Trong khi nhiều thành phố muốn chuyển mình thành trung tâm công nghệ hay “Thung lũng Silicon mới”, thì tại “địa chỉ gốc” ở San Francisco (Mỹ), người ta cho rằng thời hoàng kim của startup công nghệ đã qua. Thung lũng Silicon được biết đến như nơi những người trẻ mê công nghệ có thể khởi nghiệp từ phòng ngủ ký túc xá hay gara nhà mình với các sản phẩm có thể làm thay đổi thế giới. Điều đó đã xảy ra với những Apple và Microsoft hồi thập niên 1970, hay AOL vào những năm 1980, rồi Amazon, Yahoo! và Google một thập niên sau đó, và cuối cùng là Facebook vào đầu thiên niên kỷ thứ hai. Từ năm 2000 đến nay, người ta vẫn khởi nghiệp, các công ty vẫn ra đời, song không có một startup nào “làm thay đổi thế giới” như những cái tên vừa kể. Cái tên thành công nhất, Facebook, cũng đã chào đời cách đây những 13 năm. TechCrunch nhận định hồi cuối tháng 10-2017 rằng thời các startup đầy mộng mơ từ phòng ngủ vươn lên tầm thế giới đã qua, và “chúng ta đang sống trong thời đại mới, nơi ưu ái cho những gã khổng lồ chứ không phải chàng tí hon”. Theo đó, các công ty lớn và những CEO tên tuổi, chứ không phải startup và doanh nhân, sẽ là chủ của thập niên tới và bi đát hơn, “sinh viên tốt nghiệp ngày nay nhiều khả năng sẽ làm việc cho Mark Zuckerberg hơn là nối gót anh ta trên con đường khởi nghiệp”. Ưu thế trong tay đại gia Nhưng Facebook chỉ là một trong nhóm được gọi là “ngũ đại doanh nghiệp” sẽ thống trị thế giới công nghệ trong ít nhất một thập niên tới. Bốn đại gia còn lại là Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Apple và Microsoft. Vì sao lại thế? Cách đây 20 năm, Internet chỉ mới sơ khai, một miền đất hoang để các thiên tài công nghệ trẻ tuổi chinh phục bằng cách viết phần mềm, lập trình sản phẩm. Còn cách đây một thập niên, smartphone bùng nổ, và vẫn còn đất diễn cho các startup công nghệ và thế giới đã có thêm WhatsApp, Instagram, Twitter. Nhưng hiện nay, Internet và smartphone không có gì là mới, rất khó để có thể tạo ra cái gì mới trong thế bão hòa đó, và do vậy, không có “tiền đề” cho một cuộc cách mạng nào. Trong thời đại của ứng dụng và dịch vụ trực tuyến, những gì ta có thể làm với trình duyệt web và smartphone là hữu hạn, và Google, Facebook đã “khóa chặt” mọi thị trường khả dĩ để ai khác có thể chen chân vào hay làm gì khác hơn. Và hơn thế nữa, như VOX từng lý giải, “các công nghệ ngày nay cũng phức tạp, đắt đỏ hơn” và các công ty đã có quy mô và tài chính sẽ có ưu thế hơn. Chúng ta đang ở thời của trí tuệ nhân tạo, cần phải có dữ liệu để dạy máy móc. Dữ liệu nằm trong tay ai nếu không phải là 5 “đại gia” kia? Các công nghệ thời thượng như máy bay không người lái, xe tự hành lại cần tài chính khủng, dù có gọi vốn thành công cũng khó lòng xoay trở được. Còn thực tế ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR) đình đám thì sao? Vẫn là Facebook, Google hay Microsoft làm chủ công nghệ. Lĩnh vực khả dĩ để startup có thể phát triển thời nay là phần mềm, song có làm gì cũng phải hợp với phần cứng của Apple và Google (di động) hay Microsoft (PC). Ngay cả các startup đã phần nào định hình được hướng đi, thì đằng nào cũng là làm lợi cho “ngũ đại gia”. Các startup phải thuê máy chủ hay dịch vụ điện toán đám mây của Amazon hay Google để hoạt động, nếu muốn tiếp cận người dùng thì phải chi quảng cáo, và phải thông qua ai nếu không phải hai ông trùm quảng cáo trực tuyến hiện nay là Google và Facebook? Trên thực tế, Snap đã ký hợp đồng thuê “đám mây” của Google với giá 400 triệu USD/năm trong 5 năm tới. Theo New York Times, doanh thu từ quảng cáo của Snap chỉ vào khoảng 330 triệu USD trong nửa đầu năm 2017, nghĩa là làm được 10 đồng thì Snap đã phải “dâng” hơn một nửa cho Google để duy trì hoạt động. Startup thời nay còn gặp bất lợi hơn so với thời những gã khổng lồ khởi nghiệp. Năm 2004, chàng sinh viên Zuckerberg không phải tốn quá nhiều tiền để lập và vận hành trang web tiền thân của Facebook. Với mức đầu tư tối thiểu, khi Facebook vụt dậy thành mạng xã hội lớn nhất thế giới, Zuckerberg nhanh chóng có lợi nhuận khủng để tiếp tục đầu tư, phát triển và bành trướng công ty con cưng của mình. Ngày nay, vì có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, các công ty buộc phải chi đậm cho quảng cáo hòng chiếm lĩnh thị trường và vì thế khó đạt đến giai đoạn bắt đầu có lời hơn. Đây là thực tế của thị trường ứng dụng đặt xe qua di động, khi Uber hay Lyft liên tục giảm giá để hút khách và lỗ hàng tỉ USD. Vì sao “ngũ đại gia”? Không tính đến thuận lợi như là người khai phá khi thị trường còn hoang sơ, đâu là lý do khiến Facebook hay Google thành công? “Lãnh đạo các công ty lớn ngày nay am hiểu các rủi ro hơn và biết nhìn vào gương sụp đổ của các (cựu) đại gia công nghệ như Yahoo! để rút ra bài học cho mình và kịp tránh đi vào vết xe đổ” - nhà đầu tư mạo hiểm Phin Barnes nói với VOX. Trong khi Yahoo! sụp đổ vì không kịp thích nghi với sự chuyển đổi từ máy tính để bàn sang di động, Mark Zuckerberg đã kịp hiểu ra tầm quan trọng của các thiết bị di động có màn hình cảm ứng và buộc các kỹ sư Facebook phải đặt việc phát triển ứng dụng lên hàng đầu. Zuckerberg cũng áp dụng chiến lược “đánh hơi thấy đối thủ là hạ ngay”, để bảo đảm không một startup công nghệ nào có thể tồn tại cạnh tranh với mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. WIRED ngày 25-10 lấy ví dụ trường hợp của mạng xã hội chia sẻ địa điểm Foursquare. Foursquare ra đời năm 2009, và một năm sau Facebook có tính năng cho người dùng đánh dấu (check-in) địa điểm y hệt như mạng xã hội non trẻ này. Ngay lập tức, đồng sáng lập của Foursquare là Naveen Selvadurai đã thành lập “liên minh chống Facebook”, kêu gọi các “chàng David” trong lĩnh vực mạng xã hội cùng liên kết lại chống “gã khổng lồ Goliath” Facebook. Selvadurai khi đó có được hai “đồng minh” là Twitter và hai mạng xã hội chia sẻ ảnh Path và Instagram, tất cả đều đối mặt với nguy cơ bị Facebook bắt chước các tính năng đặc sắc của mình. Vậy nhưng sau 7 năm, thực tế thế nào đã rõ: những “chàng David” tí hon đã thua chổng vó (Instagram bị Facebook mua lại với giá 1 tỉ USD, Twitter chỉ có 330 triệu người dùng thường xuyên, còn Path chẳng mấy ai biết tới). Các “Goliath” công nghệ đã chiến thắng bằng chiến thuật mà WIRED mỉa mai gọi là “về đội của anh hay là bị anh cọp-dê công nghệ”. “Ngũ đại gia” rất nhạy trong việc đánh hơi thấy các hiểm họa có thể ảnh hưởng đế chế của mình và giải pháp là mua luôn các đối thủ đó khi chúng “chưa kịp lớn”, vừa giảm cạnh tranh vừa mở rộng được thị trường. Facebook mua Instagram và WhatsApp để nhảy vào lĩnh vực mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và nhắn tin di động, giống như Google đã từng mua Android và YouTube. Kết quả của những khoản chi tỉ đô này là gì? Android thống trị thị trường hệ điều hành di động, còn Instagram, WhatsApp và YouTube trở thành các mạng xã hội hàng đầu chỉ sau Facebook. Giả sử các công ty này không bán mình và vẫn hoạt động độc lập, có thể giờ đây họ đã là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google hay Facebook, thay vì trở thành một phần trong đế chế của hai ông lớn này. Một thực tế phũ phàng với nhiều startup ngày nay là họ phải cầu mong được lọt vào mắt xanh của các ông lớn, nhất là nhóm “ngũ đại gia” và được mua lại để tiếp tục tồn tại, theo TechCrunch. Nhưng những startup cố gắng tồn tại mà không “bán mình” sẽ được gì? Không có gì ngoài sự cạnh tranh kinh khủng. Ví dụ kinh điển nhất là Snap (tên cũ là Snapchat). CEO của hãng, Evan Spiegel, đã từ chối đề nghị bán mình cho Mark Zuckerberg với giá 3 tỉ USD hồi năm 2013, sau đó đổi tên công ty và lên sàn vào năm 2017. “Kẻ bị từ chối” Facebook bèn ra sức đầu tư và “cóp” tất cả các tính năng đặc sắc nhất của Snap (các bộ lọc, hiệu ứng thực tại tăng cường cho camera) cho Instagram. Chỉ sau 6 tháng, Instagram Stories, dù bị chỉ trích là sao chép Snap toàn tập, đã có nhiều người dùng mỗi ngày hơn “bản gốc”. Định nghĩa lại startup Bất chấp thách thức từ “ngũ đại gia”, trang VOX cho rằng năm ngọn lúi lớn không có nghĩa Thung lũng Silicon sẽ chững lại, vấn đề chỉ là “nó sẽ trông rất khác so với các sáng tạo công nghệ mà chúng ta đã thấy trong 20 năm qua”... Tesla của nhà tỉ phú Elon Musk là một ví dụ. Công ty này có mọi thứ để được xem là một công ty đúng chuẩn Thung lũng Silicon: nó có trụ sở ở Palo Alto (nơi Facebook, Google từng được “nuôi dưỡng”) và thuê cả một đội quân lập trình viên để thiết kế mọi thứ, từ giao diện màn hình cảm ứng đến xe tự lái. Song Tesla cũng cho thấy nó bắt đầu xa rời những thứ gọi là “chuẩn Thung lũng Silicon”. Trong khi Apple cho sản xuất iPhone tại Trung Quốc thì Tesla đặt nhà máy xe hơi của mình trong nước (Fremont, California). Khi triết lý của Uber và Airbnb là “công ty vận tải mà không sở hữu chiếc xe nào” và “công ty cho thuê nhà mà không có căn nhà nào”, Tesla lại chi hàng tỉ USD để xây một nhà máy pin dùng cho xe điện. “Ngay cả khi Google, Facebook và Amazon tiếp tục thống lĩnh thị trường dịch vụ trực tuyến, điều đó không có nghĩa họ cũng là người dẫn đầu khi xét về sáng tạo công nghệ theo nghĩa rộng hơn” - tác giả Timothy Lee của VOX nhận định. “Nghĩa rộng hơn” ở đây là công nghệ không chỉ là ứng dụng trên điện thoại mà còn nằm ở những thứ hữu hình như xe điện, máy bay không người lái dùng để giao hàng. “Chúng ta đã quen với việc Thung lũng Silicon đồng nghĩa với Internet, song làn sóng sáng tạo công nghệ tiếp theo sẽ rất khác so với những quan niệm cố hữu này” - tác giả kết luận.■ Những cái tên của nền kinh tế chia sẻ như Uber, Airbnb có phải chứng minh startup vẫn chưa hết thời? Theo VOX, xét về giá trị thương hiệu, các công ty này không đáng kể so với các ông lớn kể trên. CEO của Uber, Travis Kalanick, phải từ chức hồi tháng 6-2017, và tương lai của ứng dụng này vẫn chưa thật sáng sủa, trong khi Airbnb chỉ trị giá 31 tỉ USD, bằng 7% so với Facebook. Tags: StartupNgũ đại giaHoàng hôn startup
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.