Nước của phương Nam, mượn về phương Bắc

ĐỨC HOÀNG 08/06/2016 21:06 GMT+7

TTCT - Cao nguyên Thanh - Tạng là nơi bắt nguồn của 10 hệ thống sông quan trọng bậc nhất trong khu vực Nam và Đông Nam châu Á, trong đó có sông Mekong. Và vấn đề bảo vệ nguồn nước từ vùng đất này hiện phụ thuộc vào quốc gia đang quản lý nó, Trung Quốc.

Những công trình nắn dòng chảy thô bạo của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước ở các nước hạ lưu-washingtontimes.com
Những công trình nắn dòng chảy thô bạo của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước ở các nước hạ lưu-washingtontimes.com

“Nam thủy Bắc điều”

Với chỉ hơn 10 tệ, tương đương 30.000 đồng, bạn có thể mua được một chai nước Châu Phong Băng Xuyên 555ml ở bất kỳ đâu trên đất Trung Quốc. Bên ngoài, nó chẳng khác gì những chai nước uống thông thường, ngoại trừ một logo hình quả núi (hiếm có nước đóng chai nào mà không có logo hình quả núi) và lời chú thích: Nước được lấy từ băng ở đỉnh Everest. Đó là nghĩa đen của từ “Châu Phong Băng Xuyên” với “Châu Phong” là tên đỉnh núi trong tiếng Hán, còn “Băng Xuyên” là dòng băng tan.

Nhưng đằng sau chai nước ấy là một ẩn dụ liên quan tới sinh mệnh của gần một nửa dân số hành tinh. Chai nước đó được khai thác từ cao nguyên Thanh - Tạng, theo một chính sách đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp nước đóng chai tại khu vực này, đã lên tới 10 triệu m3/năm vào năm 2025. Hiện tại, sản lượng nước đóng chai ở đây chỉ là 153.000 m3/năm.

Cao nguyên Thanh - Tạng là nơi cung cấp nước ngọt cho phần lớn khu vực Nam và Đông Nam châu Á, hay còn gọi là “Địa cực thứ 3” vì trữ lượng nước trong băng tuyết ở khu vực này chỉ xếp sau Nam cực và Bắc cực. Cao nguyên đó là nơi bắt nguồn của những dòng sông lớn nhất châu Á, trong đó có sông Mekong.

Một nửa dân số thế giới phụ thuộc vào nguồn nước được cung cấp từ nơi này. Và việc khai thác hàng triệu mét khối nước đóng chai mỗi năm từ nơi này chỉ là một ví dụ nhỏ cho nhu cầu nước ngọt đang tăng không ngừng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nó chỉ là một dự án “siêu nhỏ” trong những nỗ lực tận thu nguồn nước từ cao nguyên Thanh - Tạng của Chính phủ Bắc Kinh trong nửa thế kỷ qua.

Ngay từ những năm 1950, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã vạch ra một chính sách khai thác nước từ cao nguyên Thanh - Tạng bằng tuyên bố đanh thép.

“Nước ở miền Nam nhiều, nước ở phương Bắc ít, tùy theo khả năng, mượn ít nước lên là được” - ông nói trong một chuyến thị sát sông Hoàng Hà vào tháng 10-1952. Nước ở phía nam, không gì khác là những dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh - Tạng và phía bắc là Bắc Kinh và các đô thị bao quanh.

“Nam phương thủy đa, Bắc phương thủy thiểu” - vấn đề nguồn nước của Trung Quốc được gói trong tám chữ này của Mao Trạch Đông. 80% dòng chảy tự nhiên của Trung Quốc nằm ở phía nam, trong khi 2/3 diện tích đất nông nghiệp cũng như các trung tâm công nghiệp nặng lại nằm ở phía bắc.

Ít lâu sau đó, dự án Nam Thủy Bắc Điều được triển khai. Dự án này bao gồm hàng nghìn kilômet kênh và các trạm bơm siêu lớn để nắn dòng của sông Dương Tử lên phía bắc, nhập vào Hoàng Hà. Cùng với đó là các đại dự án thủy điện để kiểm soát dòng chảy, ví dụ như Đan Giang Khẩu, hồ thủy điện lớn nhất thế giới ở thời điểm nó được xây (năm 1958).

Tất nhiên ngoài Dương Tử thì dự án Nam Thủy Bắc Điều cũng sẽ “điều” khoảng 200 tỉ m3 nước mỗi năm từ các dòng sông Yarlung Zangbo (dòng sông chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ và Nepal mà Trung Quốc gọi là Nhã Lỗ Tạng Bố), Salween (Trung Quốc gọi là Tát Nhĩ Ôn, hoặc Nộ Giang) và cả dòng Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) sang những nơi khác.

Nam Thủy Bắc Điều, vì vậy, không chỉ mượn nước của miền Nam Trung Quốc, mà thực chất mượn nước của cả các quốc gia phía nam Trung Quốc như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Bangladesh...

Sau khi tiêu tốn 79 tỉ USD, vào ngày 12-12-2014 dự án đã hoàn tất giai đoạn 2, đưa 9,5 tỉ m3 nước hằng năm từ miền Trung Trung Quốc đến thẳng các thành phố lớn ở phía bắc như Bắc Kinh hay Thiên Tân thông qua một dòng sông nhân tạo dài 1.200km. Lần đầu tiên trong lịch sử, khi một người dân Bắc Kinh vặn vòi nước trong nhà bếp, họ dùng nước từ Hồ Nam.

Dự án đã gây ra rất nhiều tranh cãi kể từ ngày nó được triển khai. Hàng triệu người Trung Quốc đã phải di cư vì các công trình xây đập thủy điện; nhiều người phải bỏ lại làng mạc dưới mực nước hồ thủy điện tới ba lần trong những thập kỷ qua.

Cùng với đó là các cáo buộc về việc lãng phí nguồn nước vì bốc hơi và ô nhiễm cũng như các lo ngại về môi trường, vì không ai có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra với hệ sinh thái nếu thay đổi dòng của các con sông lớn trong một sự can thiệp thô bạo như thế của con người.

Cuộc sống ở các khu vực có dự án tại Trung Quốc luôn bấp bênh: 17 triệu cư dân của các vùng quanh Hồ Nam, Hồ Bắc và Thiểm Tây ở trong cảnh bất an thường trực vì có thể bị di dời bất kỳ lúc nào.

“Không ai có kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài ở vùng này vì họ luôn biết dự án thủy vận sắp đến” - Zhang Kelou, một người dân ở Hồ Nam, nói với trang China File thuộc Hội Nghiên cứu châu Á (Asia Society). Một con số tham khảo: 79% số huyện ở khu vực hồ Đan Giang Khẩu, trung tâm của dự án, thuộc diện huyện nghèo theo chuẩn Trung Quốc. Đến giờ, chi phí gián tiếp của Nam Thủy Bắc Điều vẫn chưa thể đo đếm.

Và tất nhiên những lo ngại về Nam Thủy Bắc Điều không chỉ xuất phát từ nội bộ Trung Quốc. Từ lâu, nó đã là trung tâm của các mối quan ngại quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh trữ lượng nước trong băng tuyết ở cao nguyên Thanh - Tạng đang giảm vì biến đổi khí hậu.

Một đường ống thuộc đại dự án Nam Thủy Bắc Điều của Trung Quốc-wired.co.uk
Một đường ống thuộc đại dự án Nam Thủy Bắc Điều của Trung Quốc-wired.co.uk

Nam phương thủy thiểu?

Trong vòng ba thập kỷ qua, trữ lượng nước trong băng tuyết trên cao nguyên Thanh - Tạng đã giảm 15%. Băng tan nhanh hơn vì biến đổi khí hậu. Hiện tượng này làm mực nước các con sông bắt nguồn từ khu vực này tăng lên trong ngắn hạn, nhưng đe dọa tính bền vững của nguồn nước.

Vấn đề của nguồn nước trên cao nguyên Thanh - Tạng không chỉ có đại dự án Nam Thủy Bắc Điều. Cơn khát của 1,4 tỉ dân Trung Quốc không chỉ dừng lại ở nước ngọt.

Chiến dịch “hướng Tây” của Chính phủ Trung Quốc khởi động từ năm 2000 đã cải biến vùng Tây Tạng với hàng loạt hạ tầng giao thông, các mỏ lớn và những đập thủy điện khổng lồ. Ô nhiễm nguồn nước bởi tiến trình công nghiệp hóa cũng là một vấn đề mà sông Dương Tử đã phải đối mặt trong thập kỷ qua.

Áp lực phát triển trong khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á chỉ ra rằng có tới 80% số dòng sông tại châu Á có nước không đủ an toàn cho sức khỏe. Tình trạng ung thư tại nhiều quốc gia, như Trung Quốc và Ấn Độ, được liên hệ với chất lượng nguồn nước.

Từ lâu, nước từ cao nguyên Thanh - Tạng đã là một chủ đề quan trọng trong đối thoại giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng phía nam. Ấn Độ luôn bày tỏ quan ngại mỗi khi có dịp về kế hoạch xây đập trên dòng sông Yarlung Tsangpo - con sông thiêng Brahmaputra theo cách gọi của người Ấn.

Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận ý tưởng này suốt hai thập niên cho đến năm 2009, khi họ khởi công đập thủy điện Tàng Mộc - con đập đầu tiên được xây dựng trên dòng Brahmaputra.

Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố đập Tàng Mộc sẽ không ảnh hưởng đến lưu lượng nước chảy xuống Ấn Độ, nhưng điều này không khỏi khiến dư luận Ấn Độ lo lắng: Brahmaputra không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của quốc gia Nam Á cũng hơn 1 tỉ người này. Và điều đáng lo nhất tất nhiên nằm ở Nam Thủy Bắc Điều - họ sợ rằng Trung Quốc sẽ tìm cách điều nước từ Brahmaputra lên phía bắc.

“Chỉ cần 10% lưu lượng được chuyển dòng đã tạo ra những hậu quả không thể lường trước” - Ramaswamy Iyer, cựu bộ trưởng nguồn nước của Ấn Độ, nói trên tờ The Diplomat năm 2015.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất cần lo lắng. Trong số 10 con đập cao nhất thế giới có hai công trình được xây dựng ở đầu nguồn Mekong. Đó là các đập thủy điện Tiểu Loan (292m) và Nhu Trát Độ (261m). Tranh cãi về nguồn nước Mekong giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn là Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam... đã là chủ đề được rất nhiều nghiên cứu nói tới.

Nhưng vấn đề bây giờ không còn là câu chuyện về một con sông hay một đập thủy điện cụ thể nữa. Nguồn nước từ cao nguyên Thanh - Tạng được đánh giá là một vấn đề mang tầm cỡ thế giới, bởi các quốc gia liên quan chiếm tới gần một nửa dân số hành tinh và vùng Đông Nam Á hạ nguồn còn là vựa lúa gạo cũng như nông sản cực kỳ quan trọng cho cả châu Á.

Từ thập kỷ trước, các nhà quan sát đã nhận định vấn đề nguồn nước ngọt ở khu vực này có nguy cơ lớn trở thành trung tâm của những xung đột ngoại giao quan trọng nhất trong thế kỷ. Nhưng tới nay chưa có một cơ chế quốc tế toàn diện nào để giải quyết, hay thậm chí để các nước có trách nhiệm chấp nhận đối thoại với nhau về vấn đề cấp bách và nan giải này.

Khi đập Tàng Mộc được xây, những thúc bách từ dư luận Ấn Độ về một hiệp ước nguồn nước cho dòng Brahmaputra dấy lên. Nhưng đến nay nó vẫn chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng. Sự hợp tác đáng kể nhất giữa hai nước này là một thỏa thuận chia sẻ thông tin được ký từ những năm 2000, nhằm theo dõi tình hình lũ trên sông Brahmaputra.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua công ước về việc sử dụng nguồn nước quốc tế từ năm 1997 nhưng cho đến đầu năm 2016, công ước này mới chỉ có 16 chữ ký và không một quốc gia nào trong số đó đến từ vùng Himalaya.

Tích cực nhất trong việc giám sát nguồn nước châu Á hiện nay là các thể chế dân sự như NARBO - Mạng lưới các tổ chức sông ngòi châu Á, Diễn đàn nước châu Á - Thái Bình Dương hay Third Pole (Địa cực thứ 3) - một tổ chức được thành lập ở Ấn Độ và chỉ tập trung vào các vấn đề của cao nguyên Thanh - Tạng. Tuy nhiên, các nỗ lực đơn lẻ này vẫn chưa đủ để đòi hỏi sự minh bạch và hợp tác của những bên liên quan trong việc bảo vệ nguồn nước.

Với riêng dòng sông Mekong, Ủy hội sông Mekong đã được thành lập từ năm 1957. Nhưng đến nay, cơ quan liên chính phủ này vẫn chỉ có các thành viên đến từ Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Băng ở cao nguyên Thanh - Tạng vẫn đang tan nhanh. Nhiệt độ trung bình tại Nepal đã tăng 0,60C trong thập kỷ qua, trong khi nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới chỉ tăng 0,70C trong thế kỷ qua. Và vấn đề bảo vệ một nguồn nước bền vững với châu Á đang được đặt ra bức thiết hơn lúc nào hết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận