TTCT - Nhật ký ơi!Đêm qua mình bật dậy khi thấy lưng áo ướt đẫm. Dưới ánh điện, mình không thể tin nổi là nửa dưới gối, nửa chiếu và góc chăn bị ướt, căn phòng lênh láng nước. Thế là nửa đêm còn lại mình nằm co ro ở nửa chiếu, giấc ngủ không ngon vì góc chăn ướt và nỗi lo không tìm được một chỗ ngồi trong căn phòng trọ của mình. Nước cứ bò dần lên nền nhà ẩm ướt. Phóng to Đường Phạm Hữu Lầu, Q.7, TP.HCM thường xuyên bị ngập nước bởi triều cường - Ảnh: Quang Khải Phòng trọ của mình cạnh rạch Văn Thánh, cứ đầu hay giữa tháng là tất cả con hẻm ngập đầy nước. Nước tràn cả vào nhà, nước đen sẫm, bốc mùi rất khó chịu. Chưa đầy một tháng mà chủ nhà phải nâng nền hai căn phòng cao hơn 20cm vì bị nước tràn vào phòng. Không riêng nhà trọ của mình, những hộ bên cạnh cũng chịu cảnh tương tự, chẳng khó thấy cảnh nhà nhà tát nước, người người xắn quần lội bì bõm dưới dòng nước bốc mùi hôi. Đáng nói ở đây nhà nào cũng khó khăn, làm chỉ đủ ăn trong thời giá cả chật vật, ấy vậy mà vẫn phải thường xuyên nâng nền nhà để đối phó với nước. Nước đến đâu, nâng nền đến đó. Thời tiết thay đổi, con nước lên xuống thất thường nên dù có nâng nền thì cũng chỉ là tạm bợ. Thấy những đứa trẻ sáng sáng xắn ống quần trên đầu gối lội nước đi học mà mình thương quá. An cư mới lạc nghiệp, không biết những người dân nghèo ở đây bao giờ mới thoát khỏi cái nợ nâng nền, thoát khỏi cảnh nửa đêm thức giấc vì bị nước “tấn công”. Hủ tiếu gõ Không phải chỉ là thói quen, hơn nữa để tạ ơn cơ hàn, thi thoảng tôi vẫn đi ăn hủ tiếu gõ. Hủ tiếu gõ so với phở 24, phở Bắc Hải Hà Nội... thì chỉ mang thân phận của kẻ nhập cư như chính những người tạo ra nó. Hủ tiếu gõ được sinh ra ở làng quê và lớn lên trên vỉa hè đô thị. Vì vậy hủ tiếu gõ mang trong mình những bụi bặm phố phường, những chật chội của đô thị và những nhọc nhằn của kiếp người, mà ai một lần vô tình hay có việc phải đối diện với nó cũng bắt gặp đâu đó hình bóng chị, mẹ hay bà mình, với nhiều hoài niệm về người nông dân phải rời bỏ ruộng đồng tha phương cầu thực nơi đất khách quê người. Hủ tiếu gõ bình dị như người nông dân, chỉ với một chiếc xe tự chế và một nồi nước lèo là có thể mưu sinh. Cuộc đời có là bao, nhưng hủ tiếu gõ có thể đã trở thành một phần của bộ mặt phố thị, hay văn hóa đô thị với tiếng gõ mời chào không dứt. Sở dĩ hủ tiếu gõ chen chân vào được thú ẩm thực của người Sài Gòn là bởi hương vị đặc trưng của nó. Với một nồi nước lèo hầm xương, vắt hủ tiếu sau khi được trụng nước sôi và phủ một lớp gia vị nào là hành phi, tiêu ớt, giá hẹ... nó được tưới lên một vá nước lèo nghi ngút khói. Nhật ký biết không, một người bạn gốc Sài Gòn có lần nói với tôi cái buồn nhất của những người Sài Gòn là không có một miền quê để đi về như những “người Sài Gòn nhập cư”. Vì có một miền quê để nhớ, để đi về nên với tôi, chỉ cần một “nét quê” xuất hiện bất chợt giữa chốn phồn hoa này cũng gợi cho tôi nhiều hoài niệm về rơm rạ, ruộng đồng. Một ngày nào đó khi nghe truyền hình cảnh báo tin bão xa hay lụt lội ở miền Trung, như bị vô thức mách bảo, tôi lại đi ăn hủ tiếu gõ để thấy như hình ảnh người và quê của tôi kết tinh trong đó. Tiếng sáo Nhật ký mến, Mỗi ngày đi học về ngang qua góc đường Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai tôi đều được nghe tiếng sáo nhẹ nhàng của ông lão hành khất. Người đi đường thương cụ, bỏ vội vài đồng lẻ rồi vội vàng hòa vào dòng người hối hả. Nhưng với tôi, tiếng sáo của cụ như níu chân tôi lại. Có lâm vào bước đường cùng người ta mới “ăn mày lòng thương thiên hạ”. Cụ cũng vậy, đã 85 tuổi nhưng vẫn phải kiếm tiền vừa để chữa bệnh cho mình vừa nuôi đứa cháu nhỏ đang học tiểu học. “Từ Thanh Hóa vào đây chữa bệnh, con cái đứa nào cũng nghèo nên làm gì có ai vào trông nom được” - cụ trả lời khi tôi hỏi thăm về gia đình. Tôi mê mẩn với tiếng sáo du dương, trầm buồn hòa lẫn với âm thanh từ cái loa nhỏ đang phát những lời kinh Phật của cụ. Hồi còn ở quê, cụ vẫn thường đi thổi kèn cho các đám ma, bây giờ đã ở tuổi gần đất xa trời, hơi không còn dài như ngày xưa nên tiếng sáo của cụ đôi lúc ngắt quãng, yếu ớt. Tôi khuyên cụ không nên thổi nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe. “Mình không thể ăn xin không của ai cái gì, chú à. Cụ chỉ có tiếng sáo để trả cho các cô, các chú thương mình, cho mình tiền, chú à”. Câu trả lời khiến tôi không thôi suy nghĩ. Nhật ký à, tôi gọi tiếng sáo đó là hiện thân của lòng tự trọng. TTCT cảm ơn các bạn: Lê Mạnh Tùng, Trường Giang, Nguyễn Thị Ngọc Ly, Đoàn Đại Trí, Ngọc Tâm, Ngô Tấn Thủy Tiên, Nấm Đỏ, Singer Hoangnam, Nguyễn Nhã K., Bảo Thanh... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.
Học sinh bỏ quê đi làm thuê sau 'án' kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm CHÍ HẠNH 29/11/2024 Gần 2 tháng nhận ‘mức án’ kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm, em L.N.D. (13 tuổi) rời quê Vĩnh Long đến Vũng Tàu cùng cha mẹ làm thuê, bươn chải kiếm tiền.
Thêm quán ăn treo biển không thanh toán hộ, nhiều người lăn tăn về quy định 'lạ' LÊ MINH 29/11/2024 Một quán ăn ở TP Hà Tĩnh vừa khai trương đã gây chú ý với người dân địa phương khi treo biển 'không thanh toán hộ'.
'Ô sin' dùng quái chiêu lừa chủ nhà gần 36 tỉ đồng DANH TRỌNG 29/11/2024 Vũ Thị Thanh bị cáo buộc xin làm giúp việc trong một gia đình có điều kiện kinh tế, sau đó dùng quái chiêu thao túng tâm lý nữ gia chủ, dụ dỗ đầu tư mua các căn hộ giá rẻ rồi lừa chiếm đoạt gần 36 tỉ đồng.
Công ty Xổ số Đà Nẵng từng trả thưởng vé số trúng giải đặc biệt bị rách ĐOÀN CƯỜNG 29/11/2024 Công ty Xổ số kiến thiết Đà Nẵng đã từng chi trả vé trúng thưởng giải đặc biệt cho một khách hàng dù vé này đã bị rách rời.