TTCT - Ngôn ngữ đã hình thành và tiến hóa thế nào được xem là bài toán hóc búa nhất trong khoa học. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là loài người nói bằng tay trước khi bằng miệng. Nếu ngôn ngữ bắt đầu từ đôi tay, vì sao tiếng nói mới là hình thức giao tiếp chính của con người ngày nay? Hình dung về người tiền sử ở châu Âu. Ảnh: sci.newsNhững người đầu tiên ủng hộ lý thuyết "cử chỉ có trước" dựa vào thực tế rằng trước khi biết nói, trẻ con biết chỉ trỏ, gật đầu, vẫy và chìa tay, và có lẽ sự phát triển ngôn ngữ của giống loài chúng ta cũng theo đúng trình tự này.Các nhà nhân học thế kỷ 19 ủng hộ hết mình thuyết "cử chỉ có trước". Garrick Mallery cho rằng tạo ra các ký hiệu mới và có thể diễn dịch được bằng tay dễ hơn bằng giọng nói. Mallery viết trong 1 bài luận năm 1882: Với giọng nói, một người tiền sử sống trong hang có thể bắt chước các âm thanh riêng biệt của thiên nhiên, nhưng chỉ được một ít. Trong khi đó, với các cử chỉ khác nhau, ông ta có thể biểu thị hành động, chuyển động, vị trí, hình dáng, chiều kích, phương hướng và khoảng cách.Sang thế kỷ 20, các học giả vẫn dựa trên những lập luận thiên về trực giác để ủng hộ lý thuyết cử chỉ, đồng thời cũng đưa ra được nhiều bằng chứng mới. Đóng góp lớn nhất là Gordon Hewes, nhà nhân học thuộc Đại học Colorado, người cho rằng chúng ta nên xem xét kỹ các hoạt động giao tiếp của các loài linh trưởng để biết ngôn ngữ loài người bắt đầu thế nào.Hewes dựa vào kết quả 2 thí nghiệm: một gia đình cố dạy một con tinh tinh nói chuyện nhưng thất bại, và một gia đình dạy tinh tinh ngôn ngữ ký hiệu, cuối cùng nó nắm được khoảng 350 ký hiệu. Các nghiên cứu dạy ngôn ngữ ký hiệu cho con khỉ đột và đười ươi sau đó cũng cho thành công tương tự.Điều rút ra từ việc quan sát cách loài linh trưởng giao tiếp là so với miệng, đôi tay dường như là mảnh đất tốt hơn cho những hạt giống ngôn ngữ nảy mầm. Tổ tiên chung cuối cùng của người và tinh tinh, một loài sống cách đây 5-10 triệu năm, có lẽ cũng có khả năng cử chỉ và lời nói giống như tinh tinh hiện đại, nghĩa là tay sẵn sàng để "nói" hơn là miệng.Sang thập niên 1980, Hewes vẫn tiếp tục ủng hộ lý thuyết cử chỉ có trước. Trong một bài báo khoa học, ông chỉ ra một điểm đặc biệt của con người mà ít ai để ý: lòng bàn tay và móng tay của chúng ta có màu nhạt hơn vùng da xung quanh. Hewes suy đoán rằng đặc điểm độc đáo của con người này có được nhờ tiến hóa, nhằm để các cử chỉ của chúng ta dễ thấy hơn.Trong vài chục năm kể từ thời của Hewes, sự phổ biến của các lý thuyết cử chỉ ngày càng tăng. Điều này không có gì ngạc nhiên. Đặt hết những gì đã có lên bàn, các bằng chứng là quá thuyết phục: cử chỉ có trước lời nói ở trẻ em; dùng tay ưu thế hơn miệng trong việc tạo ra các ký hiệu có nghĩa, rõ ràng... Và một bằng chứng quan trọng khác: các ngôn ngữ ký hiệu đương đại. Với tất cả sức mạnh và sự tinh tế như ngôn ngữ nói, hệ thống ký hiệu cho chúng ta thấy rằng giọng nói không phải là phương tiện khả thi duy nhất cho khả năng đặc biệt nhất của giống loài chúng ta.Ảnh của họa sĩ hiện đại, tái hiện lại bức tranh có cử chỉ tay của người tiền sử được phát hiện trong hang động. Ảnh: ShutterstockGiờ thì hãy đi vào vấn đề chính: ngày nay, lời nói thống trị chứ không phải cử chỉ. Nếu ngôn ngữ thật sự bắt đầu ở đôi tay, vậy thì trong một giai đoạn nào đó sau này, nó phải chuyển dịch sang miệng, tức ngôn ngữ có sự "chuyển đổi hình thái". Câu hỏi nhức nhối là: tại sao? Hewes hay bất kỳ người ủng hộ lý thuyết cử chỉ nào cũng đều phải đối mặt với vấn đề này. Vậy điều này có thể được lý giải không? Theo một số ý kiến, câu trả lời ngắn gọn là không.Nhà nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu Karen Emmorey (Đại học San Diego State) cho rằng sự tồn tại của các hệ thống ký hiệu, vốn cũng toàn vẹn và phức tạp về mặt ngôn ngữ học như hệ thống tiếng nói, đã làm lung lay ý tưởng về cái gọi là nguồn gốc cử chỉ của ngôn ngữ. Bà lập luận rằng nếu ngôn ngữ hình thành từ đôi tay, nó sẽ không có lý do gì thuyết phục để rời khỏi đó. Vì vậy, ngay từ đầu, ngôn ngữ phải là tiếng nói.Để có thể đứng vững, các lý thuyết cử chỉ cần chứng minh được đã có xảy ra sự dịch chuyển từ tay sang miệng. Hãy xem quá trình đó như một hành trình sử thi kéo dài hàng trăm nghìn năm của nhân vật chính - ngôn ngữ. Như với bất kỳ cuộc hành trình nào, nhân vật chính sẽ cần lý do để khởi hành và phương tiện để đến đích, nghĩa là tại sao và thế nào. Hãy lần lượt xem xét hai ý này.Đầu tiên, lý do để di chuyển. Phải chăng là do lời nói có nhiều ưu điểm hơn cử chỉ? Một trong những ưu thế vẫn được nhắc đến là lời nói thì trừu tượng. Những lời nói ra đa số là có quan hệ võ đoán với nghĩa chúng mang - từ "cây" không giống gì với hình dáng của cái cây. Các hình thức thị giác như cử chỉ thì không võ đoán như thế, và do đó hạn chế các ý tưởng trừu tượng. Lập luận này nghe thì hợp lý nhưng không phải vậy. Ngôn ngữ ký hiệu hoàn toàn biểu hiện được những khái niệm như "hòa bình".Một lợi thế khác: trong bóng tối thì nói tốt hơn là ra hiệu. Thực tế những người dùng thủ ngữ hiện đại không gặp vấn đề gì nhiều, ngay cả khi giao tiếp trong ánh sáng mờ, và họ có thể ra ký hiệu bằng cách chạm vào nhau một cách dễ dàng. Lời nói giúp giải phóng đôi tay để làm chuyện khác? Nhưng, một lần nữa, người dùng ngôn ngữ ký hiệu không có vẻ gì là gặp vấn đề với chuyện này, họ có thể ra ký hiệu bằng một tay khi cần thiết. Chưa kể các ký hiệu thị giác quan trọng - chỉ trỏ, khẳng định, đặt câu hỏi - có thể được đưa ra bằng đầu và gương mặt.Danh sách các lợi thế giả định của lời nói vẫn còn kéo dài. Nhưng, theo Tecumseh Fitch - tác giả một khảo sát về sự tiến hóa của ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm ra những ưu điểm của cử chỉ. Ví dụ, nó kín đáo hơn lời nói, do đó có thể được sử dụng trong khi đi săn mà đánh động con mồi; phù hợp hơn với môi trường ồn ào hoặc khi ăn hơn (vừa ăn vừa nói có nguy cơ mắc nghẹn). Vậy là chẳng bên nào hơn bên nào.Nhưng lời nói có ít nhất một đặc điểm "đinh" khó phủ nhận: nó không cần quá nhiều nỗ lực. Các thí nghiệm cho thấy về cơ bản dùng cử chỉ chắc chắn "tốn calorie" hơn nói chuyện. Vấn đề là sự khác biệt nho nhỏ về tiêu thụ calorie có quan trọng không? Có. Các nghiên cứu ngôn ngữ đã xác định "nguyên tắc ít tốn sức nhất", lý giải vì sao những từ ta dùng nhiều nhất là các từ ngắn nhất; vì sao có chuyện viết tắt...Vì vậy có thể cho rằng ưu thế "ít tốn sức" của lời nói có lẽ đã thúc đẩy một sự dịch chuyển qua nhiều thế hệ từ cử chỉ sang dùng lời lẽ. Điều này giải quyết yếu tố "tại sao". Nhưng còn "thế nào"? Vì sao từ tay sang miệng? Một lý giải khả dĩ bắt đầu từ một điều thú vị về giải phẫu học: ở cơ thể người, tay và miệng là một cặp khắng khít. Dường như có một cầu nối vô hình giữa hai bộ phận cơ thể này ngôn ngữ có thể đã được truyền qua đó.Bằng chứng đầu tiên: trong tử cung, trẻ thường mút ngón tay cái. Một thời gian ngắn sau khi sinh, cho đến khoảng 5 tháng tuổi, chúng biểu hiện cái gọi là 'phản xạ Babkin': ấn vào lòng bàn tay trẻ, và nó sẽ thè lưỡi ra. Các bằng chứng khác đến từ não: các vùng thần kinh điều khiển cử động miệng rất gần với vùng điều khiển cử động tay, đến mức một số người cho rằng có một "mạch" ra lệnh chung cho cả hai.Ngoài trẻ em và não, hiện tượng tay đi đôi với miệng còn có thể thấy trong các hành vi thường ngày. Charles Darwin cho rằng "trẻ em học viết thường vặn vẹo lưỡi một cách buồn cười khi các ngón tay di chuyển". Các nghiên cứu sau đó đã ghi nhận trường hợp lưỡi nhô ra trong một loạt các hoạt động khác, và không chỉ ở trẻ em. Những hành vi ‘buồn cười’ này chỉ là một dạng của cái gọi là ‘đồng điệu tay miệng’ (hand-mouth sympathy). Một dạng khác của nó là khi một người vừa cử động tay vừa phát ra lời gì đó.Hiện tượng tay đi đôi với miệng có phải đặc trưng riêng của loài người tinh khôn? Có lẽ là không. Tinh tinh cũng có ‘hòa hợp tay miệng’, và điều này cho thấy ‘cây cầu vô hình’ đã nói trên có thể đã tồn tại sẵn ở tổ tiên chung cuối cùng của chúng ta. Đến lúc này, chúng ta đã xác định được một đường đi đủ hợp lý và một lý do đủ chính đáng để ngôn ngữ chuyển từ tay sang miệng. Nhưng điều này, dĩ nhiên, vẫn để ngỏ câu hỏi rằng chuyến hành trình qua cây cầu này đã thực sự diễn ra thế nào?Ảnh: AlamyBất kỳ chi tiết nào còn lại cũng đều là phỏng đoán, song đa số các học giả nhất trí rằng sự dịch chuyển từ tay sang miệng có lẽ đã diễn ra rất chậm. Và nhiều người nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi không phải là từ một cơ chế giao tiếp chỉ có cử chỉ sang cơ chế chỉ có lời nói, mà là từ cơ chế nơi cử chỉ đóng vai trò chính và giọng nói sắm vai phụ sang sự phân vai ngược lại.Viết trên tạp chí Science năm 1944, Richard Paget cho rằng ngôn ngữ khởi đầu là cử chỉ tay nhưng sau đó có thể chuyển sang lời nói vì các cử động của miệng đã lặp lại cử động của tay trong vô thức. Paget viết rằng "khi diễn viên chính (đôi tay) nghỉ hưu và rời sân khấu... các diễn viên dự bị - lưỡi, môi và hàm - đã hoàn toàn lĩnh hội được nghệ thuật kịch câm" và sẵn sàng thế vai. Ý tưởng này hầu như đã bị quên lãng và đôi khi bị chế giễu, song trong thập niên 2010, người ta đã nghĩ lại. Một phần là do ngày càng có nhiều bằng chứng của "hòa hợp tay miệng", phần nữa là vì các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tín hiệu gần đây đã khoanh vùng được một nhóm các ký hiệu biểu thị chính xác quá trình mà Paget đã hình dung.Chúng ta đã biết khi dùng thủ ngữ thì miệng cũng hoạt động tích cực. Một ví dụ: ký hiệu true (đúng) trong Ngôn ngữ ký hiệu Anh bao gồm việc đưa một tay đang nằm trên xuống chạm vào tay kia, đồng thời khép miệng lại. Cử động của đôi tay được "vọng lại" bằng một cử động nhỏ hơn ở miệng.Sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ các chi tiết của quá trình lặp lại này trước khi có thể tuyên bố nó là hợp lý. Nhưng đây chỉ là một điểm khởi đầu. Mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo của lý thuyết cử chỉ là phát triển và tinh chỉnh các mô hình của quá trình mà con người có lẽ đã tiếp nhận một hình thức giao tiếp gọn gàng hơn, khi cử chỉ và lời nói có thể đã đổi chỗ cho nhau - lời nói thành chủ đạo, còn cử chỉ lui về vai phụ.Kể từ thời Hewes, các nhà lý thuyết cử chỉ có trước đã đối mặt với gánh nặng bằng chứng cực lớn, buộc họ phải giải thích cho được nguyên nhân và bản chất của sự thay đổi hình thái trong ngôn ngữ. Nhưng những người theo thuyết tiếng nói có trước cũng có áp lực của riêng họ, mặc dù ít được biết đến. Bất kỳ lý thuyết lời nói có trước nào cũng phải lý giải không chỉ lời nói đã tiến hóa thế nào mà còn tại sao tiếng nói lại trở nên gắn liền với cử chỉ.Tất cả những gì vừa trình bày không có nghĩa là lý thuyết cử chỉ có trước đã chiếm ưu thế - vẫn còn xa. Điều có thể kết luận là các câu hỏi xoay quanh thay đổi hình thái chỉ là một lớp của bí ẩn lớn hơn về nguồn gốc ngôn ngữ. Ngay cả khi chúng ta có thể tìm ra một phiên bản của lý thuyết cử chỉ có trước không chỉ hợp lý mà còn khả thi, thì vẫn còn nhiều lớp vấn đề khác cần tranh luận.Chúng ta sẽ muốn tìm hiểu bằng cách nào mà con người có khả năng "đọc" được suy nghĩ của người khác, xâu chuỗi và kết hợp các ý tưởng, hình thành các khái niệm trừu tượng như "ngày mai" và "sự thật". Chúng ta cũng sẽ cần giải thích tại sao con người lại có thôi thúc được bày tỏ ý nghĩ. Đây là một vấn đề phức tạp đa tầng, thứ làm cho sự tiến hóa của ngôn ngữ được xem là "vấn đề hóc búa nhất của khoa học", và cũng là một trong những vấn đề lôi cuốn nhất.■(TRÚC ANH lược dịch) Tags: Ngôn ngữ bắt đầu từ đôi tayVăn hóaNgôn ngữTiến hóa của ngôn ngữNghiên cứu ngôn ngữNgôn ngữ ký hiệuNgười tiền sửTiến hóa
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.