Nhân cách một tờ báo

NGUYỄN QUANG THÂN 21/06/2010 03:06 GMT+7

TTCT - Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng VN, TTCT trân trọng giới thiệu ý kiến của hai tác giả cũng là độc giả thân thiết của tờ báo về sứ mệnh của báo chí nói chung và những nhiệm vụ nặng nề mà Tuổi Trẻ được tin giao.


Kỷ niệm chín năm thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1975 - 2-9-1984), ngày hội bạn đọc được tổ chức tại Củ Chi, TP.HCM - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ


Viết báo là một nghề, không chỉ để kiếm sống mà còn có nhu cầu thể hiện nhân cách (hiểu theo cách nào đó là tư cách làm người) của nhà báo. Làm người ở thời nào cũng khó, nhà báo càng khó hơn vì ai cũng biết nhà báo có những mối ràng buộc, những dây trói của nghề nghiệp. Một tờ báo muốn giữ được nhân cách lại càng khó hơn nữa.

Thuở hồng hoang của nghề báo nước ta, nhà báo (và nhà văn nữa) “lạc loài dăm bảy đứa/ bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” (Vũ Hoàng Chương), thật ra là tự trào, tự giễu quá chút chứ dân ta vốn trọng văn, người ta chỉ ruồng bỏ và khinh ghét những kẻ cầm bút bỏ rơi dân và thân phận mất nước, dùng văn chương “lập thân tối hạ” kiếm danh lợi. Còn nhà báo thì có nhiều yếu tố để “thông cảm”, trên đe dưới búa, trên họ là các ông chủ báo, ông chủ muốn tồn tại thì phải “nể” chính quyền thực dân, phong kiến là những thứ dân chúng căm ghét.

Cuốn Bốn mươi năm nói láo của nhà văn, nhà báo Vũ Bằng là bản cáo trạng nỗi khổ, nỗi đau để thích nghi, tồn tại không dễ bộc bạch của nghề báo nước ta thời đó. Trong cuộc hành nghề đặc biệt ấy, không ít những tờ báo lá cải chuyên giật gân thiên hạ bằng tin án mạng, xe cán chó. Nhưng cũng có những tờ báo giữ được nhân cách, tuy không trọn vẹn tiết sạch giá trong nhưng cũng giúp khai hóa dân trí, được dân chúng ngưỡng mộ, thương yêu.

Dân nghèo yêu những tờ như Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo của các nhà cách mạng hoạt động bí mật nhưng ra báo công khai thời Mặt trận bình dân. Lớp trí thức tìm thấy chỗ dựa tinh thần qua những tờ báo nay sống mai chết, có tôn chỉ coi trọng văn hóa dân tộc để cổ vũ lòng yêu nước thương nòi.

 Vượt qua nhiều hiểm nguy, báo chí đã có công lớn trong xã hội hiện nay. Nhiều tờ báo đã bỏ lối dễ, tìm đường khó, tự “mua rét về mà run” khi luôn tâm niệm gìn giữ nhân cách của mình. Họ từ chối những phương sách chiêu dụ độc giả (cũng là để kiếm tiền do số phát hành lớn) một cách tầm thường, vô bổ, thậm chí độc hại như khoét sâu và nhâm nhi tội ác, tình dục, mơn trớn mị dân, nuông chiều thị hiếu của độc giả, ngó lơ những nỗi lớn sống còn, buông tay trước chức năng thiêng liêng và lòng mong đợi của xã hội và đất nước, tự biến mình thành những tấm lá cải.

Ngày nay, báo chí muốn tồn tại cũng không phải dễ dàng. Âu cũng là cái nghiệp của những người muốn phản ánh lòng dân ý dân, cổ vũ cho cái đúng, cái thiện, giúp chính quyền lèo lái xã hội đúng đắn. Báo chí như là một kênh thông tin quan trọng để công luận cùng suy nghĩ và giúp chính quyền điều chỉnh chính sách những mặt khuất của xã hội. Nhưng cũng như bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả luật pháp, giữa nguyên tắc, lý thuyết và thực tiễn luôn có những kẽ hở, chỗ trống, chỗ khuất.

Nói nhưng không làm, hứa nhưng không thực hiện, nói một đằng làm một nẻo, thói giả dối, báo cáo láo, kể cả những con số thống kê. Cứ giả thiết rằng những việc này xuất phát từ động cơ tốt hoặc vô tình đi nữa vẫn là hậu quả của việc thiếu học, dốt nát, mờ mắt do lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Báo chí vẫn phải làm đúng đắn chức năng của mình là chống lại tất cả những gì kìm hãm sự tiến bộ của xã hội, nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh.

Làm việc đó không dễ dàng. Những nhà báo, đặc biệt là các tổng biên tập, của những tờ báo có nhân cách luôn đi trên sợi dây căng trên vực thẳm khi tự trả lời câu hỏi: “Báo mình có thể làm gì để đóng góp cho một xã hội lành mạnh và phát triển không ngừng?”.

Xã hội ta có thể đã khác đi nếu không có báo chí. Tuy không phải đã chấm dứt được cái xấu, cái ác trọn vẹn, nhưng sẽ ra sao nếu đà ăn chơi sa đọa kiểu Đường Sơn Quán năm nào hay cái mầm mống xã hội đen Năm Cam, tệ tham nhũng mang tên PMU18... đã không được các bậc lão thành cách mạng, các tờ báo có lương tâm phanh phui, kêu gọi sự cảnh giác của nhân dân và giúp đỡ chính quyền ngăn chặn?

Không ít tờ báo của ta đã làm được những việc đó tuy có thăng trầm, ngọt bùi hoặc không bình thường suôn sẻ. Chân lý không phải bao giờ cũng lộ ra ngay trong bóng tối như khi ta bật một que diêm. Chân lý thường được khẳng định qua một quá trình và không ít người phải trả giá cho nó. Nhưng khi người ta nhận ra rằng nhân cách của tờ báo và nhà báo luôn được đặt lên trên mọi toan tính tầm thường thì đó chính là linh hồn của báo chí cách mạng.

Nhân ngày của nhà báo, nếu cho tôi được có một ý kiến về Tuổi Trẻ, tôi sẽ bỏ qua, vượt qua mọi tiểu tiết để nói một điều: vốn sinh ra có thân phận nhỏ bé, là cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS TP.HCM, Tuổi Trẻ đã trở thành một tờ báo lớn có thể sánh vai với những tờ báo lớn nhất nước và có một thương hiệu trong làng báo hiện đại của thế giới. 

Cái gì đã làm nên tên tuổi, dáng vóc và uy tín ấy nếu không phải là tờ báo của thế hệ trẻ, dù qua nhiều bước thăng trầm đã giữ được cái hồn của mình, điều tưởng là đương nhiên, đơn giản nhưng không dễ. Của tin còn một chút này, xin bảo trọng!   

Báo giấy hay báo mạng?

Có bao giờ bạn thấy lạ lẫm khi cầm một tờ báo trong tay, dường như là mất thói quen lần giở những tờ giấy chứa đựng nhiều thông tin hằng ngày mà cách đây chục năm còn rất thân thuộc? Nhiều bạn bè tôi cũng thấy vậy. Đơn giản là thế hệ chúng tôi đã “rèn” được thói quen đọc báo mạng. Online, online và online - xu hướng thời đại! Tôi đã cho rằng có thể sống, làm việc, kết bạn, mua sắm, tâm sự, đọc sách, đọc báo, thậm chí đến cả yêu cũng online! Tờ báo giấy dần trở nên vô dụng.

Rồi một hôm cách đây mấy tháng, tình cờ tôi ngồi đợi bạn ở hàng nước, mới mượn cuốn Tuổi Trẻ Cuối Tuần của người ngồi cạnh. Tờ báo giấy khiến những ngón tay thấy ngường ngượng. Mới thốt buồn cười vì mình đã và vẫn đang cộng tác với TTCT, mà cũng lại cộng tác online, chỉ đọc bài của mình trên mạng.

Điều lạ là những trang thông tin sờ thấy được cho tôi một cảm giác không cũ kỹ và sự cảm nhận về thế giới trong khuôn khổ tờ báo bỗng trở nên mới mẻ, khẩn trương hơn. Không có màn hình chạy xuống chạy lên, thông tin chuội đi theo tay kéo chuột, những con chữ ở lại đầy ắp, với cách trình bày - hình ảnh, màu sắc, lời dẫn, cỡ chữ to nhỏ, nhấn nhá tạo những ấn tượng thị giác - tâm lý độc đáo... Thì ra đối với người làm báo và người đọc báo, tất cả những chi tiết ấy cho đến bây giờ vẫn quan trọng.

Từ đó tôi dừng đọc TTCT online, chỉ đọc báo giấy. Đặc biệt chú ý đến mục “Câu chuyện cuộc sống” nằm trong “Cuộc sống muôn màu”. Ở đó, tôi phải hít thở bầu không khí đậm đặc, có khi đến ngột ngạt của cuộc sống hôm nay. Cũng ở đó lại có những câu chuyện rất cá nhân, rất riêng tư mà không chỉ dừng lại ở sự chia sẻ, chúng cho ta những cái nhìn rộng và sâu hơn về xã hội VN với những vấn đề thời sự, đương đại, rất “nóng” - vui và buồn.

Vì sao một người mẹ không chấp nhận được kiểu tồn tại của con mình trên đời một cách khác biệt? Vì sao những đứa trẻ muốn được nổi tiếng bằng mọi giá? Vì sao con tôi lại là học sinh cá biệt?... Vì sao và vì sao! Báo chí ở khía cạnh nào đó đem đến những dấu hỏi tròn méo như vậy cho người đọc lại cần thiết hơn việc lý giải tận cùng vấn đề.

Tôi không so sánh báo giấy và báo mạng. Mỗi hình thái báo chí ấy đều có những giá trị riêng. Nhưng đôi lúc bắt gặp mình ngán ngẩm khi nhìn những cái tít được giật tưng bừng trên màn hình, mong đợi những cú nhấp chuột của người lướt web. 

Lắm khi những cái tít không khớp với nội dung khiến mình chưng hửng. Rồi mỉm cười: mánh khóe của nhà báo! Trộm nghĩ báo chí cần công nghệ và kỹ xảo, nhưng chớ đánh đồng với những chiêu thức đánh lừa người đọc, câu kéo lượng người truy cập.

Báo ta hay báo tây?

Suy cho cùng, dù có chọn báo mạng hay báo giấy người đọc vẫn chỉ mong những bài báo nếu chưa có những bình luận sắc sảo thì cũng cho thông tin xác thực, đa chiều. Tôi biết nhiều người quanh tôi vẫn có thói quen... tin sái cổ tất cả những số liệu nhà báo đưa ra, nhưng không phải bao giờ những tư liệu ấy cũng có nguồn chính xác.

Lại nữa, tại sao cùng một vấn đề mà những người bạn tôi giỏi ngoại ngữ lại lựa chọn đọc báo nước ngoài? Phóng viên báo chí của ta dịch tin kém, phân tích sự kiện chưa tới hay sao? Chả phải.

Đôi khi chỉ là chưa đầy đủ, tường thuật lời “nói đi” mà bỏ qua lời “nói lại”. Thành ra phải tham khảo nhiều nguồn để nghe được cả “nói lại” lẫn “nói đi”. Trộm nghĩ muốn khen mà đặt lời khen bên cạnh sự chê bai của người đời, lời khen càng giá trị chứ sao! Và ngược lại. Quan trọng chỉ là lập luận. Và báo chí nếu không giữ được thái độ trung dung khi đưa tin, quyết không nên định hướng bạn đọc bằng cách khen tuyền khen, chê độc chê như thế!

Tin nóng hay tin nguội?

Tin tức sốt dẻo ai chả thích, nhưng lắm khi cứ có một sự việc xảy ra là người đọc báo phải ung đầu nhức óc vì các báo thi nhau khai thác, bài viết tung ra như bươm bướm, nhân vật được mô tả tỉ mỉ đến “từng centimet”, với đầy đủ những biện pháp tu từ, trong đó có ngoa ngôn và ẩn dụ... 

Những lúc ấy cầm báo giấy hay mở mạng ra đều có cảm giác thế giới này ồn ào và bé nhỏ quá, cuộc sống như dừng lại và xáo trộn lộn tùng phèo cùng xìcăngđan của một cá nhân, để rồi người đọc bỗng mong đến cháy lòng được đọc những tin tức nguồi nguội cũng được, nhàn nhạt cũng được, nhưng bình tĩnh, trong nhịp sống lúc nào cũng hối hả bây giờ.

... Chà, sống trên đời có thật lắm sự lựa chọn. Đến cả đọc báo cũng cần lựa chọn...

__________

Hậu trường nghề báo cũng hấp dẫn không kém những gì độc giả được đọc thấy trên các sản phẩm. Làm phóng viên ngoại giao còn có nỗi đam mê riêng là được gặp các nguyên thủ quốc gia, các nhân vật quan trọng (VIP). Song mỗi người khác nhau ở chỗ: “Gặp các ông ấy để làm gì?”. Dưới đây là câu trả lời từ hai nhà báo Mỹ.

Ảnh: amazon.com

Nói cho ngay, các nhà báo Mỹ hoạt động sướng hơn cả. Đi đâu cũng dễ hơn người khác. Thậm chí đi đến chỗ hiểm nghèo như hai nữ phóng viên Mỹ gốc châu Á năm ngoái bị nhốt ở Bình Nhưỡng sau đó được cựu tổng thống Clinton sang đón về!

Vấn đề đặt ra là: đi, gặp... để làm gì? Quyển “tự thuật” Confessions of an American media man (Lời tự thú của một nhà báo Mỹ) của Tom Plate (nguyên nhà báo Los Angeles Times) và quyển “tường trình” Meltdown (Nung chảy) của Mike Chinoy (nguyên nhà báo CNN) là hai câu trả lời khác nhau. Tom Plate nay là một nhà báo “bậc sư” giảng dạy Đại học UCLA (California) nổi tiếng sau một đời làm phóng viên ngoại giao, phỏng vấn độc quyền các “siêu sao” Bill Clinton, Tony Blair, Lý Quang Diệu, Koizumi, Kim Young Sam...

Còn Mike Chinoy là “chuyên gia” về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ra vào Bình Nhưỡng như “đi chợ”. Đó là những “vận hội” mà không phải nhà báo nào cũng có được.

Quyển sách của Tom Plate còn có một tựa đề phụ là What they don’t tell you at journalism school (Những điều mà trong các trường báo chí người ta không nói với các bạn), trong đó ông chỉ giáo (cho hậu sinh) những mánh khóe để gặp được các nguyên thủ quốc gia: “Bạn sẽ rất khó có được một buổi phỏng vấn thành công nếu bạn không thể giành được buổi phỏng vấn đó... Có vài lần tôi yêu cầu Nhà Trắng sắp xếp một cuộc phỏng vấn tổng thống Clinton. Và hai lần đã suýt thành công. Cuối cùng tôi lại bị gạch ra khỏi danh sách vào phút cuối vì một vài lý do nào đó... Tôi không bỏ cuộc và cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2000 tại Davos (Thụy Sĩ) là lần tham dự thứ hai của tôi. Tôi có ý định tham dự ngay từ đầu, nhưng sự có mặt của Bill Clinton mới chính là nguyên nhân khiến lòng nhiệt tình của tôi tăng lên gấp bội...”. Và Tom Plate đã dùng nhiều chữ nghĩa thuật lại làm thế nào để có thể gặp được ông Clinton: nhờ một nữ phóng viên xinh đẹp đến từ Hong Kong mới quen biết làm mỹ nhân kế! Kết quả ngoài ý muốn: “Điều cốt yếu là tôi đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với tổng thống Hoa Kỳ”.

Những kinh nghiệm kiểu đó cần thiết cho bất cứ ai muốn “đi tắt đón đầu” trong nghề báo, song nếu quá sa đà vào các kinh nghiệm hấp dẫn đó mà quên những kinh nghiệm khác, thậm chí được đóng khung thành công thức, thì dễ... sa lầy. Thật vậy, trong tác phẩm của Tom Plate không thiếu những “quy tắc vàng” như “Một trong những vi phạm về mặt đạo đức tồi tệ nhất là tôi vị chủng, tức coi dân tộc mình là cao hơn cả” hay “Giây phút tuyệt vọng nhất không phải là lúc tôi làm hỏng một bài báo mà là khi sự liêm chính bị nghi ngờ”. Thế nhưng, các quy tắc đạo đức nghe thì thật thuyết phục, song trong cuộc sống lại dễ được quên, trong khi những mánh lới thì dễ nhập tâm.

Còn Mike Chinoy, trong quyển Meltdown, quên “cái tôi 14 lần sang Bình Nhưỡng” đi, tập trung tường thuật những diễn biến về phía Kim Jong Il, từ sắp sửa hòa giải, dưới thời Clinton, đến chỗ đối đầu dưới trào Bush. Một cơ hội đánh mất dẫn đến tình thế khó xử hiện nay mà Mike Chinoy tóm tắt là: “Barack Obama cùng êkip của ông ta chẳng thể tài thánh gì hơn những người tiền nhiệm của mình trong việc o ép CHDCND Triều Tiên theo ý muốn của mình...”.

Trên 200 cuộc phỏng vấn các vị tai to mặt lớn trong 20 năm trời mà Mike Chinoy thực hiện đủ để chứng minh điều đó. Đối với Mike Chinoy, đi đây đi đó, gặp các VIP là một chìa khóa để mở cánh cổng “giam hãm” các nhà báo: “Điều làm báo giới cay đắng nhất, những người bị xích chặt vào tựa tin nóng cùng hạn chót nộp bài, là nỗi khó khăn đến được phía bên kia các tựa tin”.

Gặp VIP để làm gì? Cũng như đi học làm báo, và làm báo để làm gì? Chỉ là một câu hỏi duy nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận