Phòng trị liệu tâm lý cho các quốc gia

DANH ĐỨC 12/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Khóa họp khoáng đại hằng năm của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là dịp để mỗi quốc gia, dù lớn nhỏ, nói ra với toàn thế giới những vấn đề của mình, nhiều khi là với các láng giềng hay với các nước lớn. Năm nay cũng thế, một số ân oán đã được phơi bày...

Liên Hiệp Quốc, tranh của Norman Rockwell. Ảnh: Norman Rockwell Museum
Liên Hiệp Quốc, tranh của Norman Rockwell. Ảnh: Norman Rockwell Museum

 

Trong danh sách các nhân vật đăng đàn sáng mở màn, thứ ba 25-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xếp thứ sáu, ngay sau Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Bất ngờ, ông Erdogan bước ra khỏi phòng họp ngay sau khi ông Trump bắt đầu phát biểu. Ông Erdogan tẩy chay ông Trump đọc diễn văn chăng? Tờ Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) giải thích rằng chẳng qua ông Erdogan ra ngoài để chuẩn bị bài diễn văn sẽ đọc ngay sau đó.

Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ

Câu chuyện bên lề trên gây ồn ào đôi chút, chẳng qua do hai ông đang hục hặc sau khi ông Trump “trừng phạt” việc ông Erdogan không chịu thả một mục sư người Mỹ, chớ thực ra không hẳn hai ông đã đến mức “không nhìn mặt nhau”. Bằng cớ là hai ông cũng gặp nhau tay bắt mặt mừng trong trụ sở Liên Hiệp Quốc ngay trước phiên họp sáng hôm đó.

Nếu như ông Trump không một lần nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ trong diễn văn của mình thì ông Erdogan, dù không nêu đích danh, đã có nói đến Hoa Kỳ. Có thể xem thái độ của ông Erdogan như là tiêu biểu với một nước, tuy cũng đã là “lớn lớn” song chưa phải “lớn lắm”, dẫu nhất định không phải là một nước hèn. Ông nhấn mạnh: “Thế giới thì lớn hơn năm nước” và rằng “Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã trở thành một cấu trúc phục vụ lợi ích của năm thành viên có quyền phủ quyết, đồng thời Hội đồng Bảo an cũng dửng dưng trước những áp bức”.

Ai áp bức ai và được ai hỗ trợ? Ông Erdogan trả lời: “Những người không quan tâm đến việc đàn áp người Palestine đã khuyến khích những kẻ áp bức bằng cách giảm viện trợ của họ”. Ông cũng gián tiếp cảnh báo Hoa Kỳ về tổ chức khủng bố và ly khai PKK của người Kurd: “Những ai đã gửi vũ khí cho những kẻ khủng bố trên hàng chục ngàn xe tải và hàng ngàn máy bay chở hàng vì lợi ích chiến thuật sẽ lãnh đủ hậu quả trong tương lai”.

Đến đây, ông trưng ra một chi tiết cáo buộc Hoa Kỳ vô hình trung tài trợ âm mưu lật đổ ông: “Số tiền mà FETO (tổ chức của giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen, người bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ đảo chính nhắm vào ông Erdogan vào tháng 7-2016) nhận được từ ngân sách nhà nước hằng năm thông qua các trường bán công ở 27 bang của Hoa Kỳ là 763 triệu USD” và rằng: “Ông chủ của FETO hiện đang ở Hoa Kỳ, bang Pennsylvania. Ông ta sống trong một bất động sản rộng 40ha và từ đó xuất khẩu khủng bố đến 160 quốc gia trên thế giới”.

Kết thúc bài diễn văn, ông Erdogan không quên nhấn mạnh cần phải cùng nhau ngăn chặn sự gây rối trật tự thương mại thế giới bởi những quyết định đơn phương - lại một ám chỉ khác nữa nhắm đến ông Trump - người đang trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ - Iran - Israel

Về phần mình, ông Trump tập trung tố cáo Iran, “đại thù” của ông: “Mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria đều phải bao gồm một sách lược giải quyết chế độ tàn bạo đã thúc đẩy và tài trợ nó: chế độ độc tài tham nhũng ở Iran”. Những tố cáo đó để biện minh cho quyết định chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran: “Thỏa thuận Iran là một cơ hội béo bở cho các nhà lãnh đạo Iran. Kể từ sau thỏa thuận, ngân sách quân sự của Iran đã tăng gần 40%.

Chế độ độc tài này tạo ra và sử dụng quỹ đen để sản xuất tên lửa hạt nhân, tăng cường đàn áp nội bộ, tài trợ khủng bố và thảm sát ở Syria và Yemen. Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch gây sức ép kinh tế nhằm ngăn chặn việc huy động tiền để thúc đẩy nghị trình đẫm máu của Iran. Các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ tiếp tục vào ngày 5-11”.

Thay lời kết, ông Trump quả quyết: “Chúng tôi không thể cho phép kẻ tài trợ hàng đầu cho chủ nghĩa khủng bố thế giới sở hữu vũ khí nguy hiểm nhất hành tinh!”.

Tất nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đâu bay đến New York để ngồi yên đưa đầu ra “chịu báng”. Ông đáp trả: “Thế giới đang phải chịu đựng việc một số quốc gia không đếm xỉa và không quan tâm đến các giá trị cùng các định chế quốc tế... Thật không may là chúng ta đang chứng kiến việc một số người cai trị trên thế giới nghĩ rằng họ có thể đảm bảo lợi ích của họ tốt hơn - hoặc ít nhất cũng là trong ngắn hạn đảm bảo được thiện cảm và sự ủng hộ của công chúng bằng cách nhen nhúm chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phân biệt chủng tộc giống như Đức Quốc xã, bằng cách chà đạp các quy tắc toàn cầu và phá hoại các thể chế quốc tế”.

Chuyện của Iran liên quan “sinh tử” tới chuyện của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết liệt tố cáo Iran. Ông nhắc lại rằng ba năm trước, Israel một thân một mình chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran do biết trước thỏa thuận đó đe dọa sự sống còn của Israel.

Theo ông Netanyahu, Iran dối trá và vẫn phát triển vũ khí hạt nhân, bằng cớ là tháng 2-2018 Israel đã đột kích một cơ sở dữ liệu hạt nhân của Iran, thu được hơn 100.000 tài liệu. Đến tháng 5, ông Netanyahu đã chia sẻ một số thông tin đó cho nhóm P5+1 và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), song IAEA không phản ứng, không đòi thanh tra.

Bởi vậy hôm nay đây, ông bật mí với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về một nhà kho bí mật chứa thiết bị và vật liệu hạt nhân của Iran “ngay ở thủ đô Tehran, trên phố Maher... Các quốc gia có khả năng vệ tinh có thể nhận thấy một số hoạt động gia tăng trên phố Maher trong những ngày và tuần lễ tới. Những người mà quý vị sẽ thấy năng lui tới ở đó là các viên chức Iran đang cố gắng hoàn thành công việc dọn dẹp cơ sở sau cuộc đột kích của chúng tôi. Mới tháng rồi, họ đã đem đi 15kg chất phóng xạ... và phân tán khắp Tehran để che đậy bằng chứng. Người dân có nguy cơ tuyệt chủng của Tehran có thể tìm ra được điều họ muốn biết với một máy đo độ phóng xạ bán trên Amazon giá chỉ 29,99 USD”.

Nga và Latvia

Tất nhiên, chạm vào Iran hay Syria chẳng khác nào chạm vào Nga, cũng như chạm vào Israel chẳng khác nào chạm vào Mỹ! Chẳng lấy làm lạ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đáp trả hôm 28-9 nảy lửa không kém: “Lịch sử đã chẳng dạy được bất kỳ bài học nào. Các nỗ lực thông qua các bản án mà không có xét xử hoặc điều tra cứ tiếp tục không suy giảm.

Một số đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi, những người muốn đổ lỗi dựa vào các khẳng định khơi khơi “rất có khả năng là” khét tiếng... Đã bao nhiêu lần những giả định sai được sử dụng để biện minh cho can thiệp và chiến tranh, như ở Nam Tư năm 1999, Iraq 2003 và Libya 2011. Bây giờ, các phương pháp tương tự đang được sử dụng chống lại Syria. Hôm 14-4, Syria đã bị tấn công bằng tên lửa với một lý do giả mạo hoàn toàn...

Ở đây, bên trong Liên Hiệp Quốc vốn được xây dựng trên các bài học của Thế chiến II, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ phải suy nghĩ về tương lai và đừng lặp lại những sai lầm quá khứ. Năm nay là kỷ niệm 80 năm vụ âm mưu Munich vốn đã giúp đệ tam đế chế Đức đăng quang và là một ví dụ đáng buồn về các hậu quả thảm khốc của tính ích kỷ quốc gia, bỏ qua luật pháp quốc tế và tìm kiếm giải pháp trên lưng người khác”.

“Âm mưu Munich” là thỏa thuận năm 1938 giữa Hitler, Mussolini và hai siêu cường thế giới lúc đó là Anh và Pháp chấp nhận cho Đức sáp nhập vùng lãnh thổ Tiệp Khắc có nhiều người nói tiếng Đức, khiến nước cộng hòa này không thể chống lại bất kỳ cuộc xâm lược nào của Đức trong tương lai nữa.

Nhưng nếu ngày 28-9 ông Lavrov chê thiên hạ không thuộc lịch sử, thì qua hôm sau 29-9 lại có người tố chính nước Nga của ông mới đang quên quá khứ. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cũng giở lại lịch sử và cũng mang Đức Quốc xã ra so sánh: “Năm nay Latvia kỷ niệm 100 năm lập quốc (Latvia lập quốc năm 1918, trở thành một phần của Liên bang Xô viết sau Thế chiến II và lại độc lập vào năm 1991). Một thay đổi lớn xảy ra cách đây 100 năm.

Việc Thế chiến I kết thúc cùng sự sụp đổ của các đế chế đã dẫn đến việc giải phóng các dân tộc và sự xét lại cơ bản bản đồ chính trị châu Âu. Một châu Âu mới ra đời. Hòa đàm Paris dẫn đến việc thành lập Hội Quốc Liên. Đây là tổ chức quốc tế đầu tiên mà sứ mệnh chủ yếu là duy trì hòa bình toàn cầu qua việc thực thi luật lệ và chủ nghĩa đa phương.

Latvia đã gia nhập Hội Quốc Liên, khẳng định mạnh mẽ quy chế thành viên trọn vẹn của mình trong đại gia đình quốc tế. Tuy nhiên, sự yếu đuối của Hội Quốc Liên là một trong những lý do chính dẫn đến việc Latvia mất độc lập trong thời gian dài. Lịch sử về sự chiếm đóng Latvia và cả một phần châu Âu của Đức Quốc xã với Liên Xô là lời nhắc nhở đau đớn về những gì xảy ra, khi việc vi phạm luật pháp quốc tế được dung thứ.

Chúng ta đều biết rõ hậu quả của việc cho phép các nước làm càn mà không bị trừng trị”. Tất nhiên, ông Rinkevics không giở lại lịch sử chỉ để khoe vốn hiểu biết: “Liên bang Nga, thừa kế chính thức của Liên Xô, vẫn chưa chịu thừa nhận lịch sử cụ thể này. Tôi kêu gọi Liên bang Nga thừa nhận sự thật rõ ràng này”.

Cứ thế, như một phiên tư vấn tâm lý, các nước nói ra những gì “chất chứa” trong lòng ở Đại hội đồng. Còn nói ra được, tức còn hi vọng nhờ vào tính năng động của tập thể để giúp nhau hóa giải vấn đề; còn ‘tịnh khẩu” chẳng khác gì con đà điểu rúc đầu xuống cát! ■

Mỗi bài phát biểu ở Đại hội đồng, thường do nguyên thủ quốc gia thực hiện, được phân bổ 15 phút, nhưng diễn giả có thể nói dài hơn. Bài nói dài nhất trong lịch sử Đại hội đồng là của nhà lãnh đạo Cuba nay đã quá cố Fidel Castro, hơn 4 tiếng đồng hồ. Năm 2006, tổng thống Venezuela Hugo Chavez (qua đời năm 2013) gọi tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush là “quỷ dữ” và nói bục phát biểu “vẫn còn mùi lưu huỳnh” sau bài nói chuyện của ông Bush hôm trước. Năm 2009, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi (bị lật đổ và bị hành quyết năm 2011) nói hơn một tiếng rưỡi từ một bài viết sẵn, chỉ trích gay gắt Hội đồng Bảo an.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận