TTCT - Đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đúng tầm của cơ quan đại biểu, cơ quan lập pháp cao nhất là vấn đề được đặt ra từ lâu. Trên thực tế, Quốc hội nước ta đang dần tiến về mục đích đó. Câu hỏi lớn đặt ra là khoảng cách còn bao xa và chúng ta đang tiến với tốc độ nào, còn những gì ngáng trở? Thử nhìn lại một nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua... Thảo luận tổ tại một phiên họp Quốc hội khóa XIII của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM-Việt DũngCác đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII có một vinh dự đặc biệt, đó là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, Quốc hội có “nhà riêng” - Nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới. Trước đó, Quốc hội từng họp ở Nhà hát lớn Hà Nội, đến Hội trường Ba Đình cũ, là nơi diễn ra nhiều hoạt động khác nhau (kể cả các nghi thức tang lễ), rồi mượn tạm hội trường Bộ Quốc phòng.Nhà Quốc hội được xây dựng khang trang, có phòng họp chính - nơi các ĐBQH họp phiên toàn thể - bấm nút/bỏ phiếu quyết định các vấn đề hệ trọng, được đặt tên là phòng Diên Hồng, phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đặt là phòng Tân Trào (theo đề xuất của đại biểu - nhà sử học Dương Trung Quốc).Ghi dấu kỷ lục lập pháp“An cư lạc nghiệp”, có lẽ vì thế mà Quốc hội khóa XIII đã ghi dấu mốc mới về thành tích lập pháp: trong một nhiệm kỳ, ngoài Hiến pháp 2013, đã ban hành 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh (trong đó có 100 bộ luật và luật, 112 nghị quyết, 10 pháp lệnh), chưa kể nghị quyết về việc hoãn hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự thông qua ngày 29-6 vừa qua bằng một thủ tục hi hữu trong lịch sử lập pháp. Con số ấn tượng ấy chưa có khóa Quốc hội nào đạt được (trong 41 năm, từ 1945-1986, Quốc hội chỉ ban hành 63 luật và pháp lệnh).Quả là một khối lượng công việc khổng lồ. Các ĐBQH có thể tự hào khi để lại Hiến pháp 2013 - bản hiến văn đậm nét về quyền con người, được cụ thể hóa bằng nhiều bộ luật, luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng đổi mới cả nền tảng pháp luật hình sự, dân sự cùng với tư duy mới về quyền tự do kinh doanh của người dân được thể hiện tại các luật Doanh nghiệp, Đầu tư...Tuy nhiên, nỗ lực của Quốc hội hẳn là chưa đáp ứng đủ yêu cầu, đòi hỏi của cử tri trong bối cảnh đất nước vẫn hiển hiện nguy cơ tụt hậu. Không ít ĐBQH khi đứng trước cử tri báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã thú nhận rằng có nhiều việc họ muốn làm tốt hơn nữa, đồng thời có những món nợ với dân chưa trả được, như dự án Luật biểu tình cứ “thò ra, thụt vào” mãi chưa xong. Có ĐBQH thú nhận họ “lực bất tòng tâm” bởi “cơ chế nó thế và bộ máy có thế”.Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII có 33 ủy viên, trong đó 9 ủy viên thường trực - những người làm việc thật sự (gồm chủ nhiệm, 5 phó chủ nhiệm, 3 ủy viên thường trực). Trong nhiệm kỳ, ủy ban này phải thẩm tra, chỉnh lý 6 luật và bộ luật (Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự) với tổng cộng 1.972 điều luật. Đó là chưa kể họ phải cho ý kiến về các dự luật (do các ủy ban khác chủ trì) và các vấn đề quan trọng khác của Quốc hội. Giúp việc cho ủy ban là Vụ Tư pháp thuộc Văn phòng Quốc hội với số lượng chưa đến 30 cán bộ, nhân viên.Từ “sự cố” Bộ luật Hình sự năm 2015Ngày 29-6-2016, khi chỉ còn 21 ngày nữa là mãn nhiệm, Quốc hội khóa XIII đã thông qua một nghị quyết hi hữu bằng thủ tục hi hữu (các ĐBQH không có mặt tại hội trường, không tiến hành phiên họp toàn thể, phiếu biểu quyết được đem về các địa phương cho ĐBQH xem xét và gửi trở lại Nhà Quốc hội để tiến hành kiểm đếm).Bộ luật hình sự năm 2015 được quyết định cho lùi hiệu lực thi hành, chờ Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung (trên 90 nội dung trong bộ luật phát hiện có sai sót). Đây là lần thứ hai trong một nhiệm kỳ (cũng là kỷ lục trong lịch sử lập pháp), Quốc hội phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một đạo luật khi nó chưa kịp có hiệu lực thi hành (trường hợp đầu tiên là Luật bảo hiểm xã hội, với “sự cố” ở điều 60).Trao đổi với TTCT sau khi phải thực hiện việc chẳng đặng đừng này, nhiều ĐBQH “thấy có lỗi với cử tri” và “xấu hổ” trước những sai sót “khó có thể tưởng tượng được”.Tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về nghị quyết này, các quan chức của Quốc hội khẳng định những sai sót trong Bộ luật hình sự chỉ là các lỗi kỹ thuật chứ không sai về quan điểm, chính sách hình sự của Nhà nước.Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến các sai sót nêu trên? Nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - trưởng ban soạn thảo bộ luật - phân trần rằng là do bộ luật đồ sộ, nhiều vấn đề mới đặt ra nhưng phải làm trong thời gian quá ngắn, quá cập rập.Cho đến giờ, vẫn hơn 90% các dự án luật xuất phát từ Chính phủ, do các bộ, ngành đề xuất và đệ trình. Nhiều ý kiến từng trăn trở về cơ chế làm luật này bởi khó tránh khỏi chuyện đưa lên Quốc hội những dự án luật chứa trong nó “lợi ích cục bộ”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “không quản được thì cấm”...Ở nhiều nước, nguồn luật đến với Quốc hội rất phong phú, do các nhóm xã hội khác nhau đệ trình thông qua các hoạt động lobby (vận động hành lang) chính sách, và nhiều khi nghị sĩ chỉ là người bảo trợ cho các dự luật như vậy. Phần việc chính của nghị viện là mở các phiên điều trần (tại các tiểu ban, ủy ban) để các bên có liên quan (ủng hộ, phản đối) nêu quan điểm, làm rõ từng vấn đề.Bởi cơ chế làm luật của ta như vậy nên thực tế có những dự án luật sau quá trình thẩm tra, chỉnh lý, khi được Quốc hội thông qua thì không còn hình hài ban đầu của nó nữa.Tất nhiên, quyền cao nhất thuộc về Quốc hội khi các đại biểu “bấm nút”, nhưng chất lượng dự thảo khi nó được đặt lên bàn đại biểu mới là quan trọng nhất. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục ban hành rất chặt chẽ, bài bản, nhưng cái khó là đánh giá chất lượng từng khâu mà một đạo luật đã đi qua.Ví dụ, ở một khâu bắt buộc là lấy ý kiến nhân dân thì có những bộ ngành chỉ đăng dự thảo lên cổng thông tin điện tử của bộ ngành cho có, sau vài tháng chỉ nhận được dăm ba phản hồi. Bộ Tư pháp, cơ quan có trách nhiệm thẩm định các dự án luật của Chính phủ, thì luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng dự án luật quá lớn.Chuyên trách và chuyên nghiệpTrên con đường chuyên nghiệp hóa hoạt động lập pháp, những nhiệm kỳ gần đây Quốc hội luôn tăng số lượng ĐBQH chuyên trách (dự kiến khóa XIV có 114 người, tăng 15 người so với trước đó).Tuy nhiên, ĐBQH Trần Du Lịch đã nhiều lần phát biểu trước Quốc hội rằng một ĐBQH chuyên trách (dành 100% cho hoạt động Quốc hội) chưa chắc đã là đại biểu chuyên nghiệp. ĐBQH chuyên nghiệp cần đầy đủ phẩm chất và kỹ năng của một nhà lập pháp, cùng với hỗ trợ của một bộ máy giúp việc lành nghề.Tại cuộc họp báo công bố danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV, Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Với chưa đến 1/3 ĐBQH tái cử, tỉ lệ này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của Quốc hội khóa XIV?”.Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dẫn thực tế các khóa gần đây cũng chỉ 32-35% đại biểu tái cử nhưng hoạt động của Quốc hội vẫn luôn đổi mới và ngày càng có hiệu quả cao hơn.Tuy nhiên, khi trả lời báo chí vào cuối nhiệm kỳ, không ít ĐBQH khẳng định rằng trong lần đầu trúng cử họ thường mất khoảng 2 năm để làm quen với hoạt động của Quốc hội, sau đó mới thật sự thể hiện được vai trò của người đại biểu. Một đại biểu mới cần tới 40% thời gian của nhiệm kỳ để “làm quen” thì liệu có băn khoăn về tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội?Ngay cả ở những nước có 100% đại biểu chuyên trách như Mỹ, nhiều người làm nghị sĩ suốt đời, coi như một nghề chuyên nghiệp, thì để đảm bảo tính kế thừa, (mỗi thượng nghị sĩ phục vụ nhiệm kỳ 6 năm) các nhiệm kỳ được phân chia sao cho 1/3 số ghế sẽ bị trống để được đưa ra bầu cử cứ 2 năm/lần.Có những ý kiến đề nghị rằng để trở thành một nghị viện chuyên nghiệp, Quốc hội nước ta không nhất thiết có tới 500 đại biểu. Hay chăng, một Quốc hội khoảng 300-350 đại biểu nhưng đa số là ĐBQH chuyên trách làm việc chuyên nghiệp với một bộ máy giúp việc lành nghề là phù hợp với Việt Nam?■So sánh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ- Quốc hội Hoa Kỳ hiện có 36 ủy ban thường trực, trong khi nội các của Tổng thống Obama có 15 bộ trưởng. Ở nước ta, Chính phủ có 26 bộ, cơ quan ngang bộ nhưng Quốc hội chỉ có 9 ủy ban và Hội đồng Dân tộc.- Ở Hoa Kỳ, ngoài bộ máy giúp việc chung ở các ủy ban, tiểu ban, một thượng nghị sĩ có thể được cấp một khoản tiền đủ thuê hàng chục chuyên gia giúp việc riêng. Ở Việt Nam, cấp chủ nhiệm ủy ban trở lên mới có thư ký riêng. Các nhà lập pháp đang quá thiếu sự trợ giúp của các chuyên gia kỹ thuật lập pháp lành nghề. Tags: Quốc hộiĐại biểu chuyên tráchNghị viện chuyên nghiệpHoạt động lập pháp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Những loại vũ khí nào mới xuất hiện trên chiến trường Nga - Ukraine? UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Hôm 21-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến một cái tên mới xuất hiện trên chiến trường Ukraine là tên lửa tầm trung Oreshnik.
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.