Kinh tế kiểu Trump: Một mặt trái khác của toàn cầu hóa

TRUNG TRẦN 13/04/2025 11:33 GMT+7

TTCT - Tham vọng của chương trình thuế đối ứng nhằm tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ có quá nhiều điểm duy ý chí.

mỹ - Ảnh 1.

Biểu tình phản đối chính quyền Trump ở Washington DC. Ảnh: Reuters

Lý thuyết cổ điển của bất cứ thứ gì được coi là sản phẩm phân khúc 3 cấp: rẻ tiền, trung bình và cao cấp. Xét về sản phẩm lao động tương ứng đó là gia công thâm dụng lao động (dệt may, da giày), sản phẩm hàm lượng công nghệ trung bình (đồ điện tử gia dụng, xe hơi) và hàm lượng công nghệ cao (máy bay, chip, phần mềm, AI).

Xung đột giữa hai hướng phát triển

Nước Mỹ bao giờ cũng là tiên phong của phân khúc cao nhất, và họ làm mọi cách để bảo vệ độc quyền của mình ở phân khúc đấy, như kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng gia công chip và máy quang khắc, hay kể cả bằng những phương cách tồi tệ nhất như dọa cấm cửa TikTok để ép nền tảng này phải bán lại cho người Mỹ. 

Chừng đó cũng đủ để bảo đảm vị trí số 1 của mình, xét về doanh thu và lợi nhuận. Nhưng với Tổng thống Donald Trump và chủ nghĩa "nước Mỹ trên hết" của ông, như thế vẫn là chưa đủ, vì theo tiêu chí quan trọng nhất với chính phủ Trump 2.0, thì tình hình đang rất không ổn: số việc làm mới được tạo ra, từ những ngành công nghiệp căn bản.

Toàn cầu hóa tạo hàng triệu công ăn việc làm cho các quốc gia châu Á, và hàng trăm triệu sản phẩm, từ giày Nike, quần jean Levi's đến thép ống, ô tô và đến cả những cái kìm cắt móng tay. 

Những thứ đó có sản phẩm từ lâu người Mỹ đã quên cách sản xuất, như hàng dệt may; có thứ họ không đủ sức cạnh tranh, như lắp ráp ô tô; hay không muốn tham gia vì không thích trả giá cho môi trường, như ngành chế tạo thép.

Câu chuyện điển hình cho sự mất mát thua sút của công nghiệp chế tạo Mỹ là vùng "vành đai gỉ sét" ở bờ tây, nơi có các thủ phủ công nghiệp một thời Detroit (ô tô), Pittsburgh (thép) hay Cleveland (luyện kim). 

Từ 1970 đến 1980, nó biến thành vành đai gỉ sét, khi thép Hàn Quốc và xe hơi Nhật Bản khiến hàng trăm nhà máy ở đây đóng cửa, lấy đi của vùng này hàng triệu việc làm ổn định, thu nhập cao tạo thành tầng lớp trung lưu chủ yếu của một nước Mỹ hùng mạnh cổ điển.

Nạn nhân đầu tiên của toàn cầu hóa, trớ trêu thay, lại là quốc gia cổ xúy mạnh mẽ cho tự do thương mại và phát triển công nghệ. 

Nước Mỹ không nghèo đi vì sự gỉ sét của vành đai công nghiệp, mà nhờ đó, họ tạo ra Thung lũng Silicon, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển công nghệ toàn thế giới, như là minh chứng tiêu biểu cho khái niệm "Phá hủy sáng tạo" của chủ nhân Nobel kinh tế năm 2024 James A. Robinson.

Nhưng không được bao lâu. Ngành công nghiệp ô tô của Mỹ bị tấn công sau 100 năm, còn ngành họ là người tiên phong, đúc chip - có từ thập niên 1960 bởi Fairchild Semiconductor và lên đỉnh bởi Intel thập niên 1980 - chỉ 30 năm sau đã bị cạnh tranh đến mức phải đầu hàng, bởi TSMC hay Samsung. 

Và gần đây, khi AI của Google, Microsoft vừa ra mắt với sự hào nhoáng và những con số khủng khiếp về đầu tư, thì nhanh chóng hơn nhiều so với thời ô tô hay chip, đã có sản phẩm made in China chưa chắc ngon bằng, nhưng bổ và rẻ vẫn được cầu chứng.

Cạn kiệt ý tưởng?

Sự rút ngắn dòng đời về năng lực cạnh tranh với sản phẩm Mỹ từ một thế kỷ, xuống vài thập kỷ, rồi giờ chỉ còn vài năm, làm lợi thế của nước Mỹ càng ngày càng mong manh, nếu họ không liên tục tạo ra những đột phá công nghệ mới. Nhưng kể cả có như thế thì lợi thế đấy không đem lại số lượng việc làm đang mất đi bởi các phân khúc sản phẩm ở dưới.

Vài trăm, kể cả là vài ngàn chuyên gia IT đem lại doanh số hàng tỉ USD, nhưng số việc làm đó sớm muộn cũng giảm dần vì chính thành tựu của nó: AI, và Mỹ có thể là quốc gia đầu tiên rơi vào tình trạng mà tác giả Y. Harari tiên đoán trong 21 bài học thế kỷ 21: 99% dân số là vô dụng vì không có việc làm, mặc dù vẫn giàu có.

Toàn cầu hóa đã cướp đi hàng triệu việc làm của người Mỹ, những người mà chính phủ cần việc cho họ làm, chứ chưa chắc là cần họ làm việc để tạo ra giá trị gia tăng cho nước Mỹ. Có việc làm sẽ là cái cớ để chính phủ trả lương cho người dân Mỹ - và cũng để họ không rảnh rỗi quá mà sinh ra biểu tình, chống đối chính phủ hay đòi thay tổng thống.

Tham vọng của chương trình thuế đối ứng nhằm tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, có lẽ mang tính duy ý chí, vì đặc điểm của giày da, may mặc hay sản xuất tivi, lắp ráp ô tô, chế tạo thép là nhiều nhân công, nguyên vật liệu giá rẻ, ô nhiễm môi trường, chuỗi cung ứng tồn kho zero… Những thứ đó không còn là thế mạnh của nước Mỹ. 

Giờ đây xây dựng được nó phải là Mexico, Trung Quốc, hay đâu đấy phải là Hàn Quốc, Ấn Độ, để hình thành được chuỗi cung ứng mới, chưa chắc tốt hơn, chưa chắc rẻ hơn, nhưng là Mỹ - chứ không phải châu Á kiểm soát.

Chứ còn Mỹ định đưa sản xuất trở lại thì có cảm giác vơ bèo gạt tép thái quá. Khi không tạo được khoảng cách đủ lớn ở phân khúc cao cấp - tức sản phẩm công nghệ, Mỹ quay lại tấn công phân khúc bình dân - không nhằm mục đích chiếm lại thị trường, mà để tạo ra một vùng đệm, hoặc phân tán nội lực của các quốc gia bám đuổi với chiến thuật, mình không mạnh lên nhưng đối thủ sẽ yếu đi.

Toàn cầu hóa thúc đẩy các quốc gia nghèo đói vươn lên nhưng đồng thời cho phép các quốc gia tầm trung có cơ hội trở thành mối đe dọa quốc gia dẫn đầu, và với con bài thuế quan mới của Trump, nó còn có thêm một phụ phẩm: chứng tỏ rằng quốc gia dẫn đầu đã cạn kiệt ý tưởng!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận