TTCT - Mưa bão bất thường ngày càng nhiều, mực nước trên các sông ngày càng dâng cao, mặt đất ở TP.HCM đang lún trông thấy.

Biến đổi khí hậu không còn là một nguy cơ nữa, bởi chúng ta đã phải tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng và cần kiếm ra hàng nghìn tỉ đồng nữa cho những công trình chống ngập.

Phóng to
Mặt đường số 17 khu dân cư Bình Hưng, Bình Chánh bị lún sâu nên nhà của ông Huỳnh Tiến Cường phải hai lần nâng nền - Ảnh: Q.Khải

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm địa tin học (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho thấy tình trạng lún mặt đất tại TP.HCM đang diễn ra nhanh ở nhiều khu vực.

Vừa nâng đường đã lún

5 cấp độ lún

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm địa tin học (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện tượng lún tại TP được chia ở năm cấp độ. Cấp độ 1 khu vực lún ổn định 0,1cm/năm, cấp độ 2 khu vực lún chậm từ 0,1-0,3cm/năm, cấp độ 3 là lún trung bình 0,4-0,6cm/năm, cấp độ 4 là những khu vực lún 0,7-1cm/năm. Riêng cấp độ 5 là những nơi có độ lún hơn 1cm/năm.

Theo người dân ở khu dân cư Sông Đà (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), do khu vực này trước đây thường xuyên bị ngập nước nên trong năm 2010, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần xây dựng Sông Đà đã cho nâng hàng loạt tuyến đường nội bộ từ 30-60cm. Tuy nhiên, sau hơn một năm, mặt đất xung quanh khu dân cư này vẫn có biểu hiện tiếp tục lún.

Chỉ tay về vệt hồ khô (ximăng) bám trên tường nhà, ông Hoàng Kim Trọng, chủ nhà số 74 đường số 9, giải thích: “Trước đây đường, vỉa hè được nâng cấp ở mức đó nhưng trong khoảng một năm qua giờ bị lún xuống một đoạn như vậy”.

Khoảng cách vỉa hè bị lún xung quanh nhà ông Trọng đo được 8-10cm. Bằng mắt thường cũng có thể thấy nền vỉa hè ở hàng loạt tuyến đường khác cũng có hiện tượng lún tương tự. Một người dân gần đó cho biết không chỉ mặt đường, vỉa hè mà nền sân trước nhà ông cũng có dấu hiệu lún, tường bị nứt, xé nghiêng về phía trước. “Khi xây nhà, tôi làm móng rất kỹ lưỡng, nhưng phần sân trước do không làm móng cọc nên nhìn thấy lún rõ như vậy”. Ông Trọng cho biết tình trạng lún đã xảy ra từ lúc gia đình ông chuyển về đây ở (năm 2005).

“Khi tôi mua đất, xây dựng nhà thì chủ đầu tư khống chế cao độ, nền nhà chỉ được cao hơn lề đường 10-15cm, cao hơn mặt đường 40-50cm nên cứ nghĩ cốt san nền đã được tính toán kỹ lưỡng để đề phòng chuyện ngập nước. Ai dè về ở một thời gian thì nước bắt đầu ngập, càng về sau nước ngập càng nhiều hơn” - ông Trọng nói.

Theo TS Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM, các khu dân cư hình thành dọc đường Kha Vạn Cân (phía bên phải hướng từ cầu Gò Dưa về Bình Triệu) trước đây vốn được hình thành trên nền đất yếu. Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy khu vực này là một trong những vùng lún nặng trên địa bàn TP với khoảng 2-2,5cm/năm. Mặt đất khu vực này được bao phủ bởi một lớp dày trầm tích Holocene có khả năng chịu tải kém, vì vậy khi xây dựng các công trình trên nền đất này sẽ có hiện tượng lún, mật độ xây dựng càng nhiều thì tình trạng lún càng nhanh.

“Các số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 1997 đến nay ghi nhận tình trạng lún ở phường Hiệp Bình Chánh ngày càng mở rộng và trầm trọng thêm. Điều đó cũng giải thích vì sao đây là một trong những phường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi triều cường thời gian qua” - ông Phi nói.

Phóng to
Vỉa hè trước nhà 74 đường số 9, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức mới nâng hơn một năm, nay có đoạn bị lún đến 10cm - Ảnh: Q.Khải

“Chạy đua” giữa mực nước và nền nhà

Khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh vốn là vùng đất ao, đầm ngập nước và được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh - chủ đầu tư - xây dựng cơ sở hạ tầng từ trước năm 2000, với quy mô khoảng 6.000-7.000 dân. Về sinh sống ở đây một thời gian, nhiều người dân phát hiện nền đất bắt đầu lún. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết mặt đất xung quanh các căn hộ ở khu dân cư này đều có dấu hiệu lún, để lộ những khe nứt nơi tiếp giáp giữa nền nhà và căn hộ. Nơi lún nhẹ thì chỉ vài centimet nhưng cũng có nơi lún gần một gang tay.

Chỉ tay về bancông tầng 1 đã bị lệch khoảng 40cm so với bancông nhà kế bên, ông Huỳnh Tiến Cường - nhà số 53 đường số 17, khu dân cư Bình Hưng - cho biết: “Trước đây bancông hai nhà bằng nhau nhưng vài năm gần đây thì toàn bộ căn nhà của tôi bị lún nên cứ kéo bancông xuống thấp dần so với nhà kế bên”.

Ở một số tuyến đường của khu dân cư Bình Hưng mặt đường bị võng xuống khá sâu, luôn bị ngập nước mỗi khi mưa hay triều cường. Một hộ dân sống trên đoạn đường này nói anh đã nâng nền nhà hai lần, với mức nền cao hơn 60cm so với ban đầu nhưng khi mưa hay triều cường nước vẫn mấp mé thềm nhà. “Sắp tới mùa mưa rồi, chắc phải nâng nền thêm một lần nữa. Cuộc chạy đua giữa mực nước và nền nhà chưa biết khi nào sẽ dừng lại” - một người dân nói.

Người dân ngụ đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8 cũng đang đối mặt với tình trạng lún ngày càng diễn biến nhanh. Theo một người dân ở đây, khoảng mười năm trước hai bên đường Phạm Thế Hiển chỉ bị ngập nhẹ mỗi khi triều cường. Nhưng khoảng năm năm trở lại đây, tình hình ngập ngày càng trầm trọng. Đến năm 2008, đường Phạm Thế Hiển (đoạn từ cầu Bà Tàng hướng về đường Trịnh Quang Nghị) được nâng lên khoảng 60cm, rất nhiều nhà dân hai bên đường tiếp tục nâng nền theo nhưng hiện chịu cảnh ngập mỗi khi triều cường cao.

Phóng to
Vỉa hè trước nhà 52 đường số 9, P.Hiệp Bình Chánh cũng bị lún khá sâu so với nền nhà - Ảnh: Q.Khải

Trong vòng 10-20 năm tới, TP.HCM nên chú ý phát triển đô thị ở những vùng đất cao, cụ thể là phát triển về hướng Biên Hòa (Đồng Nai) do ở đây đang có các dự án giao thông, kết nối hạ tầng khá tốt. Lâu hơn nữa là phát triển về hướng Củ Chi. Cách làm này vừa giúp TP giãn dân ở khu nội thành vừa giúp giảm thiệt hại hơn khi ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao.

Đối với những vùng đất thấp như Thủ Thiêm, khu Nam Sài Gòn, TP cần tăng chiều cao xây dựng và giảm mật độ xây dựng, nên ưu tiên diện tích mặt nước, cây xanh ở khu vực này gấp đôi những nơi khác. Ngoài các hồ điều tiết nước, phần đất trồng cây xanh sẽ có tác dụng để ngấm nước mưa, vừa làm giảm ngập cho khu vực vừa bổ sung nguồn nước ngầm. Hiện nay không ít khu vực (các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận...) thiếu mảng xanh, trong khi “bêtông hóa” cao (khoảng 70% diện tích mặt đất) nên nước mưa khó ngấm, dẫn đến ngập.

Để hạn chế tình trạng lún đang diễn ra nhanh chóng cần ngưng ngay việc khai thác nước ngầm. Theo tôi, khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính gây lún nền đất ở TP.HCM.

Những khu vực lún nhanh

Những khu vực lún cấp độ năm gồm: một phần các phường Nguyễn Cư Trinh, Cô Giang, Cầu Kho (quận 1); một phần phường Thủ Thiêm, An Khánh, Bình Khánh, Bình An (quận 2); phần lớn phường 9 và một phần các phường 1, 12 (quận 5); phần lớn các phường 1, 14 (quận 6); phần lớn phường Bình Thuận và một phần các phường Tân Quy, Tân Kiểng, Tân Phong (quận 7).

Các khu vực thuộc diện lún nhanh khác: một phần các phường 2, 3, 6, 7 (quận 8); một phần phường 5, 6 (quận 10); phần lớn phường 14 và một phần các phường 1, 3, 11 (quận 11); một phần các phường Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Tân Hưng Thuận, Tân Thới Nhất (quận 12). Phần lớn phường Tân Quý và một phần các phường Tân Sơn Nhì, Phú Thành, Sơn Kỳ (quận Tân Phú); một phần phường Tân Tạo A, Bình Trị Đông A (quận Bình Tân); một phần các phường 6, 11, 12, 17 (quận Gò Vấp). Tại quận Bình Thạnh, khu vực bị lún nhanh là một phần các phường 5, 21, 24, 25...

Từ năm 1996-2002 là giai đoạn các vùng lún bắt đầu hình thành và lan rộng nhưng mức độ lún chưa lớn. Giai đoạn sau năm 2002 đến năm 2010 vùng lún ít mở rộng nhưng mức độ lún tăng rất nhiều. Nguyên nhân ngoài việc khai thác nước ngầm còn do sự phát triển đô thị trên nền đất yếu, địa chất chưa ổn định.

__________

“Sài Gòn đang lún theo dạng vành đai, chủ yếu do khai thác nước ngầm và phát triển đô thị trên nền đất yếu” - TS Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM, cho biết.

Phóng to
Nền đất phía sau nhà 101 đường số 22 khu dân cư Bình Hưng, Bình Chánh bị lún sụt khá sâu so với nền nhà - Ảnh: Q.Khải

Số liệu nghiên cứu từ năm 1996-2010 cho thấy mức độ lún của TP.HCM không đều, rải từng khu và lún theo dạng vành đai. Khu vực vành đai bao gồm huyện Bình Chánh kéo dài qua các quận Bình Tân, 8, 7, 9, Thủ Đức, 12, tốc độ lún rất nhanh so với khu vực khác. Hiện chỉ có những khu vực thuộc các huyện Hóc Môn, Củ Chi... chưa lún hoặc tốc độ lún rất ít do những khu vực này phát triển chưa nhiều.

Vô hiệu hóa hệ thống thoát nước

Theo số liệu nghiên cứu tại khu vực đồng bằng Jakarta (Indonesia), nguyên nhân dẫn đến lún đất ở đây chủ yếu do khai thác nước ngầm (chiếm 70%) và do phát triển đô thị (30%). Bangkok, Thượng Hải và các nước phát triển đều gặp phải tình trạng tương tự. Bangkok vào những năm 1995 mức độ lún lên đến 7-8cm/năm. Nhưng sau đó họ ngưng khai thác nước ngầm và mức độ lún bắt đầu chậm lại, hiện còn tương đương với TP.HCM là khoảng 2cm/năm.

* Thưa ông, tình trạng lún tại TP.HCM xuất hiện khi nào?

- Khoảng 15 năm trước TP.HCM chưa lún, nhưng vài năm gần đây xuất hiện nhiều khu vực lún, xu hướng lún ngày càng tăng. Những vùng lún nhiều nhất là khu Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), khu lõm Bến Phú Định (quận 6, 8), mức lún khoảng 2,5cm/năm.

Tôi cho rằng nguyên nhân gây lún nhiều tại khu vực Hiệp Bình Chánh do gần đây phát triển nhiều nhà cao tầng, đặc biệt là khu vực dọc đường Kha Vạn Cân. Còn khu lõm thuộc quận 6, 8 là do khai thác nước ngầm nhiều vì vùng này thiếu nước máy.

* Về lâu dài, tình trạng lún do khai thác nước ngầm sẽ để lại hậu quả ra sao?

- Về lâu dài nó sẽ vô hiệu hóa các công trình chống ngập của TP.HCM, vì khi đất lún thì hệ thống cống thoát nước cũng lún theo, dịch chuyển theo hướng thẳng đứng, trong khi nước triều cường bên ngoài càng dâng lên cao, nước không thoát được. Đến thời điểm nào đó hệ thống cống sẽ không thoát nước được nữa, kể cả nước mưa. Lún do khai thác nước ngầm diễn ra trên diện rộng, khác với tình trạng lún cục bộ do tải trọng các công trình xây dựng đè xuống.

* TP.HCM có chủ trương ngưng khai thác nước ngầm từ nhiều năm qua. Thực tế nhiều nơi chưa có nước máy thay thế thì việc cấm khai thác nước ngầm để hạn chế lún là khó?

- Những năm gần đây, TP.HCM làm khá quyết liệt về chuyện cấm khai thác nước ngầm nhưng cái khó hiện nay là nguồn nước máy cung cấp cho người dân chưa đủ nên chủ trương cấm khai thác nước ngầm ở một số nơi chưa thực hiện triệt để. Do vậy tình trạng lún chắc chắn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong những năm tới.

Nguyên tắc là khi lún đã ổn định rồi mới giảm dần vì tình trạng lún mang tính chu kỳ và có độ trễ. Nếu như chúng ta ngưng khai thác nước ngầm từ bây giờ thì tình trạng lún vẫn tiếp tục diễn ra một thời gian nữa, sau đó mới ổn định. Bangkok (Thái Lan) đã ngưng khai thác nước ngầm gần 20 năm qua mà hiện nay vẫn còn lún, nhưng mức độ lún đã ổn định và đang đi ngang. Còn khi nào không lún nữa thì khó có thể đánh giá được, vì còn phụ thuộc cấu tạo địa chất và việc bổ sung nguồn nước ngầm. Trước khi dừng lại thì một số khu vực tại Bangkok đã lún hơn 1m, một số khu vực ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã lún hơn 2m.

* Như vậy nếu TP.HCM dừng khai thác nước ngầm ngay bây giờ thì khoảng 20 năm nữa độ lún ở TP mới ổn định?

- Căn cứ kết quả nghiên cứu từ năm 1996 đến nay và với mức lún cao nhất là 2,5cm/năm thì đến nay có nơi ở TP.HCM đã lún khoảng 40cm. Cá biệt có khu vực như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) trong vài năm qua đã lún đến 70-80cm. Điều đáng lo là phạm vi lún ngày càng rộng hơn.

* Ông có thử hình dung khi TP.HCM lún từ 1-2m như Bangkok và Thượng Hải, lúc đó TP sẽ ra sao?

- Tôi có làm mô hình mô phỏng thử và thấy rằng khi đó cả hệ thống thoát nước và cả hệ thống kiểm soát triều cường của TP hoàn toàn bị vô hiệu hóa, không thể thoát nước cũng như kiểm soát triều được. Khu vực tôi mô phỏng nghiên cứu có diện tích khoảng 5.000ha, gồm dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đến các quận 1, 5, 10, khi lún từ 1-2m sẽ bị ngập khoảng 20% diện tích. Lúc đó khu vực này phải bơm đến 10 triệu m3 nước.

Thử hình dung nếu toàn bộ TP.HCM với diện tích khoảng 650km2 (hơn 10 lần diện tích nghiên cứu) thì lượng nước cần bơm phải gấp 10 lần. Tức mỗi đợt mưa TP phải giải quyết hàng chục triệu mét khối nước và nhà nhà sẽ phải dùng máy bơm để bơm nước.

Phóng to
Hẻm 3413 Phạm Thế Hiển (quận 8) sau nhiều lần nâng cấp đến nay vẫn bị lún thấp hơn mặt đường - Ảnh: Q.Khải

Xây hồ điều tiết

* Ngay từ bây giờ TP.HCM nên có giải pháp ra sao để hạn chế lún, ngập?

- Cái cần làm ngay bây giờ để chặn đứng nguy cơ lụt bằng cách hạn chế phát triển đô thị trên các vùng đất thấp và ráo riết hạn chế khai thác nước ngầm, đầu tư hệ thống nước máy tại các khu dân cư để cung cấp nước cho dân. Nếu làm ngay bây giờ thì hi vọng khoảng 20 năm nữa, TP chỉ lún thêm khoảng 50-60cm. Một giải pháp nữa là làm các hồ nhân tạo ở những vùng đất thấp để điều tiết nước.

Thay vì ngập 10 triệu m3 nước TP phải bơm thì chỉ cần vài hồ điều tiết là có thể chứa khối lượng nước này, sau đó xả từ từ. Đây là giải pháp không phải tốn kém nhiều nhưng lại hiệu quả.

* Giải pháp làm hồ điều tiết để chứa nước đã được đề cập từ nhiều năm qua nhưng tại sao nay chưa triển khai?

- Ban đầu TP đặt hàng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP làm quy hoạch chi tiết nhưng quá trình lấy ý kiến kéo dài, mất khá nhiều thời gian. TP đã giao lại việc này cho Sở Quy hoạch - kiến trúc. Hiện nay các đơn vị liên quan đã thống nhất cơ bản, nếu TP sớm chấp thuận hi vọng có thể triển khai đề án trong vài tháng tới.

* TP sẽ chọn khu vực nào xây hồ điều tiết và quy mô ra sao để có thể hạn chế ngập?

- Phải tính ra những chỗ nước chảy về để quy hoạch và dành đất ở những khu vực đó, chứ không thể rải đều. Theo tôi, TP nên dành những khu đất thấp, dân cư lụp xụp để xây dựng các hồ điều tiết và kết hợp với việc chỉnh trang đô thị tại khu vực này bằng cách gom dân lại.

* Trước đây nhiều nơi được san lấp mặt bằng để xây dựng đô thị, giờ lại tìm đất đào hồ chứa nước, có mâu thuẫn không, thưa ông?

- Điều sai lầm là trước đây chúng ta san lấp ao hồ để làm các khu dân cư, khu đô thị. Như khu dân cư Bình Phú và khu cư xá Đài Rađa (quận 6) trước đây là những vùng trũng, chứa nước từ một số khu vực nội thành dội về. Nhưng khi san lấp các khu vực này để làm khu dân cư thì nay nước chảy về đây lại bị đẩy đi các nơi khác, không còn “không gian” cho nước và các khu xung quanh phải chịu ngập.

Dù có chậm nhưng gần đây TP rất kiên quyết sẽ làm các hồ điều tiết nước, vừa chứa nước mưa vừa điều tiết triều cường, dự phòng cho tình trạng lún của TP cũng như chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao.

“TP nên triển khai cùng lúc nhiều giải pháp như xây dựng hồ điều tiết chứa nước, hạn chế phát triển đô thị trên vùng đất yếu và ngưng khai thác nước ngầm. Cơ quan thẩm quyền nên xem xét “cắt” bớt tầng cao của các công trình để hạn chế đất lún quá nhanh, đồng thời nên sớm triển khai xây dựng các hồ điều tiết chứa nước ở những khu vực khác, nhất là các khu vực đất thấp và đang phát triển đô thị nhanh chóng như khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Thủ Thiêm...

Quan trọng nhất là khu vực Bình Chánh, vì trong tương lai đây là hướng thoát lũ duy nhất còn lại của TP khi một số khu vực dọc sông Sài Gòn hiện đã bao đê, không thể thoát ra sông Sài Gòn. Phát triển các khu công nghiệp tại đây nên cẩn thận và có chính sách phù hợp, khuyến khích các nhà đầu tư thích ứng một phần, đề phòng các tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó không nên “lùa” các khu dân cư ra đây vì quá trình biến đổi khí hậu có thể xảy ra từ từ nhưng thiên tai có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

* TP đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để làm hệ thống cống thoát nước. Với tình trạng lún hiện nay, liệu trong nhiều năm tới hệ thống cống có phát huy hiệu quả?

Khi thiết kế hệ thống thoát nước của TP, các đơn vị liên quan chưa dự trù hết lượng mưa tăng lên như hiện nay nên hệ thống cống đã và đang xây dựng chỉ có thể thoát nước mưa với lưu lượng tối đa 85mm. Nhưng do biến đổi khí hậu, gần đây TP thường xuyên xảy ra nhiều trận mưa lưu lượng lớn từ 100mm trở lên khiến hệ thống cống thoát nước trở nên quá tải.

Nếu tình trạng lún của TP trong những năm tới diễn ra nặng hơn thì hệ thống thoát nước đang làm sẽ lún theo, hiệu quả thoát nước sẽ giảm.

__________

Trong vài thập niên qua, các nhà khoa học nhận thấy việc bơm nước ngầm từ bên dưới thành phố cộng với sự sụt lún đất đai sau hàng thế kỷ xây dựng và định cư của con người đã làm mất sự ổn định nền đất nâng đỡ thành phố.

Phóng to
Một con kênh lớn của Venice - Ảnh: beautifulplacestovisit.com

Một kết quả nghiên cứu mới đây đã gây sốc khi tuyên bố Venice - thành phố nổi thơ mộng của Ý - đang chìm xuống biển nhanh hơn người ta tưởng, và còn bị nghiêng nữa, bất chấp những nỗ lực chống lún của chính phủ.

Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California (Mỹ) mới đây khẳng định Venice đang chìm với tốc độ lên đến 2mm/năm, tương đương 20cm trong vòng 100 năm. Các dải đất bao quanh Venice, lá chắn tự nhiên bảo vệ thành phố, cũng đang lún 2-3mm/năm ở phía bắc và sụt 3-4mm ở khu vực phía nam.

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Geochemistry, Geophysics, Geosystems (tạm dịch Địa hóa học, Địa vật lý, Trắc địa) ngày 28-3 kết luận thành phố đang bị nghiêng về phía đông 1-2mm mỗi năm. “Người ta cho rằng sự sụt lún đã ổn định nhiều, nhưng bây giờ chúng tôi biết rằng nó sẽ tiếp tục lún trong thời gian tới” - trắc địa viên Yehuda Bock thuộc Viện Scripps nói.

Nhanh gấp năm lần

Nhóm của Bock cùng các đồng nghiệp Đại học Miami (Florida, Mỹ) và Công ty đo đạc mặt đất Tele-Rilevamento Europa (Ý) đã sử dụng hệ thống định vị toàn cầu và rađa vệ tinh, kết quả đo đạc cho thấy từ năm 2000-2010 thành phố vẫn đang lún. “Sự ảnh hưởng rất nhỏ nhưng rất quan trọng” - Bock cho biết. Cộng với sự dâng lên của biển Adriatic, thành phố chìm xuống đến 4mm/năm, tương đương 80mm trong vòng 20 năm tới. Họ cũng phát hiện thành phố nổi này bị nghiêng 1-2 mm/năm về hướng đông, điều chưa từng biết đến trước đây.

Tranh cãi và bất đồng nổ ra vì một số chuyên gia, như Pietro Teatini (Đại học Padova) hay Luigi Tosi (Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Ý) cho rằng kết quả này không có gì mới so với một kết luận được đưa ra năm 1992. Nhưng Tổ chức quản lý đầm phá Consorzio Venezia Nuova của Venice không tin điều đó. “Chúng tôi ước tính thành phố chỉ chìm 3-4cm mỗi thế kỷ, (còn) họ lại nói 1-2mm mỗi năm, gấp năm lần tính toán của chúng tôi” - một thành viên tổ chức này cho biết.

Nguyên nhân tự nhiên đóng vai trò không nhỏ trong sự sụt lún của Venice như kiến tạo mảng và sự dâng lên của nước biển. Thành phố cùng nhiều khu vực lân cận đang lún xuống cùng với sự co lại mảng kiến tạo Adriatic bên dưới dãy núi Apennine. Trong thế kỷ 20, Venice lún xuống 120mm trong khi mực nước biển dâng 110mm. Bằng mắt thường cũng có thể nhận ra sự thay đổi khi lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn ở các con kênh của thành phố và người dân phải sử dụng ván gỗ để di chuyển nhiều lần trong năm.

Nhưng yếu tố con người góp phần đẩy Venice chìm nhanh hơn. Trong vài thập niên qua, các nhà khoa học đã nhận thấy việc bơm nước ngầm từ bên dưới thành phố cộng với sự sụt lún đất đai sau hàng thế kỷ xây dựng và định cư của con người đã làm mất sự ổn định nền đất nâng đỡ thành phố.

Lá chắn lũ di động

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ khiến chính quyền Venice bất an hơn. Để hạn chế sụt lún, Venice đã cho ngưng hoàn toàn việc rút nước ngầm từ bên dưới thành phố. Chính quyền cũng cho xây dựng các bức tường di động ngừa lũ MOSE trị giá hàng tỉ USD để bảo vệ thành phố khỏi triều cường và nước biển dâng. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2014, có các cổng tự động đóng khi mực nước vượt mức bình thường 110cm.

Tuy nhiên với mực nước biển được dự báo tăng 50cm đến cuối thế kỷ này, và kết quả nghiên cứu mới đây về mức độ sụt lún khiến người ta hoài nghi khả năng chịu đựng của những rào chắn này. “Họ xây dựng các rào chắn có thể dâng lên khi thủy triều cao và chắc chắn sẽ phải sử dụng chúng thường xuyên” - Bock cho biết.

Song song đó, các quan chức đang tìm cách bảo vệ sinh mạng người dân Venice trước các đợt lụt trong lúc tìm giải pháp ngăn sụt lún. Luigi Tosi, nhà địa chất thuộc Viện Khoa học hàng hải (Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Ý), cho biết ông đang cùng đồng nghiệp tại Đại học Padova thực hiện dự án “nâng” Venice bằng cách bơm nước biển xuống tầng đất cái của thành phố. Dự án nhằm hỗ trợ thêm hệ thống MOSE, sẽ nâng thành phố lên 10cm. “Về lý thuyết thì mô hình mẫu hoạt động tốt nhưng cần thêm nghiên cứu trước khi đưa vào hoạt động” - ông Tosi cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận