TTCT - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách là đại biểu Quốc hội của TP.HCM, từng phát biểu rất hình tượng, đại ý: Nền sản xuất như một cái lò xo - nén quá lâu rồi đã đến lúc cần mạnh mẽ bung lên. Vấn đề là làm sao để điều đó xảy ra. Chi phí chống dịch từ đầu năm 2021 đến nay, theo thông tin của Chính phủ đầu tháng 10, là hơn 30.000 tỉ đồng. Để biết con số này lớn hay nhỏ đối với ngân sách nhà nước, thì nó rơi vào khoảng 2% ngân sách thu và thấp hơn một chút so với ngân sách thu từ bán dầu thô năm 2020 của quốc gia. Gần gũi hơn, nó tương đương 30 ngày tiền thuế của TP.HCM hay xấp xỉ số tiền thu được một năm của ngành xổ số. Ảnh: politico.eu Trong khi ngân sách nhà nước dự phòng chưa đến 18.000 tỉ đồng, tức cần phải có thêm 12.000 tỉ đồng từ các nguồn khác bù vào ngân sách chống dịch. Đấy là lý do mà ông bộ trưởng Bộ Tài chính trong tháng 9 ra một thông báo mà sau đó phải đính chính trên truyền thông là ngân sách thiếu tiền nhưng không phải Nhà nước thiếu tiền. Ngân sách sẽ khó khănTiền Nhà nước không thiếu nhưng đồng nào mua gạo, đồng nào mua dầu thì không được lấn vào nhau, trừ phi tiền đấy huy động được từ tiết kiệm các khoản chi thường xuyên như công chức không đi công tác nước ngoài, giảm tiền xăng xe do quy định giãn cách... hay huy động từ nhân dân như từng làm với quỹ vắc xin.Bảng cân đối ngân sách quốc gia năm 2021 sẽ ở trạng thái bội chi ngân sách nhiều hơn mọi năm do khoản chi cho chống dịch trội lên, trong khi nguồn thu từ thuế nhiều khả năng sẽ giảm. Tỉ lệ bội chi ngân sách năm 2020 là vào khoảng 3,4% GDP, cao hơn mức tiêu chuẩn mà các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị (3%), năm nay tỉ lệ này sẽ cao hơn. Những con số này phần nào cho chúng ta biết tình trạng túi tiền của Nhà nước.Lý thuyết phát triển chung của các quốc gia hậu đỉnh dịch là sau khi qua giai đoạn hỗ trợ, cứu trợ, Nhà nước sẽ tiến hành các biện pháp phục hồi nền kinh tế, rồi các gói giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua các động lực mới.Ở giai đoạn phục hồi, vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương là mở cửa hợp lý và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công cụ tài chính, cụ thể là thuế, các biện pháp hỗ trợ người lao động và ưu đãi tín dụng. Nghĩa là Nhà nước phải vừa tăng chi trong điều kiện đang thiếu nguồn thu.Doanh nghiệp cần những điều thiết thựcDoanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động trông mong gì nhất từ các giải pháp của Nhà nước trong giai đoạn phục hồi?Cái họ mong nhất là những gì thiết thực, ví dụ như tiền chi trả của bảo hiểm thất nghiệp, cho đến giờ nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được. Lý do thì có muôn vàn. Nhưng nếu cả cơ quan nhà nước và chủ doanh nghiệp nghĩ rằng người làm công rất mong nhận được khoản chi trả này, thì có lẽ không để lâu đến vậy. Mà đây là khoản chi được hiểu là trả lại cho người nộp bảo hiểm xã hội, chứ không phải một khoản cứu tế, tài trợ.Với tình trạng chung như thế, các biện pháp trong giai đoạn phục hồi bao gồm các gói hỗ trợ về giảm lãi suất vay, khoanh nợ các khoản vay, cho miễn, giảm một số sắc thuế, chậm nộp các khoản bảo hiểm xã hội... với doanh nghiệp vừa và nhỏ.Nhưng cái khó khăn nhất là các khoản vay mới. Vì trong trạng thái bình thường, hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã không tốt bởi tính minh bạch của các báo cáo tài chính, thì sau dịch tình trạng tài chính của họ còn tệ hại hơn.Một điểm kém nữa của tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là sự ngặt nghèo của tài sản thế chấp. Với các ngân hàng Việt Nam, sổ đỏ đất của doanh nghiệp là thứ quan trọng nhất. Giá trị tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm, và các khoản phải thu, không được coi là một khoản thế chấp khả tín. Các tài sản như máy móc, nguyên vật liệu, các khoản phải thu từ khách hàng hiện chiếm không quá 30% giá trị tín dụng doanh nghiệp, trong khi con số này, nói ví dụ ở Trung Quốc, là 60%.Cái vòng luẩn quẩn đấy dẫn đến các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thường không được triển khai hiệu quả, ngân hàng không mặn mà và doanh nghiệp cảm thấy quá nhiêu khê vì các hàng rào kỹ thuật. Thực trạng này đã xảy ra trước đây và dẫn đến một hệ quả khác là chỉ các doanh nghiệp lớn được lợi, hoặc trớ trêu hơn, các khoản vay được làm hồ sơ trá hình để doanh nghiệp có vốn đầu tư vào... bất động sản.Mong mỏi nhất của doanh nghiệp và người lao động là chính quyền các địa phương mở cửa hợp lý, đồng bộ - theo hướng mạnh dạn, hơn là ưu tiên an toàn. Khi nền sản xuất mới bắt đầu cựa quậy, kinh tế dịch vụ sẽ đem lại nguồn thu cho toàn xã hội ngay lập tức khi hàng quán được mở ra cho quý ông đi nhậu, quý bà đi làm tóc, spa, mua sắm...Đấy không phải là nhu cầu thiết yếu, nhưng lại là nhu cầu được ưu tiên, kể cả khi ngân sách gia đình là eo hẹp. Nó là lối sống của người thành thị trung lưu cấu thành nên lớp người đông đảo và có lẽ có tiếng nói quan trọng không thể bỏ qua trong môi trường kinh tế Việt Nam. Nhu cầu ăn uống, mua sắm, đi lại tăng lên ngay lập tức sẽ tạo điều kiện cho người dân buôn bán tự do, có cơ hội mưu sinh.Tại sao nhà máy có lộ trình mở cửa 30%, 50%, 70%, rồi 100% nhưng hàng quán, cửa hiệu lại không thể áp dụng tương tự với tỉ lệ khách, bàn ghế trong quán, trong khi TP.HCM bây giờ là vùng địa lý có tỉ lệ tiêm vắc xin đã rất cao, ở tầm thế giới luôn, chứ không chỉ tính riêng Việt Nam, do số người không đồng ý tiêm có lẽ là gần zero.Nếu đặt câu hỏi với người tiêu dùng: Bạn có đồng ý thực hiện nghiêm ngặt 5K để được ăn một tô bún bò hay một bát phở Bắc? Câu trả lời có chắc là phổ biến. Mà nền kinh tế vận hành trong giai đoạn này, khó mà nói phải đáp ứng 100% một điều kiện nào đấy. Hay ví dụ như Phú Quốc, để có thể mở cửa thì điều kiện cần là khoảng hơn 300.000 liều vắc xin phủ đủ 70% dân số thành phố du lịch này, việc mà đến cuối tháng 9 vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy được quyết liệt thực thi. Phú Quốc không mở cửa thí điểm được sớm, cần phải coi là thiếu sót của địa phương hơn là một nỗ lực bảo vệ thành quả chống dịch.Để chiếc lò xo bật đúng sứcTương tự là với doanh nghiệp. Một chính sách chung về lưu thông áp dụng cho TP.HCM và các tỉnh lân cận phải là điều rõ ràng, đương nhiên, nhưng tình trạng mỗi tỉnh mỗi kiểu hiện vẫn duy trì, đến nỗi người đứng đầu Chính phủ phải cảnh báo: Các tỉnh không được làm khác với chủ trương của trung ương.Vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn của chính sách và thực tế. Các nhà máy ở Đông Nam Bộ, cho đến giờ vẫn phải thực hiện “3 tại chỗ”, vì chưa có một văn bản rõ ràng nào cho phép áp dụng hình thức khác, một cách dễ hiểu, dễ thực thi. Hội chứng “nội trị” của các địa phương phần nào phản ánh năng lực quản lý của bộ máy chung, chứ không chỉ chính quyền cấp tỉnh.Từ đầu tháng 10, với các khách hàng đa quốc gia, câu trả lời: “Vì ảnh hưởng của COVID-19 nên chúng tôi...” đã không còn được chấp nhận, thậm chí còn nhận được phản ứng khó chịu. Doanh nghiệp vì thế, cũng muốn nhận được sự thông hiểu từ chính quyền, với tâm thế tương tự.Với người lao động, 4 tháng qua họ cầm cự và tồn tại chủ yếu nhờ tiết kiệm, một phần nhờ các chính sách cứu trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của toàn xã hội. Sự hỗ trợ đấy đã đến hồi chấm dứt, một phần vì ngân sách nhà nước không còn đủ để chi. Họ cần được tự nuôi sống bản thân bằng sức lao động của mình. Họ cần những cơ hội để bắt đầu công việc mà họ có thể làm tốt nhất.Cuộc hồi hương bất đắc dĩ gần đây nhất có trách nhiệm của chính quyền thành phố và các đoàn thể địa phương. Để họ trở lại, chính quyền không cần sửa lỗi bằng cách sắp xếp xe đón họ vào. Chính quyền chỉ cần làm cho nhà máy hoạt động trở lại tốt nhất có thể, việc đi lại, bản thân người lao động sẽ biết cách tự lo liệu. Thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra sắp xếp, như một số nhà máy dệt may, giày da đang thực hiện: Cho xe về quê đón nhân công trở lại.Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách là đại biểu Quốc hội của TP.HCM, đầu tháng rồi đã phát biểu rất hình tượng đại ý rằng: Nền sản xuất như một cái lò xo - nén quá lâu rồi đã đến lúc cần mạnh mẽ bung lên. Trong cái lò xo đấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm công... đóng vai trò của những vòng đầu tiên. Bị nén sớm nhất và không có khả năng tự bung.Nhà nước, chính quyền, các tổ chức mà doanh nghiệp và người lao động là đối tượng phục vụ, xin hãy làm tốt vai trò tạo lực của những vòng ở dưới cùng, để sức bật của cái lò xo nền sản xuất là mạnh mẽ nhất có thể. Tags: Đại dịchPhục hồi kinh tếHậu đại dịchLò xoHậu dịch
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.