Nhà máy thủy điện nhỏ ở Quảng Nam: Cưỡng bức sông ngòi, hủy hoại môi trường

TTCT - Tôi không nhớ có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu người có tâm huyết đã kêu gọi hủy bỏ những dự án thủy điện nhỏ ở Quảng Nam, vì những thiệt hại không nhỏ của nó.

Một cây gỗ đường kính khoảng 2m trong vùng lòng hồ thủy điện Nước Biêu, Quảng Nam. Ảnh: V.N.L.
Một cây gỗ đường kính khoảng 2m trong vùng lòng hồ thủy điện Nước Biêu, Quảng Nam. Ảnh: V.N.L.

 

Dự án thủy điện Nước Biêu, xã Trà Cang, H.Nam Trà My, Quảng Nam là một ví dụ. Nhà máy có công suất 14MW sẽ xây dựng trên suối Nước Biêu, thuộc lưu vực sông Tranh. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tháng 3-2018 của chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Nước Biêu, dự án sẽ chỉ làm mất hơn 13ha rừng sản xuất và “vùng dự án thủy điện Nước Biêu có hệ sinh thái nghèo, rừng sản xuất tự nhiên gồm những cây gỗ có đường kính nhỏ”.

Nhưng thực tế đi kiểm tra hiện trường, đoàn công tác của cơ quan trung ương đã thấy ngay trong vùng lòng hồ, những cây gỗ có đường kính thân lớn xấp xỉ 2m. Chủ đầu tư cố tình bỏ quên?

Dự án thủy điện Trà Linh 2, thuộc xã Trà Linh do Công ty cổ phần thủy điện Ngọc Linh làm chủ đầu tư, báo cáo nói chỉ chiếm dụng khoảng 1,8ha rừng sản xuất. Nhưng khi kiểm tra thực tế tại vị trí đập và hai bên lòng hồ, chúng tôi thấy đều là rừng tự nhiên, hệ thực vật trong phạm vi bị tác động của dự án có đến 525 loài. Trong đó có 64 loài cây thân gỗ, 14 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc diện cần ưu tiên bảo tồn.

Đây là 2 đoạn mô tả “hệ cá” của 2 dự án thủy điện Nước Biêu và Trà Linh 2
Đây là 2 đoạn mô tả “hệ cá” của 2 dự án thủy điện Nước Biêu và Trà Linh 2

 

“Quên” thú trong sách đỏ

Một ví dụ khác là nhà máy thủy điện Chà Vàl có công suất 7MW sẽ được xây dựng mới trên sông A Mó, xã Chà Vàl và La Dêê, H.Nam Giang, Quảng Nam. Theo báo cáo ĐTM tháng 3-2018 của chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Trung, khu vực khảo sát cho thấy do rừng bị tàn phá, đa phần các nhóm thú lớn di chuyển đi nơi khác “nay chỉ còn một số thú nhỏ, tuy nhiên cũng rất hiếm gặp”.

Nhưng trong buổi sáng ngày đầu tiên đoàn khảo sát của cơ quan trung ương đi kiểm tra hiện trường đã gặp ngay hai người dân địa phương gùi trên vai một con mang khoảng 50kg còn tươi nguyên từ vị trí dự kiến xây đập đi ra. Vùng dự án thủy điện Chà Vàl còn có 14/44 loài quý hiếm cần bảo tồn được ghi trong sách đỏ VN (2007) như chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), gấu ngựa (Unsus thibetarus), cầy mực (Arctictir binturong), sơn dương (Naemorhedus sumatraensis), khỉ mốc (Macaca assamensis), khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), voọc xám (Semnopithecus phayrei), mang lớn (Megamuntiacus vuqangensis), cheo Java (Tragulus javanicus), sóc đen (Ratufa bicolor).

Vùng dự án của thủy điện Trà Linh 2 cũng tương tự, có 11/168 loài động vật có xương sống nguy cấp quý hiếm còn sinh sống trong vùng dự án. Số lượng thú lớn trong rừng còn sẵn đến nỗi khi có nhu cầu người ta chỉ cần vào rừng tìm kiếm trong một đêm là có ngay mồi tươi động vật hoang dã để thết đãi khách quý nơi xa đến thăm và làm việc.

Một vấn đề cũng rất nghiêm trọng là dòng chảy môi trường sau đập thủy điện. Cả ba dự án thủy điện trên đều thiết kế theo phương án nhà máy nằm xa đập và sẽ phải cắt chuyển toàn bộ dòng nước tự nhiên của sông và suối qua một ống dẫn nước về đến nhà máy.

Nghĩa là, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có một đoạn sông suối sau đập bị “chết”, bị thiếu nước trong mùa kiệt. Nhà máy thủy điện Chà Vàl sẽ làm mất nước của 1,6km sông A Mó, nhà máy thủy điện Nước Biêu làm mất nước của 3,7km suối Nước Biêu, còn nhà máy thủy điện Trà Linh thì sẽ làm khô hạn một đoạn 3,8km suối Nước Nô.

Các nhà đầu tư luôn cam kết sẽ hoàn trả lại môi trường cái gì đã lấy đi. Nhưng đó chỉ là cam kết cho “đẹp”. Các báo cáo luôn tránh không đụng đến vấn đề nhạy cảm khó đỡ này. Hầu như các nhà đầu tư thiết kế đập thì giỏi, nhưng không thể đánh giá định lượng những nguồn tài nguyên tự nhiên ở những dòng suối cạn sau đập này sẽ mất cái gì và mất bao nhiêu.

Báo cáo ĐTM thủy điện Nước Biêu của chủ đầu tư thống kê được 47 loài cá và cho rằng không có loài cá nguy cấp, quý hiếm nào. Nhưng thực tế trong danh sách 47 loài cá đã thống kê thì có đến tám loài cá quý hiếm cần bảo vệ đã bị cho qua, không được ghi nhận.

Đây là 2 đoạn mô tả “hệ cá” của 2 dự án thủy điện Nước Biêu và Trà Linh 2. Ảnh: Vũ Ngọc Long
Đây là 2 đoạn mô tả “hệ cá” của 2 dự án thủy điện Nước Biêu và Trà Linh 2. Ảnh: Vũ Ngọc Long

 

Sao chép ĐTM?

Mặc dù các dự án thủy điện nói trên chỉ là dự án nhỏ nhưng đã gây ra những tác động môi trường rất lớn do thay đổi chuyển dòng nước tự nhiên. Đó là một thảm họa sinh thái. Để đánh giá được hết cả bằng định tính và định lượng sự tổn thất môi trường tự nhiên này là không dễ, cần tới một tinh thần trách nhiệm cao. Một điều rất lạ lùng và khó hiểu khi hai dự án thủy điện Nước Biêu và thủy điện Trà Linh 2 nằm trên hai dòng suối khác xa nhau.

Đơn vị tư vấn cho hai dự án thủy điện này cũng khác nhau (dự án Nước Biêu tư vấn bởi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật môi trường Á Châu, còn dự án Trà Linh 2 do Viện Thủy lợi và năng lượng tái tạo tư vấn).

Nhưng trong báo cáo ĐTM vào tháng 3-2018, họ đã mô tả hệ cá trên hai con suối này giống hệt nhau, đến mức tuyệt đối, từng câu chữ, số loài, dấu chấm phẩy và kể cả lỗi chính tả. (Báo cáo ĐTM thủy điện Nước Biêu, tháng 3-2018: trang 2-29; báo cáo ĐTM thủy điện Trà Linh 2, 2018: trang 2-48). Nhìn vào cách làm kiểu “chụp giật” như vậy, làm sao chúng ta có thể tin được rằng các nhà đầu tư này có thể thực hiện những cam kết về bảo vệ môi trường của mình?

Do thiếu hiểu biết, hoặc là cố tình không biết mà các nhà đầu tư đã không thể có giải pháp khả thi nào cho việc giảm thiểu những tác động xâm hại môi trường thô bạo như vậy. Dường như là ta phải chấp nhận dòng sông, suối sau đập sẽ cạn nước như một sự tất nhiên.

Nhưng phải gọi đúng tên ra: Đây là sự cưỡng bức dòng sông, hủy hoại môi trường sống của các loài. Các nhà đầu tư không lẽ không biết rằng các con thú trong rừng hằng đêm vẫn đến đây uống nước và tìm bạn? Hay các loài sinh vật trong rừng này đã bị loại ra khỏi khái niệm cần bảo vệ và đền bù, hỗ trợ?

Cả ba dự án thủy điện nhỏ nói trên đều nằm sâu trong rừng, có mặt cắt lớn. Vì vậy có rất nhiều thác nước và ghềnh đá đẹp. Khi các dòng sông, suối sau đập bị khô cạn, những thác nước cũng sẽ biến mất theo. Những cảnh quan của một hệ sinh thái sông như thác nước cao, bãi đá, bãi bồi, hang động ven sông... cần phải được coi là một di sản thiên nhiên của cộng đồng người dân địa phương.

Dù không thường xuyên, nhưng những đồng bào dân tộc tại chỗ vẫn lặn lội đến đây tìm kiếm thức ăn, rau xanh và cây thuốc trong tự nhiên. Nếu dòng suối bị thiếu nước, bị khô cạn, thực vật và động vật mất đi sẽ không bao giờ có lại. Cộng đồng người đồng bào Xê Đăng ở đây sẽ mất đi một nguồn tài nguyên sẵn có trong rừng.

Trong mục 1 điều 2 nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội nêu: yêu cầu các công trình thủy điện bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân...

Tôi nghĩ cả ba dự án thủy điện nhỏ nói trên đều xâm hại đến môi trường tự nhiên một cách nghiêm trọng, làm mất rừng tự nhiên, chia cắt dòng chảy..., không đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết này, cũng không đáp ứng được 5 nguyên tắc phát triển thủy điện vừa và nhỏ mà Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) đã đưa ra. ■

Loại 2, nhưng thêm 4

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 4-4-2017, trên địa bàn tỉnh có 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất là 450,76MW. Trong đó có 11 công trình đã phát điện; 4 công trình đang đầu tư xây dựng; 16 dự án chưa triển khai, đang rà soát và 1 dự án Đăk Di 4 đã thu hồi. Ngày 19-7-2017, nghị quyết số 31/NQ-HĐND Quảng Nam đã điều chỉnh nghị quyết số 161/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa VII về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đưa ra khỏi quy hoạch 2 dự án (thủy điện Nước Xa, xã Trà Mai, H.Nam Trà My, công suất dự kiến 1,2MW; thủy điện Ag Rồng, xã A Tiêng, H.Tây Giang, công suất dự kiến 1MW) nhưng lại bổ sung 4 dự án thủy điện thuộc địa bàn H.Nam Trà My (thủy điện Trà Linh 1 thuộc hai xã Trà Linh và Trà Cang, công suất dự kiến 26,2MW; thủy điện Tăk Lê, xã Trà Nam, công suất dự kiến 11,6MW; thủy điện Nước Lah, xã Trà Vân và Trà Don, công suất dự kiến 11MW; thủy điện Trà Leng, xã Trà Dơn, công suất dự kiến 30MW).

Riêng 3 dự án thủy điện Nước Biêu, Trà Linh 2 và Chà Vàl, các báo cáo ĐTM đã được hội đồng thẩm định của Bộ TN-MT thông qua trong tháng 4 và tháng 5-2018 với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận