Nghe tiếng hành tinh thầm thì

LÊ MY 05/12/2020 18:15 GMT+7

TTCT - Tất cả thanh âm của một hệ sinh thái, từ tiếng suối chảy róc rách đến tiếng ríu rít chim ca, hòa phối với nhau tạo thành một “khung cảnh âm thanh” (soundscape) độc nhất, như một thứ “vân tay” của môi trường sống đó ở một trạng thái nhất định. Thế nhưng, loài người đã mang đến sự tuyệt chủng và biến đổi khí hậu - những sự ồn ã làm thay đổi cách thiên nhiên thầm thì.

Tiếng ồn từ tàu bè có thể ảnh hưởng đến việc giao tiếp của cá heo. Ảnh: Richard Steinberger/500px

Các nhà khoa học đã chia thế giới âm thanh thành hai nhóm. “Giao hưởng địa lý” (geophony) gắn với các hoạt động tự nhiên như thác nước đổ hay tiếng ầm ầm của động đất. Còn lại là “giao hưởng sinh học” (biophony) được tạo ra bởi các sinh vật sống. Và rồi tiếng ồn của con người vang lên khắp quả đất, đến nỗi chúng ta đã phải gọi tên nhóm âm thanh thứ ba: “ồn ã nhân gian” (anthropophony).

Sự tĩnh lặng đáng lo của rừng già

Khi Eddie Game gắn một vài thiết bị ghi âm nhỏ bằng chiếc ví lên những thân cây ở Papua New Guinea, anh ấy đã ở sâu trong dãy núi Adelbert, cách con đường gần nhất khoảng ba ngày đi bộ băng rừng. Một loại máy sẽ ghi nhận siêu âm - âm thanh mà tai ta không thể nghe thấy; loại máy còn lại dành cho những âm thanh trong ngưỡng nghe của tai người. Hi vọng lũ chuột sẽ không ngoạm mất phần micro hay dây buộc.

Mặc dù rừng mưa nhiệt đới chỉ che phủ khoảng 6% bề mặt Trái đất, chúng là nơi sinh sống của hơn một nửa số loài động thực vật. Trong khung giờ sôi động nhất, những cánh rừng thật sự rung động bởi âm thanh: khỉ kêu, vượn hú, chim hót líu lo, côn trùng rả rích, ếch kêu ồm ộp, mèo rừng gầm gừ, và còn nào là dơi và các loài gặm nhấm, bò sát... Sức sống của một hệ sinh thái rừng thường biểu hiện qua lượng tiếng ồn bên trong nó. Vì thế, âm thanh sinh học (bioacoustic) lâu nay đã được sử dụng trong nghiên cứu và bảo tồn.

“Có một tín hiệu rất rõ ràng mỗi khi một môi trường bị suy thoái, đó là nó trở nên yên tĩnh hơn” - tác giả Livie Campbell dẫn lời Game trong một bài viết trên trang OneZero hồi tháng 2-2020. Game, nhà khoa học phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tổ chức The Nature Conservancy, cho biết đã đến 6 quốc gia và chứng kiến điều tương tự: sự biến mất của những điệp khúc lúc bình minh.

Sử dụng âm thanh để lập bản đồ đa dạng sinh học của một khu rừng có thể giúp lấp đầy những thiếu sót của các phương pháp đo lường truyền thống. Ảnh chụp vệ tinh chỉ cho ta thấy những tán rừng từ trên cao và có thể bỏ sót việc chặt phá có chọn lọc ở các tầng cây thấp. Bẫy ảnh khó mà điểm mặt hết các động vật hoang dã cư ngụ trong rừng. Vì vậy, âm thanh là một tín hiệu môi trường quan trọng và những thay đổi thường có thể được nghe thấy trước khi ta nhìn thấy. Ngoài ra, soundscape của một hệ sinh thái khỏe mạnh có thể dùng làm thước đo cho sự biến đổi của môi trường đó.

Trở lại túp lều ở Papua New Guinea, Game ngồi với đôi chân trần và đeo tai nghe, tâm trí bị choáng ngợp bởi những âm thanh phức tạp gấp nhiều lần so với lúc anh ấy đến đó đặt thiết bị. Dữ liệu âm thanh nhún nhảy trên màn hình máy tính, tiếng động của mỗi loài được biểu hiện bằng những đường sóng màu sắc. Các loài khác nhau tạo ra âm thanh ở tần số khác nhau. Với một khu rừng khỏe mạnh, những đường sóng xuất hiện ở mọi tần số, và ngược lại.

Một dịp khác, khi so sánh mức độ đa dạng của khu rừng đã bị khai thác và chưa bị khai thác ở Borneo (Indonesia), nhóm của Game đã bố trí một mạng lưới các micro cách nhau khoảng 1km trong cả hai loại rừng. Họ phát hiện một xu hướng đáng lo ngại: sự đồng hóa. “Trong những khu rừng không bị chặt phá, mỗi kilômet âm thanh nghe hoàn toàn khác nhau. Ở những nơi đã bị can thiệp, tất cả đều nghe có vẻ giống nhau” - Game giải thích.

“Nhưng có quá muộn để bắt đầu lập bản đồ bioacoustic khi một lượng lớn sự đa dạng sinh học đã bị mất đi?” - Livie Campbell đặt câu hỏi, và Game đáp: “Soundscape không chỉ là một cách để ghi lại sự suy thoái trong thế giới tự nhiên của chúng ta; chúng còn là một công cụ để ta có thể hành động trước sự mất mát của muôn loài”.

Eddie Game lắng nghe dữ liệu âm thanh ghi nhận trong rừng. Ảnh: The Nature Conservancy

Sự ồn ào nguy hiểm của đại dương

Trái ngược với hình dung của loài người trên mặt đất, đại dương cũng ồn ào náo nhiệt không kém những cánh rừng, với âm thanh cao vút của những chú cá heo vui vẻ hay tiếng kêu uy lực của cá voi. Có khoảng 20.000 loài cá đã biết có khả năng nghe và khoảng 800 loài có thể tự phát ra âm thanh để săn mồi, thu hút bạn tình, định hướng và giao tiếp. Đó là chưa kể những con tàu động cơ diesel đang gầm rú ngang dọc khắp mặt biển.

Biến đổi khí hậu có thể làm tăng âm lượng của bản giao hưởng dưới biển, do lẽ nước biển ấm hơn đã làm “kích động” một thành phần nghệ sĩ “nhỏ mà có võ” trong dàn nhạc này: loài tôm pháo (snapping shrimp), theo tạp chí Wired.

Tôm pháo sử dụng chiếc càng quá khổ của mình như một khẩu súng lục tạo ra bong bóng khí với tiếng nổ hơn 210 decibel, trong khi một phát súng thật sự chỉ vào khoảng 150 decibel. Loài giáp xác này sống ở hầu hết các vùng biển nhiệt đới trên thế giới, sử dụng loại vũ khí âm thanh để hạ gục con mồi.

Vì tôm là sinh vật máu lạnh, chúng phản ứng lại các điều kiện môi trường. Đầu năm nay, các nhà khoa học đã công bố một phát hiện rằng nhiệt độ nước biển tăng khiến tôm pháo “nổ súng” nhanh hơn và to hơn, có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của các sinh vật biển khác. “Nó giống như bạn đang dự một bữa tiệc bình thường và rồi ai đó bật nhạc to lên, và bữa tiệc bùng cháy” - thành viên nhóm nghiên cứu, Aran Mooney, nhà sinh học biển thuộc Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ), nói với Wired.

Rõ ràng chúng ta có thể nghe thấy khí hậu đang thay đổi. Nhưng buồn thay, những gì nghe được ở các đại dương lại là những ồn ào hỗn loạn có hại cho sinh vật. Ở Bắc Cực, lớp băng trên mặt biển đã giảm đáng kể do nhiệt độ tăng, tạo ra những vùng nước “lộ thiên” rộng lớn và tồn tại trong thời gian dài. Khi gió thổi qua vùng nước này, nó tạo ra hàng triệu bong bóng khí tí hon và những con sóng, hợp thành tiếng ồn xa lạ. Và hệ sinh thái tại đây “không tiến hóa để đối phó với sự xáo trộn như vậy”, theo nhà hải dương học Kate Stafford (ĐH Washington, Mỹ).

Các loài động vật như cá voi đầu cong (Balaena mysticetus) vốn sống ở những vùng nước tương đối yên tĩnh, nay lại phải đối mặt với nhiều tiếng ồn hơn do lượng băng biển - vốn là một lớp “cách âm” của thế giới dưới nước tránh khỏi những âm thanh ngoài môi trường - suy giảm, cũng như sự bùng nổ của tàu vận chuyển và thăm dò dầu mỏ. “Tại một số thời điểm, khi tiếng ồn của máy khoan trở nên lớn hơn, tất cả chúng (cá voi) ngừng kêu, chúng chẳng buồn nói chuyện nữa” - Stafford kể trên Wired.

Hệ sinh thái đại dương vốn đang đối mặt với ô nhiễm, hiện tượng axít hóa, và giới nghiên cứu lo ngại rằng tiếng ồn sẽ là “nhát dao cuối cùng” lên các loài có nguy cơ tuyệt chủng, theo tạp chí khoa học Nature.

***

Bức tranh có vẻ u ám, song tin tốt là chúng ta có thể cắt giảm “tiếng động nhân sinh” dễ dàng và nhanh chóng hơn so với việc giải quyết hiện tượng axít hóa đại dương hay ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, theo Nature.

Chẳng hạn, năm 2017 cảng Vancouver (Canada) bắt đầu chính sách chiết khấu cho những con tàu chạy… êm, khiến Canada trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng sáng kiến khuyến khích tài chính để giảm tiếng ồn đại dương và khí thải. Tháng 11-2018, trong nghị quyết bảo tồn sức khỏe đại dương, Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận “nhu cầu cấp thiết” về nghiên cứu và hợp tác để giải quyết các tác động của anthropophony.

Cần nhớ rằng anthropophony cũng gây hại cho sức khỏe con người như đối với động vật, bao gồm vấn đề giảm thính lực, tăng căng thẳng, rối loạn giấc ngủ hay suy giảm nhận thức. Sẽ thật xấu hổ khi chúng ta bật âm thanh tự nhiên ở nơi làm việc để cải thiện tâm trạng nhưng lại bỏ qua những cơ hội nhằm cứu lấy những bản giao hưởng thật sự của hành tinh.■

(*) Độc giả có thể thử nghe một số bản ghi âm rừng nhiệt đới Borneo (Indonesia) tại http://acoustics.safeproject.net/

“Tuyệt chủng” đồng nghĩa với việc chúng ta có thể mãi mãi đánh mất một số âm thanh tự nhiên, nhưng Trái đất vẫn còn hi vọng. Khi mà sự nóng lên toàn cầu đang gây tổn hại loài san hô trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đã bước đầu thành công trong việc thu hút cá quay trở lại các rạn san hô bị suy thoái bằng cách phát đi âm thanh của rạn san hô khỏe mạnh - thực tế là tiếng của những loài cá, tôm và các sinh vật khác sống ở đó.

Làm thế nào để biết một loài vẫn còn tồn tại nếu ta không thể nhìn thấy nó? Trên những vách đá hiểm trở của đảo Kauai (Hawaii, Mỹ), nơi trú ngụ của những con chim Puaiohi (Myadestes palmeri) cuối cùng trên Trái đất, các nhà nghiên cứu đang sử dụng bioacoustic để tìm và bảo vệ chúng.

Trong khi đó, Rainforest Connection - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ - lại sử dụng bioacoustic để “nghe lén” hoạt động săn trộm và phá rừng ở Indonesia, Cameroon, Ecuador, Brazil và Peru. Tổ chức này dùng trí tuệ nhân tạo để phát hiện âm thanh của cưa máy, tiếng súng hoặc xe tải trong các đoạn ghi âm. Khi có nghi ngờ, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến các kiểm lâm địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận