Nói với quan chức, doanh nhân về... thịt thú rừng

LAN ANH 10/08/2010 03:08 GMT+7

TTCT - 5 năm trước, một nghiên cứu của Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (Traffic) thực hiện tại Hà Nội (từ tháng 7 đến tháng 11-2005, công bố năm 2007) đã chỉ đích danh: 66% người từng ăn thịt, dùng đồ trang sức từ động vật hoang dã là... cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp.

 

 

Trao đổi với TTCT, ông Trần Đức Nhâm, phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo trung ương), nhận định cán bộ, công chức, doanh nghiệp là nhóm sử dụng nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) nhất. 

Nhưng mãi tận tháng 6 vừa rồi, VN mới có những động thái ngăn chặn đầu tiên hướng vào nhóm đối tượng này bằng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo trung ương yêu cầu “các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền thực hiện tiêu dùng bền vững ĐVHD” và tuyên truyền cần chú trọng “đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo và doanh nhân”.

“Nhìn trên thực tế cũng thấy điều này. Chương trình tuyên truyền này bắt đầu bây giờ là muộn bởi nhiều loài ĐVHD đã biến mất trong tự nhiên. Hổ, chẳng hạn, chỉ còn hổ nuôi nhốt. Tê giác cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng từ lâu, nhưng muộn còn hơn không”- ông Nhâm cho hay.

Trong hướng dẫn tuyên truyền “Tiêu dùng bền vững ĐVHD” được Ban Tuyên giáo trung ương triển khai đến các tỉnh, thành, cơ quan cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên hiện diện những điều khoản “cấm” cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ăn và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.

Muộn?

Theo nghiên cứu của Traffic, có đủ loài ĐVHD ở VN được buôn bán, ăn thịt, làm đồ trang sức hoặc làm cảnh, từ rùa biển nhồi rơm đến khỉ, rắn hổ mang, kỳ đà ngâm rượu nguyên con, đồ trang sức làm từ ngà voi, mai đồi mồi hay gấu bị nuôi nhốt lấy mật...

Gần 50% người dân Hà Nội tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng sản phẩm ĐVHD bằng các cách ăn thịt thú rừng, uống mật gấu, cao hổ cốt... chỉ vì chúng được cho là “tốt cho sức khỏe”, là “sành điệu, đúng kiểu chơi”... Đối với các cán bộ, công chức và doanh nhân, việc sử dụng ĐVHD còn được coi là “biểu trưng của địa vị”.

Traffic cũng cho hay chẳng người nghèo nào dám rớ vào mấy món “đặc sản” này, bởi có đến 57% người từng sử dụng sản phẩm ĐVHD có thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng (thời điểm điều tra là năm 2005). Chỉ 4% số người có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng từng được ăn “đặc sản” thịt thú rừng, lý do chủ yếu là được mời.

Không chỉ Traffic, từ lâu hàng loạt tổ chức đã nhận ra tình trạng suy giảm quá nhanh số lượng cá thể ĐVHD ở VN và hiểu rõ đâu là chỗ cần đến cho chiến dịch truyền thông của họ. 

Từ năm 2008, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã vận động được 160 nhà hàng ở Hà Nội, 150 nhà hàng ở Nam Định và đang vận động các nhà hàng ở Cát Bà (Quảng Ninh) tham gia chiến dịch “Nhà hàng xanh” nhằm thúc đẩy ngừng sử dụng ĐVHD trong thực đơn của nhà hàng.

“Chúng tôi mới tiếp cận được những nhà hàng sử dụng song hành nhiều loại nguyên liệu, còn nhà hàng chỉ bán “đặc sản” ĐVHD thì rất khó tiếp cận. Chương trình này chỉ là cầu nối với các nhà chức trách...” - cán bộ WWF phụ trách chiến dịch “Nhà hàng xanh” bày tỏ.

Từ năm 1996-2007, cả nước có 14.758 vụ vi phạm về săn bắt và buôn bán ĐVHD, tịch thu 181.160 cá thể. Số vụ vi phạm tăng hằng năm: 1.469 vụ (năm 2000), 1.880 vụ (năm 2002). 

Theo ước tính, số lượng ĐVHD cung cấp cho thị trường VN là 3.400 tấn/năm (khoảng 1 triệu con), trong đó 70% là gây nuôi, 18% khai thác trái phép, 12% nhập khẩu. 

Nguồn gốc chủ yếu của ĐVHD trong buôn bán trái phép là săn bẫy trái phép ngoài tự nhiên. VN ngoài đóng vai trò cung cấp còn là thị trường trung chuyển ĐVHD đi các thị trường và nơi tiêu thụ khác. 

“Cấm”?

Dù chỉ là một sổ tay hướng dẫn tuyên truyền, đã có khá nhiều quy định “cấm” được những người soạn thảo đưa vào để “thực hiện tiêu thụ bền vững ĐVHD”. Theo quy định này, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ngoài trách nhiệm tuyên truyền trong bạn bè, đồng nghiệp phải là người tiên phong không buôn bán, sử dụng bất hợp pháp ĐVHD.

Và cũng theo văn bản này, mọi người - trong đó có cả cán bộ, đảng viên - vẫn có thể “thực hiện việc buôn bán, tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm của chúng như là một mặt hàng tiêu dùng cá nhân” nhưng ở mức độ “không gây ra các mối đe dọa đến sự tồn tại, phát triển và khả năng thực hiện chức năng sinh thái bình thường của các loài ĐVHD trong tự nhiên”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Nhâm, “hiện chưa có chế tài xử phạt người sử dụng thịt thú rừng, người nấu cao hổ hay uống mật gấu” nên cách để “cấm” đảng viên, cán bộ, công chức sử dụng ĐVHD - một hành vi khá phổ biến trong giới quan chức và doanh nhân có tiền, theo hướng dẫn quan trọng này - chỉ là... tuyên truyền!

Sổ tay này cũng không đề xuất bất kỳ mức chế tài nào cụ thể, dù là với các cán bộ trực thuộc, mà chỉ yêu cầu chung chung địa phương “xử lý nghiêm” các trường hợp buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp ĐVHD, rồi huy động đoàn thể, động viên hội viên tham gia giám sát việc mua bán, sử dụng ĐVHD trong cơ quan, tổ chức mình! Xử lý nghiêm như thế nào cũng chưa thấy đề cập.

“Tuyên truyền thay đổi nhận thức trước, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng nên có chế tài cụ thể với người ăn thịt ĐVHD, người nấu cao hổ hay uống mật gấu, tạo áp lực xã hội mới hiệu quả. Chỉ tuyên truyền suông thì không đủ” - ông Nhâm đề nghị.

Một cán bộ của Ban Tuyên giáo trung ương cho hay nếu có được mời ăn thịt ĐVHD cũng không dám ăn vì “thấy nó nguy hiểm, các loài thú hoang dã không rõ ràng về vệ sinh thực phẩm”. Vị này cũng nhận định “chương trình này chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức, muốn chuyển đổi hành vi thì phụ thuộc vào cơ quan thực thi pháp luật”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận