Ở nhà ba mẹ không ai hiểu, không ai nghe cháu nói...

LÊ NGỌC HẠNH 26/12/2016 22:12 GMT+7

TTCT - Xã hội ngày nay cứ vài hôm lại xảy ra chuyện những người trẻ tuổi hành xử xấu xí hay hành động hung hăng...

Tranh minh họa


Gia đình bạn tôi có hai con gái đang độ tuổi trưởng thành. Cô chị học năm 2 đại học, cô em học lớp 11. Chồng chị là một công chức nhà nước có địa vị xã hội.

Chị buôn bán tại nhà, nội trợ và đưa đón con. Năm ngoái, chị tìm đến tôi khóc kể về cô con gái nhỏ đang từ một học sinh khá giỏi, ngoan ngoãn bỗng trở nên ngang bướng, khó bảo, học hành sa sút.

Tôi bất ngờ về những điều chị kể, vì thi thoảng ghé nhà chị chơi tôi cũng hay chuyện trò và biết cháu. Chị bảo đã dùng đủ mọi cách từ khuyên răn nhỏ nhẹ, dỗ ngọt không được, chị tịch thu điện thoại, máy tính, con bé càng tỏ ra ngang ngược, cứng đầu!

Cứ vài hôm tôi lại nghe chị gọi điện khóc kể, toàn những chuyện mà chị cho là “động trời” mà con bé gây ra. Một lần đi họp ban giám hiệu về, chị tức giận, mắng rồi còn thẳng tay đuổi T. ra khỏi nhà.

Không ngờ chiều đó T. lẳng lặng bỏ đi thật. Cả nhà đêm đó cuống cuồng đổ đi tìm rồi “xuống nước” năn nỉ T. về...

Tôi tìm giúp chị một chuyên gia tư vấn tâm lý nổi tiếng, đặt lịch hẹn giờ tư vấn và đưa chị đến. Sau khi gặp chị, chuyên gia tâm lý đề nghị lần sau chị đưa con bé đến gặp.

Vị chuyên gia tâm lý gặp riêng chị sau một giờ chuyện trò với bé T., cho biết khi tiếp xúc vị này nhận thấy cháu T. rất ngoan, rất lễ phép. Cháu tâm sự rằng ở nhà ba mẹ không ai hiểu cháu, không ai nghe cháu nói.

Cháu rất thương ba, thương mẹ nhưng trong nhà không có ai để cháu có thể chuyện trò. Cháu kể từ khi lớn lên, điều in sâu trong tâm trí cháu về ba mẹ chính là hình ảnh một gia đình không hạnh phúc. Ba mẹ thường xuyên cãi nhau. Có lần ba đánh mẹ đổ máu phải đi bệnh viện.

Chị đến tìm tôi, nhờ tôi khuyên giải vấn đề của con bé, nhưng thật ra người cần khuyên giải chính là chị chứ không phải là con bé. Vị chuyên gia khuyên bạn tôi về sắp xếp lại chuyện gia đình.

“Sống chung một mái nhà, điều quan trọng là cha, mẹ và con cái phải thường xuyên chuyện trò, hỏi han và lắng nghe nhau để thấu hiểu, chia sẻ những buồn, vui, khó khăn trong cuộc sống” - bạn tôi nhắc lại lời chuyên gia.

Tôi ngẫm những lời tư vấn của vị chuyên gia và “quan sát” lại cuộc sống gia đình chị bạn, nhận thấy vấn đề rõ ràng ở đây chính là ở người lớn. Vợ chồng chị thật ra sống chung chỉ để “giữ hình ảnh” và chia trách nhiệm chuyện con cái, còn lại chuyện ai nấy làm. Hai con chị được chu cấp đầy đủ mọi thứ để phục vụ việc học từ xe máy, máy tính, đến điện thoại đắt tiền...

Những cuộc đối thoại trong gia đình chị diễn ra thường chỉ là những cuộc tranh cãi, xung đột giữa vợ với chồng hoặc giữa cha, mẹ với con cái. Chính vì thế những tâm tư, tình cảm của con không được cha mẹ quan tâm.

Không có ai để tâm sự, chuyện trò, giải tỏa những bức bối mà cứ phải chứng kiến những hình ảnh không vui của gia đình, dần dần đã khiến T. chán chường, học hành chểnh mảng đến thay đổi tâm tính.

Và như đại đa số người trẻ khác, T. chọn mạng xã hội như là một kênh để giải tỏa nỗi buồn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận