TTCT - Ở nông thôn miền Nam, những người sinh vào những năm 1970 được coi là thế hệ giữ cái gạch nối của nền nông nghiệp truyền thống lạc hậu và nền nông nghiệp tiên tiến đang cơ giới hóa, của một hình ảnh nông thôn còn khá hoang sơ và giàu có về sản vật với một nông thôn đang đô thị hóa và đã mất dần hình ảnh truyền thống của nó. Phóng toTranh: Lê Thiết CươngNhưng ngay cả thế hệ giữ cái gạch nối đó cũng chỉ lưu giữ được ít nhiều hiểu biết chứ không phải là những người thuần thục, thấm vào máu thịt mọi kinh nghiệm, kỹ năng đúc rút trong đời sống nông thôn, nông nghiệp.Bởi vậy tôi hay tự hỏi khi thế hệ của ba mẹ tôi đã trăm tuổi thì ai sẽ kể cho thế hệ của con cháu tôi nghe chuyện ông bà ngày xưa đã sống và làm ăn ra sao. Vì tôi tự thấy rằng sự hiểu biết của mình không đủ sức thuyết phục lớp trẻ khi những hiểu biết đó ít nhiều rời rạc, chắp vá và không có kỹ năng thực hành bổ trợ.Chẳng hạn, nói chuyện ủ giống, gieo mạ, nhổ mạ, cấy, gặt lúa, đạp lúa (bằng trâu hoặc bằng sức người)... tôi đều biết nhưng tôi chỉ thấy và tập làm có vài năm, chưa thạo, thành ra kể lại thì lủng củng, lắp ghép.Nếu kể chi tiết hơn lại càng khó: phải ngâm, ủ giống như thế nào, bao lâu; mạ gieo thưa dày thế nào, lúc mực nước ra sao; khi nhổ mạ thì lựa con nước thế nào, đập ra sao cho rũ hết bùn, bó thế nào để mạ không bị gãy; cấy thì bắt nhẽ hay bắt thưa (mỗi tép có bao nhiêu cây mạ), hàng cách hàng bao nhiêu, cấy ruộng ngập nước thì làm sao để cây mạ không bị trốc gốc, cấy ruộng khô thì dùng nọc thế nào; tương tự như vậy là chuyện gặt, đập (đạp), phơi lúa...Hay với các dụng cụ làm lúa thì có thể xem là cả một kho tàng. Lúa giống được ngâm trong cái thạp hoặc lu sành, rồi đem ủ trong các tấm đệm, khi gieo thì phải có cái bồ cào nhằm tạo rãnh để lúa giống dễ bám rễ. Khi nhổ mạ phải có cái ghế đặc biệt (bốn chân hoặc một chân), mạ được bó và chất lên cái cộ để kéo đi rải. Khi thu hoạch phải dùng hái hoặc dùng liềm, lúa sau khi được bó thành từng bó lớn thì phải dùng đòn xóc để quảy đi. Lúc đem phơi phải có cái trang, đệm, bồ cào; rơm thì phải chất thành cây bằng cái mỏ sãy...Không chỉ vậy, để phụ trợ cho việc làm lúa, người ta dùng phảng để phát cỏ, dùng cù nèo để cắt cây dại, dùng cuốc, vá để đắp bờ, dùng len để xắn đất, dùng gàu để tát nước, dùng gánh để gánh đồ... Mỗi thao tác gắn với một loại nông cụ, mỗi loại nông cụ lại có đời sống riêng, câu chuyện riêng của nó tùy từng vùng miền, tất cả bồi đắp cho độ dày của những ký ức có một không hai.Mới chỉ là nghề làm lúa, còn những nghề khác chắc cũng đang mai một hiểu biết tương tự. Lại nói về sản vật của vùng đất Nam bộ, chuyện gỡ cá chốt khi giặt áo dưới kênh, chuyện cá rô lóc lên bờ khi có mưa lớn, chuyện cá kèo nổi đặc như mù u rụng, chuyện cá bống dừa ở đặc trong các bẹ lá dừa nước, chuyện mùa rạm (rẹm), mùa ba khía, mùa vớt giời (rươi), mùa chim di trú... đã trở thành ký ức của tôi sau ba mươi năm.Hồi đó, đánh bắt tôm cá thì có câu, lưới, rập, đặt nò (đó), dùng lờ, đặt trúm, đóng đáy, thả chà, làm đập, đi soi, đi nơm, đi xiệp... Hẳn đó cũng là chuyện của nhiều người, nhiều năm trước đó nữa. Thế hệ sinh sau ít năm đã không còn biết. Bây giờ, người ta bổ sung vào hình thức đánh bắt là đi cào, xuyệc điện, đánh trái (nổ), thả thuốc cá... để tận diệt, không phải để phong phú hơn hình thức đánh bắt mà chính là để những công việc này sớm trở thành dĩ vãng.Vẫn luôn từng có một sợi dây nối liền những kiến thức, những sự kiện từ thế hệ này sang thế hệ khác, để xã hội vận động và phát triển liên tục, để kiến thức được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bị mất đi. Dù vậy, vẫn không ít những chuyện đã thật sự mất đi hoặc đã sai lệch sau khi bị “tam sao thất bổn”.Vì vậy, mỗi người chúng ta cố gắng giữ lại những gì mình quan tâm về đời sống, về gia đình... khi những “nhân chứng sống” vẫn chưa khuất bóng, rồi truyền lại những điều đó cho con cháu để sợi dây được giữ chặt mà không cong vẹo hay thắt gút. Nhìn về xưa cũ đâu phải là ăn mày quá vãng, luyến nhớ vơ vẩn, hoài cổ làm duyên. Cách ta nhìn mới quan trọng: khảo về nó, biết nó, ghi chép mô tả nó để mai hậu biết về quá khứ.Quá khứ là mặt gương trong ta soi thấy ta rõ hơn hôm nay trong thấp thoáng ông bà ta ngày xưa. Có lẽ đó là một biểu hiện cụ thể, thực tế của cái mà nhiều người vẫn hay gọi là “giữ gìn bản sắc văn hóa”. Tags: Phiếm đàmNông thônTruyền thôngNghề nôngNông nghiệp truyền thốngNGUYỄN MINH HẢI
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Chưa được hỗ trợ lãi suất, hội doanh nghiệp gửi tâm thư đến chính quyền TP.HCM NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) vừa gửi đơn kêu cứu đến UBND TP.HCM liên quan đến việc giải quyết các khó khăn mà ngành đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.