Quản lý vỉa hè: Có gieo mới có gặt

TTCT - Vỉa hè không chỉ là không gian vật lý dành cho người đi bộ mà còn gánh nhiều chức năng của đô thị. Muốn quản lý và khai thác vỉa hè bền vững, trước tiên Nhà nước phải quy hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng và tạo một cơ chế thu chi minh bạch

Một xe đẩy, vài cái ghế nhựa là công cụ kinh doanh của một quán vỉa hè. Ảnh: THANH HIỆP

Một xe đẩy, vài cái ghế nhựa là công cụ kinh doanh của một quán vỉa hè. Ảnh: THANH HIỆP

Không ít lần các lực lượng chức năng của TP.HCM quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường nhưng sau các "chiến dịch" rầm rộ thì đâu lại vào đấy, vỉa hè vẫn lộn xộn, nhếch nhác. Tiêu chuẩn vỉa hè thông thoáng, chỉ dành cho người đi bộ của TP.HCM (một trong các tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại) nay lại một lần nữa được đặt ra trong một đề án mới về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

Vỉa hè: không gian đa chức năng

Đi một vòng quanh trung tâm TP.HCM là thấy vỉa hè luôn trong tình trạng mạnh ai nấy chiếm. Vỉa hè các tuyến đường khu trung tâm bị chiếm làm chỗ để xe, để bàn ghế buôn bán, không còn chỗ cho người đi bộ. Vỉa hè khu vực xa hơn chút thành mặt bằng buôn bán quần áo, quán nước, quán nhậu. UBND các phường ra quân dẹp trật tự chỉ như "bắt cóc bỏ dĩa", họ vừa quay lưng thì đâu lại vào đó.

Ông Trần Minh Tuấn, chủ một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), cho biết ông sẵn sàng trả phí và mong muốn được sử dụng vỉa hè đàng hoàng. 

"Diện tích mặt bằng nhỏ nên các hộ kinh doanh ở mặt tiền rất cần sử dụng một phần vỉa hè. Chúng tôi sẵn sàng thuê vỉa hè để không phải kinh doanh "chui"", ông Tuấn nói. 

Trên thực tế, đã từ lâu nhiều hộ kinh doanh ở mặt tiền các tuyến đường, xe thuốc lá, bánh mì trên vỉa hè phải đóng tiền sử dụng vỉa hè cho chủ nhà, khi lực lượng chức năng tuần tra thì họ phải tự lo… chạy.

Vỉa hè TP.HCM có nét đặc trưng riêng khi vừa là không gian sinh kế đa dạng và linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt mở, không gian xã hội đặc thù - kết nối nhiều thành phần tầng lớp trong xã hội cùng tham gia, vừa là không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động. 

Nói cách khác, vỉa hè có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân TP, là "hạt nhân kinh tế nhỏ" của đô thị đất chật người đông này. Vỉa hè cũng là không gian đa sở hữu, đa chức năng, nơi diễn ra tương tác nhiều chiều giữa nhà quản lý với người dân và giữa người dân với nhau. Và khó nơi nào có những hàng quán vỉa hè chỉ ngồi trên một chiếc ghế nhựa hay tấm trải bằng giấy bìa cứng như tại TP.HCM.

Có thể nói, kinh tế vỉa hè được hình thành bắt đầu từ những hạt nhân kinh tế nhỏ lẻ vùng nông thôn. Người nông dân đem rau trái trong vườn hoặc mua ở xóm lên TP bán kiếm thêm chút thu nhập khi mùa nông nhàn rỗi. Họ không những mang lên đô thị những sản vật quê tươi rói, thơm ngon mà mang cả tính chất phác, thơm thảo của ruộng vườn đến người TP. Vỉa hè là nơi họ ngừng lại đầu tiên để "khởi nghiệp".

Góc mưu sinh của người ít vốn liếng (vỉa hè đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh).  Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Góc mưu sinh của người ít vốn liếng (vỉa hè đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh). Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Những người bán hàng trên vỉa hè phần lớn có vốn liếng ít ỏi. Từ quang gánh trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và thành một phần đời sống văn hóa, một nét đặc trưng trong kinh tế đô thị không chỉ của Việt Nam mà của hầu hết quốc gia. Mặc dù vấn đề kinh tế vỉa hè vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa của nó đối với nền kinh tế đô thị, nhất là nơi có mật độ dân cư cao như TP.HCM.

Kinh tế vỉa hè làm đô thị kém văn minh?

Vấn đề phát triển hay xóa bỏ kinh tế vỉa hè luôn được đặt ra đối với các đô thị lớn như TP.HCM. Liệu có cách nào để khai thác kinh tế vỉa hè mà vẫn không ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị?

Đã từ lâu, quy hoạch vỉa hè được xem là vấn đề cần phải giải quyết bởi tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại là vỉa hè phải thông thoáng, chỉ dành cho người đi bộ. Trong các chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM không thể thiếu nội dung dọn dẹp "nạn" buôn bán lấn chiếm vỉa hè. 

Thực tế gợi ra nhiều câu hỏi, vì sao các "chiến dịch" dọn dẹp này thất bại, vỉa hè là của ai, cuộc sống diễn ra ở vỉa hè thế nào? Có lẽ vấn đề vỉa hè cần được nhìn nhận ở góc nhìn đa chiều, gắn kết với bối cảnh và cuộc sống của chính nó một cách chặt chẽ hơn.

Mưu sinh trên vỉa hè ở TP.HCM. Ảnh: THANH HIỆP

Mưu sinh trên vỉa hè ở TP.HCM. Ảnh: THANH HIỆP

Dưới góc nhìn quản lý đô thị, không thể cứ chăm chăm vào yếu tố không gian mà quên mất những yếu tố mang giá trị văn hóa, xã hội. Hơn hết, việc duy trì kinh tế vỉa hè giúp trung hòa lợi ích của người dân lẫn chính quyền, giải quyết được nhiều nhu cầu thực tế. Dưới góc nhìn kinh tế, vỉa hè là nơi lưu thông hàng hóa, nông sản địa phương, thậm chí có những mặt hàng không mua được ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích mà có ở hàng rong vỉa hè.

 Ngay từ khi ra đời, vỉa hè đã không đơn thuần là không gian vật lý với chức năng dành cho người đi bộ mà còn là không gian tích hợp nhiều yếu tố khác. Khó có thể dứt rời được văn hóa vỉa hè và kinh tế vỉa hè bởi những gắn kết và sự "dây dưa" không thể tách bạch, mặc dù đôi khi khẩu hiệu "dẹp" các hàng quán kinh doanh vỉa hè được bắt đầu từ xung đột giữa kinh tế và văn hóa vỉa hè.

Để có một đô thị văn minh, hiện đại, cần chú trọng vào việc đồng thời vừa có được vỉa hè sạch sẽ, mỹ quan, vừa giữ được nét văn hóa đặc sắc vốn có. Sự sống động, đa dạng đi kèm với phức tạp của đời sống kinh tế - văn hóa vỉa hè luôn là bài toán mà các nhà quản lý vẫn còn đau đầu. 

Còn nhớ giai đoạn 2016-2017, vấn đề lập lại trật tự vỉa hè "nóng" cả trên đường phố và báo chí, nhiều người còn dùng những từ như "chiến dịch", "đợt ra quân", "đột kích", "đổ bộ"… để ghi lại tình hình này ở TP.HCM. Cuối cùng thì "chiến dịch" này đã dừng và đâu lại vào đấy.

Đã bao năm nay, chính quyền TP.HCM cũng như các đô thị khác đau đầu: dẹp hay để hàng rong, chọn văn minh đô thị hay kinh tế vỉa hè, làm sao đô thị văn minh đi đôi với kinh tế - văn hóa vỉa hè…

Cho trước khi nhận

Để giải bài toán đau đầu trên, trước tiên chính quyền cần xây dựng "bộ quy tắc ứng xử" với không gian vỉa hè đô thị. Để khai thác kinh tế vỉa hè cũng như giữ được cảnh quan đô thị thì cần phải có quy hoạch và đầu tư cải tạo không gian vỉa hè (về không gian, vật liệu ốp lát, các tuyến hạ tầng kỹ thuật ngầm, chiếu sáng công cộng, cây xanh, quảng cáo…). 

Những tuyến phố phù hợp để phát triển kinh tế vỉa hè phải có quy hoạch dựa trên nhiều tiêu chí như độ rộng của vỉa hè được phép kinh doanh, diện tích gian hàng so với diện tích vỉa hè, cần các đường vạch chỉ giới, các quy định về việc sắp xếp hàng hóa, xe cộ, đường đi bộ phải rõ ràng và thống nhất.

TP.HCM dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP bổ sung 7 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí. 

Chủ trương trên là đúng nhưng để đạt được hiệu quả một cách bền vững, chính quyền nên phân loại, tổ chức thiết kế - thi công lại hợp lý (về không gian, vật liệu ốp lát, các tuyến hạ tầng kỹ thuật ngầm, chiếu sáng công cộng, cây xanh, quảng cáo…) các tuyến vỉa hè đảm bảo về mặt mỹ quan, phù hợp với chức năng kinh doanh và đời sống người dân xung quanh.

Nên thành lập Công ty CP Quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị để tổ chức thiết kế vỉa hè nhằm để khai thác và đảm bảo mỹ quan đô thị, quản lý, duy tu, bảo dưỡng và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong việc chỉnh trang đô thị. ■

Từ năm 1996 đến năm 2013, chính quyền Zurich (Thụy Sĩ) đã đàm phán với các bên liên quan xóa bỏ khoảng 800 bãi giữ xe trên vỉa hè và lòng đường. Chính sách này nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm lợi ích vì khách hàng vẫn thuận tiện và tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp làm bãi giữ xe. Dù chính quyền mất đi nguồn thu phí sử dụng vỉa hè nhưng phúc lợi của toàn xã hội tăng lên, việc quy hoạch và phát triển TP cũng hiệu quả hơn.

Tại Bỉ, người bán hàng trên phố phải có giấy phép kinh doanh do Liên đoàn Thương mại TP cấp có nêu rõ diện tích mặt bằng kinh doanh, chủng loại hàng hóa. Nếu làm sai, họ sẽ bị thu hồi giấy phép và phạt nặng.

Tại Anh, bảng giá và đơn đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website của chính quyền TP. Ví dụ cửa hàng để năm bộ bàn ghế trở xuống phải đóng phí 922 USD/tháng, từ năm bộ bàn ghế trở lên đóng phí 1.352 USD/tháng. Người dân làm thủ tục đăng ký và đóng phí trực tuyến.

Còn ở các quốc gia gần Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, việc buôn bán hàng rong được quy hoạch và có những tiêu chí rõ ràng về địa điểm, thời gian, diện tích, mức phí… để người dân được buôn bán hợp pháp, thu hút được khách du lịch nhờ giữ được nét văn hóa đường phố đa dạng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận