Nhà nước và thị trường

HUỲNH THẾ DU 17/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT - Giá cả hàng hóa tăng, giảm theo nguyên tắc cung, cầu của thị trường. Trong một số trường hợp, biện pháp hành chính được đưa ra với những lý lẽ riêng của nhà quản lý.

Nhiều mặt hàng phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường -Quang Định
Nhiều mặt hàng phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường -Quang Định

Thoạt nhìn những chính sách này có vẻ vì số đông và được nhiều người ủng hộ, nhưng trên thực tế nó rất có thể tạo ra sự bất công và làm cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường - một nền tảng cơ bản để có thể đi đến thịnh vượng - trở nên xa vời hơn.

Nguyên lý thị trường

Một trong những nguyên lý cơ bản nhất của kinh tế thị trường là luật cung - cầu. Giá cả được xác định bởi mức cân bằng giữa cung của bên bán và cầu của bên mua. Khi cầu tăng thì giá tăng và ngược lại khi cung tăng thì giá giảm. Nếu cả cung và cầu cùng tăng hoặc cùng giảm, giá sẽ theo xu hướng của bên có tác động mạnh hơn.

Việc giá các mặt hàng thiết yếu thường tăng vọt trong dịp cuối năm là do yếu tố mùa vụ chứ không phải do bàn tay hữu hình hay đầu cơ tích trữ.

Do vậy, việc không cho tăng bằng mệnh lệnh hành chính trên thực tế là nhiệm vụ bất khả thi và đi ngược lại các quy luật thị trường.

Rau quả chẳng hạn, do nhu cầu tăng đột biến trong dịp tết nên cho dù người trồng có biết, nhưng do diện tích đất có hạn và rau quả không thể để lâu nên cung tăng không kịp cầu làm cho mức giá cao hơn hẳn ngày thường. Mỗi năm sẽ xảy ra một trong ba kịch bản cơ bản sau.

Giá tăng, giá rớt vì sao?

Thứ nhất, giá cả tăng hơn ngày thường ở mức vừa phải. Ở những năm thời tiết khí hậu bình thường và nền kinh tế bình thường, giá cả sẽ tăng hơn so với ngày thường ở mức vừa phải. Đây là kịch bản thị trường bình thường.

Tuy nhiên, cũng có năm nền kinh tế tốt hơn hẳn, nhiều người làm ăn khá giả nên chi tiêu nhiều hơn, nhưng số rau quả cũng tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng do thời tiết thuận lợi hay diện tích gieo trồng gia tăng nên giá cả ổn định.

Ngược lại, có năm nền kinh tế u ám, thời tiết không thuận lợi làm cầu giảm và cung cũng giảm tương ứng và giá cả cũng ổn định. Trong tình huống này, Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp bằng các mệnh lệnh hành chính mà cần có các chính sách tác động gián tiếp để hạn chế sự thay đổi cung cầu đột biến mà thôi.

Thứ hai, giá tăng vọt. Không may cho những người trồng rau quả là thời tiết năm đó không thuận lợi làm năng suất giảm và do một số hộ bị thua lỗ do năm trước rớt giá, không tiếp tục trồng nên sản lượng thấp hơn hẳn so với dự kiến, nhưng nền kinh tế bùng nổ nên hầu hết hộ gia đình đều rủng rỉnh túi sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Kết quả là giá cả tăng vọt.

Khi đó, phần thiệt sẽ thuộc về những hộ gia đình khó khăn, thu nhập thất bát. Đối với người trồng rau quả, nếu phần tăng giá cả bù đắp được phần sản lượng sụt giảm thì sẽ không bị ảnh hưởng (thậm chí là tốt lên), trái lại sẽ bị ảnh hưởng.

Lúc này, nếu Nhà nước “cấm” giá tăng thì phần thiệt hại sẽ thuộc về những người trồng rau, trong khi những hộ gia đình khó khăn chưa chắc có thể mua được rau quả vì lượng cung có hạn, bằng cách nào đó những người có khả năng chi trả cao hơn sẽ có rau. Hơn thế, phần chênh lệch rất có thể thuộc về những ai có quyền cấm hoặc điều phối được việc này.

Thứ ba, giá rớt. Như những người trồng rau trông đợi, thời tiết năm đó rất thuận lợi, năng suất rất cao và do thấy nhiều người năm trước ăn nên làm ra nên nhiều hộ gia đình khác cùng tham gia trồng rau.

Tuy nhiên, điều không may là nền kinh tế năm đó có kết quả không khả quan nên việc chi tiêu của hầu hết các hộ gia đình đều vừa phải. Hậu quả của hai tác động cung tăng và cầu giảm nêu trên là rau quả trở nên dư thừa và giá rớt thê thảm. Nhiều người phải bán đổ bán tháo sản phẩm hoặc không thèm thu hoạch, cứ để thế cho trâu bò ăn.

Với mục tiêu làm cho giá cả không tăng cao trong dịp tết, khi tình huống này xảy ra thì đương nhiên là Nhà nước không có chính sách can thiệp gì cả (hiện tại chính sách mua tạm trữ chỉ mới được áp dụng với một vài cây trồng chính như cây lúa chẳng hạn, còn đa số các cây trồng vật nuôi khác thì chưa có chính sách gì cả).

Rõ ràng, khi giá quá cao Nhà nước lại “cấm” tăng, gây thiệt hại cho những người trồng rau và khi giá giảm thì lại chẳng có chính sách gì hỗ trợ họ cả. Như vậy là không công bằng.

Can thiệp của nhà nước

Như đã nêu ở trên, nguyên nhân cơ bản của việc giá cả tăng vọt trong dịp tết là do yếu tố mùa vụ. Những yếu tố có thể làm cho việc tăng giá trầm trọng hơn chính là giảm cung do thời tiết hoặc do tác động từ các vụ trước làm nhiều người từ bỏ việc trồng rau và cầu tăng thêm do nền kinh tế tốt lên. Lúc này, Nhà nước có thể có ba nhóm chính sách can thiệp.

Thứ nhất, khuyến khích nhiều người tham gia cung cấp sản phẩm để cung tăng tương ứng với cầu làm cho giá cả ổn định. Nếu áp dụng giải pháp này thì Nhà nước cần phải có chính sách để người cung ứng giảm được thiệt hại việc rớt giá gây ra.

Nếu chính sách này được vận hành tốt thì nền kinh tế sẽ ổn định và số đông sẽ được lợi. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó mà nó thể hiện qua điệp khúc “được mùa mất giá” mà Nhà nước cũng chẳng thể làm được gì trong thời gian qua.

Thứ hai, làm cho cầu trở nên ổn định hơn có nghĩa là lúc nào cũng có thể chi tiêu như nhau chứ không phải đợi đến dịp tết. Làm cho nền kinh tế tăng trưởng cao và trở nên phát triển hơn chính là cách thức tốt nhất. Nói một cách đơn giản, nếu đời sống ngày nào cũng như ngày tết thì còn gì bằng.

Thứ ba, áp dụng các mệnh lệnh hành chính như thường xuyên làm trong thời gian qua. Với chính sách này sẽ tạo ra sự méo mó của thị trường và tạo bất công như phân tích ở phần sau.

Ai được, ai mất?

Trên thực tế, việc kiềm chế giá cả những sản phẩm thiết yếu thì đa số là lương thực thực phẩm cộng với điện nước và xăng dầu.

Đối với điện và xăng dầu, các chi phí đã rõ ràng. Việc Nhà nước có thể làm là lựa chọn thời điểm cho phép thay đổi giá mà thôi chứ không thể kiềm chế được chúng. Do vậy, gánh nặng vẫn thuộc hầu hết mọi người.

Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, hầu hết đều liên quan đến các mặt hàng nông sản như lúa gạo, cây có dầu, rau quả cũng như các sản phẩm chăn nuôi. Những người làm ra các sản phẩm này chính là từ khu vực nông nghiệp nông thôn hay nói cách khác là nông dân.

Do vậy, đối tượng chịu thiệt hại với chính sách kiềm chế theo kiểu không cho giá tăng bằng các mệnh lệnh hành chính trong thời gian qua chính là những người chịu nhiều thua thiệt trong quá trình chuyển đổi.

Ở một số chính sách khác lại nói là cần bảo vệ hay hỗ trợ đối tượng này mà trên thực tế tính thực chất của các chính sách này (như nông thôn mới chẳng hạn) là không cao, trong khi tác động trực tiếp của chính sách kiềm chế giá cả là rất nhãn tiền.

Đối tượng được hưởng lợi nếu chính sách kiềm chế giá cả thành công chính là những người làm công ăn lương mà trên thực tế là những người được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả của tăng trưởng và phát triển. Hơn thế, những khâu mua bán trung gian có thể lợi dụng các mệnh lệnh hành chính của Nhà nước để ép những người bán các sản phẩm hay nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là nông dân).

Thêm nữa, nền kinh tế bị méo mó bởi các mệnh lệnh hành chính. Như vậy, mục tiêu xây dựng nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường sẽ còn rất xa và con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam vẫn còn rất mù mờ. Giờ đây, có lẽ là lúc Chính phủ cần rà soát lại các chính sách để loại bỏ những chính sách hay những mệnh lệnh đến hẹn lại lên mà thực chất chúng không có lợi cho tiến trình phát triển.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận