Nghĩa địa da cam trong lòng một gia đình

THÁI BÁ DŨNG - THẢO HOÀNG 29/11/2008 19:11 GMT+7

TTCT - Đây là câu chuyện về tấn bi kịch hiếm thấy của gia đình một cựu binh nhiễm chất độc da cam: lấy nhau 20 năm, 15 lần người vợ sinh nở nhưng chỉ có ba đứa con sống sót.

Phóng to
Ông Địu và nghĩa trang 12 phần mộ của con mình
TTCT - Đây là câu chuyện về tấn bi kịch hiếm thấy của gia đình một cựu binh nhiễm chất độc da cam: lấy nhau 20 năm, 15 lần người vợ sinh nở nhưng chỉ có ba đứa con sống sót.

Quá đau xót, người vợ có lúc lên cơn tâm thần, còn người chồng âm thầm ra đi tìm người đàn bà khác để kiếm cho mình một đứa con trai nhưng rồi lại trở về vì những đứa con ngoài giá thú của ông cũng đã chết trên tay người đàn bà khác. Cái chết của các con ông khủng khiếp đến nỗi mỗi lần vợ mang thai là ông tự đi chặt gỗ làm hòm. Đêm vợ sinh, ông ôm con vào ngực ngủ đến sáng dù nửa đêm tỉnh dậy sờ mũi con biết đã tắt thở.

Bao nhiêu lần sinh con là bấy nhiêu khúc ruột đứt lìa; ông Địu kể rằng lúc hai vợ chồng lấy nhau đã hẹn trước là chỉ sinh hai đứa để có điều kiện chăm sóc, nhưng vì sinh ra đứa nào cũng chết nên ông bà cố cho kỳ được thì thôi.

Gió từ biển thổi thốc vào làm quăng quật những cây phi lao. Bóng tối bắt đầu chập choạng, cầm bó hương nghi ngút khói trên tay, ông Địu dẫn tôi ra hướng đồi cát phía sau nhà, nơi phần mộ các con ông đang nằm. Ông chỉ vào một phần mộ rồi nói: “Cái này là của đứa đầu tiên”.

Người đàn ông sờ bàn tay sần sùi, ướt sũng lên những hàng bia đánh số thứ tự của 12 mộ phần; phía bên kia, ba ngôi mộ đã đào sẵn nhưng chưa có người nằm, ông bảo đó là những ngôi mộ đã chuẩn bị cho ba đứa con còn sống của ông vì chẳng biết chúng sẽ bỏ ông bà mà đi khi nào nữa!

Bó hương vừa thắp xong đã sắp hết, leo lét chập chờn giữa khung cảnh đầy vẻ ma quái. Ông Địu bỗng gục mặt xuống một ngôi mộ rồi khóc rấm rứt. Ông nói rằng mình đã khóc suốt mấy chục năm nay rồi, khóc quá nhiều đến nỗi từ khi chôn cất đứa con thứ chín đến giờ ông không còn biết khóc nữa nhưng chẳng hiểu sao chiều nay nước mắt ông lại đổ ra!

15 lần sinh, 12 lần chôn con

Phóng to
Hai đứa con nhỏ của ông Địu mỗi lúc trở trời lại lên cơn co giật, thân hình biến dạng
Ông Đỗ Đức Địu (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) tham gia chiến đấu chống Mỹ từ năm 1972 và bị nhiễm chất độc da cam tại Mỏ Tàu, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Hồi ấy thấy máy bay địch rải chất bột trắng, chỉ mấy ngày sau đã thấy cả cánh rừng bạt ngàn trụi lá, cây cối chết khô nhưng không ai biết đó là chất độc da cam” - ông Địu kể.

Sau ngày giải phóng, ông trở về quê hương và kết hôn với người con gái cùng thôn là Phạm Thị Nức. Sau ngày cưới, ông Địu ôm balô trở lại với quân đội, đợi chờ tin vui đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng đã đặt tên trước là Đỗ Đức Hòa, nào ngờ... đứa bé mới sinh ra hai ngày đã chết với những biểu hiện khủng khiếp: đầu đột nhiên phù to, da vàng và chảy nước nhầy. Chị Nức ngất lịm đi mấy ngày liền.

Những ngôi mộ số

Chiều nay, ông Địu ăn mặc chỉnh tề, nai nịt gọn gàng cầm bó hương ra làm giỗ cho đứa con thứ hai. Ông bảo rằng lần nào ra thăm các con ông cũng tươm tất như thế để các con đỡ tủi. Nghĩa trang được xây kín bằng gạch trên miếng đất rộng chừng 20m2, 12 mộ phần của các con ông nằm nép mình bên nhau; tất cả các ngôi mộ đều được đánh số thứ tự từ 1-15, trong đó có ba ngôi mộ để sau này cho ba đứa đang còn sống.

Ông Địu cho biết ông lập nghĩa trang cho con phía sau nhà để tiện hương khói. Hằng tháng ông đều tổ chức lễ giỗ cho các con, tháng nào cũng có giỗ, có tháng giỗ đến 2, 3 đứa.

Coi đó là một tai nạn, vợ chồng Địu vẫn ấp ủ khát khao về một đứa con. Đầu năm 1981, đứa con thứ hai Đỗ Thị Bình lọt lòng mẹ, mạnh khỏe trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng Địu.

Một năm sau, chị Nức tiếp tục thai nghén đứa con thứ ba với tâm nguyện: có thêm thằng con trai cho “đủ nếp đủ tẻ”. Thế nhưng lúc này sự khủng khiếp của tai họa mới hiện diện rõ: đang ngậm căng bầu sữa mẹ, đứa con thứ ba mà anh chị chưa kịp đặt tên bỗng co giật liên hồi, da đổ vàng một cách kỳ lạ rồi chết trong cơn đau man dại.

Vì cháu Bình vẫn lớn lên khỏe mạnh nên vợ chồng ông Địu tin rằng mình vẫn có thể tiếp tục có con. Ông lẳng lặng chặt gỗ đóng hòm rồi chôn con phía sau nhà. Chị Nức lại tiếp tục những cơn đau đẻ.

Đứa thứ 4: chết!

Đứa thứ 5: lại chết.

Đứa thứ 6: tiếp tục chết.

Đứa thứ 7: cũng chết tức tưởi như những đứa con trước.

Và cứ thế, “sinh con ra là chết” đã trở thành điệp khúc của nỗi đau trút xuống căn nhà của vợ chồng ông Địu.

Đến đứa thứ 12: vẫn chết! Không thể nhớ hết tên các con vì có đứa chưa kịp đặt, ông Địu phải dùng một cuốn sổ ghi lại ngày tháng chết của chúng và đánh tên thứ tự trên mộ chúng để biết mà tổ chức đám giỗ. Bãi đất sau nhà ông trở thành một “nghĩa trang gia đình”, nơi yên nghỉ của 12 đứa con tội tình vô phúc.

Chuyện sinh con ra lần lượt bị chết cả ông Địu và vợ cố giấu không để cho người làng biết. Tuy nhiên nhiều anh em gia đình phía ông Địu nghi ngờ, họ cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chị Nức.

Ông Địu một lòng thương vợ nhưng rồi cũng phải bỏ đi để kiếm một người đàn bà khác, tìm kiếm một đứa con trai.

Tuy nhiên, sau hai năm biền biệt, một ngày kia ông Địu bỗng trở về và nói thật với vợ: “Tôi đã có con với người đàn bà khác nhưng nó cũng chết, lỗi là do tôi chứ không phải từ phía mình”.

Thương chồng, chị Nức đã mở rộng vòng tay bao dung đón người chồng khốn khổ, tiếp tục nuôi hi vọng về những đứa con.

Sau ngày trở về này, ông Địu mới chịu ra Hà Nội để khám bệnh và được các bác sĩ kết luận chính thức là ông nhiễm chất độc da cam.

Những đứa con còn sống

Sau khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam, hai vợ chồng ông Địu nâng niu đứa con “vàng ngọc” Đỗ Thị Bình, coi sự sống của đứa trẻ này là một phép mầu; tuy nhiên, khát khao về những đứa con lành lặn vẫn chưa bao giờ nguôi trong lòng hai con người khốn khổ này.

May mắn làm sao khi đứa con thứ 14 Đỗ Thị Hằng đã sống sót khỏe mạnh. Một năm sau, bà Nức mang thai lần thứ...15 và sinh ra cháu Đỗ Thị Ngà. Ngà cũng đã sống sót và khỏe mạnh như một phép mầu cuối cùng dành cho một người đàn bà đã cạn khả năng sinh nở.

Tuy nhiên, trong số ba đứa con còn sống của vợ chồng ông Địu chỉ có Bình là tương đối bình thường, giờ đã có gia đình nhưng mỗi lúc trái gió trở trời là Bình lên cơn co giật. Hai đứa còn lại đều mang những di chứng nặng nề của chất độc da cam, lên 7, 8 tuổi là bắt đầu co giật và thân hình biến dạng. “Mỗi lúc trái gió trở trời là mấy đứa lại lên cơn, bọt miếng trào ra, co giật, thân hình quặn đi như một con thú” - ông Địu kể và khóc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận