Nỗi buồn chiến tranh

J. HUESMANN (ĐỨC) 03/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Chiến tranh diễn ra ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu từ sau Thế chiến II. Người xưa có câu “Xa mặt thì cách lòng”. Khi chúng ta chỉ được nghe báo đài đưa tin về cuộc khủng hoảng nhân đạo, ta không thể hình dung được hết nỗi đau của người dân Ukraine, cho đến khi tận mắt chứng kiến.

Vừa rồi tôi đã được chứng kiến nhiều hoàn cảnh cảm động trong dòng người tị nạn đổ đến thủ đô Berlin. 

Tôi không muốn bàn đến chiến tranh, tôi chỉ muốn kể những câu chuyện cũng như cuộc đối thoại giữa những người lánh nạn và chia sẻ đôi lời về những ấn tượng của mình từ nơi đó.

 
 Thông báo ở nhà ga Berlin: người mặc áo đỏ nói được tiếng Nga và tiếng Ukraine; người mặc áo vàng nói được tiếng Anh và tiếng Đức. Ảnh: J. Huesmann

Mấy tuần qua, nhà ga trung tâm thủ đô Berlin là điểm dừng quan trọng nhất ở Đức cho hàng ngàn người tị nạn đến từ Ukraine. 

Nơi đây, các tình nguyện viên đứng đầy ở mỗi sân ga để đón các đoàn tàu tị nạn. Họ khoác trên mình những chiếc áo phản quang màu vàng hoặc đỏ, tay cầm biển đón.

Khắp nơi trong nhà ga được dán cờ Ukraine cùng biển thông báo “người mặc áo vàng biết nói tiếng Anh và tiếng Đức, người mặc áo đỏ biết nói tiếng Ukraine và tiếng Nga”. 

Tôi đứng bồi hồi một lúc, đưa mắt nhìn bao quát toàn cảnh hàng trăm tình nguyện viên đón tiếp và giúp đỡ hàng ngàn người mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. 

Làm sao tôi nhận ra đâu là người tị nạn giữa biển người đi lại trong nhà ga? Thực ra chỉ cần để ý một chút thì sẽ nhận ra họ. Bên cạnh những vali hành lý như bao người khác, những thứ họ mang được gói ghém trong mấy chiếc bao nilông cũ, trông có vẻ như khăn gói vội vàng trong cơn tuyệt vọng. 

Ở một sân ga khác, một đoàn tàu đến từ Ba Lan, trên tàu có rất đông trẻ con Ukraine. Nét mặt của những đứa trẻ nói cho tôi biết những tổn thương tâm lý mà chúng đã và đang trải qua. 

Tôi chứng kiến một gia đình nọ ngồi trên những bậc cầu thang trong nhà ga. Người mẹ bật khóc, hai bé gái ôm thú bông và nhìn xuống sàn. 

Đôi mắt người con trai lớn nhìn thẳng vào khoảng không vô định, như nhìn vào cánh cổng dẫn đến một thế giới đen tối, đó là thực tế của chiến tranh - một thực tế mà có lẽ phần lớn người Đức hiện nay vẫn chưa thể tưởng tượng được. 

Đến tận hôm nay, tôi vẫn không thể quên được ánh mắt đó. Nó như biểu thị tất cả nỗi đau và tuyệt vọng của dân tộc Ukraine hiện tại.

Trong lúc chờ tàu trong một quán cà phê ở nhà ga, tôi tình ngờ nghe được một cuộc nói chuyện từ bàn bên - một cuộc đối thoại vừa cảm động vừa đau lòng. 

Một người đàn ông Đức dáng vẻ bình dân, lớn tuổi hơn ba tôi, tay cầm một ly cà phê và một lon Coca, xin phép được ngồi xuống bàn bên cạnh, nơi người phụ nữ lớn tuổi người Ukraine đang ngồi.

“Bà tên gì?”, ông hỏi. Đương nhiên bà không hiểu được tiếng Đức, nhưng theo cách nói và cử chỉ bà có thể hiểu ý của ông. “Bà tên Anna à? Tối nay bà ngủ ở đâu?”. 

Bà chỉ tay ra ngoài đường, cười nhẹ. Mắt ông to lên, rồi ông nói: “Không được, bà không được ngủ ở ngoài đường, trời vẫn lạnh quá... Tôi chỉ có một căn hộ nhỏ thôi... nhưng bà không thể ngủ ở ngoài trời được. Căn hộ tôi đủ chỗ cho bà ở một thời gian...”. 

Tôi còn nghe được rằng ông đã 72 tuổi. Sau một hồi hai ông bà đứng dậy và rời đi, có lẽ bà đã đồng ý nhận sự giúp đỡ của ông.

Những câu chuyện ấm lòng như vậy đang diễn ra khắp châu Âu, từ Moldova, Ba Lan và Czech cho đến Đức. 

Trong tâm tư, tự dưng tôi nghĩ đến câu mà Martin Luther King Jr. từng nói trong bài diễn văn năm 1967 khi ông công khai lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: “Lòng trắc ẩn thực sự không phải chỉ là vung đồng xu cho người ăn xin”.

Khi chính quyền thành phố Berlin thông báo năng lực cứu hộ nhân đạo quá tải, Chính phủ liên bang Đức phân bổ dòng người tị nạn qua các thành phố khác khắp cả nước. Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, bà Annalena Baerbock, đã thiết lập “cầu hàng không” chở người tị nạn Ukraine từ Moldova sang Đức.

Rời Berlin về Hamburg nơi tôi đang sinh sống và làm việc, ngồi cùng toa tàu đối diện tôi là một người đàn ông Ukraine trẻ tuổi đi cùng mẹ. Trước khi tàu dừng ở nhà ga chính Hamburg, tôi hỏi anh ấy: “Anh và bác muốn đi đâu trong thành phố này? Anh biết đường đi không?”. Anh đáp lại: “Chúng tôi có gia đình đến đón ở ga”. Xuống tàu, tôi rời khỏi sân ga trong tiếng khóc lẫn tiếng cười của những người Ukraine. Một vài người trong số họ may mắn có gia đình hoặc người quen đến đón, số còn lại được chào đón và giúp đỡ bởi các tình nguyện viên. Tôi nhìn thấy những cái ôm mà không khỏi chạnh lòng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận