​Rị níu lục bình

TRẦN MINH HƠP 06/08/2015 19:08 GMT+7

Một mùa hè ngày xưa, cả xóm phát lên phong trào đan giỏ lục bình. Một con bé trong xóm không biết lãnh lục bình khô và khung sắt ở đâu về rồi rủ mấy bạn trẻ trẻ xúm nhau đan kiếm tiền, tạo ra một trào lưu mưu sinh bấy giờ.

Ảnh: T.M.H.

Tôi rất nhớ vì cũng đan ròng rã một tuần mới được một cái, chấm công ba ngàn đồng. Ngoài trời mưa dầm, mùi lục bình khô hăng lên trong mũi...

Đó là dấu vết duy nhất về một không khí hành nghề thủ công ở xứ “rồng xanh”, sau này không thấy nữa vì ích lợi không bằng một ngày công nhật trong vườn thanh long. Nhưng trong lòng ai cũng nhìn lục bình đỡ tội nghiệp hơn, thấy nó không còn là phận cây vô nghĩa chỉ trôi mơ hồ trên ao sông bùn đục...

Câu chuyện về cọng lục bình tưởng chừng xếp vào một góc quên lãng thì gần chục năm sau, một ngày ngang qua vùng Bình Nhì (Gò Công Tây, Tiền Giang), thấy một cô bé vẫn lụi cụi ngồi đan những cái giỏ bằng cọng lục bình khô như mùa hè ngày xưa.

Em lãnh lục bình về đan từ hồi còn tiểu học, mà giờ đã lớp mười hai. Cứ xế chiều vạt nắng còn, bài vở xong xuôi em lại xách cái khung sắt bộ ba cái lớn nhỏ và mấy bó lục bình khô ra trước nhà ngồi đan đến khi hết nắng. Lục bình chạy lên xuống, chạy ngang dọc đều đều theo những ngón tay. Có khi em rị thật chặt cọng lục bình cho những mối đan thật chặt, thật đều, cho cái giỏ đan của mình vừa lòng chủ xưởng mỹ nghệ nhất. Và trên bàn tay em, bụi lục bình trải áp chặt lên một lớp thấy rõ.

Cầm rị lục bình suốt, đầu ngón tay hằn rõ những đường móp sâu nhăn nheo. Em cặm cụi trong mùi lục bình để thêm một bàn tay kiếm cơm trong nhà. Có lẽ giọt máu tốt của mẹ đã chảy vào trong cơ thể em nên vừa sinh em ra, mẹ mắc chứng tâm thần, chỉ còn lại nụ cười hiền và bàn tay xắt chuối cho vịt. Còn cha thì tóc tai dài lòa xòa, suốt ngày cầm sào ra đồng chăn vịt. Trong từng đường đan lục bình của em luôn có mẹ và bóng dáng cha ngồi dưới một gốc dừa, nhai một ổ bánh mì khô trong tiếng vịt kêu...

Xuôi theo sông Vàm Cỏ Tây, những dề lục bình cứ trôi tả tơi, nở hoa tím ngắt trên vạn dặm sông nước, có khi còn ngăn cả dòng thủy lưu. Ghé vô doi đất ở vùng Thạnh Phước (Thạnh Hóa, Long An), thấy một căn nhà tựa một chái chòi, mặt trước trống dọc, hưởng nguyên những đợt gió sông thổi táp vào. Lần nữa nhìn thấy những bó lục bình nửa xanh nửa khô đang được phơi trước ngôi nhà này. Người phụ nữ trong nhà làm nghề cắt cọng lục bình.

Lại nhớ đến cô bé đan giỏ lục bình cũng nhận bó lục bình khô từ những bàn tay cắt, phơi khổ cực như mình. Chị là tay kiếm cơm chính trong nhà. Chồng bị mổ cột sống, vết thịt lành nhưng vẫn chưa lao động được. Anh chỉ chống gậy rê rê chân ra sân phụ trở những bó lục bình đang phơi. Mỗi ngày chị chèo xuồng theo những đoạn chảy của Vàm Cỏ Tây len vào những dề lục bình trôi hoang. Có khi chiếc xuồng bé nhỏ và chị cũng bé nhỏ bị nuốt hẳn vào những ngọn lục bình cao ngất.

Chị ngồi ở mũi xuồng, đằng sau chất đầy cọng lục bình xanh ngắt đã tề đầu, tề đuôi, tròng trành giữa sóng của sông. Người đàn bà miền sông này không biết bơi nên dáng chị chèo im lìm như tượng. Mỗi lần có ghe lớn đi qua, chị sợ hãi đổi tay chèo một cách vụng về. Vì không biết bơi nên chị chẳng dám dỡ cơm theo ăn, nhịn đói qua buổi trưa. Chị sợ cơm nước vướng víu tay chèo, ăn không được giữa dòng nước lại bị đổ ào xuống hết. Có khi chị té xuồng thật, lúc ấy phải rị lục bình ngoi lên để không bị trôi đi. Cuộc đời chị rị níu lục bình để không bị chết đói và rị níu lục bình để không bị chết đuối.

Trên chiếc xuồng ngược dòng Vàm Cỏ Tây đi về đường lộ, tôi lấy tay xoa nhẹ vào một cọng lục bình đang trôi xuôi, để cảm ơn một phận cây nổi nênh nhưng cho đời người được rị níu để sống...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận