Nghe thầy nam kể chuyện trò nữ

K.X. - T.P GHI 22/10/2019 22:10 GMT+7

Lương Khương Thượng và Mai Đức Chung là hai ông thầy có cuộc đời huấn luyện thể thao gắn bó rất nhiều với các tuyển nữ môn bóng chuyền và bóng đá. Hãy nghe họ kể về nỗi trần ai của chị em chọn thể thao làm nghiệp…

HLV Mai Đức Chung cùng đội bóng thân thương của ông. Ảnh: Nam Khánh
HLV Mai Đức Chung cùng đội bóng thân thương của ông. Ảnh: Nam Khánh

HLV Lương Khương Thượng: “Không ai lấy tụi em thì thầy có lấy không?”

“Đừng tưởng thể thao nữ mà dễ làm. Nữ thường sống nội tâm, ít bộc lộ nhưng mình không hiểu ý thì rất dễ dỗi. Chỉ mỗi việc phát giày, vớ mà màu không thích thì cũng có thể giận thầy” - ông nói với TTCT.

Sự nghiệp HLV của ông Lương Khương Thượng gắn với thành công của bóng chuyền nữ Long An (nay là đội VTV Bình Điền Long An) gần 30 năm qua. Và ông đã cười khi chúng tôi hỏi đến chuyện “thâm cung” trong đội. Ông nói: “Trước giờ tôi chẳng nói chuyện này với nhiều người. Trong đời HLV, tôi đã từng lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười với học trò của mình”.

Thời điểm VĐV nữ đến với thể thao khá tương đồng với nam, nhưng sự nghiệp lại ngắn hơn rất nhiều vì vấn đề thể trạng, tâm sinh lý. Cô nào làm mẹ thì sự nghiệp bị gián đoạn, con ốm con đau là chểnh mảng ngay".

Chuyện “đến tháng” của các học trò là vấn đề, nhất là đối với HLV nam. “Không lẽ tôi đến hỏi? Như vậy kỳ lắm vì đây là vấn đề tế nhị. Nhưng hơn ba chục năm trong nghề đã đúc cho tôi kinh nghiệm. Tôi chỉ quan sát nét mặt, cách tập luyện là biết được 60% VĐV đến tháng. Tôi gọi họ ra cho thực hiện vài động tác và đo nhịp mạch là biết ngay 100%”, ông Thượng kể.

Nhưng biết rồi thì xử lý ra sao? Ông Thượng từ tốn: “Đó là tranh cãi chưa bao giờ dứt. Có HLV quan niệm trong những ngày đó chỉ nên tập nhẹ, nhưng vậy làm sao đảm bảo khả năng thi đấu. Tôi thì vẫn cứ phải đảm bảo khối lượng vận động, tuy nhiên phải có sự điều chỉnh đặc biệt để lâu dài tạo nên cho họ cơ chế thích ứng, chứ lỡ như “ngày ấy” rơi đúng vào lịch đấu thì sao.

Lúc này, có người sẽ tìm cách làm lệch chu kỳ bằng thuốc, nhưng tôi nghĩ nó sẽ có tác dụng phụ không tốt cho VĐV về lâu dài nên tôi không dùng phương pháp đó”.

Nữ luôn thích son phấn làm đẹp, dù là VĐV thì điều đó vẫn không thay đổi, nhất là với VĐV bóng chuyền, bởi họ vốn có thể hình lý tưởng, da trắng vì thường chỉ tập luyện, thi đấu trong nhà. “Tôi không cấm, thậm chí khuyến khích các em làm đẹp, bởi đó cũng là nét thu hút của bóng chuyền nữ.

Nhưng tôi khuyên học trò nên để tự nhiên khi ra thi đấu vì son phấn dễ lem khi mồ hôi ra, ảnh hưởng đến thi đấu. Nhưng nếu tôi thấy họ đánh phấn trước khi ra sân thì cũng “chịu”, vì biết chắc trên khán đài có người yêu của cô nàng hay đông nam cổ động viên”, ông Thượng kể.

“Chuyện quản lý nữ VĐV sau giờ tập luyện, thi đấu cũng đòi hỏi người HLV phải tâm lý như một người cha và đôi khi phải dịu dàng.

Đã có trường hợp, ban đêm, ban huấn luyện đi kiểm tra thì thấy trong phòng mùng giăng, mền đắp. Nhưng lật mền ra chỉ thấy... gối ôm, còn người đi đâu mất. Mọi người túa ra đi tìm thì phát hiện VĐV đang ngồi tâm sự với bạn trai, là công nhân nhà máy gần đó, ở một góc khuất. Và dĩ nhiên, hôm sau sẽ là có cuộc họp kỷ luật.

Nhưng đáp lại sự quở trách của các ông thầy thì cô gái khóc: “Con gái tụi con theo thể thao đã phải chịu nhiều lời dị nghị, trai dưới quê con chẳng ai chịu lấy làm vợ. Các thầy không hiểu mà cấm đoán. Sau này, không ai lấy tụi em thì các thầy có chịu lấy không?”.

Gặp cảnh này, cả ban huấn luyện chẳng ai nỡ trách tội mà chỉ biết vào vai người cha, dùng lời lẽ nhẹ nhàng mà khuyên lơn, chia sẻ”.

HLV Mai Đức Chung: “Tôi mong các nữ cầu thủ đều có gia đình đầm ấm”

“Bóng đá là môn thể thao được rất nhiều người yêu mến, nhưng nó dường như chỉ phù hợp với nam giới. Ở Đông Nam Á, bóng đá nữ mới được phát triển hơn chục năm qua ở Thái Lan, Myanmar và VN. Bóng đá nữ VN tham gia SEA Games đầu tiên năm 1997, đến nay giành rất nhiều thành tích ở Đông Nam Á, châu Á, và để có được những thành tích đó là sự hi sinh không xiết của nhiều thế hệ cầu thủ nữ.

Bóng đá là môn đối kháng nên việc tập luyện vô cùng vất vả. Để đá được 90-120 phút mỗi trận thì mỗi buổi tập, cầu thủ nữ phải tập nhiều hơn thế. Đó là chưa kể là môn đối kháng nên sự va chạm, chấn thương rất dễ xảy ra. Bóng đá tập ngoài trời, mưa nắng - gió rét, nên rất ảnh hưởng đến nhan sắc của các cô gái.

Các nam thanh niên đa phần ai cũng thích các cô gái xinh đẹp, điệu đà. Thế nhưng cầu thủ nữ thì quanh năm tập ngoài sân nên da dẻ đen nhẻm, tóc tai cắt ngắn, đi lại đâu có biết làm điệu như các cô khác, nên đàn ông họ không thích. Ngay gia đình các nữ tuyển thủ cũng ít nhà thích con theo bóng đá lắm.

Để theo thể thao và bóng đá, chắc chắn những cầu thủ nữ phải có đam mê tột cùng, bên cạnh đó là gánh nặng mưu sinh. Mới đây có một nữ cầu thủ của Hà Nội chuẩn bị cưới chồng nhưng anh bạn trai nói cô ấy phải bỏ đá bóng thì mới cưới.

Cô gái sau đó cũng phải bỏ đội để hi vọng lấy được chồng, nhưng bỏ rồi thì đám cưới cũng không thể diễn ra. Lần tập trung đội tuyển quốc gia cho SEA Games này, tôi vẫn triệu tập VĐV đó lên tuyển.

Nhiều cầu thủ nữ không lập được gia đình hoặc nếu lấy chồng thì phải bỏ bóng đá. Có nữ tuyển thủ sau này làm mẹ đơn thân, có người thì sống một mình vì quá lứa lỡ thì. Vì vậy, với nhiều năm gắn bó bóng đá nữ, nếu ai hỏi tôi ước gì cho các cô gái, tôi chỉ ước một điều: Tất cả đều có gia đình đầm ấm sau khi giã từ nghề đá bóng, để có cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận