Nhận diện hội chứng "tự hành hạ bản thân"

TTCT - Hành động tự làm tổn thương mình như bấm lỗ mũi, tai, cắt rạch cơ thể cho máu chảy, đốt tóc, đập đầu vào kính... được các em tuổi vị thành niên (tuổi teen) lý giải là để giải tỏa cô đơn, thất vọng, đau khổ. Một số khác chỉ là hành động thể hiện bản thân, bắt chước theo “lối sống emo”.

Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn

LTS: Cởi mở tâm sự cùng cha mẹ, thầy cô, bạn bè; sống đời sống tinh thần thoải mái, tích cực và có kỹ năng làm chủ cuộc sống để vượt qua những khoảnh khắc khó khăn. Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý trên TTCT kỳ này sẽ khép lại loạt bài “Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn” (số ra từ ngày 20-2-2011).

Phóng to
Ảnh: look.yeah1.com

Nhưng chúng ta cần nhận diện những hành động trên là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng “tự hành hạ bản thân” ở tuổi teen.

Teen rất cần quan tâm, chia sẻ

Ở tuổi teen, tâm lý các em có nhiều biến động, chưa ổn định. Teen thường nghĩ cha mẹ không hiểu mình. Teen có nhiều cảm xúc, có khi tưởng tượng ra những u uất, đau khổ và giữ kín trong lòng không thể chia sẻ cùng cha mẹ được. Nhưng ngược lại rất cần sự quan tâm chia sẻ của gia đình, bạn bè, người thân.

Có thể kể ra đây những nguyên nhân khiến trẻ tuổi teen có hội chứng “tự hành hạ bản thân”: thứ nhất, trẻ có lối sống khép kín, không thể hiện được mình, bị mọi người - đặc biệt là người thân - thờ ơ, trẻ làm những hành động đó để cha mẹ, mọi người quan tâm. Thứ hai, do bị bạn bè khích, muốn thể hiện bản thân, do bắt chước, do bị sốc tâm lý, thất vọng, do hiểu không đúng về “emo”...

Thứ ba, trẻ được tiếp xúc nhiều thông tin nhưng chưa biết chọn lọc, suy nghĩ còn nông cạn, tiêu cực. Thứ tư, do trẻ thiếu kỹ năng sống, không giao tiếp tốt, không biết cách kiềm chế cảm xúc. Thứ năm, trong lúc cảm xúc mãnh liệt, tuyệt vọng, đau khổ, khủng hoảng, mất phương hướng, cô đơn tột độ, hành hạ bản thân trở thành giải pháp giải tỏa tâm lý của trẻ. Khi trẻ không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, trẻ có thể tự sát.

Theo các chuyên gia tâm lý Vander Kolk và Herman (Bệnh viện Edward, Chicago, Mỹ - nơi chuyên điều trị nội trú hội chứng tự cắt da thịt), hành vi trên phát triển như một căn bệnh gây nghiện. Khi phải chịu đau đớn về thể chất, cơ thể sẽ tiết ra một loại chất làm giảm cơn đau và giúp người ta quên đi những chán chường, thất vọng. Khi đã làm điều đó một lần, nạn nhân luôn ham muốn thực hiện nó mỗi khi gặp phải sự thất vọng, chán chường mà không biết cách khác để xoa dịu hay vượt qua.

Gia đình là giải pháp tốt nhất

Nếu trẻ hiểu đúng “lối sống emo”, thích các trang phục và làm nổi mình bằng trang phục emo, sống thật với cảm xúc của mình thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu trẻ coi việc tự hành xác mình là giải pháp thì đó là hiện tượng của hội chứng “tự hành hạ bản thân”, không phải là “emo”.

Việc hành hạ bản thân chỉ giải quyết cảm xúc nhất thời, chứ không giải quyết tận gốc vấn đề, nguy hiểm hơn những hành động hành hạ bản thân có thể được xem là một căn bệnh nguy hiểm vì chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, đang làm gì và không biết thoát ra bằng cách nào.

Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình chính là giải pháp tốt nhất cho teen. Cha mẹ dù bận rộn thế nào cũng phải dành thời gian nhất định trong ngày để tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện cởi mở với teen. Sự tôn trọng, hiểu tâm lý, chia sẻ, động viên, khuyến khích, nâng đỡ trẻ sẽ giúp trẻ có cuộc sống bình an. Cha mẹ phải là tấm gương, người bạn của trẻ.

Nhưng ngược lại, khi cô độc trẻ tuổi teen cũng cần chia sẻ những khó khăn, nỗi cô đơn mà teen đang gặp với bạn bè, thầy cô, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ hoặc ai mà trẻ tin cậy để được giúp đỡ. Teen cũng có thể viết nhật ký... Trẻ tuổi teen cần tham gia hoạt động cộng đồng, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao...

Ngoài ra, trẻ tuổi teen cần trang bị giá trị sống, kỹ năng sống. Đây là mảng thiếu của đa số trẻ hiện nay, như:

- Kỹ năng bộc lộ, kiềm chế cảm xúc: trẻ tuổi teen có nhiều cảm xúc, nhất là các teen nhạy cảm. Vì vậy, teen cần được học cách bộc lộ, kiềm chế cảm xúc, cao hơn nữa là kỹ năng quản lý cảm xúc.

- Kỹ năng tư duy tích cực: qua đó trẻ biết suy nghĩ tích cực trong những tình huống khó khăn, nghịch cảnh.

- Kỹ năng xác định giá trị bản thân: khi biết mình là ai, mình có những ưu - nhược điểm gì, cách nào phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm thì trẻ không chạy theo những giá trị ảo bên ngoài.

Các chuyên gia tâm lý đều nhất trí cho rằng chỉ bệnh nhân mới có thể tự cứu mình bằng cách cởi mở tâm sự với bố mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Trẻ luôn mong muốn được cha mẹ quan tâm, trò chuyện, vậy thay vì chỉ chờ điều này từ cha mẹ thì chính trẻ sẽ chủ động bày tỏ với cha mẹ.

Chứng hành hạ bản thân chỉ là giải pháp đánh lừa các em bằng nỗi đau thể xác mà thôi, nhưng hậu quả thì không lường hết được. Các em có nghĩ sau này với cánh tay, thân thể đầy sẹo sẽ luôn gợi cho các em nhớ về quá khứ không làm sao xóa được. Hãy để thân thể mình lành lặn nhé các em!

__________

Kết quả nghiên cứu “Nhu cầu tham vấn của học sinh một số trường trung học trên địa bàn Hà Nội” của TS Nguyễn Thị Mùi và các cộng sự khoa tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi phỏng vấn sâu gần 400 học sinh, cho thấy: 27,75% thiếu niên đang gặp những khó khăn trong quan hệ với người khác (cha mẹ, gia đình, bạn bè, thầy cô giáo...) và 20% bối rối trong việc ý thức về các vấn đề của bản thân (sự đánh giá của người khác về mình, sự tự phát triển của bản thân, học tập, tu dưỡng đạo đức, ước mơ, lý tưởng và nghề nghiệp tương lai)...

Phóng to
Ảnh: Google.com

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân gây khó khăn cho tâm lý học sinh xuất phát từ chính quan hệ với cha mẹ! Có tới 85% học sinh chịu sức ép từ phía gia đình và khó khăn từ bản thân, trong khi những nguyên nhân xuất phát từ phía nhà trường chiếm tỉ lệ thấp: 14,9%.

TS Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh: “Có tới 54,7% học sinh cho rằng cha mẹ không hiểu con cái và có 17,6% các em mất niềm tin vào cha mẹ! Đây là lứa tuổi diễn ra những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Các em chưa hẳn là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, trong khi nhiều bậc phụ huynh chưa nhận rõ điều này để có những ứng xử phù hợp với con cái nên dẫn đến sự không hiểu nói trên”.

Trước những khó khăn về tâm lý, có tới 44% học sinh âm thầm chịu đựng, 14,2% lựa chọn hình thức phó mặc và 16,6% tự tìm cách giải quyết, trong khi đó chỉ có hơn 20% số trẻ tâm sự với người khác...

Kết quả của sự âm thầm chịu đựng

“Thật bất ngờ và đáng thương cho trẻ khi kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 44% các em thường âm thầm chịu đựng khi gặp phải những khó khăn tâm lý” - TS Mùi bày tỏ. Theo lý giải của các chuyên gia tâm lý, trước mọi khó khăn, trẻ luôn phải âm thầm chịu đựng một mình là báo hiệu nguy cơ tích tụ những khó khăn tâm lý. Những ấm ức bị dồn nén quá mức, những khó khăn tồn tại quá lâu sẽ dẫn đến sự bột phát về hành vi và gây ra những hậu quả khôn lường như tự tử, phạm pháp, nói dối...

Đối với lứa tuổi đang diễn ra những thay đổi về tâm sinh lý nhanh chóng như thiếu cân bằng, chưa ổn định và dễ xúc động thì âm thầm chịu đựng và phó mặc là dấu hiệu không bình thường, báo hiệu sự hủy hoại hoặc phá phách ngầm bên trong. Những ảnh hưởng do khó khăn tâm lý gây ra mang tính tiêu cực, để lại tâm trạng lo lắng, tủi thân, uất ức, thậm chí có ý định tự tử.

Ngoài những hậu quả tâm lý từ việc con trẻ cảm thấy cô đơn, nếu tình trạng này kéo dài, khi lớn lên sẽ dễ dẫn đến stress, ảnh hưởng tim mạch, kém tập trung..., nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi trẻ nổi loạn, khẳng định mình một cách dại dột, làm hỏng cả một đời.

Khoảng cách tâm lý mới đáng ngại

Những khó khăn hiện nay của các bậc làm cha mẹ, chúng ta đều thấy cả: vừa phải lo kinh tế, vừa phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong cuộc sống. Làm thế nào để cân bằng những nhiệm vụ trên? Vấn đề ở chỗ khoảng cách giữa cha mẹ và con trẻ hiện nay ngày càng lớn, với những đòi hỏi về tâm lý của cả hai phía.

Với thời gian hiếm hoi của mình, nhiều bậc cha mẹ có cố gắng xích lại gần con nhưng cứ loay hoay với những tra hỏi về kết quả học tập hoặc kiểm soát quan hệ bạn bè... Cách ấy chỉ làm tăng thêm khoảng cách, hai bên hỏi - đáp nhau như bổn phận phải trả bài! Không ít cha mẹ vẫn quen kiểu xét nét, phê phán mà chưa thử đóng vai trò người bạn của con, vì là bạn mới có đồng cảm, dễ chia sẻ, dễ chấp nhận mọi việc hơn, thay cho những cú điện thoại điều tra con đang làm gì, ở đâu...

Một nhà tâm lý giáo dục đã nói khoảng cách không gian không sâu, không đáng ngại như khoảng cách tâm lý, khoảng cách thế hệ... Nếu cha mẹ chịu làm bạn với con, biết lắng nghe những khó khăn của con, gợi ý những câu chuyện thường ngày, nhất là thật lòng nghe và chấp nhận những sai lầm một cách bao dung, hiểu biết... để hướng dẫn con trẻ thoát ra những âu lo, thì dù có ít thời gian chúng ta vẫn gần được với con cái và giữ được niềm tin tưởng ở chúng.

Khi các con biết ý kiến của mình được tôn trọng, chia sẻ thì chúng không còn phải âm thầm chịu đựng, không cam chịu cô đơn nữa.

Bày tỏ sự yêu thương, gần gũi con chính là chúng ta dạy trẻ cách yêu thương, chăm sóc. Xóa đi sự cô đơn của trẻ cũng là chúng ta xóa đi nỗi cô đơn của người lớn trong cuộc sống tất bật những vai trò!

__________

Ở tuổi dậy thì lòng tự ái và cái tôi chiếm vị trí quan trọng. Các em muốn được mọi người quan tâm, muốn được khẳng định. Nếu không được thỏa mãn, các em thường xuất hiện những phản ứng mạnh với người khác hoặc với chính bản thân như tự làm đau mình.

Các em sống trong gia đình không được ba mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ, nhất là trong những gia đình có biến cố, phải sống trong bầu không khí tâm lý căng thẳng... sẽ có xu hướng hình thành những hành vi tự gây tổn thương bản thân để phản kháng, chống cự.

Một số trẻ do ba mẹ nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy dẫn đến hình thành tính nhu nhược, hội chứng “bám người lớn” để được thỏa mãn. Vì vậy, nếu người lớn chưa đáp ứng kịp thời cũng nảy sinh hành vi tự làm tổn thương bản thân để gây sự chú ý của mọi người.

Hiện nay, một số trẻ do truy cập vào các trang web, tìm thấy những hành động tương tự nên bắt chước làm theo, gây nên chấn thương tâm lý tương tự và cũng có thể khiến trẻ suy nghĩ hành vi như vậy là bình thường.

Hành vi tự gây tổn thương để chống đối ở trẻ vị thành niên chủ yếu xuất phát do nguyên nhân về mặt tâm lý. Ở lứa tuổi này (12-15 tuổi) các em đang phát triển mạnh mẽ về thể chất cũng như tâm lý. Tuy nhiên, do sự “khủng hoảng” ở lứa tuổi dậy thì nên về mặt xã hội các em còn non kém, khả năng điều chỉnh, kiềm chế cảm xúc hạn chế.

Trước hết, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên tiếp xúc với các em hơn nữa, trao đổi chân thành như những người bạn, tế nhị chỉ dẫn cho trẻ những biểu hiện mới lạ của cơ thể để các em khỏi bỡ ngỡ, quen dần và tự hào vì mình sắp trưởng thành.

Người lớn cần thay đổi cách đối xử với trẻ, lấy những ví dụ điển hình để giáo dục trẻ nhận rõ về hội chứng tự gây tổn thương, nên cho các em hiểu rõ hơn vấn đề này, tốt hơn là phòng trước khi chống. Chúng ta không nên “úm” hay “thả” một cách tự nhiên mà phải làm điểm tựa hỗ trợ các em khi gặp khó khăn. Ngoài ra, người lớn nên định hướng đời sống mạng cho trẻ, tránh để trẻ tập nhiễm dễ dẫn đến hành vi “tự hành xác”.

Hãy tạo điều kiện để phát huy tính tự lập, làm chủ của trẻ bằng cách giao cho các em những nhiệm vụ vừa sức, khuyến khích các em tự quyết định những việc làm phù hợp với lứa tuổi như lựa chọn tài liệu tham khảo, mua sắm áo quần hay đồ dùng cá nhân. Tạo điều kiện để trẻ tham gia bàn bạc những việc lớn trong gia đình nhằm khẳng định mình. Những nội dung nào cấm trẻ thì phải giải thích rõ ràng, cụ thể, thuyết phục các em phải biết chấp nhận, không phải đòi hỏi nào cũng có thể đáp ứng một cách thỏa mãn, ví dụ như dạy trẻ cách tiêu tiền hợp lý.

Đối với những hành vi sai trái của trẻ, người lớn phải nhẹ nhàng nhắc nhở, khéo léo tâm sự riêng để các em vừa thấy được tôn trọng, vừa nhận ra lỗi của bản thân. Ba mẹ không nên nhắc đi nhắc lại nhiều lần hành vi sai trái trẻ mắc phải trước đó. Nhất là tránh phê phán trẻ trước đám đông, các em sẽ cảm thấy bị tổn thương và xấu hổ vì bị xúc phạm, sẽ càng có nhiều hành vi sai lệch để chống đối không thể kiểm soát được.

Chỉ có một đời sống tinh thần thoải mái, một tư duy mới, một trạng thái xúc cảm, tích cực và có những kỹ năng làm chủ cuộc sống thì trẻ sẽ vượt qua được những hành vi tiêu cực.

__________

Tin bài liên quan:

Chúng tôi không biết cách tự cứu mình
Vì sao tôi tìm đến thế giới ấy?
Tôi đã từng “sống emo”
Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn
Cô đơn không phải là tất cả!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận