bảo vật quốc gia tại Việt Nam.

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 3.

Thạp Kính Hoa 2 (còn gọi là thạp bồ nông)

5 món đồ đồng (3 chiếc trống và 2 chiếc thạp) - bảo vật quốc gia - sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (Hà Nội) tới hết 18-2-2025, để công chúng thưởng lãm những tác phẩm thuộc hàng cao nhất của văn hóa Đông Sơn, cả về kỹ thuật, mỹ thuật và các giá trị lịch sử văn hóa.

5 món đồ đồng này là một phần trong bộ sưu tập văn hóa Đông Sơn đồ sộ của kỹ sư Nguyễn Văn Kính (Hà Nội). Ông Kính cũng là tư nhân đầu tiên sở hữu bảo vật quốc gia tại Việt Nam.

Bảo vật đặc biệt

Độc đáo bậc nhất có thể nói là bảo vật trống đồng Kính Hoa 1 (được Chính phủ công nhận ngày 31-12-2020), với bề mặt là cả một "thế giới động vật" sinh động.

Mặt trống rộng 89cm, cao 59,5cm, nặng 110kg, với 13 vòng hoa văn bao quanh ngôi sao 10 cánh. Mỗi cánh sao có 1 cặp "giao long". Vòng hoa văn thứ hai trang trí 10 con "sam biển". Vòng thứ ba là 16 con thú đuôi dài. Vòng thứ bảy có 21 con chim bay đặc trưng văn hóa Đông Sơn...

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 1.

Thạp Kính Hoa 1.

Điều đặc biệt bậc nhất của tang trống ở vòng hoa văn thứ bảy mô tả cảnh người, thuyền, nhà sàn và các loại động vật. Có chiếc thuyền 6, 7 người nối nhau, người đội mũ lông chim, người búi tóc sau gáy, người chèo thuyền. Giữa mỗi thuyền được trang trí hình chim, nhiều tư thế và kiểu dáng, đậu trên lưng cá sấu, sinh động. Lưng trống khắc họa 16 người đội mũ lông chim từng cặp múa…

"Hoa văn của trống Kính Hoa như những bức thảm dệt, sinh động, mềm mượt và hài hòa, làm cho người xem cảm giác các gam màu đậm nhạt, nổi khối dưới ánh sáng mặt trời hay ánh lửa bập bùng trong âm điệu trầm hùng của tiếng trống đồng theo từng bước nhảy múa của người Việt cổ - cư dân Đông Sơn - cách nay hơn hai nghìn năm!", GS Trịnh Sinh nhật xét.

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 2.

Thạp Kính Hoa 2 (còn gọi là thạp bồ nông)

Với bảo vật trống đồng Kính Hoa 2 (công nhận ngày 30-1-2023), đường kính mặt 100,5cm, đường kính chân 102,5cm, cao 71,5cm, được xem là trống đồng Đông Sơn lớn nhất được biết ở Việt Nam đến nay, có thể chiêm ngưỡng những trang trí độc đáo kiểu khác. Giữa mặt trống có ngôi sao 12 cánh; trên mỗi cánh sao có hoa văn hình lông công xen kẽ hoa văn hình gạch ngắn. Chiếc trống có nhiều vòng hoa văn sắc nét của văn hóa Đông Sơn: từ các loại hồi văn; những vòng tròn đồng tâm chấm giữa, tiếp tuyến; hoa văn gạch ngắn song song; hoa văn hình nhà sàn và người múa hóa trang; hình chim bay xòe cánh...

Bảo vật trống Kính Hoa 3 (công nhận ngày 30-1-2023) nhỏ hơn, đường kính mặt 58,8cm, cao 39,2m, có kỹ thuật đúc hoàn hảo, với hoa văn trang trí cả ở mặt trống, lưng trống và tang trống. Ở vành hoa văn thứ 3 của mặt trống có hình 4 ngôi nhà sàn, gồm 2 ngôi mái cong có cầu thang và 2 ngôi mái bằng, đối xứng từng cặp qua tâm. Xen giữa là hoa văn hình người múa hóa trang và chim bồ nông mỏ dài. Ở vành thứ 3 của tang trống trang trí hình thuyền, trên mỗi thuyền có 3 người mặc quần áo lông chim đứng, cầm mái chèo hoặc cầm giáo...

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 4.

Trống đồng Kính Hoa 1.

Bảo vật thứ 4 là thạp đồng Kính Hoa 1 (công nhận ngày 18-1-2024), cao 36cm (gồm cả nắp), đường kính miệng 30,5cm, 2 quai. Thạp vẽ hoa văn hình thuyền, hình người chèo thuyền, người đánh trống, thuyền lầu, người cầm giáo. Dưới thuyền có hình cá, hình rùa và con sam... Đây được xem là chiếc thạp thuộc văn hóa Đông Sơn đẹp và nguyên vẹn bậc nhất hiện nay, niên đại cách nay chừng 23, 24 thế kỷ.

Bắt mắt và cuốn hút hơn cả có lẽ là bảo vật thạp đồng Kính Hoa 2 (công nhận ngày 31-12-2024), còn gọi là thạp "Bồ nông". Thạp cao 47,6cm, miệng rộng 41,1cm, hình trụ tròn, có nắp và 2 quai, những dải hoa văn và khối tượng nổi lên nền gỉ xanh - lớp patin đồng nghìn năm tuyệt mỹ. 

Trên thân có những vòng hoa văn trang trí hình thuyền, mỗi chiếc có 4-5 người, người cầm chèo, người cầm cung tên, người cầm giáo và người ngồi đánh trống; trên thuyền trang trí hình chim đứng, chim bay, con sam đuôi dài sinh động. 

Sự khác lạ của chiếc thạp chính là trang trí hình chim bồ nông gần như chủ đạo, cả hoa văn trên thân lẫn khối tượng trên nắp. Hàng bồ nông trên thân thạp dáng đứng, mỏ dài, một số con hình ảnh gần như siêu thực, cách điệu. 

Đặc biệt nhất vẫn là nắp thạp với sáu tượng chim bồ nông (1 tượng bị gãy còn dấu chân) như đang di chuyển trên dải hoa văn kỷ hà điển hình của văn hóa Đông Sơn.

Cơ duyên từ chuyện chiếc "trống giả"

Kỹ sư Nguyễn Văn Kính cho biết việc trở thành nhà sưu tập đồ Đông Sơn đến với ông bắt đầu từ một "sự cố", cũng đồng thời trở thành cơ duyên. Tại Hà Nội một ngày giữa thu năm 2019, có hai sự kiện diễn ra đồng thời liên quan đến một chiếc trống đồng Kính Hoa 1. Một bên là kỹ sư Nguyễn Văn Kính đang hết sức căng thẳng trong một "cuộc đàm phán" nhằm tìm cách trả lại chiếc trống đồng mà ông cho rằng đã "mua nhầm" trước đó. 

Chiếc trống đầu tiên ấy được mua rất nhiều tỉ đồng nhằm làm vui lòng người bạn thân mê trống đồng; song hầu hết giới sưu tầm, chuyên gia, người buôn bán trống, kể cả người làm trống giả cổ, hễ đến xem là phán "trống giả". Thời khắc định mở lời trả lại chiếc trống với người bán, ông Kính nhận một cuộc gọi và rồi bất ngờ nói mà như ngất: "Thôi, về thôi… Trống thật rồi!".

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 5.

Trống đồng Kính Hoa 3.

Ở đầu bên kia, GS.TS Trịnh Sinh, chuyên gia hàng đầu về trống đồng Đông Sơn, được mời đến tận nơi để thẩm định tính giả thật. Suốt cả buổi theo dõi, vị chuyên gia mà ông Kính khó khăn lắm mới mời được lại không nói lời nào về trống thật hay giả. 

GS Trịnh Sinh chỉ bảo sẽ trả lời bằng văn bản sau 3 ngày tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc. Nhưng trên đường được chở về nhà, vị giáo sư buộc miệng nói nhỏ: "Với tôi, đây là chiếc trống thật, nó vô cùng đặc biệt, hoàn toàn xứng đáng là bảo vật quốc gia. Nhưng anh cũng cần thận trọng…".

GS Trịnh Sinh kể: "Mới nhìn thấy, tôi tin chắc nó thuộc nhóm A1. Điều đặc biệt là những dấu vết nghìn năm còn lưu lại, không thể giả được, trở thành "con tem" bảo chứng trống thật. Tôi hết sức ngỡ ngàng trước chiếc trống nguyên vẹn, đặc biệt quý giá, có một số hoa văn độc đáo chưa từng thấy trên các đồ Đông Sơn đã được phát hiện trước đó…". 

Không chỉ dựa vào cả chục tiêu chí và kinh nghiệm gần nửa thế kỷ nghiên cứu đồ đồng thuộc diễn trình văn hóa Đông Sơn, theo GS Trịnh Sinh, mấu chốt là những dấu vải vương lại nghìn năm trên trống mà người thời nay không thể làm giả nổi…

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 6.

Trống đồng Kính Hoa 3.

Chiếc trống này tiếp tục được các hội đồng, các nhóm chuyên gia khảo cổ và văn hóa nghiên cứu, thẩm định nhiều góc độ, phân tích chất liệu tự nhiên, rồi đều khẳng định trống Kính Hoa là trống thật, đặc biệt quý giá, là một trong 5 trống đồng Đông Sơn đẹp nhất và quý nhất ở Việt Nam thời điểm ấy. 

Các chuyên gia, gồm cả Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đều thống nhất Kính Hoa là trống đồng Đông Sơn chứa đủ tiêu chí của bảo vật quốc gia: đồ thật, độc bản, có giá trị đặc biệt cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật. 

Ngày 31-12-2020, Chính phủ đã quyết định xếp hạng Bảo vật quốc gia đợt 9, bao gồm chiếc trống này. Trống đồng Kính Hoa trở thành bảo vật quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân.

Cuối tháng 11-2024, Sở VH&TT Hà Nội đã cấp phép thành lập bảo tàng tư nhân Kính Hoa cho kỹ sư Nguyễn Văn Kính, hoạt động với mục đích "nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày giáo dục và giới thiệu các tài liệu hiện vật, hình ảnh liên quan đến văn hóa Đông Sơn nói riêng, lịch sử văn hóa dân tộc nói chung". Ông Kính cho biết ông có kế hoạch xây dựng bảo tàng trong năm nay cạnh trung tâm TP Hà Nội. 

Ngắm những món đồ Đông Sơn đẹp vô song - Ảnh 7.

Trống đồng Kính Hoa 3.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận