Phải làm sao khi người già say YouTube?

PHẠM PHONG 11/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Công nghệ có thể là trợ thủ tuyệt vời cho người già. Nhưng sẽ ra sao nếu thế giới của những thuật toán thao túng tâm trí ấy khiến cha mẹ ta thay đổi theo chiều hướng làm ta lo ngại? Việc đầu tiên là hãy giải thích cho các cụ nghe về sự thông minh của thuật toán.

 
 Ảnh: livemaster.ru

SẮC SẢO LÊN CŨNG LÀ MỘT VẤN ĐỀ

Trong cuộc gặp gỡ của các bậc trung niên, sau câu chuyện đầy hài lòng vì con cái đã yên ổn đi học xa hoặc đã lấy chồng lấy vợ là bắt đầu những lời than vãn về bố mẹ già, thường là do bố mẹ lẫn cẫn, lạc hậu, bố mẹ phụ thuộc mình hơn... Có người ngán ngẩm thấy cuộc đời như xoay vòng quanh cái trục con cái-bố mẹ-con cái, khi về già thì bố mẹ lại như một lứa con nhỏ khác. 

Cũng như với con mình, ai cũng muốn bố mẹ mình độc lập, minh mẫn, không quá cần đến mình. Và cũng như với con, nếu bố mẹ đang vững chãi hiền hòa như núi Thái Sơn với nước trong nguồn “bỗng nhiên” trở nên gay gắt, sắc bén, thậm chí dám... chống lại mình, thì sao?

Việc đó đôi khi cũng phiền lắm đấy, như một độc giả giấu tên đã hỏi The New York Times, rằng bố anh đã 80 hơn, gần như cả đời sống lặng lẽ, hiền hòa, chủ nhật đi lễ chăm chỉ, còn ngày ngày đọc kinh lần tràng hạt, luôn luôn tin vào lòng tử tế, tốt bụng. 

Từ hồi COVID-19 bùng nổ, ông cụ ít giao du bên ngoài, chỉ còn ngày ngày điện thoại cho con ở xa, thỉnh thoảng đi mua thực phẩm. Ông cụ góa vợ đã nhiều năm, bạn trung thành vẫn là iPad và YouTube, nay càng thêm khắng khít... 

Người con bỗng dưng nhận thấy bố mình ngày càng hay xem các kênh cực đoan, nói chuyện chính trị hung hăng hơn, kịch liệt chống vắc xin COVID-19. Câu chuyện qua điện thoại với ông cụ ngày càng khó nghe do bố con quan điểm ngược, cũng không giải thích được với cụ vì cụ rất hiếu thắng.

Người con băn khoăn hỏi bổn báo rằng anh nắm mật khẩu tài khoản YouTube của bố, và do biết quan điểm bố mình thay đổi là vì các thuật toán đề xuất nội dung nó dẫn dắt, nên anh hỏi: “Để bảo toàn mối quan hệ bố con, tôi đang nghĩ nên chăng vào tài khoản bố, xóa hết lịch sử xem của bố, và cài cắm những đường dẫn tới các trang thuần giải trí vui tươi với thể thao, làm vườn. Tôi cho rằng nếu thuật toán đã tẩy não bố thì tôi cũng có thể dùng thuật toán để đưa bố quay trở lại với con người cũ của bố, đặng ít nhất chúng tôi còn nói chuyện bình thường được với nhau. Nên chăng?”.

KẺ LÀM BẠN VỚI BỐ MẸ THAY TA

Những ai từng sống xa bố mẹ hẳn đều nhớ cái cảm giác biết ơn trào lên khi nghe có người thay mình chăm sóc bố mẹ mình. Internet (và cụ thể là YouTube) đã nhanh chân đóng vai trò như thế. 

Còn gì yên tâm hơn khi gọi điện về nghe bố mẹ hào hứng kể hôm nay xem được những gì trên mạng: một tiểu phẩm vui, một thông tin hữu ích, hoặc một bản tin mà ta nghe thì biết ngay là... tin vịt. 

Internet quả là một người thầy lại như một người bạn sinh động, muốn học thì nó dạy, muốn hư thì nó chiều; nó lại đón ý bằng các thuật toán đề xuất nội dung, khiến các cụ nếu mắt không mỏi thì có thể mê mệt cả ngày trên đó, ăn uống vớ vẩn gì cũng được.

... Câu hỏi của độc giả trên quả là một chiếc chìa khóa mở bung kho tạp hóa bình luận với các giải pháp rất đa dạng. Có vẻ như ai cũng thông cảm vì từng gặp thế. 

Người khuyên phải nhanh tay ngăn lại, can thiệp mạnh; cứ để thuật toán đưa đẩy rồi các cụ sẽ sa lầy, không biết phân biệt tin thật tin giả. Nếu YouTube đã dùng thuật toán để “dìu” cụ vào con đường nó muốn thì ta, với trách nhiệm của người con, phải “dìu” bố ra lại. 

Người lại can nếu đã làm con cần biết thương bố mẹ, hãy hiền hòa gần gũi các cụ hơn, nhất là vào lúc dịch giã này, rủ các cụ cùng xem với mình những điều tươi sáng rồi các cụ sẽ “vỡ” ra.

Ý kiến nào cũng có cái “phản ý kiến” đi kèm. Nếu như có người khuyên là cứ để cụ yên với thế giới của cụ, nghe cụ nói thôi chứ đừng tranh luận làm gì cho mất vui... thì lại có ngay người bảo phải tranh luận chứ, thế mới là coi bố mẹ còn sống; cứ tranh luận rồi cụ hiểu ra được tới đâu thì hiểu. 

Hay nếu như có người bảo hãy thẳng thừng đặt ra trước mặt ông cụ lựa chọn “sinh tử”: nếu còn nói những chuyện cực đoan tiêu cực thì thôi, bố con không cần dành thời gian cho nhau nữa... thì ngay lập tức có người vào can ngăn, làm gì có chuyện “con không dành thời gian cho bố nữa” chỉ vì trái ngược chính kiến, hãy tìm cách mà “nói phải” vì “nói phải củ cải cũng nghe”, nữa là bố.

 
 Ảnh: gograph.com

KẺ LỪA MỊ TRONG NHÀ

Dù giải pháp có là thế nào, ai cũng nhìn ra đây chính là sự loay hoay của con người trong trận đấu không cân sức giữa người với máy. Tuy các thuật toán là do con người nghĩ ra, nhưng giống như các bộ phim viễn tưởng với con quái vật bị sổng khỏi phòng thí nghiệm và tác oai tác quái mãi không bắt nhốt lại được, thuật toán cũng thế nhưng mềm dẻo hơn, len lỏi vào ngóc ngách mỗi cử động của ta trên bàn phím, làm ta bị nghiện máy, ta quấn lấy nó, trở thành xa lạ với người thân.

Chính vì thế, trong số các giải pháp đưa ra sau lời cầu cứu trên, giải pháp của một độc giả vốn là giảng viên điện toán có lẽ hợp lý và căn cơ nhất, do độc giả này nhìn rõ “thủ phạm”. Theo cô, ông cụ nên được nghe giải thích về cách vận hành của thuật toán, rằng nó đã làm gì để cụ cứ càng ngày càng xem mê mải, cuốn hút về một loại nội dung, một luồng quan điểm; và cho rằng nó thu được gì từ việc xem mê mải một chiều đó của cụ...

Trong một bài viết, Paige Cooper cho biết thuật toán (chứ không phải ý chí ta) quyết định đến 70% thời gian những gì người ta đang xem trên YouTube. Một khảo sát cho thấy có đến 81% người xem YouTube ở Mỹ nói họ thường xuyên xem các video do thuật toán này đề nghị. Có nghĩa là thuật toán tạo ra một sức hấp dẫn rất lớn, người ta trong vô thức buông tay để nó quyết định hộ món ăn tinh thần cho mình.

YouTube ra đời vào năm 2005. Theo Paiger Cooper, ngày nay cứ mỗi phút lại có 500 giờ video (chứ không phải 500 video nhé) được tải lên YouTube. Ai cũng có thể làm các video và đưa lên đó, từ những bài học và chia sẻ thú vị, tới những clip đánh ghen và hài rẻ tiền. Theo YouTube, thuật toán của họ là một “vòng lặp phản hồi” ngay tức thì, “đo ni đóng giày” được luôn video nào trong hàng tỉ video của họ sẽ thích hợp với sở thích của người đang xem kia. Người ta chỉ cần gõ lệnh đặt nội dung cần xem, danh sách các video đề xuất đã lù lù hiện ra ngay bên cạnh. Giữa một đại dương bát ngát và bát nháo ấy, tài tình thay thuật toán của YouTube vẫn tìm ra được các cọc hợp ý trâu. Tài tình nữa, hai người khác nhau gõ cùng một lệnh tìm kiếm, thí dụ “cây ăn thịt” thì danh sách đề nghị sẽ không giống hệt nhau, đó là do thuật toán đã biết người gõ lệnh là ai, cùng một cây ăn thịt nhưng mỗi người sẽ muốn tìm hiểu ở những góc độ hơi khác.

Theo Paiger Cooper, thuật toán YouTube không chỉ tìm video thích hợp mà còn giữ cho người dùng miên man không rời được mắt; nên trong lúc người dùng xem video, thuật toán quan sát người dùng như xem một video khác, chăm chú theo dõi và phân tích nhất cử nhất động của người dùng, cùng lúc đối chiếu với lịch sử xem trong quá khứ của người này: đã từng xem gì, xem cái gì được lâu, từng bình luận gì, “like” và “dislike” những video loại gì... để lọc luôn được một thực đơn tiếp theo cho đôi mắt là kẻ luôn đói khát.

Ai xem YouTuber nhiều hẳn cũng để ý, thực đơn gợi ý là những video cùng chủ đề hay na ná, luôn xen kẽ với những chủ đề hợp thời, mới mẻ khác để tránh nhàm chán và giữ cho người dùng được “thức thời”. Thực đơn ấy hấp dẫn vì đa dạng và “như” ngẫu nhiên mà vẫn không chệch khỏi khẩu vị gốc, và thế là người dùng có được cảm giác an toàn, cứ thế mê man khám phá, bước theo lộ trình đã vạch sẵn mà cứ tưởng do mình tự vạch ra.

Không ai phủ nhận được vai trò của “mạng” đối với người già. Nó giúp các cụ thấy thời giờ trôi nhanh, thấy mình bớt lạc hậu và tự tin miễn phí nghênh ngang bước vào một chốn lâu nay tưởng chỉ có con mình mới vào được. Các cụ là những “đứa trẻ” khám phá ra một thế giới hấp dẫn, phong phú; sau khi từ đó ra, các cuộc điện thoại với con cái ở xa cũng có thêm điều để nói (và thậm chí nó có ít gọi về cũng không sao). Các cụ rõ là có thay đổi, nhưng tâm lý con người rất lạ: ai cũng muốn bản thân mình là người dám thay đổi và biết thay đổi, cập nhật “san sát” với thời đại, nhưng lại không muốn người xung quanh mình thay đổi nhiều, đặc biệt là con mình, bố mẹ mình. Người xung quanh là “môi trường sống” bình ổn của ta. Con hãy cứ non nớt thế, bố mẹ hãy cứ hiền hòa thế để cuộc sống ta không bị đảo lộn.

LUÔN LUÔN LÀ CHUYỆN MỨC ĐỘ

Ta hãy tưởng tượng một người già được con mình ôn tồn giải thích cho nghe về sự thông minh của thuật toán. Cho dù cái thuật toán ấy có khéo nịnh người tới đâu, sau khi được hiểu rõ cũng không cụ nào muốn mình bị “xỏ mũi” nữa, muốn vùng lên lấy lại sự độc lập cho mình.

Nhưng thuật toán ấy có gì sai không? Chẳng có gì sai, vì quyền từ chối vẫn nằm trong tay người dùng, ngang với quyền chủ động gõ một dòng lệnh khác, chỉ xem những thứ cần xem. Việc các cụ xem nhiều rồi sa đà vào quan điểm tiêu cực, tin theo tin vịt cũng một phần do các cụ và con cụ.  

Các cụ “đói” thông tin, thích nghe ngóng xã hội bên ngoài, lại ít được con cái nói chuyện cùng đến nơi đến chốn. Một lần xem ngấu nghiến các nội dung kiểu ấy là một lần được thuật toán của YouTube ghi nhớ, và kẻ lanh lợi chu đáo ấy cứ thế mà mang những món tương tự dâng các cụ.

Vì thế, nếu có một bố mẹ đã tin vào YouTube hơn là thực tế của cuộc sống, việc đầu tiên là hãy giải thích cho các cụ nghe về sự thông minh của thuật toán. Kế là hãy rủ các cụ chơi trò “lẩn thuật toán”, không dễ dãi ăn những món dọn sẵn của nó nữa, khám phá những nội dung mới, quan điểm mới, quyết không để thuật toán nào “tẩy não” mình.

Và quan trọng nhất, bố mẹ già tin nhất vào con mình. Nếu bạn là người tích cực, trọng sự thực và “chịu khó” truyền những thứ đó cho bố mẹ thì bố mẹ cũng sẽ như thế. Còn nếu bạn bận lắm và ngại lắm chuyện rủ rỉ với người già? Thì hãy để cho YouTube bầu bạn suốt ngày cùng bố mẹ, kết quả ra sao chớ có đem ra làm món “tráng miệng” đãi bạn bè.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận