Những "bản dupe" trong du lịch

NGỌC ĐÔNG 15/06/2024 06:54 GMT+7

TTCT - Không có tiền đi nơi này thì ta tìm nơi khác cũng giống giống thế nhưng rẻ hơn, có sao đâu?

Kuala Lumpur (trái) được cho là "bản dupe" tốt nhất cho Singapore. Ảnh: Unsplash

Kuala Lumpur (trái) được cho là "bản dupe" tốt nhất cho Singapore. Ảnh: Unsplash

Đây không phải là suy nghĩ tự an ủi của vài cá nhân đơn lẻ, mà đã là một xu hướng du lịch được đánh giá là "nóng" nhất năm nay.

Cuối năm 2023, Ruchi Prasad ở thành phố Mysuru (Ấn Độ) và ba người bạn của mình nổi hứng đi du lịch cùng nhau để kỷ niệm tốt nghiệp. Cả nhóm đặt ra hai tiêu chí: ở nước ngoài và phải có biển và Maldives là quá sức lý tưởng. Tuy nhiên, lựa chọn này lại quá đắt đỏ. Một đại lý du lịch gợi ý cho họ đi Philippines, cụ thể là đảo Palawan.

Cả ba nghi ngại nhưng vẫn thử. Và họ không bao giờ phải hối hận. Palawan có nhiều cảnh quan của vùng đảo nhiệt đới, nước biển xanh như ngọc và những dãy bungalow trên biển đẹp như Maldives nhưng giá cả rất phải chăng, lại không đông đúc.

Hai điểm đến, một trải nghiệm

"Ruchi Prasad và những người bạn của cô đã không nhận ra nhưng họ là một phần của xu hướng dupe destination đang lan rộng trong ngành du lịch" - tác giả Anita Rao Kashi viết trên tạp chí Nikkei Asia hồi đầu tháng 3.

Khái niệm bản dupe (hay đúp) vốn phổ biến trong ngành làm đẹp, dùng để chỉ sản phẩm sẽ mang lại cho người dùng trải nghiệm tương tự với một sản phẩm gốc xa xỉ nhưng với mức giá dễ chịu hơn. Ví dụ, một chai nước hoa hàng dupe sẽ có mùi hương tương tự một chai nước hoa hàng hiệu đắt tiền nhưng giá có khi chỉ bằng một nửa.

Đem khái niệm ấy để áp vào du lịch, những "điểm đến bản dupe" cũng mang lại cho du khách trải nghiệm tương tự như "bản gốc" nhưng người ta chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí thấp hơn.

Theo danh sách "bản dupe" của nhiều địa điểm nổi tiếng trên thế giới do Tập đoàn du lịch Expedia có trụ sở tại Mỹ công bố cuối năm ngoái, Đài Bắc được xem là bản dupe của Seoul.

"Seoul đã biến mình thành trung tâm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ cùng nền văn hóa tôn vinh ẩm thực và đời sống đêm nhộn nhịp. Đài Bắc cũng đã (lặng lẽ) làm điều tương tự, với lượng tìm kiếm chuyến bay tăng vọt đến 2.786% so với năm ngoái sau khi các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt được dỡ bỏ", Expedia giải thích.

Trong cùng một quốc gia, có thể điểm ra vài cặp điểm đến quen thuộc/thay thế hoàn hảo. Ở Thái Lan thay vì tới Bangkok, du khách có thể chọn Pattaya; đến Indonesia có thể tránh Bali quen thuộc để khám phá Lombok, một hòn đảo ít nổi tiếng hơn nhưng có nhiều bãi biển còn hoang sơ, cùng với nền văn hóa Sasak phong phú và các hoạt động khác lạ như trek lên đỉnh núi lửa Rinjani.

Lombok, một hòn đảo ít nổi tiếng ở Indonesia, được đánh giá là "bản dupe" hoàn hảo cho Bali lừng danh. Ảnh: Instagram/Christian Als

Lombok, một hòn đảo ít nổi tiếng ở Indonesia, được đánh giá là "bản dupe" hoàn hảo cho Bali lừng danh. Ảnh: Instagram/Christian Als

Tiền, trải nghiệm mới mẻ hay vì môi trường?

Theo Nikkei Asia, dân trong ngành cho rằng có bốn lý do chính khiến xu hướng này trở nên phổ biến.

Rõ ràng nhất là chi phí. Một nghiên cứu năm 2023 của Skyscanner tiết lộ rằng có tới 93% khách du lịch sẽ cân nhắc một địa điểm "dupe" cho chuyến du lịch của họ và khoảng 64% tiết lộ rằng việc tiết kiệm được tiền (từ chi phí thấp hơn) khiến họ đưa ra quyết định đó.

Lý do thứ hai: tình trạng quá tải du lịch, đặc biệt là trong thời du lịch "bù" sau COVID-19 và vào mùa cao điểm, khiến nhiều người muốn tìm lựa chọn thay thế những nơi đông đúc. 

Ngoài ra, theo Business Insider, thế hệ millennial và gen Z ngày nay không bị tâm lý FOMO, tức là họ không sợ bỏ lỡ một địa điểm nổi tiếng mà "ai cũng đi". Thay vào đó, họ thích là người tạo nên xu hướng, thích tìm nơi vắng vẻ hơn là nhào vào chỗ đông người.

Kế đến là khả năng tiếp cận: "bản dupe" có thể gần hơn và dễ đi hơn, thuận tiện hơn đối với một số du khách. Và cuối cùng là yếu tố mới lạ. Dù là "dị bản" thú vị của "bản gốc" hay bản thân có những điều hấp dẫn hơn, thì những "bản dupe" mới mẻ đều sẽ mang lại cho du khách cảm giác rằng họ tiêu tiền xứng đáng.

Theo đại diện một công ty du lịch, du khách có nhiều lý do cho lựa chọn thay thế của họ, không có công thức chung nào cả. Thông thường, một khi "bản dupe" có nhiều hơn hai trong số những lý do trên, người ta sẽ càng sẵn lòng lựa chọn nó hơn.

Hoa anh đào ở Đài Loan và Hàn Quốc. Ảnh: philstarlife.com

Hoa anh đào ở Đài Loan và Hàn Quốc. Ảnh: philstarlife.com

Theo Loveleen Arun - nhà sáng lập Công ty du lịch Panache World, những năm gần đây nhiều người đi Hàn để ngắm hoa anh đào thay vì đi Nhật, bởi Nhật Bản đã trở nên quá đông đúc vào mùa hoa anh đào, khách sạn đắt đỏ và đôi khi việc nhập cảnh cũng khá khó khăn.

Ngoài bốn yếu tố kể trên thì một lý do thứ năm nữa đang dần hình thành trong tâm thức của những người yêu môi trường: tính bền vững - khám phá địa điểm thay thế sẽ góp phần "giải cứu" những nơi đã bị quá tải du khách.

Tháng 11 năm ngoái, cẩm nang du lịch Fodor's của Mỹ xuất bản một danh sách những nơi mà du khách nên tránh đến trong năm 2024 do quá tải du lịch và những vấn đề liên quan. 

Theo đó, Venice của Ý, Athen của Hy Lạp, núi Phú Sĩ của Nhật Bản đều đang bị tổn hại do quá tải du lịch. Vịnh Hạ Long của Việt Nam, khu tưởng niệm quốc gia núi San Gabriel ở California (Mỹ) và hoang mạc Atacama của Chile thì được liệt kê vì suy thoái môi trường.

Trong một bài viết trên BBC hồi tháng 3, Rikant Pittie - đồng sáng lập Công ty công nghệ du lịch EaseMyTrip (Ấn Độ) - tin tưởng xu hướng du lịch "bản dupe" cuối cùng sẽ thúc đẩy "một kịch bản cùng có lợi cho cả địa điểm du lịch và khách du lịch, nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể với khả năng tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương và thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững". Nhưng không phải ai trong ngành cũng nghĩ thế.

Ta là một, là riêng, là thứ nhất

Trong một bài viết đăng hồi đầu tháng 5, Mark Footer - biên tập viên du lịch của tờ South China Morning Post - cho rằng nhiều du khách đã luôn đi du lịch theo kiểu né tránh đám đông, chỉ đến bây giờ người ta mới bắt đầu gọi tên và bơm thổi nó thành "xu hướng".

Theo Footer, chuyện quảng bá các điểm đến "bản dupe" hiện nay có nhiều điều bất ổn. Dẫn một số khuyến nghị điểm đến thay thế do Công ty du lịch Intrepid Travel chia sẻ trên Business Insider, Footer thẳng thắn cho rằng nhiều nơi được chọn là "bản đúp" của nơi khác theo cách hoàn toàn trớt quớt.

Chẳng hạn, Intrepid cho rằng Seoul là một "bản dupe" cho Tokyo, vì thủ đô Hàn Quốc là "điểm đến tuyệt vời cho những du khách muốn tránh những điểm tham quan quá đông đúc nhưng vẫn có thể khám phá được một siêu đô thị châu Á".

Nếu muốn khám phá được một siêu đô thị châu Á, không Tokyo thì Seoul, thì cũng được thôi. Nhưng Intrepid còn tuôn thêm một tràng về việc Seoul có thể mang lại "sự hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa phong phú" của Hàn Quốc, mà du khách "khó có thể tiếp cận được ở các điểm du lịch nổi tiếng hơn trên thế giới".

Footer lập luận: ngoài chuyện huề vốn (thủ đô Hàn Quốc giúp hiểu về Hàn Quốc hơn bất kỳ đâu), cách giới thiệu này hóa ra là bảo người đang muốn tìm hiểu Nhật Bản (vì đã chọn Tokyo) hãy đến nơi "thay thế" để hiểu thêm về… Hàn Quốc. "Lời khuyên của chúng tôi: hãy đến Seoul để ngắm Seoul, không phải vì ai đó đang cố bán hàng nói với bạn rằng đó là một lựa chọn thay thế cho Tokyo hay New York" - ông kết luận.

Những "bản dupe" trong du lịch- Ảnh 4.

Một bài viết trên Huff Post hồi tháng 4 dẫn lời Gabby Beckford, người sáng lập chuyên trang du lịch Packs Light, khuyên du khách đừng quên thực tế rằng "không thể thay thế văn hóa, ngôn ngữ, trải nghiệm và thậm chí là bầu không khí của một đất nước nào".

Tương tự, Adam Duckworth, chủ tịch kiêm sáng lập Công ty du lịch Travelmation có trụ sở ở Florida (Mỹ), cho rằng trước một chuyến đi du khách hãy nhớ tự hỏi bản thân: Ưu tiên của mình là gì? "Nếu bạn muốn ngắm tháp Eiffel thì bạn phải đến Paris. Nếu bạn muốn đi du ngoạn trên các kênh đào Venice, thực sự không có lựa chọn nào khác" - ông nói.

Trong khi đó, blogger du lịch Erick Prince, sáng lập trang Minority Nomad, tin rằng phong trào du lịch này đang ngầm ảnh hưởng tiêu cực đến các điểm đến bị gọi là "bản dupe".

"Trào lưu này đang hạ những điểm du lịch thay thế xuống trạng thái hạng hai, như thể chúng chỉ là kế hoạch dự phòng thay vì là những nơi đáng để đi với sức hút riêng của mình. Thay vì tôn vinh cái hay ho của các địa danh thì những nơi đó lại bị xếp xuống hàng dự bị" - Erick nói.

Du lịch "dupe destination" có lẽ đã xuất hiện vô thức ở Việt Nam từ lâu, khi nhiều địa danh được/bị gán cho những biệt danh liên quan đến các địa điểm nổi tiếng trên thế giới khá tùy tiện.

Riêng Maldives thì ở Việt Nam có nhiều "hàng dupe" tự phong, mà điểm chung duy nhất là biển xanh cát trắng: hết đảo Bình Hưng và Bình Lập (Khánh Hòa) tới Phú Quý (Bình Thuận) rồi Kỳ Co (Bình Định), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Riêng với các điểm đến trong nước với nhau thì "đi Măng Đen thay vì Đà Lạt" đang là xu hướng mấy năm qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận