TTCT - Tại sao dân chúng cứ phải khiếu nại, lắm khi “vượt cấp”? Tại sao một số dự án của Nhà nước cứ “tan nát, thậm chí có khi chưa xây xong đã thấy hỏng”? Một phần vì khái niệm bồi thường còn xa lạ. Trong Nam khi trước có một cách nói khuyến cáo tính thận trọng trong cuộc sống cùng trách nhiệm với người khác. Bậc phụ huynh sớm dặn dò con cái mới lớn “ra đường coi chừng đạp bánh tráng hổng có tiền đền người ta!”. Sao lại coi chừng “đạp bánh tráng” khi mà bánh tráng (bánh đa) là một món hàng thuộc loại giá rẻ nhất? Chẳng qua, cách dặn dò đó biểu thị một tinh thần trách nhiệm với tha nhân, với xã hội, không thể có chuyện “sống chết mặc bay”; ngược lại, luôn sẵn sàng bồi thường (đền) những thiệt hại gây ra. “Xin lỗi vì những bất tiện” Thiệt ra, cách sống đó, cách cư xử đó không phải là một nét đặc thù gì của xã hội ngày xưa ở trong Nam. Nếu đọc lại tiểu thuyết, phóng sự xã hội ở miền Bắc nửa đầu thế kỷ trước sẽ thấy thái độ sẵn sàng “bắt đền” đó cũng khá phổ biến. Cái tinh thần sẵn sàng bắt đền đó thiệt ra là phổ quát toàn cầu, trong nhiều xã hội và bộ máy nhà nước. Không một nhà nước nào lại hành xử kiểu không sẵn sàng chịu “bắt đền”. Dạo sau này, ra đường gặp đào bới, dựng “lô cốt” để xây dựng, thấy có vẻ “văn minh” hơn trước khi trưng những tấm bảng “xin lỗi về sự bất tiện này”. Nhưng nếu một công trường xây khách sạn, thương xá hoặc chung cư chẳng hạn, chỉ gây “bất tiện” trên một chút vỉa hè, bất quá 100m là cùng và khó mà lấn xuống lòng đường, càng không có chuyện “đóng cửa” các cửa hàng “hàng xóm”, thì những đại công trường kiểu như trên đường Lê Lợi hiện nay bỗng dưng “đóng cửa” trong thực tế rất nhiều cửa tiệm kinh doanh do “lô cốt” chiếm hết con đường này không biết tới bao giờ. Có ai hình dung những tổn thất của các doanh chủ khi khách khứa không buồn vô để mua sắm, uống cà phê hay ăn thịt bò trên đường này? Khi xây dựng công trình công cộng choán đường choán sá, ở nơi khác, nhà nước xử lý như thế nào? Xin mời tham khảo tài liệu “Thiệt hại từ các công trường công cộng - Phòng ngừa và đền bù các xí nghiệp” công bố từ tận ngày 10-12-2004 trên website Le Moniteur của Pháp: “Việc thực hiện các công trình trên các công lộ, thậm chí được thực hiện với sự chăm chút tối đa, đều tạo ra những khó khăn trong việc kinh doanh của các công ty, mà trong hầu hết các trường hợp đều thể hiện bằng sự mất doanh thu... Nên ngay từ khi phát triển dự án, sự tham gia của các công ty và đại diện của họ trong các thủ tục tham vấn tiền khởi động cũng như các thủ tục giám sát công cộng vẫn là cần thiết hầu đốc thúc các chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa tổn thất càng sớm càng tốt”. Nôm na mà nói, tỉ như khi định thi công xây dựng trên đường Lê Lợi như thế, cần nghĩ tới sự mất doanh thu của các cơ sở kinh doanh ở đó và tiến hành các thủ tục bàn bạc cũng như giám sát thi công để sớm xử lý sự tổn thất doanh thu. Việc tham khảo, giám sát này được mô tả như sau: 1) Thành lập ngay từ đầu một tổ chức quan sát gồm các bên liên quan (chính quyền địa phương, các chủ tòa nhà, các tổ chức tham vấn, đoàn thể...) trong chu vi bị ảnh hưởng, ngay từ khi biết được quyết định trên nguyên tắc bắt đầu dự án; 2) Thiết lập, với sự giúp đỡ của các hiệp hội thương mại, kinh doanh, các tổ phân tích sự phát triển của doanh nghiệp, lượng khách hàng và doanh thu của họ; 3) Thường xuyên theo dõi và xác thực các tài khoản của các cửa hàng đó; điều này sau đó sẽ chứng thực những khai báo giảm doanh số bán hàng có thể có. Nếu việc theo dõi doanh số được trở ngược ít nhất một năm trước khi bắt đầu công trình công cộng sẽ dễ dàng so sánh được doanh thu; 4) Thường xuyên tiến hành xác thực về việc giảm doanh thu cùng thu thập các thư từ của khách hàng thể hiện việc họ khó khăn tiếp cận các cửa hàng đó do vướng công trình xây dựng; 5) Đưa vào bộ luật thuế các biện pháp tạo thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh phải chịu đựng các công trình xây dựng công cộng; 6) Thiết lập các tiểu ban thỏa hiệp đền bù, bao gồm bên có thể bị thiệt hại, các chủ đầu tư (đường sắt, xe điện, điện lực...) và các nhà thầu, đại diện các hội nghề nghiệp, phòng thương mại, tòa án hành chánh... Trên đây là một ví dụ gọi là của Pháp. Song, hãy tin rằng người Pháp không chỉ sống theo tinh thần bồi thường đó. Y hệt chuyện hai xe đụng nhau, chủ xe xuống xe bắt tay nhau rồi gọi bảo hiểm tới, chẳng cự cãi làm chi. Bồi thường vì những tai nạn “giữa đàng” Chuyện người đi bộ đạp “chông” vốn là một chân đế cột điện chưa gỡ hết sắt thép, lọt xuống cái cống mất nắp, bị điện giật vì dây điện đứt... là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng nhà nước không vô can trong những chuyện đó. Luật pháp luôn cho phép, trong trường hợp gặp tai nạn do các công trường công chánh đang xây hay do các công trình công cộng, người dân có quyền kiện chính quyền địa phương - tổ chức đại diện cho trách nhiệm pháp lý của nhà nước. Tòa thị chính Paris đã phải bồi thường 100.000 euro sau một tai nạn do bất cẩn trong khi tu sửa vỉa hè khiến một phụ nữ bị gãy chân khi đang trên đường đi làm về nhà. Tòa án hành chánh Paris đã tuyên như thế sau khi tòa thị chính đề xuất bồi thường chỉ 5.000 euro, còn nạn nhân thì đòi 200.000 euro. Tờ Midi Madagasikara của Madagascar ngày 19-10-2016 đăng lại tin này kèm bình luận: do tương đồng giữa luật (hành chánh) xứ này với luật (hành chánh) của Pháp, nên cần nghiên cứu án lệ này, không phải để sao y số tiền bồi thường, mà để cho các nhà nước địa phương “đừng có nói rằng nạn nhân lẽ ra phải ngó xem chân mình đặt xuống đâu”. Án phạt mà Tòa hành chánh Paris tuyên dựa trên một đạo luật ra đời từ tận năm 1891. Giáo sư luật hiến pháp Maurice Hauriou từ năm 1893 đã giải thích hai ý nghĩa của trách nhiệm của chính quyền như sau: “Khi một dịch vụ công đã được tổ chức, công chúng trông cậy và có quyền trông cậy vào sự hoạt động tốt của dịch vụ đó. Nếu đã có một sở giao thông công chánh thì đó là để đảm bảo không chỉ khả năng đi lại mà còn là sự thuận lợi cũng như sự an toàn trong khi đi lại. Khi xảy ra một sự cố do dịch vụ công đó hoạt động tồi thì có quyền được bồi thường, trên cơ sở hai nguyên tắc: 1) Trách nhiệm này không chỉ trong giai đoạn xây dựng mà còn trong suốt thời hạn của công trình công cộng đó, tức là cho tới khi loại bỏ không sử dụng nữa. 2) Trách nhiệm là không thể san sẻ, tòa thị chính, sở giao thông, chính quyền địa phương cùng có lỗi”. Nếu áp dụng luật lệ như trên ở Việt Nam, nói đùa thôi, e rằng sẽ không còn các sở... giao thông công chánh nữa, do đóng phạt quá nhiều. Song, khó mà không đặt câu hỏi: Nếu luật của người ta về lĩnh vực này đã vận hành tốt từ... 146 năm qua, sao không tham khảo hay noi theo? Nếu noi theo, sẽ có tác động gì? Tốt hơn hay xấu hơn? Mẩu tin sau đây cho thấy quyền đòi kiện bồi thường lớn lao tới đâu, cho dù đó là những trường hợp có thể xem là “chẳng đáng gì”. Hôm 21-7 vừa qua, Tòa hành chánh Cergy-Pontoise đã tuyên buộc Nhà nước Pháp bồi thường cho một học sinh Trường trung học Lakanal cứ mỗi tiết vắng thầy cô giáo 1 euro “tượng trưng”, tổng cộng là 96 euro cho năm học đã qua. Học sinh này đã đâm đơn kiện với lý do “mới đầu tôi không để ý, sau thấy mất tiết hoài, cộng lại thấy nhiều quá, nên tôi kiện”. Nếu cho rằng đó là luật của “Tây”, mà “Tây” lúc nào chẳng đi trước ta, thì mẩu tin sau cho thấy ở một nước như Guinea, chắc là không hơn ta rồi, mới tháng 7 vừa qua, nhà nước đã phải đăng bố cáo sẽ bồi thường bất cứ ai cảm thấy rằng đất đai của họ trong cánh rừng Démoudoula mới được xếp hạng, bị vi phạm, với điều kiện xuất trình văn tự đất đai để thẩm tra. Có thể thấy kiện đòi bồi thường thiệt hại là một trong những quyền của mọi công dân ở mọi quốc gia. Thành ra khi mà các sự cố môi trường sẽ còn xảy ra, lấy thí dụ trước đây chính tỉnh Đồng Nai bảo vệ và thúc hối dự án lấp sông Đồng Nai, nay lại là “bên” đầu tiên yêu cầu dừng dự án này lại; hoặc các sự cố như tàu đánh cá bị hỏng quá sớm, chi bằng làm như ở mọi nước là giúp người dân đâm đơn kiện. Thật ra, không phải cứ là nước “nghèo” mà nhà nước lơ là bảo vệ môi trường. Hiến pháp Cộng hòa Bénin, điều 27, 28, 29 có thể là gợi ý cho những vụ việc rất đang thời sự về môi trường: Điều 27: Mọi người đều có quyền hưởng một môi trường lành mạnh, hài lòng và lâu dài, cũng như có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nhà nước chăm chút việc bảo vệ môi trường. Điều 28: Việc tích chứa, xử lý và đào thải các chất thải độc hại hoặc các chất ô nhiễm từ các nhà máy và cơ sở công nghiệp hoặc thủ công khác trên lãnh thổ quốc gia trong nước được điều chỉnh bởi pháp luật. Điều 29: Việc vận chuyển quá cảnh, nhập khẩu, lưu trữ, chôn lấp và xả các chất thải độc hại gây ô nhiễm của nước ngoài vào lãnh thổ quốc gia, và bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến những chất này, sẽ được coi là một tội ác chống lại dân tộc. (Nguồn: Le droit à l'environnement sain, extrait de la Constitution du Bénin, Art. 27, 28, 29). Khi chỉ “rút kinh nghiệm” Từ tinh thần các luật lệ nêu trên, có thể nêu tiếp một vấn đề khác có thể tìm thấy trong những mẩu tin như sau: “Bộ GTVT rút kinh nghiệm dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn” mà báo chí đồng loạt đăng hôm 29-7 vừa qua. Cho dù nguyên nhân gì dẫn tới “rút kinh nghiệm” cái dự án xây dựng 64km cao tốc quy mô 4 làn xe, tăng cường 110km mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu, với tổng mức đầu tư 12.188,3 tỉ đồng, vẫn cần coi và tính hết những thiệt hại cụ thể, nếu quy ra tiền, sẽ là bao nhiêu “cắn” vào số vốn đầu tư 12.188,3 tỉ đồng đó? Mà mới tháng 3 vừa rồi đã “Thay nhà đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vì không đủ vốn”. Nên phải tính cả thiệt hại trong chậm trễ thi công. Và việc phải khởi động dự án nữa, tính thành tiền là bao nhiêu? Không gì ngao ngán cho người dân đóng thuế khi cứ liên tục đọc những tin “rút kinh nghiệm” như thế. Trước tin trên hai tuần, hôm 14-7, báo chí cũng đăng tin “Bộ GTVT phủ nhận cầu vượt biển dài nhất bị nứt dầm”, cho biết: “Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng đại diện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có buổi kiểm tra thực địa cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, tại Hải Phòng. Thứ trưởng phê bình các đơn vị để xảy ra lỗi kỹ thuật đáng tiếc, gây dư luận xấu nhiều ngày qua. Mặt khác, ông cũng lên tiếng bác bỏ thông tin nứt dầm cầu. Thứ trưởng nêu rõ: Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ ra 11 lỗi kỹ thuật của công trình thì có 6 lỗi khuyến cáo và 5 lỗi sai sót kỹ thuật...”. May quá dầm không nứt, nhưng bỏ vào đó 11.849,195 tỉ đồng, trong đó, phần vốn vay ODA Nhật Bản là hơn 10.049 tỉ đồng, phần vốn đối ứng Việt Nam là 1.800 tỉ đồng, mà cầu mới đưa vào sử dụng từ ngày 15-5 đã bị “tố” là “lún dầm”, quả không vui chút nào! Đồng tiền bỏ ra là đồng tiền thật, thậm chí tiền “cứng” như đồng yen, sao các thành phẩm cứ lại “có lỗi”? May (gia công) một cái quần jean giá vài chục USD có lỗi đã bị kiểm phẩm chặn lại rồi, huống hồ là những dự án hàng chục ngàn tỉ đồng, tức nửa tỉ USD trở lên, sao chỉ thấy “rút kinh nghiệm” mà thôi? Lâu nay rút kinh nghiệm những gì mà Việt Nam “xếp thứ nhì trong số 20 nước bị khiếu nại nhiều nhất về tham nhũng liên quan đến các dự án ODA”, theo ông Anders Hjorth Agerskov - phụ trách Văn phòng liêm chính của Ngân hàng Thế giới? Công luận vẫn thường đặt câu hỏi: Tại sao giá thành làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn thiên hạ? Xin đặt tiếp câu hỏi: Sao đường sá Việt Nam cứ xây là có vấn đề? Vậy tổn thất từ các vấn đề đó là bao nhiêu, nếu có ai đó tính thành tiền? Chưa kể các loại tổn thất khác. Và nếu thiệt hại, sao chỉ rút kinh nghiệm mà thôi? Chừng nào khởi sự việc “bồi thường” một cách rành rẽ và đương nhiên, chừng đó may ra mới bớt cụm từ “rút kinh nghiệm”.■ Tags: Bồi thườngDịch vụ côngBồi thường là bình thườngNhà nước bồi thườngVốn vay ODA
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.