Những câu chuyện bằng tranh 

NGUYỄN ĐỨC LAM 20/05/2017 02:05 GMT+7

TTCT- Quan chức và công dân đều phải chịu trách nhiệm như nhau trước pháp luật, không thể chính quyền có lỗi chỉ cần xin lỗi, người dân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Minh họas: Sate
Minh họas: Sate

 

Pháp quyền

Trong các tranh biếm họa trên Tuổi Trẻ Cười, tôi rất “khoái” bức vẽ ông quan tòa giơ chiếc búa bé xíu xử ông quan be bé đang cười “vô vi”.

Trong hộc tủ có vài chiếc búa nhỏ khác kích cỡ tỉ lệ nghịch với cỡ mũ cánh chuồn của quan: mũ càng to thì búa càng nhỏ hơn. Còn những chiếc búa cỡ to đang chất đầy ở hộc dưới, có lẽ dành cho người dân.

Bức tranh lột tả sự trớ trêu của bất bình đẳng trước pháp luật - một hiện tượng trái ngược với pháp quyền. Những năm qua không hiếm trường hợp khi đối với “quan” thì “giơ cao đánh khẽ”, với những lý do như nhân thân tốt, đã từng được khen thưởng; nhưng đối với người dân bình thường thì xử phạt khắt khe quá mức.

Đặc biệt, nguyên tắc pháp quyền đặt ra những giới hạn khắt khe hơn đối với nhà nước: mọi hành động của chính quyền đều phải tuân theo đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục đã được xác lập.

Mặt khác, theo nguyên tắc pháp quyền, pháp luật tiệm cận công lý để công dân tuân thủ pháp luật một cách tự nguyện, tranh chấp được giải quyết qua con đường pháp lý.

Trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật phải có tính chắc chắn, tính tiên liệu, ổn định trong khoảng thời gian đủ dài, pháp quyền liên quan đến không chỉ luật hôm nay, mà cả ngày mai; các thiết chế, luật lệ, chính sách không được phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân hay nhóm người nào.

Có những tác giả coi đây là đặc trưng quan trọng nhất của pháp quyền. Điều này làm cho công dân yên tâm làm ăn, sinh sống, tin tưởng vào pháp luật, tự nguyện tuân thủ pháp luật.

Thế nhưng, như ông Hà Hùng Cường, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, từng phát biểu rằng luật pháp nước ta vô cùng phức tạp, Luật đất đai còn phức tạp hơn nhiều.

Có luật sư cho biết ông rất muốn nghiên cứu Luật đất đai để tuyên truyền cho dân hiểu nhưng cũng không thể tiếp cận hết được văn bản; các văn bản của bộ này, ủy ban kia cứ liên tiếp đưa ra... như “mê hồn trận”.

Việc áp dụng các luật hành chính, dân sự và hình sự nhiều khi thiếu nhất quán; nhiều việc chỉ cần dùng biện pháp hành chính thì chính quyền lại áp dụng Luật hình sự và ngược lại.

Minh bạch

Quy hoạch khu công nghiệp trên ngàn hecta, người ta đi mua đồ ở cửa hiệu, lật tấm giấy báo gói hàng ra mới biết quy hoạch ngay trên đất mình.

Lên xã hỏi thì được trả lời, trên đài có đưa tin, không xem sao? Dân ngẩn ngơ, không lẽ suốt ngày ôm cái tivi để xem mấy ông nhà nước có nhắn gì không?

Hay là, làm đường liên thôn, có chỗ chia theo tỉ lệ Nhà nước 6, dân 4; thôn khác lại theo tỉ lệ 7/3, dân ấm ức, bên kia là con ruột, chúng tôi con ghẻ sao?

Chính vì đòi hỏi sự minh bạch mà người dân muốn làm rõ trắng đen tại sao lại quy hoạch ở khu đó; ai chịu thiệt, ai được lợi; đền bù như thế nào; ranh giới đâu; giấy tờ cụ thể...

Khi có những thông tin khác nhau, không biết bên nào đúng sai ra sao thì các kênh giải quyết với tính chất “ba mặt một lời”, nghe tất cả các bên cung cấp thông tin, chứng cứ, tại một không gian, một thời điểm, sẽ có tác dụng tăng tính minh bạch, giải trình lên rất nhiều.

Trách nhiệm giải trình

Những chuẩn mực chung nhất của quản trị tốt được đúc rút về lý luận và thực tiễn trên toàn cầu, không có nghĩa là chỉ cần áp nguyên xi vào một quốc gia, mà phải tùy theo bối cảnh, điều kiện cụ thể trong nước. Mặt khác, điều quan trọng không kém, không nên vin vào lý do bối cảnh để né tránh, từ chối những cuộc cải cách cần thiết, trong đó có việc xây dựng một nền quản trị quốc gia tốt.

Ở vụ việc Đồng Tâm vừa qua, có một phát biểu rất đáng chú ý của người dân “đã gửi hàng tạ đơn kiến nghị nhưng không bao giờ thấy giải quyết”. Chuyện đơn kiện của dân chuyển vòng quanh từ cơ quan này sang cơ quan khác có khi kéo dài hàng chục năm.

Công dân không nhận được câu trả lời rõ ràng của chính quyền, chính quyền cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì về hành động của mình.

Với một nền quản trị tốt, trách nhiệm giải trình gồm hai yếu tố: khả năng giải đáp và chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.

Công dân chờ đợi sự giải trình về hoạt động của các cơ quan nhà nước, giải đáp theo định kỳ những vấn đề liên quan đến việc họ đã sử dụng thẩm quyền của mình như thế nào, những nguồn lực nào được sử dụng vào đâu, với các nguồn lực đó đã đạt kết quả gì.

Đồng thời, công dân có các công cụ để yêu cầu quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, chứ không chỉ xin lỗi, hẹn gặp lại trong các kỳ xin lỗi lần sau; hoặc chỉ chịu hệ quả bị mất các chức vụ trong quá khứ.

Sự tham gia của công chúng

Làm thép hay môi trường, chính sách huy động tiền nhàn rỗi trong dân, đề án sách điện tử, thu phí bảo trì đường bộ qua xăng... hàng trăm chính sách như vậy đã bỏ ý kiến người dân ra khỏi quá trình xây dựng nó, vì vậy khi những quyết sách ấy ra đời, nó không thể tồn tại ổn thỏa, thậm chí còn tạo thêm nhiều ẩn ức, bất bình.

Ngược lại, không ít ví dụ cho thấy những hoạt động mời dân tham gia ý kiến, thu thập thông tin cho chính sách, giám sát thực thi chính sách vừa giúp chính sách “sống được” trong thực tế vừa giúp xoa dịu nhiều bức xúc trong xã hội, mang lại cho dân cảm giác của người được dự phần. Van xả hơi vận hành tốt, sẽ không có nồi hơi nào sẵn sàng nổ tung. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận