Càng già thì càng đằm thắm

TTCT - Các kỹ năng của ta thường dần cải thiện theo tuổi tác và kinh nghiệm, nhưng khi đã đủ độ trưởng thành, có thể ta có cảm giác tới ngưỡng không còn cải thiện được nữa, tất cả bắt đầu tụt dốc. Mỗi năm trôi qua, ta lại lẩm cẩm thêm đôi chút, phản xạ chậm chạp thêm chút và kém sinh động thêm chút. Trừ, chí ít, một ngoại lệ quan trọng: trong địa phận cảm xúc, càng lớn tuổi chúng ta càng xịn xò hơn.

 
 “Ông già và con bướm” của Elizabeth Samuel

Suốt 20 năm, GS Susan Turk Charles, một nhà tâm lý tại ĐH California, Irvine, tiến hành các nghiên cứu về sự thay đổi tâm trạng, cảm giác thỏa mãn, những lúc trầm ngâm tư lự cũng như những cơn tức giận bộc phát, nỗi buồn bã và tuyệt vọng thuộc mọi lứa tuổi - với sự chú ý đặc biệt đến cách kinh qua và ứng xử với cảm xúc khi chúng ta già đi. Bà phát hiện rằng nhìn chung, người lớn tuổi có ít mối quan hệ hơn, nhưng lại cảm thấy viên mãn và có sức khỏe cảm xúc cao hơn.

Đâu là bí mật đứng sau vẻ điềm đạm đầy thâm trầm kia? Làm sao ta đảm bảo có thể mang lợi ích đó tới nhiều người nhất? Và bí mật này có thể mang lại bài học gì cho người trẻ? Hồi năm 2010, Charles và nhà tâm lý Laura Carstensen, ĐH Stanford, đồng chấp bút một bài viết trên tạp chí Annual Review of Psychology về quá trình lão hóa trong giao tiếp và cảm xúc. Đâu là những điều rút ra từ nghiên cứu từ đó tới nay?

Điều gì thôi thúc chị nghiên cứu chuyên biệt về cảm xúc của người cao tuổi?

- Khi học cao học, hồi đầu thập niên 90, tôi hết sức hứng thú với tâm lý học phát triển. Các tư liệu khoa học lúc đó cho rằng tính cách và cảm xúc của chúng ta phát triển toàn diện ở tuổi 18. Khi biết nhận định này, tôi tự nhủ, “Chà, vậy 50 năm tiếp theo, chúng ta chẳng khá khẩm hơn tí nào sao? Chỉ có vậy thôi sao?”. Rồi tôi theo học một lớp của GS Laura Carstensen ở ĐH Stanford, bà là người đầu tiên cho rằng sau 18 tuổi chúng ta vẫn tiếp tục phát triển. Bà đang tìm hiểu rằng, không như sức khỏe thể chất hay tầm nhận thức vốn chậm đi hoặc suy giảm, sự điều tiết cảm xúc và kinh nghiệm sống vẫn tốt, thậm chí còn tốt hơn, khi chúng ta già đi.

Ta giải thích làm sao cho việc bộ não càng về sau sẽ càng xử lý cảm xúc tốt hơn?

- Một số nhà thần kinh học cho rằng theo tuổi tác chúng ta xử lý thông tin chậm đi đôi chút, điều này khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn trước khi hành động, thay vì hấp tấp phản ứng trước chuyện xảy ra. Chúng ta thật sự nhìn thấy khối lượng thùy trán của não, phần đảm nhiệm điều tiết cảm xúc, tư duy đa phức và vận tốc xử lý giảm đi. Nhưng các nhà nghiên cứu khác như Mara Mather tại ĐH Nam California phát hiện ra rằng vùng vỏ não trước trán ở người già hoạt động mạnh mẽ hơn ở người trẻ khi xử lý cảm xúc.

Rất nhiều công trình nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng người lớn tuổi còn có một thiên kiến tích cực, mà chính họ còn không nhận ra thiên kiến này. Trạng thái mặc định trong não họ là, như ta vẫn hay nói: “Chuyện nhỏ bỏ qua”. Chúng tôi phát hiện người cao tuổi thường cho qua một tình huống cho là tiêu cực, đặc biệt với gia đình và bạn bè. Vậy nên chúng ta cho rằng người cao tuổi giỏi hơn trong khoản... “chọn trận mà cương”, gây sự có... chọn lọc.

Có hay không một độ tuổi chúng ta đạt được sự viên mãn về cảm xúc?

- Còn tùy thuộc chúng ta chọn những khía cạnh nào để xem xét, những khung thời gian chúng tôi nhận thấy cực đại tích cực và cực tiểu tiêu cực về cảm xúc là từ 55 - 70 tuổi. Chúng ta còn có thước đo “mức độ viên mãn về cuộc sống” trong đó xét tới cả buồn, vui và tự đánh giá của bản thân về cuộc sống hiện tại. Vì thế, chúng ta thường hay nhìn thấy các chỉ số thấp ở độ tuổi trung niên, thấp nhất ở những người bước vào đầu ngũ tuần, sau đó tăng trở lại. Thế nên, ta vừa thấy một lần nữa, càng cao tuổi mức viên mãn càng cao. Tới sau tuổi 75, các cảm xúc tiêu cực bắt đầu gia tăng trở lại.

Nhưng cả những người bách niên, hơn 100 tuổi, cũng nhận thấy sức khỏe cảm xúc của họ nhìn chung vẫn cao đều. Tôi đồ rằng ở mốc này, một số người bắt đầu tự hỏi phải chăng những người có thái độ sống tích cực, hoặc ít đối diện với nghịch cảnh, mới sống lâu hơn hay không.

Quả thật những người có các mối quan hệ viên mãn và cảm xúc tích cực sống lâu hơn. Các nhà nghiên cứu đã tìm được lời giải thích, họ phát hiện rằng sự khỏe mạnh về tâm lý luôn gắn với mức thấp của hormone căng thẳng cortisol trong cơ thể và sức khỏe tim mạch ổn định hơn. Do đó sự điều tiết cảm xúc cải thiện theo tuổi tác: Có 40% ổn định không thay đổi, 40% tăng và 20% giảm, nên trung bình vẫn cải thiện theo tuổi tác.

Ta giải thích thế nào ở các trường hợp cảm xúc không cải thiện?

- Hầu hết những người có mặt trong các nghiên cứu vừa nêu đều được các nhà nghiên cứu xác định thuộc nhóm “chuẩn”- những người xuất thân ở xã hội Tây phương, có ăn học, có của cải và dân chủ - đại diện cho nền văn hóa da trắng, chủ lưu trên toàn thế giới. Hồ sơ nhân khẩu trên cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều người có sự an toàn về tài chính, có lương hưu, có các hệ thống phúc lợi xã hội xung quanh, từng có công ăn việc làm, theo học các bậc học cao. So với những người trẻ tuổi hơn thuộc cùng địa vị kinh tế xã hội, người cao tuổi rõ ràng xán lạn hơn. Nhưng nếu người cao tuổi sống trong các hoàn cảnh không lấy làm khả quan, không an cư, đối mặt thường trực với căng thẳng, hay luôn đau đớn về thể xác, hẳn ta sẽ không nhìn thấy các lợi ích kia.

 
 Ảnh: livemaster.ru

Kết quả nghiên cứu của chị chắc hẳn sẽ khuyến khích nhiều người chọn cho mình một thái độ sống tích cực hơn. Đồng thời, nếu là một người đang già đi và vẫn chưa thấy hạnh phúc, đọc nghiên cứu này có thể khiến họ thấy không thoải mái.

- Với những người kém hạnh phúc, quan trọng là nhìn vào cách chúng ta phân bổ cuộc sống để từ đó có thể cảm thấy trọn vẹn hơn. Tôi nghĩ với ai tôi cũng sẽ khuyên: Khi tạo cho mình một danh sách các hành vi phục vụ cho sức khỏe, ngủ đủ, thể dục thể thao đủ và ăn uống đủ là các yếu tố quan trọng mà hầu hết đều sẽ đồng tình phải có, thế nhưng các mối quan hệ giao tiếp so với lượng cholesterol trong cơ thể cũng chẳng hề kém phần quan trọng, lại thường bị quên mất. Bảo đảm chúng ta có đủ thời gian để vun xới các mối liên hệ trong cuộc sống, trân trọng và ưu tiên bạn thân và các thành viên trong gia đình, dù ở vào độ tuổi nào đi nữa. Tìm ra mục đích và ý nghĩa cuộc sống cũng hết sức quan trọng. Dẫu mỗi người mỗi khác, việc tìm ra cho mình một ý nghĩa đặc biệt và đeo đuổi có thể mang lại rất nhiều tích cực về cảm xúc.

Liệu điều này cũng ngụ ý rằng chúng ta cũng đứng trước rủi ro trở nên quá dễ dãi về cảm xúc?

- Đương nhiên rồi. Ta có thể cảm thấy thoải mái tới mức không còn đối diện trước bất kỳ khó khăn thử thách nào, và ta thật sự cần đối diện với các thử thách về năng lực nhận thức. Trong một nghiên cứu vừa công bố, chúng tôi theo dõi các đối tượng trong vòng 8 ngày. Mỗi đêm, chúng tôi tiến hành phỏng vấn họ và hỏi về những điều gây cho họ căng thẳng. Họ có cãi nhau không? Có tình huống nào họ đã có thể tranh luận, nhưng quyết định rút lại? Có xảy ra chuyện gì ở nhà hay ở nơi làm việc hay không?

Chúng tôi khảo sát hơn 2.500 người về những tác nhân gây ra căng thẳng tương đối mà họ trải qua, chẳng hạn một vấn đề nào đó xảy ra trong công việc hay một cuộc tranh cãi, hằng đêm trong suốt 8 ngày. Khoảng 10% cho biết họ không trải qua bất kỳ căng thẳng nào. Họ cũng báo họ hạnh phúc hơn những đối tượng có ít nhất một tác nhân. Nhưng chúng tôi cũng phát hiện ra rằng những người hạnh phúc có kết quả kiểm tra nhận thức thấp hơn so với những đối tượng có ít nhất một tác nhân. Họ cũng ít nhận về giúp đỡ, cũng ít cho đi, và bỏ ra nhiều thời gian để xem tivi hơn.

20 năm trước, chúng tôi cho rằng một khi có các mối quan hệ tích cực và một lối sống nhất định, ta có thể có được chức năng cảm xúc và nhận thức cao nhất, có sức khỏe thể chất tốt nhất, và cuộc sống hoàn hảo. Hóa ra mọi thứ phức tạp hơn thế. Những người cho biết họ hạnh phúc nhất lại không có chức năng nhận thức cao nhất.

Có lẽ điều này xảy ra vì những người không gặp các yếu tố gây căng thẳng bỏ ra ít thời gian với người khác hơn. Những người ta biết và yêu thương cũng lắm khi gây ra căng thẳng cho chúng ta. Nhưng chính những người này cũng thách thức và cùng chúng ta giải quyết vấn đề. Có khi đó còn là một trao đổi, được này mất khác. Giống như: “Tôi muốn xung phong một công việc vì nó trao cho tôi ý nghĩa về cảm xúc, tôi có rất nhiều mục đích trong cuộc sống, nhưng rồi cũng sẽ gặp phải những người khiến tôi thấy phiền lòng”.

Vậy chúng ta có nên tìm kiếm một nét cân bằng nào đó chăng? Để có sự cân bằng này, chị gợi ý thế nào?

- Lẽ đương nhiên chúng ta nên cố gắng có được sự cân bằng, nhưng không ai giống ai cả. Chẳng hạn, chúng ta đều biết những người hưởng lợi từ các gắn bó chặt chẽ, nhưng mỗi người có số bạn thân và thời gian san sẻ khác nhau. Chúng ta biết rằng mọi người cần duy trì hoạt động thể chất, nhưng một số thích bơi, số khác lại thích đi bộ. Chúng ta biết các hoạt động lý thú với nhóm này lại chán ngắt với nhóm khác.

Để đạt tới cân bằng, ta cần hiểu rõ về bản thân, và đưa ra các quyết định mang lại cuộc sống năng động, đa dạng vừa luôn giao tiếp lại vừa kết nối theo một cách có thể khiến ta cảm thấy mình thuộc về đâu đó và người khác vẫn cần tới chúng ta. Ta cần các sinh hoạt luôn tạo thách thức, để từ đó học được những điều mới mẻ và ghi nhớ những gì nhận được: những sinh hoạt này hoàn toàn có thể là học chơi một nhạc cụ, tìm hiểu sơ đồ thiết kế một công viên mới ra mắt, thậm chí là một thế giới song song trong một trò chơi điện tử. Ta cần tham gia các sinh hoạt thể chất để duy trì và thúc đẩy sức khỏe thể chất lẫn năng suất sinh hoạt.

Ta cần suy nghĩ nhiều về cuộc sống hằng ngày, cách chúng ta sống sao cho có thể tham gia các hành vi tối ưu hóa sức khỏe thể chất, năng lực nhận thức lẫn sức khỏe cảm xúc.

Có hay không một cách người trẻ bấm nút tua nhanh để đạt được một số ích lợi cảm xúc mà chúng ta nhận được ở tuổi già, hay họ chỉ cần kiên nhẫn hơn?

- Mười năm qua, người ta không ngừng nói về tỉnh thức (mindfulness) như một phương thức điều hòa cảm xúc. Thú vị đấy chứ, bởi tỉnh thức đưa chúng ra rời khỏi việc tập trung vào tương lai, đồng thời nhắc nhở rằng hiện tại ngay trước mắt mới là quan trọng nhất. Tôi nghĩ rằng đấy là những điều mà người lớn tuổi hơn vẫn thường làm, còn người trẻ lại cần được nhắc nhở thường xuyên hơn. Thu xếp có được một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó vào dịp cuối tuần, mà tự nhủ: “Ngay bây giờ, tất cả mọi việc đều ổn thỏa, chúng ta hãy khoan khoái cho hôm nay nào”. Nếu người trẻ học được điều này từ các bậc cao tuổi thì tuyệt vời lắm.■

Du Lê (lược dịch)

“Thuyết chọn lọc cảm xúc giao tiếp” của GS Laura Carstensen phân tích cách mọi người chúng ta đều nhận thức được chỗ thời gian còn lại trong đời. Người trẻ còn khỏe mạnh và muốn có một cuộc đời rộng dài phía trước sẽ ra sức lao động, họ trân trọng việc thu thập thông tin và hoạch định cho tương lai. Già đi, ta thấy rằng thời gian càng lúc càng vơi đi, và người ta bắt đầu đánh giá cao hơn các mục tiêu về cảm xúc. Người cao tuổi cũng chọn dùng thời gian cho gia đình và bạn bè hơn là gặp gỡ những người hoàn toàn xa, dẫu họ có thể vẫn lý thú.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận